image hoi dap
image hoi dap

25 dẫn chứng về thực trạng ô nhiễm môi trường áp dụng vào Nghị luận xã hội

icon-time13/4/2024

Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị ô nhiễm bởi hóa chất gây ô nhiễm vào môi trường tự nhiên gây tác hại tới sức khỏe con người và các sinh vật khác. Dưới đây là 10 dẫn chứng hay, chi tiết do Topbee biên soạn. Mời các bạn tham khảo, lựa chọn dẫn chứng hay khi làm bài văn nghị luận xã hội.


Dẫn chứng về thực trạng ô nhiễm môi trường qua số liệu thực tế


Mẫu số 1

Tháng 4 năm 2016 tại ven biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình Quảng Trị, Thừa Thiên Huế xảy ra sự cố môi trường vô cùng nghiêm trọng do Formosa làm hải sản chết bất thường. Gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường biển cũng như chất lượng cuộc sống của người nhân dân. Được biết Formosa đã không xây lắp bể lọc cho trạm xử lý nước thải sinh hoạt như cam kết.


Mẫu số 2

Công ty mía đường Hòa Bình là đơn vị xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra khu vực sông Bưởi gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước. Vào tháng 5 năm 2016 cá chết hàng loạt trên sông Bưởi tỉnh Hòa Bình gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và kinh tế của người dân trên địa bàn.


Mẫu số 3

Ô nhiễm môi trường bao gồm cả ô nhiễm không khí, mối đe dọa trực tiếp đối với người dân trên khắp thế giới. Ước tính và năm 2018 cho thấy rằng: ô nhiễm không khí đã gây ra khoảng 7.000.000 ca tử vong trên toàn cầu. Ở Việt Nam khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.


Mẫu số 4

Từ tháng 11 năm 2013 đến nay tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc diễn ra rất xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Một lớp sương mù trắng đục và bụi mịn liên tục bao phủ thủ đô. Một trong những lý do là do các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy,…sử dụng với số lượng lớn. Nhiều cơ sở tái chế, các công ty công nghiệp có hệ thống xử lý khí thải chưa đúng quy định.


Mẫu số 5

Ô nhiễm môi trường do tăng lượng chất thải sinh hoạt đang là vấn nạn lớn tại thủ đô Hà Nội. Vẫn còn khoảng 15 % lượng rác thải không được thu gom xử lý mà vứt vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong địa bàn thành phố. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.


Mẫu số 6

Theo thống kê tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trung bình mỗi ngày có khoảng 80 triệu nhựa và nilông được thải ra môi trường. Các chất thải từ nhựa và nilông phải mất hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm mới có thể phân hủy được. Đó là mối lo ngại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa đến các hệ sinh thái và sự phát triển của mỗi quốc gia.


Mẫu số 7 

Hiện nay ở Việt Nam có tổng số hơn 183 khu công nghiệp trong cả nước. Có khoảng 60 % khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, các chất thải chưa đáp ứng theo đúng yêu cầu của việc bảo vệ môi trường. Các loại nước thải từ hóa chất, kim loại nặng được đổ thẳng ra sông hồ. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.


Dẫn chứng về thực trạng ô nhiễm môi trường qua tư liệu thực tế


Mẫu số 8

Trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi bùng nổ, một số người dân khi thấy lợn chết hàng loạt đã không báo cho cơ quan thú y xử lý mà họ đã tự ý đem ném xuống ao hồ. Đó là một việc làm vô cùng nguy hiểm vì sẽ làm lây lan mầm bệnh cho trên cả diện rộng. Ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Do nước từ ao hồ sẽ chảy ra sông và đây là nguồn nước sinh hoạt chính cho rất nhiều gia đình.


Mẫu số 9

Hiện nay Việt Nam được đánh giá là nước có số lượng phương tiện di chuyển là xe máy đứng đầu toàn cầu. Vì vậy hằng ngày chúng ta phải chịu một lượng chất thải lớn, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn. Là nguyên nhân chính gây ra các nhiều bệnh ở con người hiện nay.


Mẫu số 10

Nguy cơ thủng tầng ozone đang là vấn đề toàn cầu đáng lo ngại hiện nay. Tầng ozone có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì đời sống của con người. Một trong những nguyên nhân gây thủng tầng ozone là việc hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Một lượng khí thải lớn trong quá trình sản xuất được xả trực tiếp ra bên ngoài môi trường gây ra các khí độc như: nitơ, CO2, meta,… với nồng độ vô cùng lớn. Điều đấy là những tác nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng.


Mẫu số 11

Việt Nam không thiếu những ngôi làng được xem là làng ung thư khi mà các chất thải từ những khu công nghiệp, nhà máy chưa được xử lý triệt để đã xả thẳng ra môi trường. Ở những khu vực này tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí là 2 điều dễ nhận thấy nhất khi mà các con kênh, rạch màu đen ngòm mùi hôi thối bốc lên kinh khủng.


Dẫn chứng về môi trường qua ca dao, tục ngữ Việt Nam

12. Ai lên nhắn tới nậu nguồn
Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên.
Ai về nhắn với miệt trên,
Rừng cây chặt trụi lụt lên tới nguồn

13. Rác thì chôn lấp gốc cây
Còn đem vứt bậy bệnh lan cả làng

14. Chung tay bảo vệ môi trường
Cây xanh tỏa bóng muôn phương yên bình
Vùng cao miền biển đẹp xinh
Bài ca xây dựng hòa bình màu xanh

15. Muốn cho cuộc sống bình an
Môi trường sinh thái phải làm sạch trong

16. Rừng vàng xanh tốt xiết bao
Lâm tặc tàn phá bằng dao, bằng rìu

17. Thành phố xe cộ kìn kìn
Bụi khói mù mịt không nhìn thấy nhau

18. Bảo vệ cho rừng luôn luôn tồn tại
Rừng sẽ cho ta những của cải bạc vàng.


Dẫn chứng về môi trường qua câu nói nổi tiếng của danh nhân, độc giả 

19.  Lady Bird Johnson - “Môi trường là nơi chúng ta gặp nhau, là nơi đem lại lợi ích cho mọi người, là điều mà tất cả chúng ta đều chia sẻ”.

20. Henry David Thoreau - “Sống theo từng mùa trôi qua, hít thở bầu không khí trong lành, uống ngụm nước mát lạnh và từ bỏ lợi ích cá nhân để hướng đến giá trị chung”.

21. John Muir - "Trong mỗi bước đi cùng với thiên nhiên, chúng ta nhận được nhiều hơn những gì ta tìm kiếm”.

22. Thomas Fuller - “Người trồng cây là những người biết yêu thương người khác”.

23. Franklin D.Roosevelt - “Quốc gia nào không biết bảo vệ đất là đang tự tay giết chính mình. Rừng là lá phổi của chúng ta. Nó giúp làm sạch không khí và tạo ra sức mạnh tươi mới cho tất cả mọi người”.


Đoạn văn Nghị luận xã hội về thực trạng ô nhiễm môi trường


Mẫu số 1

Môi trường là điều quan trọng nhất đối với cuộc sống của chúng ta. Môi trường là không khí cho chúng ta hít thở, nước chúng ta uống và là mọi thứ chúng ta cần cho cuộc sống của mình. Nhưng bây giờ điều quan trọng nhất đối với cuộc sống của chúng ta đang bị ô nhiễm và bằng nhiều cách khác nhau. Sự ô nhiễm này ảnh hưởng đến sức khỏe của các sinh vật. Không khí bị hư hỏng do khói ô tô và xe tải, và các trạm phát điện tạo ra mưa axit phá hủy toàn bộ rừng và hồ. Khi các nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt và than được đốt cháy để cung cấp năng lượng cho việc thắp sáng, đun nấu, v.v ... chúng sẽ tạo thành các khí gây ô nhiễm. Không chỉ trên đất liền mà còn ở biển, dầu tràn gây ô nhiễm nước biển và giết chết các sinh vật biển; chất thải hóa học từ các nhà máy và công trình nước thải, và phân bón nhân tạo từ đất trồng trọt, làm ô nhiễm nước sông, giết chết động vật hoang dã và lây lan dịch bệnh. Chính vì những mối nguy hại đó mà chúng ta hãy thức tỉnh, tuyên truyền và cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ cuộc sống của chúng ta.


Mẫu số 2

Hiện nay, ô nhiễm môi trường là một vấn đề hết sức nghiêm trọng của toàn xã hội. Ô nhiễm môi trường là tình trạng môi trường sống thiếu trong lành, xuất hiện những chất độc hại, chất bẩn gây tác động tiêu cực đến tự nhiên và cuộc sống con người. Môi trường không khí: các nhà máy, khói bụi xe hơi và các loại động cơ khác, đã và đang thải ra môi trường không khí một nguồn cacbon khổng lồ, các loại axit, các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Ô nhiễm môi trường nước: nguồn nước bị nhiễm độc do nước thải, sự cố tràn dầu, khiến cho số lượng nước sạch ngày càng khan hiếm. Ô nhiễm môi trường đất: đất đai ngày càng bị thoái hoá, bị rửa trôi, nhiễm chì, nhiễm độc do rác thải, thuốc trừ sâu. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là do các hoạt động thiếu ý thức của con người: không xử lí rác thải đúng cách, sử dụng quá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật hay đơn giản hơn là vứt rác bừa bãi; vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp bất chấp pháp luật cố ý xả chất thải chưa qua xử lý vào môi trường. Ý thức của người dân còn kém: vô trách nhiệm, chặt phá rừng, xả rác thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm diện rộng không kiểm soát được. Ô nhiễm môi trường gây ra rất nhiều tác hại. Trước tiên, nó gây ra tình trạng hạn hán, lũ lụt. Hơn nữa, nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi con người: nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, không khí bị ô nhiễm gây ra các bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, viêm họng, đau ngực, tức thở,... cho con người. Vậy chúng ta cần phải làm như thế nào để ngăn chặn tình trạng này? Đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Kỹ năng thực tế, biết áp dụng những điều đã học vào việc giữ gìn môi trường cần được chú trọng hơn là việc học nhiều lí thuyết như hiện nay. Và có lẽ để khắc phục hiện tượng vứt rác bừa bãi các cơ quan chức năng nên đề ra chế tài xử phạt nghiêm khắc, có thế người dân mới chủ động chấp hành. Bảo vệ môi trường không chỉ là công việc của chính phủ hay các nhà khoa học. Đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của tất cả chúng ta.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question