image hoi dap
image hoi dap

Bình giảng văn học là gì? Một số cách bình giảng văn học

icon-time29/5/2024

Bình giảng văn học là gì

Bình giảng cũng là một kiểu bài phân tích văn học nhưng là kiểu bài phân tích đặc biệt. Người viết cảm thụ văn chương riêng của mình, vừa phân tích giảng giải, vừa bình cái hay, cái đẹp của thơ văn để cho người đọc cùng tán thưởng về tư tưởng và nghệ thuật của một đoạn văn, đoạn thơ hay một tác phẩm trọn vẹn.


Một số cách bình giảng văn học


1. Diễn tả trực tiếp ấn tượng và cảm xúc về tác phẩm

- Diễn tả trực tiếp là diễn tả thẳng những ý nghĩ, những ấn tượng, những tình cảm và những điều tưởng tượng thú vị của mình khi đọc tác phẩm văn học. Lối bình này đơn giản nhất vì không chú ý phân tích bình luận gì, chỉ diễn tả những cảm nghĩ chủ quan của mình trước một đoạn văn, một câu thơ hay.

- Sức thuyết phục không ở lý lẽ phân tích bàn luận sắc sảo, mà ở chỗ cảm nghĩ có chân thật, chính xác và sâu sắc không và lời diễn tả có đạt không.

Ví dụ:

Hoài Thanh chỉ bình vắn tắt và đơn giản thế này về đoạn thơ sau:

“Nửa đêm sương gội mái đầu

Chòi cao phần phật mấy tàu lá khô”

“Không biết có gì trong cái cảnh “Chòi cao phần phật mấy tàu lá khô” mà câu thơ hay thế”.

Cái tài ở đây chỉ là phát hiện đúng chi tiết hay, và chỉ ra cho người ta chú ý. Người thẩm văn tinh tế, sắc sảo và giàu cảm xúc mới có thể bình hay theo lối này được.


2. Diễn ý phân tích ra thành hình ảnh

- Lối bình này đi đôi với khả năng thiết kế hình ảnh, vừa gợi lại bức tranh của người sáng tác, vừa làm sáng tỏ lý lẽ của nhà phê bình.  

- Đây cũng là cách để làm rõ, làm nổi bật một đặc sắc của tác phẩm.

Ví dụ:

Bình bài ca dao Lính thú thời xưa, Hoài Thanh dựng lên rất đạt hình ảnh con người giả và con người thực của anh lính phải đi trấn thủ lưu đồn. Con người giả tức con người công cụ cồng kềnh đè nặng lên con người thực. “Đến khi con người thực vụt hiện ra được ở cuối bài thơ thì câu thơ bỗng khóc òa lên và người ta không trông thấy gì ngoài những dòng nước mắt”. “Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” (Lính thú thời xưa)


3. Phân tích dựa vào quy luật tâm lí

- Lối bình này đòi hỏi phải có vốn sống lịch lãm. Bình văn chương mà gắn với đời sống thì bao giờ cũng gần gũi, dễ hiểu và tươi mát.

- Cách viết là phân tích quy luật tâm lý của con người ta trong cuộc sống bình thường để soi sáng quy luật của tình cảm, cảm xúc trong văn thơ. Hoặc có khi cũng để làm nổi cái khác thường của tính cách nhân vật.

Ví dụ:

Hoài Thanh viết về cách nổi giận của Từ Hải:

“Một người phi thường như Từ Hải không thể trong lúc giận dữ ném một cái chai, một cái bát, hay đập bàn, đập ghế như cái bọn tầm thường là chúng ta. Từ Hải mà giận dữ hẳn phải kinh khủng như trời đang lặng lẽ bỗng nỗi giông tố, sấm sét:

“Từ Công nghe nói thủy chung

Bất bình nổi giận, đùng đùng sấm vang”.


4. Phân tích dựa vào một tiêu chuẩn nào đấy của nghệ thuật

- Lối bình này đòi hỏi phải thông hiểu lý thuyết trong nhiều lĩnh vực của nghệ thuật và khoa học để vận dụng một cách sáng tạo.

- Đây là cách viết dựa vào một tiêu chuẩn nào đó về giá trị nghệ thuật, để dẫn đến chỗ đánh giá cao một chi tiết hay của tác phẩm.

Ví dụ:  Để khẳng định giá trị nghệ thuật cao của nhân vật văn sỹ Hoàng trong truyện Đôi mắt của Nam Cao, có người đưa ra tiêu chuẩn chung của những nhân vật có phẩm chất nghệ thuật độc đáo: “Những nhân vật như thế thường giống nhau ở đặcđiểm này: Có những chi tiết có vẻ rất ngẫu nhiên,  thậm chí vô nghĩa nữa, vậy mà không thể hình dung ra nhân vật ấy đúng như bản chất của nó nếu như gạt bỏ những chi tiết ấy. Nghĩa là rất ngẫu nhiên mà rất tất yếu. Có vẻ vô nghĩa ấy nhưng không cò không được”.

+ Để bình cái không khí im lặng to lớn và trang nghiêm trong một đoạn thơ, Xuân Diệu đã bàn về giá trị tạo “ngôn ngoại” của cái gọi là “bút pháp im lặng” trong thơ.

+ Hoài Thanh thì vận dụng khái niệm về “độ” của triết học biền chứng để nói cái ranh giới cheo leo giữa hai trạng thái cảm giác, cảm xúc thuộc hai nhân sinh quan tích cực và tiêu cực của con người. 

+ Theo lối này, Nguyễn Tuân còn thề hiện cái độc đáo cũa mình bằng cách vận dụng cả những hiểu biết về nhiều ngành nghệ thuật khác nhau như điện ảnh chẳng hạn, thậm chí cả những quy luật về đạo lý học, sinh vật học… để làm nổi những giá trị văn học mà mình phát hiện.

Tóm lại, mỗi lối bình yêu cầu một vốn tri thức khác nhau, một cách tư duy và năng lực diễn đạt khác nhau. Cái quyết định cuối cùng không phải là lối bình này hay lối bình khác, mà ở chỗ cái hay, cái đẹp của tác phẩm mà ta muốn làm nổi lên có đúng là cái hay, cái đẹp thật không. Và người bình có thật sự cảm thấy cái hay cái đẹp đó không.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question