image hoi dap
image hoi dap

Các cách chuyển ý khi viết văn nghị luận văn học

icon-time20/1/2024

Để giúp bài văn nghị luận trở nên mượt mà, uyển chuyển và liên kết hơn, phải có các cách chuyển ý phù hợp và khéo léo. Hãy cùng Topbee tìm hiểu về Các cách chuyển ý khi viết văn nghị luận văn học qua bài viết sau nhé !


Nghị luận văn học là gì ?

Nghị luận văn học là dạng văn bản dùng để bày tỏ sự cảm thụ tác phẩm văn học theo suy nghĩ của cá nhân, là những lý lẽ để đánh giá, phân tích, bàn bạc về vấn đề thuộc lĩnh vực văn học để khám phá thế giới nội tâm của tác giả, đồng thời tìm ra những giá trị thuyết phục người khác nghe theo quan điểm, ý kiến cá nhân của mình. 

Để viết được một tác phẩm nghị luận văn học sinh động, chân thật thì phải biết cách chuyển ý sao cho khéo léo, tinh tế giúp bài văn mượt mà, uyển chuyển hơn.


Các cách chuyển ý khi viết văn nghị luận văn học

Các cách chuyển ý khi viết văn nghị luận văn học

Cách chuyển ý số 1

Sử dụng các cụm từ “trước tiên, trước hết, tiếp theo, đầu tiên, tiếp đó, hơn nữa, không chỉ vậy,..." Đây là các cách chuyển ý đơn gian mà hiệu quả mỗi khi chúng ta muốn chuyển ý giữa các đoạn văn. Hoặc chúng ta có thể nêu theo số thứ tự các ý: Thứ nhất/ Trước tiên, Thứ hai, thứ ba, cuối cùng,... sau đó đưa nội dung cần phân tích vào!

- Ví dụ 1

Tiếp đó nhà thơ khắc họa vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc qua bức tranh tứ bình:

"Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang"

- Ví dụ 2

Trước hết, tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân được thể hiện qua chiều rộng địa lí.

….

Tiếp đó, nhà văn thể hiện Đất nước qua bề dày của lịch sử

Cách chuyển ý số 2

Sử dụng một câu văn, câu thơ hay nhận định văn học.

- Ví dụ 1

Nhà văn Nam Cao đã từng đưa ra ý kiến cho rằng “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than”. Quan điểm sáng tác ấy cũng được nhà văn thể hiện qua các tác phẩm của ông, những tuyệt tác văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, miêu tả những điều chân thật xuất phát từ đời sống và nội tâm con người.

- Ví dụ 2

"Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Đó chính là một trong số những quan điểm sáng tác của nhà văn Tô Hoài. Trong tác phẩm vợ chồng A Phủ, ông cũng thành công trong việc tái hiện lại số phận cực khổ của những con người bị chèn ép, bóc lột. Đó chính là hiện thực cuộc sống và từ đó nhà văn đề cao ý nghĩa và giá trị của sinh mệnh con người.

Cách chuyển ý số 3

Sử dụng cấu trúc câu: “Hơn cả là…/không những… mà nếu ý sau có mức độ cao hơn mức trước”.

Đây là cách nâng cao hơn, nên người viết cần nắm chắc kiến thức để có thể đạt được hiệu quả một cách tối đa. Với phương pháp này, chúng ta sẽ "tận dụng" sự tương đồng, khác biệt giữa các yếu tố liên quan đến nội dung cần phân tích để viết chuyển đoạn

- Ví dụ 1

Nếu như trong bài thơ “Đồng chí” – Chính Hữu khắc họa hình ảnh người lính chống Pháp bằng bút pháp hiện thực thì Quang Dũng đã dùng biện pháp hiện thực kết hợp với lãng mạn để tô đậm vẻ đẹp hào hùng, hào hoa và sự hi sinh bi tráng của người lính.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

- Ví dụ 2

Không những hiện lên là một người mẹ hiền từ, chất phác, nhân hậu mà bà cụ Tứ còn là người đã thắp sáng niềm tin cho các con về một tương lai tốt đẹp hơn.

Cách chuyển ý số 4

Sử dụng cấu trúc câu: “Do nên… dẫn đến/ Sở dĩ… là vì” nếu ý trước và sau có quan hệ nguyên nhân - kết quả.

- Ví dụ: Sở dĩ Mị cởi trói cho A Phủ, là vì Mị nhìn thấy bản thân mình trong hoàn cảnh của A Phủ, Mị thương xót cho số phận của A Phủ cũng như chính bản thân mình.

Cách chuyển ý số 5

Sử dụng cấu trúc câu: “Bên cạnh… còn có” nếu ý trước và ý sau có quan hệ ngang hàng.

- Ví dụ: Bên cạnh vẻ đẹp bình dị của một người lao động, ông lái đò còn có vẻ đẹp tài hoa của một người nghệ sĩ. Điều đó được thể hiện qua cuộc vượt thác mà Nguyễn Tuân đã khắc họa đầy cam go, kịch tính giống như một trận chiến.

Cách chuyển ý số 6

Sử dụng cấu trúc câu: “Nếu… thì…” nếu muốn tóm tắt ý và mở ra ý mới.

Khái quát lại nội dung của đoạn trên và trình bày, giới thiệu nội dung của đoạn tiếp theo. Với phương pháp này, chúng ta thường sử dụng các quan hệ từ: Nếu “nội dung đoạn 1” thì “nội dung đoạn 2” hay Không chỉ “nội dung 1”, mà còn “nội dung 2”, Bên cạnh “nội dung 1 “ còn có “nội dung 2”...

- Ví dụ:  Nếu ở khổ thơ thứ nhất, Quang Dũng nói về nỗi nhớ của người lính Tây Tiến dành cho núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và đoàn quân Tây Tiến anh hùng, thì đến khổ thơ tiếp theo, tác giả đã tái hiện lại đêm vui liên hoan văn nghệ và bức tranh sông nước miền Tây Bắc hư ảo.

Hứa Ngọc Khánh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question