image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận 17 câu thơ cuối của bài thơ Đất Nước

icon-time2/12/2023

Mọi cảm xúc, tâm tư, tình cảm của bài thơ được Nguyễn Khoa Điềm kết tinh lại qua những câu thơ cuối, làm nổi bật nên tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”. Hãy cùng tôi tham khảo qua bài viết dưới đây!


Dàn ý Cảm nhận 17 câu thơ cuối của bài thơ Đất Nước

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm 

- Nêu vấn đề cần nghị luận (cảm nhận 17 câu thơ cuối của bài thơ Đất Nước)

2. Thân bài:

- “Họ giữ và truyền…qua con cúi”: ca ngợi công lao sáng tạo và lưu truyền những giá trị vật chất của nhân dân 

- “Họ truyền…chuyến di dân”: công lao của nhân dân trong việc lưu truyền ngôn ngữ dân tộc

- “Họ đắp đập…vùng lên đánh bại”: vai trò của nhân dân trong việc gìn giữ và lưu truyền những truyền thống dân tộc

- “Để Đất Nước…thần thoại”: Đất nước của nhân dân

- “Dạy anh biết…trăm dáng sông xuôi”: những vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ trong tính cách dân tộc 

3. Kết bài:

- Khái quát lại nội dung, nghệ thuật

- Bài học cho thế hệ sau

Cảm nhận 17 câu thơ cuối của bài thơ Đất Nước

Cảm nhận 17 câu thơ cuối của bài thơ Đất Nước

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông đã đem đến cho nền thi ca chống Mỹ một tiếng nói mới mẻ, đầy trẻ trung của tuổi trẻ Việt Nam anh hùng về vai trò, trách nhiệm của một công dân, một người lính đối với Đất Nước. “Trường ca mặt đường cách mạng” được Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành ở chiến khu Trị- Thiên vào năm 1971, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông, đất nước, về sứ mệnh của mình. Đặc biệt qua 17 câu thơ cuối tác phẩm, Nguyễn Khoa Điềm làm rõ tư tưởng Đất Nước của nhân dân, nhân dân là người làm nên Đất Nước:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”

Trong cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm nhân dân không chỉ có công làm lên lịch sử dân tộc mà chính nhân dân là những người giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần cho Đất Nước:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi”

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân dân ta truyền lúa cho đời sau cũng có nghĩa là truyền giữ một nền văn minh lúa nước, một điều kiện cơ bản cho dân tộc tồn tại và phát triển. Câu thơ là lời ca ngợi những người nông dân trong việc lưu truyền những giá trị vật chất cho Đất Nước, những hạt lúa được đánh đổi bằng bao giọt mồ hôi đã trở thành hạt ngọc, đã nuôi sống nhân dân ta từ bao đời nay. Gắn liền với truyền và giữ hạt lúa để cho ta tồn tại và phát triển là sự truyền giữ ngọn lửa từ đời này qua đời khác. Và ngọn lửa đó giữ trong những cuộn rơm bền chặt đã mang lại sự sống. Đó là cách truyền lửa thủ công, đơn giản nhưng bao ý nghĩa sâu sắc, truyền lửa qua thời gian là một sự sáng tạo độc đáo của nhân dân ta.

“Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”

Một nét đẹp văn hóa tiếp theo được Nguyễn Khoa Điềm đưa vào bài thơ là ngôn ngữ giọng điệu của dân tộc. Đất Nước ta có những vùng miền và mỗi vùng miền lại có một giọng điệu riêng. Giọng điệu ấy được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính giọng điệu ấy là một phần của Đất Nước, là một minh chứng tôn vinh tình yêu truyền thống văn hóa. Trong quá trình di dân, người dân thường lấy tên làng xã quê hương để đặt cho nơi mà họ sẽ sống quãng đường còn lại. Qua đó thể hiện nỗi niềm nhớ thương quê hương của mình, mang vẻ đẹp của quê hương lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Những dòng thơ tiếp theo ca ngợi vai trò của nhân dân trong việc giữ gìn và lưu truyền những truyền thống đẹp đẽ của Đất Nước: 

“Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại”

Dòng thơ đầu tiên nói lên sự kết nối giữa các thế hệ. Đó là đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Cái đạo lý luôn vì đời sau mà cố gắng. Truyền thống đạo lý ấy cũng chính là một vẻ đẹp trong tâm hồn dân tộc. Hai câu cuối đoạn thơ là một sự tổng kết đầy tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất của nhân dân trong chiến đấu. Đây là một vẻ đẹp làm nên văn hóa Việt Nam. Với giọng điệu ngợi ca và nghệ thuật điệp cấu trúc, hai câu thơ nhấn mạnh phẩm chất anh hùng trong mỗi người dân đất Việt. Mỗi khi đất nước lâm nguy, tinh thần bất khuất, sẵn sàng chiến đấu luôn tồn tại trong mỗi con người Việt Nam. 

“Để Đất Nước này là...

…ca dao thần thoại”

Hai câu thơ khái quát và quy nạp những suy tư của Nguyễn Khoa Điềm với người làm ra Đất nước là nhân dân.Nhà thơ đã mang lại cho người đọc sự hình dung về một Đất Nước đẹp đẽ, lãng mạn nên thơ:

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

Đó là lời thơ ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam. Một dân tộc giàu tình yêu, có tâm hồn trong sáng và lãng mạn. Tình yêu ấy cũng góp phần làm nên vẻ đẹp của Đất Nước. Đó là lời nhắn gửi sâu sắc của nhân dân hãy biết sống trọn tình trọn nghĩa. Đó còn là bài học đáng quý mà những người đi trước muốn truyền dạy cho thế hệ con cháu sau này. Đã là người Việt Nam thì không thể chỉ biết yêu thương tình nghĩa mà còn phải biết căm thù những kẻ muốn xâm phạm đến Đất Nước. Bốn câu thơ kết thúc bài thơ cũng là kết thúc trang thơ Đất Nước với những lời thơ thật đẹp đẽ. Mỗi dòng sông đều có một khởi nguồn riêng, nhưng đều bắt nguồn từ những câu hát. Ẩn sâu sau mỗi điệu hò trên sông là vẻ đẹp của tâm hồn con người Việt, một tâm hồn dân tộc không chỉ biết chiến đấu mà còn rất lãng mạn nên thơ.

Đoạn thơ là sự khái quát mang màu sắc triết luận với tư tưởng chủ đạo của cả trang thơ: “Đất Nước của nhân dân”. Bằng việc sử dụng chất liệu của văn hóa dân gian Nguyễn Khoa Điềm đã làm hiện lên những vẻ đẹp độc đáo của Đất Nước. Làm nổi bật lên tâm hồn phong phú và có chiều sâu văn hóa của con người Việt Nam. Bằng việc sử dụng hình thức biểu đạt giàu suy tư, giọng thơ trữ tình chính trị thiết tha sâu lắng Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến những trang thơ Đất Nước đầy tự hào. Đó còn là lời nhắn nhủ đến thế hệ sau, hãy luôn biết duy trì và phát triển những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã để lại. Ngày càng học hỏi để mang những giá trị văn hóa của Việt Nam vươn tầm thế giới.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question