image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận bài thơ Về thăm mẹ ngắn gọn

icon-time28/5/2023

Về thăm mẹ là một bài thơ xuất sắc của Đinh Nam Khương. Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương và sự trân trọng, gắn bó sâu sắc của người con dành cho mẹ già của mình. Hãy cùng Cảm nhận bài thơ Về thăm mẹ ngắn gọn dưới đây để hiểu thêm về vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, tha thiết.


Dàn ý Cảm nhận bài thơ Về thăm mẹ ngắn gọn.

1, Mở bài.

- Giới thiệu tác phẩm Về thăm mẹ của Đinh Nam Khương.

- Cảm nhận chung về bài thơ: Thấm thía hơn về tình mẹ, trân trọng những giây phút còn có mẹ bên cạnh.

2, Thân bài.

- Hoàn cảnh về thăm mẹ trong một buổi chiều đông rét mướt.

- Khung cảnh bình dị, quen thuộc của cuộc sống hiện ra dưới đôi mắt quan sát của con.

- Hình ảnh mẹ bộc lộ gián tiếp qua áo tơi, nón mê => những hình ảnh ẩn dụ đắt giá gợi cuộc sống lam lũ, vất vả của mẹ.

- Tình yêu thương của mẹ dành cho con qua hình ảnh trái na cuối vụ để dành cho con.

- Xúc động sâu sắc với tình mẹ, cảm thương cho người mẹ nghèo lam lũ nhưng vẫn dành cho con tình yêu thương.

3, Kết bài.

- Khẳng định cảm xúc về bài thơ.

- Liên hệ, mở rộng


Cảm nhận bài thơ Về thăm mẹ ngắn gọn

     Một buổi chiều đông rét mướt đứa con xa nhà lâu ngày có dịp về thăm mẹ. Cảnh cũ kỹ, xác xơ của ngôi nhà khiến trong lòng đứa con day dứt trong nỗi xót xa về mẹ. Thể hiện tình cảm ấy nhà thơ Đinh Nam Khương đã có những vần thơ vô cùng xúc động trong bài “Về thăm mẹ”.

Con về thăm mẹ chiều đông

Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà

Mình con thơ thẩn vào ra

Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi.

     Hình ảnh đầu tiên đập vào trong mắt nhà thơ là căn bếp lạnh lẽo, không có hơi ấm, không có khói vì mẹ không có nhà. Với ký ức của bao người thì gian bếp vẫn luôn là nơi thiêng liêng và gắn bó nhiều kỷ niệm nhất. Gian bếp không có mẹ thổi cơm, nấu bèo, không có mẹ sưởi ấm nên trở nên lạnh lẽo. Thế nên trạng thái của người con là “thơ thẩn vào ra” vì trống vắng, vì nhớ mẹ, nỗi nhớ ấy dường như khiến không gian xung quanh, cảnh vật, bầu trời cũng như cảm nhận được nên “trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi”.

Chum tương mẹ đã đậy rồi

Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa

Áo tơi qua buổi cày bừa

Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.

     Dưới cơn mưa rét buốt của ngày đông, khung cảnh gian nhà xơ xác, thiếu thốn hiện ra trong mắt đứa con với bao niềm xót xa, thương cảm. Những thứ bình dị của cuộc sống vẫn gắn với đời mẹ như chum tương, nón mê, áo tơi, người rơm hiện ra cũng là hình ảnh ẩn dụ đặc sắc tượng trưng cho người mẹ nghèo lam lũ, vất vả. Chiếc nón mê rách rưới, chiếc áo tơi cũ kỹ bạc màu qua tháng năm là hình ảnh của người mẹ lao động, gợi ra cả niềm xót xa, thương cảm của con. Cả cuộc đời của mẹ gắn với những thứ tầm thường, bình dị ấy, nhưng với con đó cũng là những thứ thật thân thương, là kỷ niệm và cũng là hình bóng của mẹ. Dưới con mắt quan sát của người con những đồ vật tầm thường gắn bó với mẹ giờ đây trở nên thân thương, thiêng liêng đến lạ lùng.

Cảm nhận bài thơ Về thăm mẹ ngắn gọn

Đàn gà mới nở vàng ươm

Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.

     Đó là một đàn gà mới nở do bàn tay mẹ chăm sóc, một trái na cuối vụ rụng từ trên cành xuống. Trái na ấy là món quà thơm thảo của cây trái trong nhà mẹ để dành cho con. Cũng là kết tinh tình yêu thương bao la của người mẹ nghèo. Mẹ chẳng cho con được thứ quà xa xỉ nhưng những thứ giản dị cho chính tay mẹ trồng ấy với con là những món quà có giá trị và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

     Tình cảm của nhà thơ cứ phát triển dần xuất phát từ cái nhìn quan sát những thứ xung quanh ngôi nhà, gắn với người mẹ nghèo, để rồi kết tinh thành hai tiếng “nghẹn ngào”, “thương mẹ nhiều hơn.

     Càng thấu hiểu nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ bao nhiêu, người con càng nghẹn ngào thương mẹ bấy nhiêu. Nhìn cảnh vật, người con cảm thấy xúc động đến bật khóc.

Cảm nhận bài thơ Về thăm mẹ ngắn gọn ảnh 2

     Bài thơ Về thăm mẹ sử dụng thể thơ lục bát truyền thống, chọn lọc hình ảnh giản dị, gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Dường như nhà thơ không sử dụng kỹ thuật nhiều, chỉ đơn giản nhặt nhạnh, ghi chép những điều bình dị nhìn thấy vào trong thơ ca. Điều này hoàn toàn phù hợp với việc thể hiện những tình cảm chân thành, tha thiết từ đáy lòng của đứa con gửi đến mẹ. Sự bình thường, giản dị, không cần cầu kỳ hoa mỹ khi đi vào trong thơ ca vẫn có sức hấp dẫn lạ lùng với người đọc chính nhờ tình cảm yêu thương của tác giả gửi gắm vào đó.

     Bằng giọng thơ sâu lắng, bài thơ “Về thăm mẹ” đã thể hiện được tình mẫu tử thật đáng trân trọng. Từ đó, mỗi người đọc thêm yêu hơn, trân trọng hơn những người mẹ của mình, cố gắng sống tốt hơn để không phụ tình yêu thương của mẹ dành cho mình.

 -----------------------------------------------------------------------

Trên đây là bài Cảm nhận bài thơ Về thăm mẹ ngắn gọn . Qua đó, cho thấy được tình cảm, sự yêu mến, trân trọng với cuộc đời lam lũ của mẹ, cùng tình mẹ bao la như trời biển. Hy vọng với bài văn này Topbee sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

Phạm Liên
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question