image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận của anh/chị về người đàn bà trong Giàn bầu trước ngõ

icon-time11/5/2024

“Giàn bầu trước ngõ” là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Qua tác phẩm này, nhân vật người bà đã gây ấn tượng sâu sắc với người đọc qua những phẩm chất đáng quý.

Cảm nhận về người đàn bà trong Giàn bầu trước ngõ

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở tỉnh Cà Mau, xuất thân trong một gia đình nhà nông. Tác giả là một nữ nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết lách và giọng văn đậm chất Nam bộ, cô được biết đến với các tác phẩm tiêu biểu như: tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”, “Khói trời lộng lẫy”,... Và có thể nói, “Giàn bầu trước ngõ” là một tác phẩm đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của nhà văn. Người bà là nhân vật trung tâm của tác phẩm được miêu tả là một người phụ nữ già luôn giữ hình bóng chốn thôn quê trong tim.

Đi cùng với người đọc xuyên suốt cả tác phẩm là giọng văn nhẹ nhàng, êm dịu nhưng dường như lại có sức mạnh ghê gớm khiến cho người đọc cảm thấy khóe mắt cay cay. Tác phẩm “Giàn bầu trước ngõ” được viết theo ngôi thứ nhất, người kể xưng “tôi” là người trực tiếp xuất hiện trong câu chuyện và theo mạch cảm xúc của nhân vật “tôi”, người đọc chúng ta được nghe kể về người bà nội và giàn bầu trước nhà. Câu chuyện được mở đầu bởi những cảm nhận của các thành viên trong gia đình về giàn bầu bà trồng, “tôi không thích khi cưỡi xe vào tận thềm nhà lại phải rạp mình dưới giàn bầu ấy”, “chị và mẹ tôi lại ngại tóc rối”, “cha tôi khó chịu khi phải dắt quan khách len lỏi bên mấy trái bầu để vào căn nhà sang trọng. Rõ ràng, trong gia đình, ngoại trừ bà thì không mấy ai có thiện cảm với giàn bầu, dù rằng thoạt đầu cả nhà ai cũng thích thú. Với lối miêu tả sống động hình ảnh những quả bầu “xanh xanh, bằng đầu đũa,...” và mùi vị thơm ngon của miếng bầu “trong veo, ngọt lịm”, tác giả không chỉ thể hiện tài năng sử dụng ngôn từ điêu luyện của mình mà còn cho thấy tình yêu thương mà bà đã dồn vào khi chăm sóc giàn bầu. Dẫu cho đối với mọi người trong gia đình, giàn bầu là một thứ gì đó gây bất tiện và cản trở, chỉ có giá trị rất thấp về mặt vật chất “chúng tôi ngán tận cổ, không ai ăn,...”; thì đối với bà, giàn bầu xanh mướt ấy mang một giá trị tinh thần sâu sắc, là hình ảnh biểu tượng gợi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Lý do có sự khác biệt này có lẽ là vì bà sinh ra và lớn lên nơi thôn quê nên càng thêm trân trọng những giá trị tinh thần, khác với gia đình nhân vật “tôi” vốn sinh sống trong thành phố đã lâu.

Cảm nhận của anh/chị về người đàn bà trong Giàn bầu trước ngõ

Câu nói của bà: “Nội làm lặt vặt quen rồi. Trồng trọt cho đỡ nhớ quê” đã khắc họa một cách rõ nét hơn sự thủy chung, tình yêu quê hương. Trong ấn tượng của nhân vật “tôi”, quê của nội “heo hút muốn về phải đi mấy chặng xe, tàu… Cái quê đèn cầy, đèn cóc, đem nhóc nhen kêu buồn nẫu ruột, mùa lũ, lơ phơ chỉ thấy mấy nóc nhà”. Thế nhưng đối với bà, cái quê ấy xinh đẹp và thiêng liêng xiết bao. Ấy vậy nên khi lên thành phố, bà cảm thấy lạ, không quen “đến mức bà thẩn thơ vào rồi lại thơ thẩn ra”. Bà là người con của làng quê Việt Nam, hình bóng quê cũ hiện lên trong tim bà không chỉ qua giàn bầu bà chăm, mà còn ở cách làm mấy món bánh quê “bánh khọt, bánh tổ” và “mặt dây chuyền từ vỏ đồ khô”. Tất cả những hành động và suy nghĩ của bà đều đậm chất người thôn quê, chân chất, thật thà, có phần khác rõ với những người thành thị. Dường như bà đã mang cả nỗi nhớ quê hương tha thiết lên thành phố với bà, chứ không phải chỉ “bát hương của ông, bát hương của chú út”.

Không chỉ dừng lại ở đó, những hành động tích cực của bà đã ảnh hưởng nhiều đến những người trong gia đình và xung quanh. Người đọc có thể nhận thấy được điều này, đầu tiên là ở thái độ của ông chủ tịch, sau đó là sự thay đổi trong cách nhìn nhận mấy mảnh bầu làm thành mặt dây chuyền của bà, hay như cách mà “mấy anh chị sinh viên đạp xe ngang dừng lại nhìn qua rào rồi kháo nhau “Nhớ nhà quá, tụi mày ơi””. Dường như bà đã thành công gieo vào lòng những nhân vật khác dáng hình quê hương, đất nước, là biểu tượng cho một hồn quê giản dị, bình yên.

Có thể nói, nhân vật người bà trong tác phẩm “Giàn bầu trước ngõ” là một hình mẫu lý tưởng cho người phụ nữ với tấm lòng trĩu nặng tình yêu quê hương. Người bà đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng độc giả qua những phẩm chất đáng quý của mình. Bà là một người có tình cảm sâu nặng với quê hương, khi đi xa luôn nặng lòng nhớ về chốn cũ, vừa là một người phụ nữ khéo léo, đảm đang, giàu lòng yêu thương con cháu và truyền cho thế hệ đi sau tình yêu quê hương đất nước. Với giọng văn kể mềm mại mà sâu sắc, nghệ thuật chắt lọc ngôn từ đạt đến mức tinh tế, vừa gần gũi vừa sâu lắng, tác giả đã diễn tả thành công cảm xúc của các nhân vật và gợi sự đồng điệu trong tâm hồn người đọc. Là một độc giả, tôi xin chân thành cảm ơn nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vì tác phẩm ý nghĩa mà cô đã mang đến. Tôi tin rằng những giá trị sâu sắc mà tác phẩm này mang lại sẽ còn tồn tại mãi về sau.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question