image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận của anh/chị về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích: Những tấm ảnh tôi mang về...

icon-time16/11/2023

Đề bài: 

Trong phần kết thúc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn Nguyễn Minh Châu viết:

Những tấm ảnh tôi mang về, đã được chọn lấy một tấm. Trưởng phòng rất bằng lòng về tôi. Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…

(Theo Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam,2019, tr.77-78)

Cảm nhận của anh/chị về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về quan niệm nghệ thuật chân chính của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Cảm nhận của anh/chị về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích: Những tấm ảnh tôi mang về...

Mục lục nội dung

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm 

- Nêu vấn đề cần nghị luận

- Nêu vấn đề phụ

2. Thân bài

- Hoàn cảnh ra đời tác phẩm

- “Những tấm ảnh tôi mang về...rất bằng lòng” tấm ảnh có giá trị lâu bền, được mọi người yêu 

- “Cái màu hồng hồng của ánh sương mai” Đó là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, cũng là biểu tượng của nghệ thuật

- Nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy...có miếng vá=> là hiện thân của những lam lũ, khốn khó là sự thật của cuộc đời

- Nghệ thuật không thể tác tách rời, thoát ly khỏi cuộc sống, phải được làm lên từ cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời

Nghệ thuật:

- Giọng văn đầy chiêm nghiệm, giàu chất triết 

- Xây dựng nhân vật phát hiện

- Ngôn ngữ giản dị linh hoạt mang hơi thở của cuộc sống.

Vấn đề phụ:

- Là người nghệ sĩ chân chính, phải luôn trung thực, dũng cảm nhìn thẳng vào hiện thực, phải có tấm lòng biết trăn trở về số phận của con người

- Cái nhìn cuộc đời ấy phải luôn sâu sắc, đa chiều, có sự trải nghiệm không hề đơn giản

3. Kết bài: khẳng định lại giá trị


Bài văn mẫu

Nguyễn Minh Châu là người mở đường và là cây bút tiên phong trong phong trào văn học thời kỳ đổi mới. Truyện của ông thường viết về tinh thần dũng cảm, sự hy sinh vì tự do đất nước vì cách mạng. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20 Nguyễn Minh Châu chuyển hướng sáng tác, ông đi vào khám phá những vấn đề về đạo đức, triết lí nhân sinh. “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông. Tác phẩm khắc họa cái nhìn đa chiều về cuộc sống, đặc biệt qua những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng qua đoạn trích: “Những tấm ảnh tôi mang về,…hòa lẫn trong đám đông”. Từ đó, giúp ta có cái nhìn về quan niệm nghệ thuật chân chính của nhà văn Nguyễn Minh Châu

Chiếc thuyền ngoài xa ra đời vào năm 1983, khi đất nước đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Trong giai đoạn này đất nước có nhiều đổi mới, tạo ra nhiều cái nhìn về cuộc sống. Những khám phá suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng được thể hiện qua chi tiết bức ảnh nghệ thuật trong đoạn cuối bài văn. Những hình ảnh xuất hiện trong tấm ảnh của Phùng là bức ảnh chụp lại cảnh đất trời trong khoảnh khắc hiếm hoi mà Phùng được chiêm ngưỡng buổi ban mai hôm ấy. Đó là một khung cảnh từ đường nét mang màu sắc đến ánh sáng đều đẹp một cách hoàn hảo. “Những tấm ảnh tôi mang về, đã được chọn lấy một tấm. Trưởng phòng rất bằng lòng về tôi”. Tấm ảnh mà Phùng mang về có giá trị lâu bền, được mọi người yêu thích. Sự đánh giá cao ấy xứng đáng với công sức Phùng bỏ ra để “phục kích” nhiều ngày mới chụp được. Tấm ảnh của Phùng là để phục vụ cho bộ lịch năm mới. Tuy nhiên nó đã vượt qua số phận của một tấm ảnh lịch trở thành một tác phẩm nghệ thuật được công chúng đón nhận. Điều đó là sự trả công xứng đáng cho những nỗ lực hết mình vì nghệ thuật của Phùng. Đối với công chúng, tấm ảnh của Phùng là một tác phẩm nghệ thuật chụp bằng thước phim đen trắng. Nhưng đối với Phùng chưa hẳn là như vậy. Tuy bức ảnh thật hoàn mỹ nhưng câu chuyện đằng sau bức ảnh ấy lại khiến Phùng không khỏi dây rứt. Phùng là người nghệ sĩ, là chủ nhân của bức ảnh. Thế nhưng trong đoạn văn, ta lại thấy Phùng đã hơn một lần ngắm kỹ rồi lại ngắm lâu hơn. Điều đó cho thấy, Phùng vẫn không thôi băn khoăn, trăn trở. Dù đó là bức ảnh đen trắng, nhưng mỗi lần ngắm kỹ Phùng lại thấy “cái màu hồng hồng của ánh sương mai” cái màu sắc khiến Phùng say mê khi chụp tấm ảnh. Đó là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, cũng là biểu tượng của nghệ thuật. Màu hồng ấy phải chăng là biểu tượng cho cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống. Phải chăng đó là vẻ đẹp của tâm hồn người đàn bà hàng chài: nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng,...” đó là người đàn bà hang chài mà Phùng đã gặp trong chuyến đi công tác. Người đàn bà ấy là hiện thân của những lam lũ, khốn khó là sự thật của cuộc đời. Chi tiết bức ảnh là một chi tiết giàu giá trị nghệ thuật, nó nói lên mối quan hệ giữa nghệ sĩ, giữa nghệ thuật với hiện thực đời thường. Bằng chi tiết ấy, Nguyễn Minh Châu đã kết thúc tác phẩm của mình nhưng lại mở ra bao suy tư trong lòng người đọc. Nghệ thuật không thể tác tách rời, thoát ly khỏi cuộc sống, phải được làm lên từ cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời. Qua đó ta thấy được giọng văn đầy chiêm nghiệm, giàu chất triết lý của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Nhà văn đã xây dựng nhân vật Phùng thuộc kiểu nhân vật phát hiện, nhân vật được đặt trong một chuỗi tình huống. Nhờ đó tác giả thể hiện những khám phá về sự thật của cuộc đời và về chính bản thân mình. Ngôn ngữ giản dị linh hoạt mang hơi thở của cuộc sống.

Qua đoạn trích trên, ta thấy được quan niệm nghệ thuật chân chính của nhà văn. Đó là người nghệ sĩ chân chính, phải luôn trung thực, dũng cảm nhìn thẳng vào hiện thực, phải có tấm lòng biết trăn trở về số phận của con người. Đó là những trăn trở, suy tư, băn khoăn của nghệ sĩ Phùng về người đàn bà hàng chài, về những nghịch lí mâu thuẫn của cuộc sống đời thường. Câu chuyện của người đàn bà khiến Phùng phải thay đổi cách nhìn về con người và cuộc đời. Cái nhìn cuộc đời ấy phải luôn sâu sắc, đa chiều, có sự trải nghiệm không hề đơn giản. Một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải là tác phẩm nghệ thuật thể hiện được chiều sâu bản chất của hiện thực không thể tách rời hiện thực cuộc sống.

Qua câu chuyện về bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời sau bức ảnh đó Nguyễn Minh Châu đã gửi đến người đọc một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận con người và cuộc sống: phải có cái nhìn đa chiều mới có thể phát hiện được bản chất thật đằng sau vẻ bề ngoài của cuộc sống.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question