image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận đoạn thơ Ở ngoài kia đại dương. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu thể hiện trong đoạn thơ

icon-time28/5/2024

Cảm nhận đoạn thơ Ở ngoài kia đại dương. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu thể hiện trong đoạn thơ là một trong những 100 dàn ý được Topbee tổng hợp và biên soạn cho các bạn thi tốt nghiệp THPT 2024. Mời các bạn đón đọc

Đề bài

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu thể hiện trong đoạn thơ.

“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.

(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2011, tr.155)

Hướng dẫn làm bài

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả - tác phẩm:

+ Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

+ Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, luôn khao khát hạnh phúc bình dị đời thường; đồng thời cũng là tiếng lòng của một người nhiều âu lo, luôn day dứt, trăn trở trong tình yêu.

+ Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập “Hoa dọc chiến hào”.

- Dẫn vào vấn đề cần nghị luận: Đoạn thơ sau đây thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tình yêu chân thành, đồng thời cũng là những băn khoăn, lo lắng của người phụ nữ trong tình yêu:

“Ở ngoài kia đại dương

   …………

Để ngàn năm còn vỗ”

2. Thân bài

2.1. Giới thiệu khái quát

Trong đoạn thơ, song song với hình tượng “sóng” là hình tượng “em”. “Sóng” là hình ảnh ẩn dụ cho tâm trạng của người con gái đang yêu, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình. Hai hình tượng “sóng”“em” tuy hai nhưng là một, tuy một nhưng lại là hai. Có lúc phân đôi ra để soi chiếu, làm nổi bật sự tương đồng, có lúc lại hòa nhập vào nhau để tạo nên sự cộng hưởng.

2.2. Phân tích đoạn thơ:

a. Khổ 7: Niềm tin vào tình yêu đích thực

- Hai câu thơ đầu cất lên niềm tin:

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó” 

 + Hai chữ “đại dương” gợi lên sự vô cùng vô tận của biển cả mênh mông, của vũ trụ bao la. 

 + Cách nói “trăm ngàn” là ước lượng hoá, thực chất là gợi lại quy luật của tự nhiên: sóng dù “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước”; là “dữ dội, ồn ào” hay “dịu êm, lặng lẽ”, dù ngày hay đêm thì vẫn là những con sóng miên man, dạt dào với cuộc hành trình tìm về bến bờ quen thuộc.

- Hai câu thơ sau là sự khẳng định:

“Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”

+ Câu thơ đầu được viết theo thể câu khẳng định “con nào chẳng tới bờ”, câu sau như một điều kiện “dù muôn vời cách trở”. Đây là một cách viết tinh tế. Điều này làm cho ý thơ bỗng trở nên đầy ắp niềm tin mãnh liệt về những con sóng. Sóng dù muôn vời những khó khăn và trở ngại, dù bão tố phong ba ngăn cản cuộc hành trình thì nó vẫn vẫn vượt qua để đến với bờ. 

+ Cũng như sóng, trong tình yêu, người phụ nữ luôn tin tưởng mình sẽ vượt qua những éo le, nghịch cảnh để đến được với người mình yêu, để được sống trọn vẹn trong hạnh phúc lứa đôi.

b. Khổ 8: Những băn khoăn, lo lắng trong tình yêu

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”

- “Cuộc đời”“năm tháng”, “biển rộng”“mây trời” và kiểu câu điều kiện “tuy –vẫn; dẫu – vẫn” kết hợp các tính từ “dài – rộng – xa” tạo nên nỗi day dứt ám ảnh. 

- Đặt cái hữu hạn vào cái vô hạn tận của thời gian, nữ sĩ như thấy mình nhỏ bé, mong manh. Cuộc đời thì dài nhưng năm tháng vẫn cứ thế đi qua; biển dẫu rộng nhưng không níu nổi một đám mây bay về vuối chân trời; thời gian vô thuỷ vô chung mà quỹ thời gian tuổi xuân của mỗi con người lại hữu hạn. Cuộc đời tưởng là dài, nhưng trong dòng thời gian chảy trôi bất tận, giữa trời biển bao la, con người có thể chỉ là một thoáng phù vân. Với người phụ nữ, điều ám ảnh nhất vẫn là sợ sự tàn phai: tàn phai năm tháng, tàn phai của tuổi trẻ, của nhan sắc và theo đó là sự tàn phai của tình yêu. 

- Lo lắng nhưng người phụ nữ ấy vẫn luôn tin vào tương lai của tình yêu, vào ý nghĩa đích thực của tình yêu. Chính sự nhạy cảm và day dứt của cái tôi Xuân Quỳnh trước thời gian và kiếp người đã làm cho hồn thơ này trở nên tha thiết mãnh liệt hơn giữa cuộc đời.

c. Khổ 9: Khát vọng được bất tử hóa tình yêu

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.

- Hai chữ “làm sao” như tả hết được những trăn trở, băn khoăn, niềm mong mỏi, khát khao mãnh liệt của người phụ nữ. 

- Hai chữ “tan ra” gợi ra nhiều cách hiểu. “Tan ra” không phải là mất đi, không phải là để vào cõi hư vô mà “tan ra” là hi sinh, là dâng hiến, là khao khát được hoá thân cái tôi cá thể vào “trăm con sóng nhỏ” để hoà mình vào “biển lớn tình yêu” để vĩnh hằng hoá, bất tử hoá tình yêu “để ngàn năm còn vỗ”. 

- Đây là một khát vọng vô cùng nhân văn của nhà thơ, một khát vọng mãnh liệt, tha thiết của người phụ nữ với trái tim đôn hậu, chân thành đầy trực cảm.

2.3 Nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu thể hiện trong đoạn thơ

Thông qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh thể hiện sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhạy cảm, tinh tế, thương nhớ nồng nàn, thủy chung son sắt; nhiều âu lo song cũng đầy khát vọng, biết vượt lên trên mọi giới hạn của đời người để vĩnh viễn hóa tình yêu. Đó là vẻ đẹp của một trái tim yêu vừa truyền thống, vừa hiện đại

2.4. Đánh giá, nhận xét:

-Thành công của đoạn thơ là nhờ vào một số thủ pháp nghệ thuật: ẩn dụ, nhân hóa, … kết hợp với thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu  đã làm nên những con sóng với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. 

- Qua hình tượng sóng, chúng ta cảm nhận được vẻ trẻ trung, tâm hồn trong sáng của người con gái khi yêu. Họ chủ động bày tỏ những khao khát, những mong muốn, những rung động của mình trong tình yêu, không giấu giếm, không che đậy. Đó là nét hiện đại, là quan niệm mới mẻ của người phụ nữ trong thời đại mới.

3. Kết bài:

- Hình tượng “sóng” là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Xuân Quỳnh. Đoạn thơ trên đã bộc lộ những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ trong tình yêu: niềm tin mãnh liệt vào tình yêu cùng những băn khoăn, khát vọng bất tử hóa tình yêu. 

- Xuân Quỳnh đã góp một hơi thở đắm say, một tiếng sóng đẹp đẽ làm tươi thắm thêm cho thi đàn hiện đại Việt Nam.   

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question