image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người

icon-time17/7/2023

“Chuyện cổ tích về loài người” là một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm đã lí giải một cách thú vị về nguồn gốc của loài người. Dưới đây là một số bài văn mẫu Cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người mời thầy cô và các bạn cùng tham khảo.


Cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người – Mẫu số 1

      Xuân Quỳnh là một nhà thơ xuất sắc, bà đã đóng góp vô vàn các tác phẩm có giá trị cho kho tàng văn học Việt Nam, tiêu biểu trong đó là tác bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người”. Qua tác phẩm tác giả đã lí giải một cách độc đáo và thú vị cho người đọc về nguồn gốc của loài người:

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm

Không khí chỉ màu đen

Chưa có màu sắc khác”

      Loài người được “sinh ra trước nhất” với “toàn là trẻ con”. Đó là khi trái đất vẫn còn rất xơ xác, trần trụi, đến một dáng cây hay ngọn cỏ cũng chẳng có. Lúc ấy mặt trời cũng chưa có, bóng tối bao trùm khắp trời đất, cả không gian chỉ toàn là màu đen.

Cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người – Mẫu số 1

      Sau đó, tác giả tiếp tục lí giải cho người đọc biết về sự ra đời của mọi vật. Tất cả đều bắt nguồn từ nhu cầu của trẻ em. Dù đôi mắt của trẻ rất sáng thế nhưng vẫn chưa thể nhìn thấy gì, bởi vậy mà mặt trời đã xuất hiện mang theo ánh sáng cho trẻ con nhìn rõ. Từ đó giúp trẻ con nhận biết màu sắc: màu xanh của cây, màu đỏ của hoa. Cảm nhận được âm thanh khi loài chim hót líu lo, tiếng gió thổi xào xạc. Và biển cả, sông suối, đám mây hay con đường cũng được ra đời cũng là để phục vụ cuộc sống của trẻ con. Từ việc lí giải, người đọc có thể thấy tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ Xuân Quỳnh dành cho trẻ em.

      Không chỉ là thiên nhiên, trẻ em còn cần được bao bọc bởi tình yêu thương của những người thân thương trong gia đình. Và quan trọng nhất là tình mẫu tử thiêng liêng với sự ra đời của mẹ:

"Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng..."

      Mẹ là người ra đời đầu tiên, mẹ mang đến cho trẻ em tình yêu thương vô bờ bến. Trẻ con được chăm sóc bởi bàn tay dịu dàng, được mẹ hát ru những lời ru ngọt ngào. Một loạt các câu thơ đều được mở đầu bằng chữ “từ” như muốn khẳng định nguồn gốc ra đời của lời ru. Qua đó ta đã làm nổi bật tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý nhường nào.

"Biết trẻ con khao khát

Chuyện ngày xưa, ngày sau

Không hiểu là từ đâu

Mà bà về ở đó

Kể cho bao chuyện cổ…”

      Những câu chuyện cổ tích bà thường hay kể, gửi gắm trong đó đó chính là cội nguồn và văn hóa của dân tộc. Mong sao cháu mình sẽ luôn sống hiền lành, lương thiện.

      Thời gian trôi đi, những đứa trẻ ngày càng lớn khôn, chúng được bố dạy cho nhiều điều bổ ích trong cuộc sống:

“Muốn cho trẻ hiểu biết

Thế là bố sinh ra

Bố bảo cho biết ngoan

Bố dạy cho biết nghĩ

Rộng lắm là mặt bể

Dài là con đường đi

Núi thì xanh và xa

Hình tròn là trái đất…”

       Nhờ “bố sinh ra” rồi “bố bảo”, “bố dạy” mà trẻ em đã “ biết ngoan”, “biết nghĩ”. Bố dạy cho biết bao là điều, được khám phá biết bao là sự vật, hiện tượng xung quanh. Hơn thế nữa, khi cuộc sống ngày càng phát triển, nền giáo dục được mở rộng, trường học từ đây đã ra đời. Con người được đi học, được đến trường, đó chính là một bước ngoặt kì diệu của một xã hội văn minh. 

       Qua bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người”, Xuân Quỳnh đã đem đến cho bạn đọc những cảm nhận sâu sắc. Qua đó nhà thơ gửi gắm một thông điệp ý nghĩa: hãy thương yêu, chăm sóc và nâng niu trẻ em.


Cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người - Mẫu số 2

      “Chuyện cổ tích về loài người” là một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm đã lí giải một cách thú vị về nguồn gốc của loài người.

      Ở khổ thơ đầu, nhà thơ đã khắc họa cuộc sống trên trái đất. Khi ấy trái đất vẫn còn hoang sơ, vắng vẻ. Chỉ có trẻ con là được “Trời sinh ra trước nhất”, xung quanh đều là bóng tối không “dáng cây”, không “ngọn cỏ”, không “mặt trời”, không màu sắc”

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm

Không khí chỉ màu đen

Chưa có màu sắc khác”

      Đến các khổ thơ tiếp, khi cuộc sống ngày càng phát triển, con người đã được mặt trời soi chiếu. Đã có thể nhìn nhận sự vật, được nghe thấy, cảm nhận chúng.

Cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người - Mẫu số 2

      Những đứa trẻ rất cần có tình yêu thương của mẹ. Vậy nên mẹ đã xuất hiện trong cuộc đời này, để nuôi nấng, chăm sóc những đứa con của. Mẹ “bế bồng chăm sóc”, mẹ “mang về tiếng hát”, tiêng ru à ơi ngọt tràn đầy tình thương:

“Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…”

      Sau đó, bà đã đến, bà kể cho trẻ nghe về những câu chuyện cổ, những câu chuyện này chằng “hiểu là từ đâu” chỉ biết là đã có từ những ngày rất xưa, giúp trẻ thâm yêu và trân trọng những nét đẹp của đất nước:

“Biết trẻ con khao khát

Chuyện ngày xưa, ngày sau

Không hiểu là từ đâu

Mà bà về ở đó

Kể cho bao chuyện cổ

Chuyện con cóc, nàng tiên

Chuyện cô Tấm ở hiền

Thằng Lý Thông ở ác…

Mái tóc bà thì bạc

Con mắt bà thì vui

Bà kể đến suốt đời

Cũng không sao hết chuyện”

      Rồi khi trẻ có bố, trẻ được bố dạy bảo, được cùng bố học hỏi thêm nhiều điều hay lẽ phải. Dưới sự săn sóc và dạy dỗ của người cha thân thương, trẻ em đã “biết ngoan”, “biết nghĩ”, được mở rộng tầm hiểu biết, được khám phá mọi hiện tượng, sự vật xung quanh:

“Rộng lắm là mặt bể

Dài là con đường đi

Núi thì xanh và xa

Hình tròn là trái đất”

      Khi xã hội loài người ngày càng phát triển, đó cũng là lúc tiếng nói, chữ viết được ra đời. Cả một nền giáo dục văn minh đã dần hình thành. Khi có bàn có ghế, rồi có trường có lớp, thầy giáo cũng được “sinh ra” dạy trẻ em những kiến thức bổ ích. Từ đây trẻ em đã được tới trường, tới lớp, được học tập và , được đón nhận những kiến thức mới, được phát triển một cách toàn diện.

“Chữ bắt đầu có trước

Rồi có ghế có bàn

Rồi có lớp có trường”

      Bài thơ đã để lại cho độc giả rất nhiều ấn tượng sâu sắc về cách lí giải đặc sắc và thú vị cho sự ra đời của loài người, sự vật. Qua tác phẩm người đọc cũng đã cảm nhận được tình yêu thương trẻ em vô bờ bến của nhà thơ Xuân Quỳnh.

--------------------------

Trên đây Topbee đã vừa cung cấp tới các em dàn ý và bài văn mẫu Cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người. Rất mong bài viết trên sẽ giúp ích cho quá trình học tập của các em, cảm ơn các em đã tham khảo. Chúc các em học tập tốt và đạt điểm cao bộ môn Ngữ Văn.

Nguyễn Phương Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question