image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong tác phẩm “Nhớ rừng”

icon-time11/2/2023

Bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ không chỉ là một “khúc trường ca dữ dội” thể hiện tâm trạng vĩ đại của chúa sơn lâm mà còn là một họa phẩm hoành tráng từng bước làm nổi hằn lên trên mặt bằng của câu chữ hình tượng vị “chúa tể cả muôn loài”. Tính tạo hình được thể hiện rất đặc sắc trong bài thơ đặc biệt là thông qua bức tranh tứ bình. Dưới đây là bài văn Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong tác phẩm “Nhớ rừng” đã được chúng tôi tổng hợp lại trong bài viết dưới đây.


Dàn ý Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong tác phẩm “Nhớ rừng”

Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong tác phẩm “Nhớ rừng”

Mở bài:

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm Nhớ rừng

Giới thiệu về bức tranh tứ bình trong bài thơ

Thân bài:

Bài thơ Nhớ rừng vô cùng nổi bật với bức tranh tứ bình mà tác giả Thế Lữ khắc họa ra cho những người đọc và người nghe cảm nhận.

Bức tranh tứ bình được miêu tả thông qua bốn khung cảnh khác nhau:

- Đầu tiên là bức tranh về khung cảnh màn đêm đen tối cùng với ánh trăng và bờ suối. Khung cảnh hiên lên một cách lung linh và vô cùng đẹp đẽ.

- Bức tranh thứ hai là bức tranh về ngày mưa. Khi trời đổ mưa thì khung cảnh cũng trở nên mịt mù hơn so với những ngày thường cũng như sự mịt mù trong ánh mắt của chúa sơn lâm nhưng không hề nao núng vậy.

- Bức tranh thứ ba là bức tranh ngày nắng sau những con mưa. Người ta thường nói rằng sau cơn mưa trời trời lại sáng cũng rất đúng trong khung cảnh này. Khu rừng tràn ngập ánh sáng tươi tắn và trong mát của ánh nắng ban mai.

- Bức tranh thứ tư là bức tranh về khung cảnh hoàng hôn buông xuống. Khung cảnh vô cùng rực rỡ nhưng lại không quá chói lọi khiến chúng ta cảm thấy bình yên đến lạ thường. Hoàng hôn dần buông xuống cũng là lúc kết thúc một ngày đầy vất vả và mệt mỏi, đây cũng là lúc vạn vật được nghỉ ngơi lấy sức để chuẩn bị cho một ngày mới.

Kết bài:

Tổng kết lại vấn đề


Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong tác phẩm “Nhớ rừng”

      Trong chúng ta ắt hẳn đều biết đến tác giả Thế Lữ dù ít hay nhiều. Ông là một trong những người cầm lá cờ chiến thắng cho phong trào Thơ Mới. Những tác phẩm của ông đều để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng của chúng ta. Trong đó không thể không nhắc đến bài thơ Nhớ rừng vô cùng nổi tiếng. Bài thơ là nỗi lòng của chúa sơn lâm khi bị nhốt trong sở thú, không được quay trở lại rừng sâu cùng muôn thú. Bên cạnh đó tác giả Thế Lữ đã thành công trong việc khắc họa lên bức tranh tứ bình từ những câu thơ mộc mạc mà giản dị.

      Bức tranh tứ bình hiện lên trong mắt người đọc một cách trân thực và đẹp đẽ. Dù cho chúng ta không được chứng kiến tận mắt nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Tác giả Thế Lữ đã gói gọn cả bức tranh vào trong mười câu thơ: 

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

      Với hai câu thơ đầu tiên tác giả đã mang đến cho chúng ta bức tranh về cảnh rừng núi lúc đêm tối. Mặc dù trời tối nhưng vẫn được soi sáng bởi ánh trăng sáng vằng vặc trên bầu trời đêm.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

      Những đêm vàng bên bờ suối của chúa sơn lâm giờ đây không còn nữa, điều này khiến cho nó càng nhớ thêm những tháng ngày đẹp đẽ trong quá khứ. Khi ấy chúa sơn lâm vừa say mồi vừa thưởng thức cảnh sắc tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho. Không chỉ say mồi mà nó còn say luôn cả khung cảnh ấy. Mặc dù có hình dáng oai hùng, dữ tợn nhưng khi đứng trong khung ấy ấy thì chúa sơn lâm cũng dịu dàng hơn phần nào. Bức tranh thơ mộng này mãi mãi nằm trong tâm trí của chú hổ bởi giờ đây nó không còn được ngắm khung cảnh ấy nữa. Dù có nhớ nhung cũng chỉ biết tưởng tượng trong đầu cho vơi bớt đi nỗi nhớ ấy.

      Bức tranh thứ hai là một bức tranh về cảnh ngày mưa trong rừng, cùng với đó là sự đối mặt của chúa sơn lâm với sự thét gào của thiên nhiên nơi đây.

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới

      Mưa ở đây là chỉ những cơn mưa dữ dội, mịt mù làm rung chuyển cả đất trời. Sự gào thét của thiên nhiên đã được tác giả lột tả một cách trân thực nhất. Những cơn mưa chuyển bốn phương ngàn làm cho cây cối cũng phải ngả nghiêng theo. Bên cạnh sự dữ dội đó lại là một khoảng lặng của chúa sơn lâm lặng lẽ ngắm nhìn giang sơn đổi mới. Nhưng bây giờ hổ ta không còn được tự do ngắm nhìn giang sơn của mình nữa mà phải ngắm nhìn qua những thanh sắt ở sở thú. Mặc dù nơi đây mưa không ướt người nhưng lại phải sống một cảnh tù túng, không được tự do. 

Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong tác phẩm “Nhớ rừng”

      Hai câu thơ tiếp theo chính là khung cảnh tươi mới của khu rừng sau khi mưa tạnh và đó cũng là lúc bình minh ló rạng trong khu rừng.

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng

      Sau cơn mưa thì trời lại sáng, bầu trời cũng trong trẻo hơn bình thường. Khi cơn mưa qua đi vạn vật đều được tắm mát nên càng tươi tắn hơn. Bình minh chiếu xuống những tán cây xanh rì càng làm nổi bật thêm vẻ đẹp của khu rừng hùng vĩ. Bên cạnh sự tươi tắn của cây cối còn có những âm thanh của các loài chim làm cho không gian trong rừng rộn ràng hơn, không còn những sự im ắng lẻ loi nữa. Chúa sơn lâm chìm trong cơn ngủ say “tưng bừng”. Ở bức tranh trước thì hổ ta lặng lẽ ngắm nhìn giang sơn đổi mới còn ở bức tranh này thì hổ ta được khắc họa khi đang chìm trong giấc ngủ say. 

      Đến với bức tranh cuối cùng là bức tranh lúc hoàng hôn dần buông xuống.

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt

      Khi mặt trời khuất sau rừng cây cũng là lúc một ngày mệt mỏi dần khép lại. Bức tranh hoàng hôn đẹp đẽ ấy khiến người đọc càng thêm nôn nao khó tả về vẻ đẹp của bức tranh ấy. Mặt trời của hoàng hôn được tác giả ví như máu lênh láng sau rừng. Và chính màu sắc đó lại là gam màu sắc chủ đạo cho bức tranh hoàng hôn ở trong rừng. Vạn vật trong rừng như chờ hoàng hôn buông xuống để dành thời gian để nghỉ ngơi nhưng chúa sơn lâm thì lại khác, nó đợi thời khắc này để chiếm lấy phần bí mật ấy làm của riêng cho mình.

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

-  Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

      Nó muốn chiếm lấy phần bí mật này để làm của riêng mình và nó cũng muốn chớp lấy thời cơ để thống trị giang sơn của mình. Tuy nhiên bức tranh tứ bình này chỉ còn là dĩ vãng đôus với chúa sơn lâm khi nó không thể thống trị được giang sơn của mình nữa. Tiếng than ai oán như vang vọng trong không gian rộng lớn thể hiện sự bất lực của chú hổ. Thời oanh liệt khi xưa không còn nữa, những tiếng than vang vọng cũng không có một lời hồi đáp nào khiến nó càng thất vọng và buồn bã hơn. Lời than của chúa sơn lâm cũng  chính là tiếng lòng của nhân dân ta khi phải sống một cuộc sống cơ cực. Đối mặt với sự kìm hãm của giặc ngoại xâm, nhân dân ta đã đứng lên để đấu tranh đòi lại quyền tự do cho chính mình. Và đó chính là một thời oanh liệt, vẻ vang của nhân dân Việt Nam được thể hiện thông qua hình ảnh của chúa sơn lâm oai hùng.

      Thông qua bức tranh tứ bình này ta đã được thưởng thức những cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ qua từng dòng thơ mộc mạc mà giản dị. Tác giả Thế Lữ đã rất thành công trong việc mượn lời của chúa sơn lâm để rãi bày ra hết những tiếng lòng của nhân dân ta khi phải chịu cảnh cơ cực. Có thể thấy rằng đây là một đoạn thơ đặc sắc nhất trong bài thơ, nó vừa có nét lãng mạn của người thi sĩ và vừa có sức gợi hình của người họa sĩ.

---------------------------------------------------

Trên đây Topbee đã mang đến cho các bạn bài văn mẫu Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong tác phẩm “Nhớ rừng”. Hi vọng bài viết này hữu ích với các bạn, mời các bạn cùng đến với câu hỏi tiếp theo.

Lưu Thị Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question