image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về cuốn sách em đã đọc Totto-chan bên cửa sổ

icon-time8/9/2023

Sách là nơi lưu giữ những kiến thức và truyền tải những thông điệp, bài học tốt đẹp đến với mỗi con người. Đọc một cuốn sách hay sẽ giúp cho người đọc thư giãn và nâng cao tri thức của mình, và cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ cũng là một cuốn sách như thế. Sau đây, mời các em tìm hiểu bài viết cảm nhận về cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ.


Giới thiệu về cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ

Cảm nhận về cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ - ảnh 1

Totto-chan bên cửa sổ là một cuốn sách nổi tiếng của nhà văn người Nhật Kuroyanagi Tetsuko. Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1981 và đã tạo tiếng vang trên toàn thế giới vì vô cùng xuất sắc. Cuốn sách đã được dịch ra tận 33 thứ tiếng khác nhau, khi được dịch sang tiếng Anh và Totto-chan bên cửa sổ đã vô cùng vinh dự khi được đăng liền hai bài giới thiệu trên tờ báo The New York Times, một tờ báo vô cùng nổi tiếng.

Tác giả Kuroyanagi Tetsuko là một nhà văn nổi tiếng chuyên viết về đề tài thiếu nhi, cuốn sách chính là tự truyện kể về tuổi thơ của chính tác giả. Trong truyện hoàn toàn không có nhân vật xấu mà chỉ viết về cuộc sống của cô bé Totto-chan và cách mà cô bé nhận được sự giáo dục tuyệt vời từ nhà trường như thế nào.

Totto-chan là tên gọi vô cùng thân thương và gần gũi của tác giả khi còn nhỏ. Cô bé Totto sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, ba mẹ đều yêu thương cô bé, nhà của cô bé còn nuôi một chú chó tên Rocky. Tuy nhiên, khi vừa lên sáu tuổi cô bé đã bị cho thôi học ở trường tiểu học vì quá năng động và lạ lùng. Sau đó gia đình của em xin cho em đến trường Tomoe của thầy Kobayashi Sosaku.

Ngôi trường này vô cùng đặc biệt khi toàn những em học sinh có tính cách đặc biệt, có cả một vài em học sinh khuyết tật. Ngôi trường này kì lạ vô cùng, cách giáo dục cũng vô cùng khác biệt nhưng chính điều đó đã giúp cho cô bé Totto-chan có sự thay đổi trong suy nghĩ của mình. Trước đây, người ta tưởng rằng Totto-chan kì lạ, không ai chịu ngồi xuống bên em và lắng nghe em ấy nói gì, nhưng thầy hiệu trưởng thì khác, thầy sẵn sàng dành mấy tiếng liền chỉ để nghe cô bé Totto-chan nói về cuộc sống của mình.

Các thầy cô luôn yêu thương học sinh của mình, không phân biệt đó là bất kì ai. Họ đều giảng dạy, giao bài tập về nhà cho những em nhỏ, tổ chức những buổi đi chơi, buổi cắm trại hay du lịch. Các em sẽ được hướng dẫn tận tình, mở mang tầm mắt và thế giới quan của mình về những điều mới lạ trong cuộc sống. Các em cũng có thể tự chọn thời khoá biểu cho mình, làm những điều các em thích và phát huy tối đa những tài năng nghệ thuật của mình. Khác với những ngôi trường bình thường, cách giáo dục của ngôi trường Tomoe không hề rập khuôn hay máy móc, học sinh có thể hát bài “Nhai nhai thật kỹ” vào giờ ăn trưa và tận hưởng những “Món ăn của núi, món ăn của biển”, ngôi trường này đã đem lại sự khác lạ vô cùng.

Và hơn thế nữa, ở trong ngồi trường Tomoe các em nhỏ được lắng nghe, được thấu hiểu và tôn trọng. Những điều mà các em nhỏ nói ra, các em nhỏ ước muốn thì đều được giáo viên tiếp thu, họ sẵn sàng trò chuyện với các em như một người bạn, như một người lớn hoàn toàn chứ không phải những cô bé, cậu bé vừa lên sáu tuổi. Đó chính là một cách giáo dục đặc biệt mà cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ muốn gửi đến bạn đọc.


Cảm nhận về cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ

Cảm nhận về cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ - ảnh 2

Totto-chan bên cửa sổ là một cuốn sách hay và hấp dẫn khi để lại trong lòng bạn đọc rất nhiều suy tư và cảm xúc. Đọc xong cuốn sách đấy, ta nhận ra đó chính là những suy tư và hồi ức về một vùng kí ức tuổi thơ, trước hết đó là sự buồn bã khi một xã hội ghẻ lạnh với những cá nhân khác biệt có phần năng động, hoạt bát.

Nhan đề của cuốn sách là Totto-chan bên cửa sổ, cụm từ “bên cửa sổ” chính là một cách ẩn dụ độc đáo cho những thông điệp của tác giả. Một cô bé chỉ vừa tròn sáu tuổi nhưng bị ép buộc bởi định kiến xã hội, bởi những tư duy và lời nói của người khác, cô bé đó luôn bị xa lánh, bị ghẻ lạnh và muốn bay ra khỏi cửa sổ bức bối để đến với những vùng đất mới tuyệt vời hơn.

Đặt trong bối cảnh mà cuốn sác sáng tác, khoảng thời gian mà cô bé Totto-chan theo học là lúc đang diễn ra thế chiến thứ hai, dù tình cảnh chiến tranh diễn ra ác liệt và vô cùng khốn khổ, thậm chí khi vào những trang cuối của cuốn sách ta vẫn bắt gặp những trận mạc hay binh lính nhưng không gợi ra cho người đọc những cảm giác nặng nề. Người Nhật đã đặt việc giáo dục của trẻ em lên hàng đầu, họ luôn dành sự quan tâm và chăm sóc cho trẻ em và luôn muốn xây dựng một tuổi thơ tràn ngập niềm vui và ánh sáng cho những đứa trẻ ấy.

Trẻ em thật ra chỉ là một tờ giấy trắng đơn thuần, những gì tốt đẹp và hạnh phúc sẽ lưu trữ mãi trong kí ức của các em. Một cách giáo dục đúng đắn và thấu hiểu sẽ hỗ trợ các em rất nhiều trong quá trình trưởng thành và trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội. Cách giáo dục độc đáo và mới lạ của thầy Kobayashi chính là sự thấu hiểu và lắng nghe trái tim của những đứa trẻ đang cần gì và muốn gì, chỉ cần trái tim ấy được tự do theo đuổi thứ mình mơ ước và mong muốn thì đó chính là điều hạnh phúc nhất trên đời.

Totto-chan bên cửa sổ từng được nhận xét là “bản báo cáo thầm lặng về một nền giáo dục không có kết quả” và nói như Nguyễn Khắc Viện thì cuốn sách chính là lời gửi gắm đến “nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc cha mẹ đọc sách này để giúp thoát khỏi khuôn nếp cũ, tự tạo ra tư duy mới trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ em”. Cuốn sách đã gửi đến một thông điệp vô cùng sâu sắc, một thông điệp vô cùng tích cực trong giáo dục, một phương pháp dạy học mới lạ xuất phát từ trái tim và lòng chân thành.

-----------------------------------

Trên đây là bài viết cảm nhận về cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ. Hi vọng bài viết trên của Topbee sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn văn!

Phạm Liên
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question