image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà qua đoạn: "Con sông Đà tuôn dài....gắt gỏng thác lũ ngay đấy"

icon-time11/5/2024

Vẻ đẹp của con sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân được xem là tiêu biểu trong rất nhiều tác phẩm về dòng sông này.


Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà

I. Mở bài

- Đặc trưng trong sáng tác của ông là miêu tả vẻ đẹp.

- Giới thiệu tác phẩm “Người lái đò sông Đà” thuộc tập “Tùy bút sông Đà”.

II. Thân bài

Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà thể hiện qua các khía cạnh:

1. Sông Đà đẹp lãng mạn

- Điệp ngữ “tuôn dài tuôn dài” thể hiện sự êm ái.

- Khung cảnh đẹp thơ mộng qua hình ảnh hoa gạo nở bung và khói núi cuồn cuộn.

2. Sông Đà mang vẻ đẹp biến ảo

- Mỗi mùa, sông Đà lại mang vẻ đẹp khác nhau nhưng đều thơ mộng.

- Sử dụng nghệ thuật nhân cách hóa và ví dụ sáng tạo để mô tả sông Đà như hình ảnh con người có cảm xúc.

3. Sông Đà mang vẻ đẹp của người cố nhân

- Cảm xúc vui mừng khi vô tình gặp sông Đà trong lần đi rừng.

- Từ gọi “cố nhân” hàm ý thân thương trìu mến.

III. Kết luận

- Sông Đà mang vẻ đẹp độc đáo riêng biệt.

- Nêu cao ý thức gìn giữ bảo tồn thiên nhiên.


Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà qua đoạn: “Con sông Đà tuôn dài....gắt gỏng thác lũ ngay đấy”

Nguyễn Tuân là một nhà văn yêu cái đẹp. Con người và sự việc, sự vật trong các sáng tác của ông đều đẹp đến độ hoàn mỹ. Nhưng thiên nhiên trong những mô tả của ông còn đẹp hơn thế nữa, minh chứng là hình ảnh con sông Đà trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” thuộc tập “Tùy bút sông Đà”.

Sông Đà qua lời văn của Nguyễn Tuân mang vẻ đẹp lãng mạn làm xao xuyến lòng người. Tác giả dùng điệp ngữ “tuôn dài tuôn dài” trong vế so sánh “tuôn dài tuôn dài như áng tóc trữ tình” để diễn tả chiều dài bất tận của dòng sông, với những thanh bằng và huyền đọc lên nghe êm dịu và nhẹ nhàng như trong độ dài còn có cả độ sâu. Sự bình lặng ấy càng làm tăng vẻ trữ tình của dòng sông “ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Khung cảnh đẹp như một thước phim điện ảnh, ở đó thiên nhiên vạn vật hòa hợp tạo thành bức tranh nhân gian tuyệt mỹ.

Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà qua đoạn: "Con sông Đà tuôn dài....gắt gỏng thác lũ ngay đấy"

Tiếp theo, tác giả lại mô tả sắc màu của sông Đà đẹp nao lòng. Mùa xuân nước sông có màu xanh ngọc bích tươi mới, mùa thu thì nước sông lại mang màu chín đỏ. Có lúc sông lại loang loáng màu nắng. Tác giả dùng cả một câu thơ Đường để diễn tả “nắng tháng ba Đường thi Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” càng khiến khung cảnh đầy chất thơ mộng thi vị. Mỗi mùa mỗi vẻ, nước sông Đà biến đổi như ôm cả đất trời Tây Bắc vào lòng. Vì sắc sông Đà đẹp như vậy nên nhà văn rất bức xúc khi thực dân Pháp đặt tên cho sông Đà là “sông Đen”. Ông khẳng định “chưa bao giờ tôi thấy nước sông Đà là đen”. Đây là sự bất mãn và tâm lý bảo vệ khi người khác dèm pha về một người mình yêu thích.

Quả thật, đối với Nguyễn Tuân, sông Đà thực sự chính là một phụ nữ gợi cảm với nét đẹp quyến rũ nhưng ảo diệu và khó đoán. Do đó tác giả đã sử dụng nghệ thuật nhân cách hóa dòng sông. Ông đem đến nhiều ví dụ hình ảnh sông Đà như một con người có dáng vẻ đa dạng, khi thì nằm yên bình với “áng tóc trữ tình”, khi thì “lừ lừ” “giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì”, “chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng ngay đấy”. Con sông mang những tâm tình phức tạp luôn khiến người khác bất ngờ thú vị.

Nguyễn Tuân đã khẳng định “tôi nhìn sông Đà như một cố nhân”. Trong một lần sau nhiều ngày dài đi rừng mỏi mệt, đang cần tìm nơi thoáng đãng để nghỉ ngơi thì vô tình ông đi đến sông Đà. Cảm giác sung sướng và hân hoan khi bất ngờ tìm thấy một điều thân thuộc ấy được Nguyễn Tuân mô tả rất sinh động “vui như thấy nắng giòn tan sau nhiều ngày mưa dầm, vui như nối lại cảm giác chiêm bao đứt quãng”. Đó là cảm xúc “đằm đằm ấm ấm”, nửa mừng rỡ, nửa tuôn trào rơi lệ khi gặp lại “cố nhân”. Từ “cố nhân” được Nguyễn Tuân sử dụng rất đắt giá. Đó là tiếng gọi bùi ngùi đầy thân thương tưởng như chỉ muốn ôm chầm người xưa vào lòng. Chỉ với từ này đã thể hiện hết lòng thương mến của ông đối với dòng sông.

Nguyễn Tuân là nhà văn tài hoa của văn học Việt Nam. Ông luôn hướng đến sự chân thiện mỹ trong các sáng tác của mình. Dưới ánh nhìn và ngòi bút của Nguyễn Tuân, sông Đà mang vẻ đặc sắc riêng biệt đem lại cho người đọc những cung bậc cảm xúc khác nhau. Qua đó, độc giả càng thêm trân quý và có ý thức bảo tồn những giá trị thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question