image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà: Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần

icon-time5/2/2024

Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam, bên cạnh vẻ đẹp hung bạo, dữ dội, người đọc còn ấn tượng với vẻ đẹp trữ tình của sông Đà. Sau đây, mời các em cùng Topbee tìm hiểu bài viết cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà: Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần


Dàn ý cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà: Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần

Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà: Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần

I. Giới thiệu chung 

- Nguyễn Tuân là nhà văn tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam. Phong cách độc đáo, tài hoa và uyên bác.

- Người lái đò sông Đà là tác phẩm được trích trong tập Tùy bút sông Đà là kết quả của chuyến đi thực tế của  tác giả lên vùng Tây Bắc. Tại đây ông đã phát hiện ra vẻ đẹp của thiên nhiên cùng chất vàng mười trong tâm  hồn của người dân nơi đây. 

- Khái quát vấn đề: Cảm nhận về vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong đoạn trích. Từ đó, liên hệ với vẻ đẹp hung  bạo của Sông Đà trong cuộc chiến với người lái đò Sông Đà để rút ra những nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu  tả của nhà văn Nguyễn Tuân. 

II. Phân tích 

1. Cảm nhận về vẻ đẹp trữ tình sông Đà

- Sông Đà được cảm nhận ở phương diện không gian, từ điểm nhìn trên cao với hình dáng, thủy trình và sắc  nước sông Đà. 

+ Hình dáng: 

+ Từ trên tàu bay nhìn xuống sông Đà như “cái dây thừng ngoằn ngoèo” uốn quanh núi rừng Tây Bắc, hài hòa  với thiên nhiên Tây Bắc. 

++ Ở những quãng yên, dòng sông lại giống như một người thiếu nữ kiều diễm “tuôn dài tuôn dài như một  áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ấn hiện trong máy trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo”. -> So sánh, so sánh trùng điệp gợi vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng, trẻ trung, mềm mại, thướt tha.

+ Thủy trình và sắc nước Sông Đà: 

+ Mùa xuân dòng xanh ngọc bích…-> vẻ đẹp trong xanh, sâu thẳm thẳm, cao quý.

++ Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ...-> vẻ mặn mòi, trù phú của phù sa đồng thời mang theo cảm xúc  của đất trời. 

-> Màu nước sông Đà biến chuyển đối lập theo mùa tạo nên sự hấp dẫn, diệu kì của con sông và thiên nhiên  Tây Bắc (như một sinh thể có hồn). 

- Cảm xúc của nhà văn: tự hào trước thiên nhiên kỳ thú, diễm lệ, tình yêu sâu sắc đối với đất nước quê hương;  kịch liệt phản đối luận điệu xuyên tạc của kẻ thủ trước đây: Chưa hề bao giờ tôi thấy Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đề ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết  vào bản đồ lai chữ. 

2. Liên hệ với vẻ đẹp hung bạo của Sông Đà trong cuộc chiến với người lái đò Sông Đà để rút ra những  nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Tuân. 

- Hình ảnh sông Đà trong đoạn trích mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình. Hình ảnh sông Đà trong cuộc chiến với  người lái đò Sông Đà là dòng sông hung bạo, hùng vĩ, sức mạnh phi thường, tâm địa hiểm độc, hiện diện như  một “thứ kẻ thù số một của con người" (...) 

- Đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Tuân: 

+ Ngôn ngữ miêu tả giàu tính tạo hình, biểu cảm. 

+ Vận dụng kiên thức của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để sáng tạo hình tượng (thể thao, điện ảnh, quân  sự, võ thuật...). 

+ Sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ: nhân hóa, liệt kê, tương phản đối lập, ẩn dụ....

+ Lối so sánh, liên tưởng độc đáo thú vị. 

→ Chất tài hoa uyên bác trong nghề thuật miêu tả: Sông Đà không chỉ như một dòng chảy tự nhiên mà còn  như con người có vẻ đẹp tâm hồn, tính cách phong phú. 

* Đánh giá 

- Hình ảnh Sông Đà đẹp từ hình dáng đến màu sắc. Đó là vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, hiền hòa. Con sông cũng  là biểu tượng cho thiên nhiên Tây Bắc, là chất vàng của Tây Bắc.  

- Qua đó ta thấy được tấm lòng của Nguyễn Tuân yêu và say mê với vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Đoạn  văn bộc lộ rõ nét chất tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân: Hình ảnh ngôn từ mới lạ, câu văn căng tràn trùng điệp mà vẫn nhịp nhàng về âm thanh nhịp điệu: cách so sánh, nhân hóa táo bạo mà kì thú, lối tạo hình giàu  tính mĩ thuật, phối hợp nhiều góc nhìn theo kiểu điện ảnh. 

III. Kết luận 

- Khái quát lại vấn đề. 

- Giá trị nội dung, nghệ thuật.


Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà: Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần - Mẫu 1

Cuộc sống chính là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật, văn chương phải gắn liền với những vẻ đẹp ngoài cuộc sống thì văn chương ấy mới để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Tác phẩm Người lái đò sông Đà của tác giả Nguyễn Tuân cũng là một tác phẩm xuất sắc như thế, qua tác phẩm người đọc cảm nhận được sự tài hoa, uyên bác và tài năng của nhà văn. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng bạn đọc phải kể đến vẻ đẹp trữ tình của con sông Đà thông qua đoạn trích “Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần…”

Nguyễn Tuân là một nhà văn có tinh thần yêu nước và những khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của đất nước. Phong cách sáng tác của ông cũng được chia thành hai giai đoạn rõ rệt, nếu trước cách mạng tháng Tám, những tác phẩm của ông có phần tìm kiếm những vẻ đẹp chỉ còn tồn tại trong quá khứ. Sau cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân đã phối hợp hài hòa giữa tình yêu quê hương đất nước với tình yêu cách mạng. Giọng văn của ông cũng trở nên thay đổi, nó tràn đầy tự tin, mạnh mẽ kết hợp với phong cách nghệ thuật độc đáo, mới lạ.

Tác phẩm Người lái đò sông Đà là kết quả ra đời của chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc để ông tìm hiểu về vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp lao động của con người. Ông tìm “chất vàng mười đã qua thử lửa”, tác phẩm ra đời vào năm 1960 và được in trong tập tùy bút Sông Đà vô cùng nổi tiếng, góp phần tạo nên tiếng vang cho sự nghiệp của Nguyễn Tuân.

Sông Đà có hai nét tính cách vô cùng đối lập, nếu ban đầu người đọc phải khiếp sợ trước con sông Đà hung dữ và thô bạo, với những trùng vi thạch trận muốn nhấn chìm kể cả những người lái đò tài giỏi nhất. Thì sau đó, người đọc lại bất ngờ khi thấy một khía cạnh khác trong nét tính cách đặc sắc của sông Đà, nó trở nên dịu dàng và trữ tình biết bao.

Sông Đà được Nguyễn Tuân quan sát dưới nhiêu góc độ, nhiều thời điểm khác nhau, điều đó tạo nên một cái nhìn khái quát giúp người đọc càng hiểu thêm về vẻ đẹp trữ tình của sông Đà. Từ trên máy bay nhìn xuống, sông Đà như “cái dây thừng ngoằn ngoèo” uốn quanh núi rừng Tây Bắc, hài hòa với thiên nhiên Tây Bắc. Có thể thấy sông Đà rộng lớn biết bao, từ láy ngoằn ngoèo còn miêu tả sự uyển chuyển, nhẹ nhàng uốn lượn của sông Đà.

Nguyễn Tuân đúng là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn từ và kết hợp các yếu tố nghệ thuật, bằng việc sử dụng biện pháp so sánh trùng điệp tác giả đã gợi ra một con sông Đà mềm mại, thướt tha, đặc biệt vì ở những quãng yên, dòng sông lại giống như một người thiếu nữ kiều diễm “tuôn dài tuôn dài như một  áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ấn hiện trong máy trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo”. Câu văn chỉ có một dấu ngắt duy nhất kết hợp với cụm từ “tuôn dài”, ta tưởng chừng sông Đà như một người con gái Tây Bắc xinh đẹp, kiều diễm, quyến rũ và tràn đầy sự tươi mới.

Nguyễn Tuân lặng lẽ ngắm nhìn sự thay đổi trong màu sắc và thủy trình của sông Đà. Mùa xuân dòng sông có màu xanh ngọc bích đặc biệt, sắc xanh ấy càng được tô điểm và nổi bật hơn cả khi kết hợp với sắc trắng của hoa ban và màu đỏ  của hoa gạo. Cùng viết về những dòng sông, nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả sự thay đổi của dòng sông Hương “Sớm xanh trưa vàng chiều tím” thì Nguyễn Tuân lại cảm nhận sắc nước của sông Đà thay đổi theo các mùa trong năm như khoác lên mình một bộ quần áo mới đặc sắc.

Mùa xuân, dòng sông Đà trong trẻo và tươi mới, phải thật sự dành tình yêu lớn cho thiên nhiên đến thế nào tác giả mới có thể cảm nhận vẻ đẹp của con sông Đà một cách tinh tế và đặc biệt như thế. Bằng sự tinh tế của nhà văn dành cả đời để đi tìm cái đẹp, yêu chủ nghĩa xê dịch thì tác giả mới cảm nhận được độ trong trẻo và đẹp đẽ của sông Đà, khác hẳn với sông Lô, sông Gâm mang màu xanh cánh hến.

 Khi đến mùa thu, dòng sông “lừ lừ chín đỏ” và được so sánh với gương mặt của một người bầm đi vì rượu. Màu đỏ ấy xuất hiện khi dòng sông Đà phải chở phù sa nặng trĩu, kết hợp với khung cảnh đặc biệt của đất trời.

Sông Đà giờ đây như một sinh thể sống, có hồn và tính cách đặc biệt, đây chính là biểu tượng đẹp đẽ của thiên nhiên Tây Bắc. Đồng thời người đọc còn cảm nhận được tình yêu da diết của Nguyễn Tuân đành cho sông Đà, kịch liệt phản đối luận điệu xuyên tạc của kẻ thủ trước đây: Chưa hề bao giờ tôi thấy Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đề ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết  vào bản đồ lai chữ. 

Người lái đò sông Đà đã cho thấy được sự tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân khi ông vận dụng thành công các ngôn từ đặc sắc kết hợp với các biện pháp tu từ. Lối so sánh và liên tưởng độc đáo đã tạo nên chất văn riêng biệt của Nguyễn Tuân giống như chính ông từng đề cập “Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo”. Tác phẩm đã thể hiện thành công vẻ đẹp trữ tình của dòng sông Đà và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Tác phẩm Người lái đò sông Đà đã miêu tả xuất sắc vẻ đẹp của con song Đà, đồng thời còn thể hiện tài năng của Nguyễn Tuân. Tác phẩm xứng đáng là tác phẩm xuất sắc nhất và sẽ mãi neo đậu trong trái tim bạn đọc mặc kệ thời gian có qua đi.


Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà: Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần - Mẫu 2

Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà: Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần

 Trong nền văn học Việt Nam, Nguyễn Tuân là cây bút nổi bật với phong cách tài hoa, uyên bác và có quan niệm độc đáo về cái đẹp tuyệt đỉnh. Tác phẩm "Người lái đò sông Đà" là bài bút kí thể hiện rõ điều này. Cảm hứng về dòng sông Đà với hai nét tính cách hung bạo và trữ tình chảy trên trang văn của Nguyễn Tuân đã tạo nên một hình tượng độc đáo về thiên nhiên Tây Bắc. Đặc biệt, vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của Đà giang đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Trước hết, vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của dòng sông Đà được thể hiện qua dáng vẻ của dòng sông. Dòng sông không chỉ nổi bật với vẻ đẹp hung bạo, dữ dội của những "dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông" mà còn để lại ấn tượng sâu sắc qua những nét vẽ thơ mộng, trữ tình. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông mang vẻ đẹp dịu dàng như một người đàn bà kiều diễm: "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân".

Bằng sự quan sát tinh tế, tác giả Nguyễn Tuân còn phát hiện sắc màu đa dạng, tươi đẹp của màu nước sông Đà: "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về". Sự thay đổi về sắc màu dựa trên quy luật vận động theo mùa, qua nhiều điểm nhìn từ làn mây mùa xuân, ánh nắng mùa thu,... đã tái hiện một dòng sông hiền hòa, trong sáng, quyến rũ và tình tứ. Cảnh đẹp hai bên bờ Đà giang cũng được miêu tả trong không gian thơ mộng, trữ tình: đôi bờ dòng sông mang vẻ đẹp "hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa...", lặng tờ "như từ đời Lí, đời Trần, đời Lê". Vẻ đẹp huyền ảo, lung linh đó còn được khắc họa qua những nét vẽ về cảnh sắc: lá non nhú trên những nương ngô, những con hươu "ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương". Trên mặt nước sông Đà, những đàn cá quẫy vọt lên dòng sông như đàn thoi đang rơi. Tất cả những hình ảnh, chi tiết đều thấm đượm vẻ đẹp nhẹ nhàng để làm nổi bật sự thơ mộng, trữ tình của sông Đà. Qua đó, chúng ta có thể thấy được những cảm nhận tinh tế, sâu sắc của tác giả Nguyễn Tuân đối với cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc.

Vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của dòng sông còn được thể hiện qua tâm hồn. Qua cách nhìn độc đáo của tác giả, sông Đà hiện lên như một cố nhân - người bạn thân thiết từ xưa. Cái chất "đằm đằm ấm ấm" thân quen của con sông như thấm sâu vào cảnh sắc thiên nhiên và trở nên thân thiết: "... trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng".

Như vậy, qua vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà, chúng ta có thể thấy được trái tim say mê vẻ đẹp thiên nhiên của tác giả. Nguyễn Tuân mê đắm trước cảnh đẹp của quê hương, đất nước. Lòng ngưỡng mộ, sự trân trọng, niềm tự hào về một dòng sông đã tạo nên những trang tùy bút hiếm có. Đồng thời, qua đó, chúng ta có thể thấy được phong cách nghệ thuật và quan điểm sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân - một nghệ sĩ luôn say mê tìm kiếm cái đẹp toàn bích, tuyệt mĩ. Ông luôn khám phá thế giới ở bình diện văn hóa và thẩm mĩ, đi tìm và sáng tạo cái đẹp. Vẻ đẹp của dòng sông Đà còn tạo nên một bối cảnh đặc biệt góp phần làm nổi bật hình tượng người lái đò - người lao động bình dị với vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ.

Bằng những cảm nhận tinh tế, sự sắc nhọn của giác quan người nghệ sĩ, cách sử dụng ngôn từ độc đáo, lối văn rất mực tài hoa, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng sông Đà. Từ đó, hình ảnh dòng sông đã trở thành biểu tượng thể hiện niềm yêu mến tự hào về cỏ cây, sông núi quê hương cùng khát khao đi tìm cái đẹp, hướng tới và sáng tạo cái đẹp của tác giả.

Phạm Kim Chi
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question