image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích sau: Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên

icon-time23/5/2024

Cảm nhận của anh/chị về diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích sau:            

            Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà bị cúng trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn đợi ngày rũ xương ở đây thôi…Người kia việc gì phải chết thế. A Phủ…Mị phảng phất nghĩ như vậy. 

    Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình. Mị tưởng tượng đến một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc đó bố con Pá Tra sẽ bảo Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị phải chết trên cây cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ. ..”

              (Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12 tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, trang 13-14)

Từ đó, anh/chị hãy nhận xét về nhân vật Mị.

DÀN Ý

1. Mở bài:

- Tô Hoài là nhà văn có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều nơi trên đất nước. Bên cạnh kiến thức uyên bác, ông còn hấp dẫn người đọc bằng cách hành văn hóm hỉnh, sinh động trong lối trần thuật.

- Tiêu biểu cho phong cách của Tô Hoài là truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm là truyện ngắn thành công nhất và đặc sắc nhất trong tập “Truyện Tây Bắc” và cũng là một trong những truyện ngắn tiêu biểu trong thời kì chống Pháp của nhà văn Tô Hoài.

- Tác phẩm như vừa là một bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân, vừa là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người.

- Dẫn vào vấn đề cần nghị luận: “diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm đông cứu A Phủ” và trích lược đoạn trích

2. Thân bài:

2. 1. Giới thiệu nhân vật: 

- Mị là một cô gái dân tộc H’ Mông.  Số phận của Mị tiêu biểu cho số phận của người phụ nữ nghèo ở miền núi ngày trước: có đầy đủ phẩm chất để được sống hạnh phúc (trẻ đẹp, có tài thổi sáo, chăm chỉ lao động hiếu thảo, có lòng tự trọng…) nhưng lại bị dày đọa trong cuộc sống nô lệ chỉ vì món nợ từ đời bố mẹ, Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.

- Mị bị đoạ đày đến mức tê liệt về tinh thần trở thành người vô hồn, vô cảm. Dù vậy trong sau thẳm tâm hồn, vẫn tiềm tàng sức sống và sức sống đó đã bùng lên mạnh mẽ trong đêm tình mùa đông…

- Giới thiệu sơ lược về A Phủ: một thanh niên có thân phận như Mị, cũng phải ở nhà thống lí Pá Tra để gạt nợ. Do để mất bò mà bị trói đêm này sang đêm khác, ngày này sang ngày kia.

- Hai con người đau khổ không hẹn mà gặp nhau tại nhà thống lí Pá Tra trong đêm đông nơi núi cao lạnh lẽo.

2.2. Cảm nhận  đoạn trích: 

- Trước đó, chứng kiến A Phủ bị trói nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay; cô nghĩ nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Những suy nghĩ, hành động của Mị là phản ứng của một người đã sống lâu trong tăm tối, đau khổ và bị tê liệt về tinh thần. Qua chi tiết, ta thấy cường quyền, bạo lực của giai cấp thống trị đã biến một cô gái hồn nhiên, yêu đời, tràn đầy khát vọng sống trở thành một con người vô cảm.

- Yếu tố tác động đến sự hồi sinh tâm hồn của Mị là ngọn lửa và dòng nước mắt của A Phủ.

+ Ngọn lửa bùng lên, lé mắt trông sang bắt gặp hai mắt A Phủ vẫn mở. 

+ Dòng nước mắt chảy xuống hai hõm má đã xám đen lại: sự bất lực tuyệt vọng, bế tắc của A Phủ

- Diễn biến tâm trạng, hành động của Mị trước khi cắt dây trói cứu A Phủ:

+ Nhớ lại hoàn cảnh, nỗi đau trước đây cũng bị A Sử trói đứng và hành hạ: Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không lau đi được.

+ Thương mình và bắt đầu cảm thông cho A Phủ: Cơ chừng này chỉ đêm mai người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết và căm phẫn trước sự độc ác của cha con thống lí  Chúng nó thật độc ác…cơ chừng đêm mai người kia chết”, “có người đàn bà bị trói cho đến chết

+ Cô nghĩ đến bảm thân mình: mình là thân đàn bà bị nó bắt cúng trình ma chỉ còn đợi ngày rũ xương ở đây thôi và nhận thức cái chết phi lí, bất công đối với A Phủ: ..Người kia việc gì phải chết thế

+ Suy nghĩ về đời mình, về việc phải chết thay nếu cứu A Phủ:  lúc đó bố con Pá Tra sẽ bảo Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy

+ Dần dần Mị đã thắng sự sợ hãi, nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ. ..”, để dẫn đến kết quả là hành động cắt dây trói nhanh, dút khoát.

- Ý nghĩa hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ:

+ Mị không chỉ cứu người mà cô còn cứu được cả chính mình; đồng thời nó còn thể hiện khát vọng sống, ngọn lửa yêu thương sự sống đã bùng lên trong con người của Mị. 

+ Mị đã cắt đứt sợi dây vô hình của thần quyền, cường quyền đã trói buộc đời mị, A Phủ trong vòng nô lệ suốt bao năm qua; thể hiện tinh thần phản kháng quyết liệt với cái ác, khởi đầu từ tự phát dần đến quá trình tự giác theo cách mạng. 

2.3. Nhận xét về nhân vật Mị:

- Nổi bật ở Mị là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt được biểu hiện cụ thể qua diễn biến hành động và tâm trạng trong đêm tình mùa xuân và đêm đông khi cắt dây cởi trói cho A Phủ.

- Mị là nhân vật tiêu biểu cho người phụ nữ lao động nghèo khổ miềm núi dưới ách thống trị của giai cấp phong kiến. Họ có tâm hồn trong sáng, yêu đời, khát khao hạnh phúc, sức sống mãnh liệt. Dẫu bị chà đạp, nhưng họ đã vùng dậy tự giải thoát, mở ra hướng giải thoát cho bản thân và bao người khác.

2.4. Đánh giá chung:

- Bằng tài năng nghệ thuật xây dựng nhân vật, tài nghệ miêu tả tâm lí, ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn, nhà văn đã miêu tả quá trình diễn biến tâm lí của nhân vật, sức sống, sự trỗi dậy mạnh mẽ . Đây là điều kiện cần để họ thức tỉnh đến với cách mạng, tham gia đấu tranh giành tự do.

- Thông qua nhân vật Mị, nhà văn thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc: quan tâm, đồng cảm sẻ chia, yêu thương, trân trọng.

3. Kết bài:

- Đoạn văn miêu tả hành động, tâm trạng nhân vật Mị trong đêm mùa đông thấm đẫm tính nhân văn, góp phần tô đậm tính cách nhân vật Mị.

- Thể hiện một cách chân thật và cảm động giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question