image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về khổ 7 bài Sóng ngắn gọn

icon-time20/12/2023

“Tình yêu là khởi nguồn của muôn vàn khát vọng”. Quả thật, tình yêu là thứ khiến con người ta trở nên “người” hơn, sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn. Hãy cùng Topbee Cảm nhận về khổ 7 bài Sóng ngắn gọn để thấy được vẻ đẹp của tình yêu người phụ nữ được cất lên mang âm hưởng truyền thống xen lẫn hiện đại


Dàn ý Cảm nhận về khổ 7 bài Sóng ngắn gọn

Mở bài:

- Giới thiệu khái quát tác giả:

+ Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kì kháng chiến chống Mỹ.

+ Xuân Quỳnh là một người phụ nữ có cuộc đời đa đoan, có trái tim đa sầu đa cảm, gắn bó hết mình với cuộc sống hằng ngày và luôn trân trọng, nâng niu, chắt chiu cho ngày bình thường.

- Giới thiệu khái quát tác phẩm: 

+ Hoàn cảnh sáng tác: sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền thuộc tỉnh Thái Bình, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968). 

+ Nội dung: Qua hình tượng sóng, trên cơ sở khám phá sự tương đồng hòa hợp giữa sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ tha thiết, nồng nàn, thủy chung. 

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

Thân bài: 

- Khái quát nội dung của những khổ thơ trước.

- Cảm nhận khổ 7: 

+ “Sóng”: ẩn dụ cho những khó khăn cách trở kết hợp “con nào chẳng tới / Dù muôn trùng cách ": dù vất vả, khó khăn, dù gặp nhiều chông gai thử thách nhưng anh và em vẫn cố gắng vượt qua để đến với nhau.

+ Tâm hồn người phụ nữ vẫn thấy trăn trở với những dự cảm âu lo. 

+ Đồng thời chị đã trải qua những đổ vỡ, mất mát trong tình yêu, hạnh phúc hôn nhân thế nhưng vẫn luôn hướng về tình yêu và khát vọng về một hạnh phúc toàn vẹn nhất.

Kết bài:

- Tổng kết nội dung, nghệ thuật.

- Liên hệ bản thân.

Cảm nhận về khổ 7 bài Sóng ngắn gọn

 


Bài văn Cảm nhận về khổ 7 bài Sóng ngắn gọn

“Tình yêu là khởi nguồn của muôn vàn khát vọng”. Quả thật, tình yêu là thứ khiến con người ta trở nên “người” hơn, sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn. Thông thường viết về tình yêu sẽ là những giao cảm với cuộc đời, là những rung động, những đam mê, những cung bậc cảm xúc khác nhau nảy nở trong trái tim đang yêu. Nhưng Xuân Quỳnh thì khác, chị không chỉ dừng lại ở những điều đó, mà tình yêu của chị còn là khao khát đến hạnh phúc cuối cùng, hạnh phúc trọn vẹn, trở nên bất tử. Tư tưởng mới mẻ về tình yêu ấy được bộc lộ rõ nét qua thi phẩm “Sóng” – bài ca tình yêu của người phụ nữa được cất lên mang âm hưởng truyền thống xen lẫn hiện đại. Nổi bật trong bài thơ là vẻ đẹp của một tình yêu đích thực được thể hiện qua khổ bảy: “Ở ngoài kia đại dương...Dù muôn vời cách trở” của tác phẩm.

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kì kháng chiến chống Mỹ. Nhà thơ có một tuổi thơ thiệt thòi: mẹ mất sớm, không được ở gần cha, có thể vì thế mà Xuân Quỳnh luôn khao khát tình yêu thương, khao khát có một ấm gia đình. Xuân Quỳnh là một người phụ nữ có cuộc đời đa đoan, có trái tim đa sầu đa cảm, gắn bó hết mình với cuộc sống hằng ngày và luôn trân trọng, nâng niu, chắt chiu cho ngày bình thường. Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền thuộc tỉnh Thái Bình, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968). Qua hình tượng sóng, trên cơ sở khám phá sự tương đồng hòa hợp giữa sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ tha thiết, nồng nàn, thủy chung. 

Sau lời nhắn nhủ tâm tình, thiết tha về sự thủy chung trong tình yêu đôi lứa, chỉ mãi hướng về phương anh chứa chan tình yêu thương thì Xuân Quỳnh đã khẳng định thủy chung là một trong những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam và nó sẽ là yếu tố quan trọng bồi đắp sự vững chắc trong tình yêu. Tiếp nối đoạn thơ ấy chính là sự kiên trì, bền bỉ, sẵn sàng vượt qua khó khăn thử thách để vươn tới một tình yêu đích thực:

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”

Đứng trước biển khơi mênh mông, đối mặt với hàng ngàn con sóng ngoài khơi xa, Xuân Quỳnh bất chợt nhận ra dù xa xôi, cách trở nghìn trứng nhưng sóng vẫn hướng về bờ như tìm về nguồn cội yêu thương “con nào chẳng tới bờ”. Đây cũng chính là ẩn dụ nghệ thuật để chỉ tình yêu mãnh liệt của người con gái cũng như sóng, dù vất vả, khó khăn, dù gặp nhiều chông gai thử thách nhưng anh và em vẫn cố gắng vượt qua để đến với nhau, để sống hạnh phúc trọn vẹn lứa đôi “dù muôn trùng cách trở”. Dù thẳm sâu tâm hồn người phụ nữ vẫn thấy trăn trở với những dự cảm âu lo, đồng thời chị đã trải qua những đổ vỡ, mất mát trong tình yêu, hạnh phúc hôn nhân thế nhưng vẫn luôn hướng về tình yêu và khát vọng về một hạnh phúc toàn vẹn nhất.

Sóng là hình ảnh ẩn dụ của em, vì thế mà qua sống chúng ta hiểu được tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu và thấy được rung động trong tâm hồn. Thể thơ ngũ ngôn linh hoạt đã tạo ra âm hưởng, nhịp điệu của bài thơ vừa nhịp nhàng, vừa sôi nổi, vừa dạt dào sâu lắng. Nhịp sóng đồng thời cũng là nhịp của tâm hồn. Ngôn ngữ trong sáng, giản dị, giàu sức biểu cảm.

Qua bài thơ “Sóng”, nhờ những vần thơ của Xuân Quỳnh đã giúp chúng ta đắm say những giây phút tình yêu, niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người. “Sóng” giúp ta hiểu được tình cảm của tâm hồn và tình cảm nhà thơ Xuân Quỳnh, dù trong hoàn cảnh như thế nào thì tiếng thơ của chị vẫn là tiếng thơ hồn hậu, lắng đọng mãi trong tâm trí độc giả. 

Quan Diễm Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question