Cảm nhận về nhân vật mẹ Lê trong Nhà mẹ Lê của nhà văn Thạch Lam

icon-time18/8/2023

Hình tượng người mẹ đã quá đỗi quen thuộc trong làng văn chương Việt Nam nói riêng. Người ta thường viết về những điều lớn lao, kì vĩ của người mẹ đằng sau lớp ngôn từ giản dị, mộc mạc, chân chất, gần gũi với đời thương. Mỗi một nhà văn, nhà thơ lại có một góc nhìn khác nhau về chủ đề này. Sau đây, hãy cùng Topbee tìm hiểu bài viết Cảm nhận về nhân vật mẹ Lê của nhà văn Thạch Lam


Đặc điểm nhân vật mẹ Lê

- Mẹ Lê là một người có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nghèo đói, khổ cực. 

- Bà là một người phụ nữ tần tảo, lam lũ dành cả tuổi xuân, thời gian để nuôi mười một người con có đủ ăn đủ mặc. 

- Bà là người mẹ rất thương yêu, lo lắng, sẵn sàng hi sinh chịu đựng cái rét của mùa đông để chở che sưởi ấm cho các con.

- Đặc biệt, mẹ Lê là đại diện cho những gia đình nghèo khổ, đói khát trong xã hội xưa, với hoàn cảnh số phận bạc bẽo, cơ cực. Nhưng nổi bật ở họ là tình yêu gia đình – thứ tình cảm thiêng liêng giúp họ vượt qua được mọi nỗi đau, mọi sự khắc nghiệt của cuộc sống. Chính thứ tình cảm đó đã làm con người họ, tâm hồn họ tỏa sáng hơn bao giờ hết. 

Cảm nhận về nhân vật mẹ Lê của nhà văn Thạch Lam

Cảm nhận nhân vật mẹ Lê

Ca dao tục ngữ từng có câu:

"Đố ai đếm được lá rừng

Đố ai đếm được mấy tầng trời cao

Đố ai đếm được vì sao

Đố ai đếm được công lao mẹ già"

Mẹ - một người phụ nữ tần tảo sớm hôm làm lụng vất vả, hi sinh tuổi xuân, thời gian, sắc đẹp để đổi lấy tiếng cười, cuộc sống no đủ, tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các con. Sự đánh đổi của mẹ là không gì có thể sánh được. Có chăng, xuất phát từ gam màu cuộc sống bản thân - một người từng chứng kiến mẹ mình tần tảo vất vả sớm hôm đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho Thạch Lam với những trang văn bồi hồi, xúc động. Ấn tượng trong trái tim mỗi độc giả là hình ảnh mẹ Lê trong truyện “Nhà mẹ Lê" trích trong tập “Gió lạnh đầu mùa”.

Thạch Lam được đông đảo bạn đọc biết đến với những tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, bài luận với chủ đề lòng yêu nước, tình cảm gia đình, tình yêu thương, tình bạn và những mâu thuẫn trong xã hội. Các tác phẩm lất chất liệu từ chính cuộc sống thường nhật, từ đó đưa đến độc giả chiều sâu tâm hồn về những con người đức hạnh, có cốt cách, phẩm giá dù hiện thực có phũ phàng đến thế nào. Thạch Lam thuở nhỏ sống ở bên ngoại bởi cha ông mất sớm, mẹ phải gồng gánh nuôi bảy người con. Tuổi thơ ông đầy cơ cực vất vả, nhưng có lẽ chính tình mẫu tử thiêng liêng đã cho ông thêm động lực để học tập, trở thành một cây bút đắc lực của nhóm “Tự lực văn đoàn”.

Leptonxtoi có quan niệm “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Quả thực, “Nhà mẹ Lê” là một trích đoạn được viết bởi tình yêu thương hay cao cả hơn là tình mẫu tử. Qua những trang văn của Thạch Lam, bạn đọc thấy được cuộc đời khó khăn, bất hạnh của một người mẹ. Người phụ nữ góa chồng, một thân một mình vất vả nuôi các con, bao nhiêu khó khăn, mệt mỏi chồng chất lên đôi vai nhỏ bé ấy. Hoàn cảnh éo le như vậy chưa buông tha mẹ Lê. Sống trong xóm ngụ cư nghèo, ngay đến việc tìm kiếm đồng tiền, tìm kiếm thức ăn để chăm lo, săn sóc bản thân và các con đã làm tăng sự vất vả nhọc nhằn của người mẹ ấy! Tuy nhiên, trong cái khung cảnh cuộc sống túng thiếu, bần hàn đó người đọc càng thấy chua xót, thương cảm cho số phận con người trong xã hội bấy giờ và càng trân trọng với nhưng giây phút được sống trong gia đình đủ cha, đủ mẹ, đủ cơm ăn áo mặc. 

Cảm nhận về nhân vật mẹ Lê của nhà văn Thạch Lam

Mẹ Lê là một người phụ nữ có vẻ đẹp của người mẹ truyền thống. Gia cảnh chẳng mấy khấm khá, một mình bà làm tất cả mọi việc để kiếm được chút thức ăn cho đàn con thơ ở nhà. Dù cuộc sống khó khăn, cơ cực là thế, nhưng chẳng bao giờ thấy mẹ Lê than thở, than vãn. Có lẽ đó là đức hi sinh thầm lặng của một người mẹ đã chịu quá nhiều khổ cực để đổi lấy điều tốt đẹp cho con. Bà rất thương yêu con của mình, trong hoàn cảnh khốn cùng chẳng màng tới mình. Người mẹ ấy thà chịu rét, chịu lạnh để con được sưởi ấm, thà bị đói để con được no hơn, sẵn sàng hi sinh mọi thứ để con có cuộc sống bớt khổ hơn. Nhìn những đứa con thơ tội nghiệp, không nỡ để con chịu đói, bà mặc kệ tôn nghiêm của bản thân để xin ăn. Trong những ngày tối tăm cận kề cái chết, bà không than vãn lấy nửa lời, tâm trí bà lúc ấy chỉ nghĩ đến hình ảnh gia đình nhỏ quây quần bên nhau, ấm cúng biết bao, rồi húp những bát cháo nóng hổi. Tình mẹ bao la và thiêng liêng như thế đấy. Ngần ấy thôi, cũng đủ chạm tới trái tim của bao độc giả, có lẽ bởi những câu từ giản dị, gần gũi rất đỗi thân thuộc như lời ăn tiếng nói hằng ngày. 

Qua truyện ngắn “ Nhà mẹ Lê “ độc giả cảm nhận được tiếng nói xót thương, sự đồng cảm đối với những kiếp người nghèo đói cơ cực, sống trong vòng quẩn quanh, bế tắc, không ánh sáng, không tương lai. Đó chính là cuộc sống, là hiện thực nghiệt ngã của người phụ nữ hay người nông dân Việt Nam phải chịu đựng trước Cách Mạng tháng Tám. Và đặc biệt, hình ảnh mẹ Lê là đại diện cho những gia đình nghèo khổ, đói khát trong xã hội bấy giờ, với hoàn cảnh số phận bạc bẽo, cơ cực. Nhưng nổi bật ở họ là tình yêu gia đình – thứ tình cảm thiêng liêng giúp họ vượt qua được mọi nỗi đau, mọi sự khắc nghiệt của cuộc sống. Chính thứ tình cảm đó đã làm con người họ, tâm hồn họ tỏa sáng hơn bao giờ hết . 

Lê Ngọc Trà đã nói rằng “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm, là sự tự trao gửi và gửi gắm tâm tư". Từ hình ảnh mẹ Lê, bạn đoc lại thấm thía hơn tình cảm gia đình, dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự với người thân và dù hoàn cảnh cuộc đời có ra sao đi nữa thì chúng ta luôn có một bến đỗ để trở về chính là gia đình. Và nhà văn Thạch Lam đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh mẹ Lê đầy dấu ấn trong mỗi trái tim độc giả nhiều thế hệ. 

----------------------------------------

Trên đây là bài viết Cảm nhận về nhân vật mẹ Lê của nhà văn Thạch Lam do Topbee biên soạn. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập! Chúc các bạn học tốt môn Văn!

Tô Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question