image hoi dap
image hoi dap

Dàn ý Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết...bao giờ chết thì thôi

icon-time20/5/2024

Đề bài:

Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.

Cảm nhận của anh, chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn Tô Hoài.                                     

 (Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr.6)

Hướng dẫn làm văn

1. Mở bài

Đặt vấn đề "Tô Hoài là nhà văn có duyên nợ với mảnh đất Tây Bắc, nổi bật phải kể đến tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Thông qua, đoạn trích (trích lược đoạn tích) cho thấy cuộc sống cơ cực, tủi hờn của Mị khi trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lý Pá Tra, từ đó phản ánh góc nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn”.

2. Thân bài

- Khái quát nhân vật Mị trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra

+ Là cô gái xinh đẹp 

+ Có tài thổi sáo, thổi kèn lá

+ Được nhiều chàng trai theo đuổi

=> Mị trẻ trung, yêu đời, khao khát tự do => Vì phải gánh chịu món nợ của cha mẹ mà trở thành con dâu gạt nợ, mất hết tự do, hạnh phúc

- Mị bị đày đọa về thể xác

+ Phải làm việc quần quật: "Suốt năm suốt đời như thế", "mỗi tháng làm đi làm lại", "Hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, đi nương bẻ bắp"...

+ Bị tước đoạt công sức "con ngựa, con trâu làm còn có lúc đứng gãi chân, đứng nhai cỏ"  thế nhưng "đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày" => Dù làm dâu nhà giàu nhưng thực chất Mị chỉ là một nô lệ, là công cụ lao động phục vụ cho nhà thống lý Pá Tra

=> Nhà văn phản ánh góc nhìn về cuộc sống, con người tủi nhục, xót xa khi bị thế lực cường quyền và thần quyền đàn áp, bóc lột.

- Mị bị tê liệt về tinh thần

+ Không còn tinh thần phản kháng: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen rồi”

+ Cuộc sống vô hồn, lặp đi lặp lại máy móc "lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt”

+ Mất hết khái niệm về thời gian và không gian "Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ", "không biết là sương hay là nắng" => Là nơi đọa đày tâm hồn, chẳng khác địa ngục trần gian khiến con người mất hết tri giác.

+ Tận cùng của sự nhẫn nhục: “Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi". => Hoàn toàn mất đi cảm xúc, cảm giác của một con người bình thường

=> Nhà văn tố cáo sự bất công, tàn nhẫn, chà đạp của giai cấp thống trị, cường quyền trong xã hội cũ 

=>Thể hiện sự cảm thông sâu sắc, tình yêu của nhà văn đối với vùng đất và con người Tây Bắc.

3. Kết bài

Đánh giá chung: “Nhà văn Tô Hoài đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Mị. Qua đó, tác giả tố cáo chế độ hà khắc của tầng lớp thống trị, đồng thời bày tỏ niềm đồng cảm, xót xa trước những kiếp người nhỏ bé trong xã hội xưa”.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question