Cảm nhận về nhân vật Thanh trong Dưới bóng Hoàng Lan
Đối với những người con xa xứ, có cơ hội được trở về quê nhà là một điều hạnh phúc, và nhân vật Thanh dưới ngòi bút của Thạch Lam cũng thế, anh vui vẻ, cảm nhận hết thảy sự bình yên, nhẹ nhàng của trốn quê sau những tháng ngày lên tỉnh làm việc. Sau đây, hãy cùng Topbee đến với bài viết Cảm nhận về nhân vật Thanh trong Dưới bóng Hoàng Lan, để được ngắm nhìn quê hương trong trái tim anh.
Cảm nhận về nhân vật Thanh trong Dưới bóng Hoàng Lan

Thạch Lam là một cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn đồng thời được coi là nhà văn tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam, các tác phẩm của ông đều hướng về thiên nhiên thơ mộng trữ tình, khắc họa nên bức tranh quê hương lãng mạn bình yên. Tiêu biểu cho nét riêng của nhà văn là truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan – một tác phẩm không có cốt truyện, nhưng lại mang đậm dấu ấn gắn bó nhẹ nhàng không kém phần sâu sắc với quê hương. Tất thảy đều thể hiện qua nhân vật Thanh – nhân vật chính của tác phẩm. Một chàng trai hiện lên với tình thương yêu gia đình và tình cảm đôi lứa vô tư, trong sáng.
Tác phẩm kể lại chuyến về quê thăm bà của Thanh sau một khoảng thời gian dài anh rời quê đi làm xa. Thuở nhỏ anh có một tuổi thơ khó khăn, buồn tủi khi mất cha mẹ, không có cha mẹ kề bên, chăm sóc, yêu thương như bao bạn nhỏ đồng trang lứa khác nhưng bù lại anh có người bà luôn yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy anh khôn lớn, giúp anh có một tương lai tươi sáng, công việc ổn định. Vì thế mà nhân vật Thanh rất yêu quý, tôn trọng, thương nhớ bà mình khi công tác xa. Với thân phận là một người con xa xứ, rời khỏi quê nhà để tới với mảnh đất xa lạ, Thạch Lam tạc nhân vật của mình một cách chi tiết, tỉ mỉ diễn biến được tâm trạng, tình cảm của nhân vật khi được trở về. Từ đó, độc giả sẽ dễ dàng rút ra cho mình những giá trị riêng tốt đẹp ẩn chứa qua câu chuyện.
Từ con đường lát gạch Bát Tràng, bức tường hoa đến cây hoàng lan năm xưa đều khiến anh cảm thấy xúc động, như có thứ gì đó đang đưa anh trở về với miền xưa cũ. Sau khi vào tới căn nhà cũ thân thuộc Thanh đã rất tận hưởng cái không khí yên bình, mát mẻ, tĩnh lặng nơi đây, gạt bỏ đi hết những ồn ào, nắng nóng ngoài kia.Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”.
Anh là một người từng gắn bó sâu sắc với quê hương, nơi mình từng sinh sống lớn lên với biết bao kỉ niệm, thế nên khi một thời gian dài không về lại chốn xưa, anh vẫn không cảm thấy lạ lẫm còn dễ dàng nhận ra được những vật trong ngôi nhà “Chàng mới nhận thấy cảnh cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Tình yêu quê hương luôn là những thứ khó nói thành lời, không thể bộc bạch hết chỉ qua vài ba từ, nhưng tình yêu quê hương dưới ngòi bút của nhà văn đã hiện hữu trong từng cung bậc cảm xúc của nhân vật, khơi gợi lòng đồng cảm nơi người đọc.
Sự yên tĩnh bao trùm lên ngôi nhà, Thanh nhớ tới người đã yêu thương, chăm sóc mình, ổn định được cảm xúc mãi mới có thể cất lên tiếng gọi “Bà ơi” nghe thật nghẹn ngào, chua xót, cất giấu sau những tháng ngày xa cách. Nhưng đáp lại chính là khoảng không yên tĩnh và sự xuất hiện của con mèo mắt ngọc thạch xanh dương – nó là con mèo già bà nuôi, hồi anh còn nhỏ thì thường chơi đùa cùng với nó. Mèo nhà khi đã thân quen thì sẽ nhận biết được giọng nói của chủ, chính vì thế khi mà Thanh cất giọng lên nó đã lập tức xuất hiện, như một lời chào đón Thanh trở về. Thanh vuốt ve nó, rồi rời đi tìm bà ở giàn thiên lý, anh thấy hình bóng bà hiện lên vẫn như những ngày xưa cũ, đưa đến cảm giác bảo vệ, che chở cho đứa cháu nhỏ. Có lẽ vì nhận được sự săn sóc chu đáo ấy nên khi nghĩ về việc bà chỉ có một mình, Thanh chợt thấy thương bà vô kể.
Theo thời gian, bà ngày càng già đi nhưng tình thương và sự quan tâm của bà cũng vẫn không phải nhạt, “Con đã ăn cơm chưa?”, “Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt”, “Trời nắng thế này mà con không đi xe ư?”, “Bà cụ vẫn không thôi phẩy chiếc phất trần lên đầu giường”. Những hành động lời nói ấy, đối với nhiều người chính là điều bình trong tất cả những điều bình thường nhưng đối với đứa trẻ từ nhỏ đã mồ côi, thiếu vắng tình yêu của cha mẹ như Thanh thì nó chính là động lực, niềm vui và hạnh phúc nhất, để anh biết rằng trên đời vẫn còn người coi anh là đứa trẻ mà ân cần quan tâm.
Nhân vật Thanh dưới ngòi bút của nhà văn khoog chỉ là người cháu hiếu thảo mà còn là một chàng trai tinh tế, dịu dàng, trong mối tình trong sáng, chớm nở với người bạn thuở nhỏ của mình – Cô Nga. Hai người khi còn là những đứa trẻ, cả hai vô tư, chơi đùa vui vẻ dưới bóng cây Hoàng Lan cao lớn. Giờ đây, khi cả hai đã trưởng thành không còn là hai cô cậu nhỏ bé ngày ấy, gặp lại nhau những kỉ niệm bỗng chốt ùa về, làm bàn đạp thúc đẩy cho tình cảm nhỏ bé ấy nở rộ.
Là một người luôn quan sát mọi sự đổi thay xung quanh, Thanh cũng ngắm nhìn Nga, ngắm sự thay đổi của cô, không còn là cô bén nhỏ nhắn ngày nào mà đã trở thành cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, với mái tóc đen nhánh, và giọng nói nhẹ nhàng, điều đó thôi cũng làm gục ngã trái tim của một chàng trai. Sau khi kết thúc bữa cơm trưa, cả hai thân mật như hồi nhỏ, Thanh dắt Nga đến thăm cây Hoàng Lan, nó cao vút, cành lá rủ xuống như chào đón hai người, Thanh tinh tế kéo cành hoàng lan xuống cho Nga tìm hoa, để cô rửa rồi xếp bầy lên trên quả trầu.
Tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, lại rất đáng yêu, chỉ qua những đoạn đối thoại, hành động của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó. Dù ngày hôm sau Thanh phải lên tỉnh rời khỏi quê nhà còn chưa lưu lại được bao nhiêu dấu vết của anh, Nga ở lại mỗi năm lại tự cài lên mái tóc của mình bông hoa hoàng lan như khi Thanh đang ở bên cạnh. Dẫu cho phải chia xa nhưng trong lòng cả hai vẫn hiểu rõ phần tình cảm mình dành cho đối phương to lớn thầm kín tới nhường nào.
Được nhà văn Thạch Lam miêu tả qua hành động, diễn biến tâm trạng, nhân vật Thanh trong lòng người đọc tựa như một con người thực sự là một chàng trai tinh tế, gần gũi. Tuy chỉ là mổ câu chuyện ngắn thôi nhưng nó đã thành công đem đến những giá trị tốt đẹp đó là hình ảnh của người con xa xứ mong ngóng ngày được trở về với tình yêu và sự gắn bó sâu đậm với quê hương xứ sở. Đông thời nó gắn liền với tình cảm gia đình chân thành cùng tình yêu đôi lứa hồn nhiên, trong sáng.
Với truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan", Thạch Lam đã khẳng định tài năng cũng như sự tinh tế của một nghệ sĩ. Tác phẩm kéo gần khoảng cách giữa độc giả và nhân vật trong truyện, khơi gợi lòng đồng cảm giữa những người con xa xứ nhớ nhà nhớ gia đình, nhớ khung cảnh bình dị êm ấm và mối tình con dang dở. Để từ đó, truyện đã khẳng định vị trí và giá trị vững bền của mình trong kho tàng văn học Việt Nam.