image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn: Những tấm ảnh tôi mang về

icon-time23/5/2024

Trong phần kết thúc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn Nguyễn Minh Châu viết:

Những tấm ảnh tôi mang về, đã được chọn lấy một tấm.Trưởng phòng rất bằng lòng về tôi.

Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…

                                                          ( Theo Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.77-78)

            Cảm nhận của anh/chị về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích trên. Từ đó, anh chị hãy nhận xét về quan điểm nghệ thuật của tác giả thể hiện qua tác phẩm.

DÀN BÀI

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả - tác phẩm:

+ Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút tiêu biểu của VHVNhiện đại. Ông được coi là nhà văn mở đường tài năng và tinh anh nhất của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

+ Sáng tác của ông từ những thập kỷ 80 của thế kỷ XX mang đậm cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức, triết lý, nhân sinh sâu sắc.

+ Giới thiệu tác phẩm: “Chiếc thuyển ngoài xa” được sáng tác năm 1983, in lần đầu trong tập Bến quê (1985), sau được in riêng thành tập truyện ngắn cùng tên.  Truyện ngắn này tiêu biểu cho xu hướng chung của VHVN thời kì đổi mới : hướng nội, khai thác số phận cá nhân và thân phận con người trong cuộc sống đời thường.

- Dẫn vào vấn đề cần nghị luận: Những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích và quan niệm nghệ thuật của tác giả.

2. Thân bài

2.1. Khái quát chung:

- Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” được tổ chức xoay quanh tình huống nhận thức của nhân vật người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Phùng được trưởng phòng giao nhiệm vụ chụp một bức ảnh tĩnh vật có hình ảnh thuyền và biển cho bộ lịch nghệ thuật.

- Anh bỏ ra nhiều công sức đi thực tế, suy nghĩ, trăn trở tìm kiếm hình ảnh để hoàn thành nhiệm vụ. Nhân chuyến đi thăm Đẩu, người bạn chiến đấu năm xưa, giờ là chánh án tòa án huyện, Phùng  đã đến vùng biển miền trung, từng là chiến trường cũ của anh thời chống Mĩ. Anh dự tính bố cục, kiên nhẫn ‘phục kích” mấy buổi sáng để chụp được một bức ảnh nghệ thuật. Sáng sớm hôm ấy, anh bắt gặp một bức tranh tuyệt đẹp đó là hình ảnh thuyền và biển trong sương sớm thật ưng ý. Điều bất ngờ là, sau đó, Phùng liên tục đối mặt với hàng loạt những nghịch lí, vỡ ra nhiều lẽ về sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh và nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

2.2. Cảm nhận của về những khám phá, suy ngẫm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong đoạn trích:

* Gợi nhắc cho nghệ sĩ về khoảnh khắc chụp được bức ảnh:

- Mỗi lần nhìn kỹ vào tấm ảnh đen trắng, người nghệ sĩ vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai, đó là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời nhưng cũng là biểu tượng của nghệ thuật.

- Bức ảnh đã nhắc anh về cảnh đắt trời cho: cảnh chiếc thuyền lưới vó hiện trong biển sớm mờ sương có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào… toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích.

Trong giây phút ấy, khung cảnh ấy có chứa chân lí của của sự toàn thiện, làm dấy lên trong Phùng những cảm xúc thẩm mỹ khi ngĩ đến lời đúc kết “ bản thân cái đẹp chính là đạo đức” khiến tâm hồn anh như được gột rửa, thanh lọc, trở nên trong trẻo, tinh khôi khi bắt gặp được cái tận thiện, tận mĩ.

* Ám ảnh về hiện thưc cuộc sống đằng sau khung cảnh tươi đẹp:

-Nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anhcũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…- đó là hiện thân của những lam lũ, khốn khó, là cuộc đời thật.

- Hiện thực nhức nhối ấy cũng chính là điều Phùng từng chứng kiến. Đối lập với vẻ đẹp của bức tranh là một cảnh tượng phi thẩm mĩ: người đàn ông lưng rộng và cong như lưng thuyền, tóc tổ quạ, lông mày cháy nắng, hai con mắt đầy vẻ độc dữ, lời nói ác nghiệt; người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, thân hình cao lớn, thô kệch, xấu xí, mệt mỏi, khổ cực, lam lũ.

- Hơn thế nữa, đó là một cảnh phi nhân tính, phi đạo đức: người chồng hùng hổ, mặt đỏ gay, rút chiếc thắt lưng … quật tới tấp xuống lưng người vợ …vừa đánh, vừa thở hồng hộc, vừa nghiến răng ken két, vừa nguyền rủa “mày chết đi…” ; đứa con thương mẹ  chạy tới giật chiếc thắt lưng từ tay cha nó, vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần của cha để che chở cho người mẹ đáng thương; người mẹ cam chịu nhẫn nhịn khi bị chồng đánh, giờ đây ứng xử lạ lùng “ miệng mếu máo” gọi con rồi “ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy…”

2.3. Nhận xét về quan điểm nghệ thuật của tác giả :

- Nghệ thuật phải dành sự ưu tiên trước hết cho con người, phải góp phần giải phóng cho con người khỏi bị cầm tù, ràng buộc của cái đói, tăm tối và bạo lực. Chủ nghĩa nhân đạo cao cả, chân chính trong nghệ thuật mà tác giả muốn hướng đến không thể xa lạ với số phận cụ thể của con người.

- Người sáng tác không thể lảng tránh sự thật về cuộc đời và số phận con người, phải trung thực và bản lĩnh khi lựa chọn con đường “ nghệ thuật vị nhân sinh”; phải yêu thương và can đảm đối diện với cái xấu, cái ác và phải có khả năng thấu hiểu đời sống, không nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi…

2.4. Đánh giá chung: 

Hình ảnh người đàn bà làng chài đó sau tấm lịch chính là một hình ảnh rất thực tế về con người Việt Nam sau chiến tranh: đói nghèo, khổ cực, lam lũ.

- Nguyễn Minh Châu đã khắc họa các nhân vật cũng như những triết lí nhân sinh thật rõ nét và sắc sảo. Với lối kết cấu vòng tròn: mở đầu là đi tìm ảnh, kết thúc là ngắm nhìn ảnh mà ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm nhằm nhấn mạnh tính triết lí của truyện nhà văn đã đưa đến cho độc giả nhiều trải nghiệm thú vị. Giọng văn trầm lắng, suy tư, nhiều dư vị, nhiều liên tưởng bất ngờ.

3. Kết bài:

Tóm lại, qua đoạn kết, phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn nói Chiếc thuyền ngoài xa chính là vẻ đẹp của ước mơ, của lí tưởng mà người nghệ sĩ luôn khát khao vươn tới. Nhưng để cho nó có máu thịt của cuộc sống, người nghệ sĩ khi thể hiện nó cần có một tấm lòng trân trọng, cảm thông. Nó là nỗi dằn vặt, đau đáu khi người nghệ sĩ cảm thấy mình chưa thể hiện được hết điều muốn nói.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question