image hoi dap
image hoi dap

Cảm nhận về tình mẫu tử của người mẹ trong bài thơ gặp lá cơm nếp

icon-time21/10/2023

Bài thơ “Gặp lá cơm nếp” là tình cảm cũng như nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của anh lính Trường Sơn khi xưa. Hãy cùng Topbee viết đoạn văn Cảm nhận về tình mẫu tử của người mẹ trong bài thơ gặp lá cơm nếp nhé!


Cảm nhận về tình mẫu tử của người mẹ trong bài thơ gặp lá cơm nếp - Mẫu 1

Bài thơ “Gặp lá cơm nếp” là một bài thơ xúc động và ấn tượng của nhà thơ Thanh Thảo. Bài thơ là nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương của người lính Trường Sơn. Những điều tưởng chừng như đơn giản và bình dị nơi quê nhà lại làm người con xa nhà nhớ thương đến da diết. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã khiến cho gia đình phải xa cách. Những người con xa cha mẹ, người chồng xa vợ con,... Thế nhưng không ai hối hận với quyết định của mình cả, ai cũng đồng lòng mong muốn dành lại bình yên, tự do cho đất nước. Bài thơ không chỉ thể hiện nỗi nhớ da diết của người lính, mà đó còn là tình mẫu tử của người mẹ. Dù cho người lính trong bài đã đi xa quê “mấy năm”, nhưng những hình ảnh, sự vật vẫn khiến anh nhớ tới người mẹ của mình. Chỉ tình cờ nhìn thấy lá cơm nếp, nhưng anh lại nhớ đến bát xôi mẹ đồ. Nhớ đến những mùa gặt trên cánh đồng nóng nực mà mẹ vẫn đều đặn làm việc. Hình ảnh người mẹ tảo tần, vất vả dần dần hiện lên trong tâm kí của con. Đó là khi mẹ đi “nhặt lá về đun bếp”, “ thổi cơm nếp”. Khói bếp bay lên ngang tầm mắt mẹ, khiến mắt mẹ cay đi vì khói. Vậy nhưng chưa bao giờ thấy mẹ than phiền gì cả. Mẹ vẫn chỉ âm thầm bảo vệ, chăm sóc và dạy dỗ con nên người. Chính từ mùi lá cơm nếp trong những bát cơm nếp mùa gặt ấy đã nuôi lớn người lính bây giờ. Tình cảm của con càng được khẳng định lớn hơn khi so sánh mẹ với đất nước : “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương”. Tình cảm mà con dành cho mẹ lớn như tình cảm của con với đất nước. Tình cảm ấy thật lớn lao, không thể diễn tả hết bằng lời nói được. Tình yêu mẹ và tình yêu nước luôn thường trực trong trái tim con - đó là những tình cảm thiêng liêng nhất mà con giữ gìn trong tim mình.

Cảm nhận về tình mẫu tử của người mẹ trong bài thơ gặp lá cơm nếp

Cảm nhận về tình mẫu tử của người mẹ trong bài thơ gặp lá cơm nếp - Mẫu 2

Đọc bài thơ “Gặp lá cơm nếp” của nhà thơ Thanh Thảo, ai trong chúng ta cũng xúc động với những tình cảm mà người con xa xứ dành cho mẹ, cho quê hương của mình. Tác giả đã đặt điểm nhìn của mình vào nhân vật trữ tình “tôi”, qua đó những cảm nhận, tình cảm của tác giả dường như chân thực hơn, cảm xúc hơn, khiến độc giả như cảm nhận rõ hơn về cảm xúc của nhân vật trữ tình - hay ở đây cũng là chính tác giả. Đặt trong hoàn cảnh người lính xa quê đã nhiều năm, chỉ cần có một tác động nhỏ cũng đủ khiến người chiến sĩ xao xuyến. Lá cơm nếp đã trở thành biểu tượng gắn liền với tuổi thơ của anh. Nó nhắc anh nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ, những ngày tháng được mẹ chăm chút, lo lắng cho từng bữa ăn, giấc ngủ của mình. Những thứ tưởng như đơn giản và bình dị nơi quê nhà lại làm người con xa nhà nhớ thương đến da diết. Cuộc chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc đã khiến đất nước bị chia cắt, gia đình phải tạm xa nhau. Nhưng không ai bởi vậy mà chùn bước, hay hối hận cả. Tất cả mọi người một khi đã quyết định lên đường theo lời kêu gọi kháng chiến thì đã chuẩn bị tâm lí sẵn sàng cho mình. Có thể sẽ chẳng bao giờ về nhà được nữa, cũng chẳng thể gặp lại những người thân yêu, nhưng họ vẫn kiên quyết ra đi để “bảo vệ sông núi” của đất nước nơi họ sinh ra và lớn lên. Khi nhìn thấy lá cơm nếp quen thuộc, những cảm xúc, suy nghĩ về mẹ của chàng chiến sĩ lại dâng trào. Hình ảnh người mẹ lam lũ, tảo tần trên cánh đồng chẳng thể phai mờ trong kí ức của anh. Đó là khi mẹ đi “nhặt lá về đun bếp”, “thổi cơm nếp”. Chính từ mùi vị của món xôi lá nếp mùa gặt đã theo con trong suốt những hành trình cuộc đời. Tình cảm mà con dành cho mẹ chẳng có thể có lời nào diễn tả ra được hết cả. Chỉ cần nhìn thấy những điều quen thuộc, hình ảnh của mẹ lại sống động trong tâm trí con. Tình cảm của con càng gây ấn tượng hơn khi so sánh tình yêu mẹ với tình yêu nước: “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương”. Tình yêu mẹ, tình yêu nước luôn thường trực trong tim con - là những tình cảm thiêng liêng nhất mà con luôn tôn kính và trân trọng.

Hoàng Thùy Phương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question