image hoi dap
image hoi dap

Câu hỏi phụ bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm (phụ đề)

icon-time16/4/2024

ĐẤT NƯỚC 
(TRÍCH “MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG” – NGUYỄN KHOA ĐIỀM)


1. Nhận xét chất sử thi trong sáng tác của nhà thơ

- Chất sử thi trong văn học tập trung phản ánh những vấn đề có ý nghĩa sống còn của đất nước: Tổ quốc còn hay mất, tự do hay nô lệ. Nhân vật chính là những con người đại diện cho phẩm chất và ý chí của dân tộc; gắn bó số phận cá nhân với số phận đất nước; luôn đặt lẽ sống của dân tộc lên hàng đầu. Giọng điệu sử thi là giọng ngợi ca, trang trọng và đẹp tráng lệ, hào hùng.

- Nguyễn Khoa Điềm hướng về những con người bình dị đã cần cù làm lụng và đánh giặc bảo vệ đất nước giữa những ngày kháng chiến chống Mĩ ác liệt, đất nước còn chia cắt. Đoạn thơ được viết bằng thể thơ tự do, giọng điệu tâm tình trò chuyện, từ ngữ giản dị, gần gũi nhằm khẳng định vai trò to lớn của nhân dân vô danh.


2. Nhận xét cách nhìn mới mẻ của tác giả về Đất Nước

- Nhìn Đất Nước đa diện, tinh tế, sâu sắc, đặc biệt nhà thơ phát hiện quá trình Đất Nước hình thành và phát triển gắn liền với đời sống bình dị của nhân dân lao động. Đất Nước kết tinh đời sống tâm hồn, phẩm chất đẹp đẽ, truyền thống đạo lí ngàn đời của dân tộc.

- Cách nhìn mới mẻ về hình tượng Đất Nước cho thấy sự gắn bó, am hiểu, lòng tự hào và tình yêu đất nước sâu nặng, phong cách thơ trữ tình- chính luận của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.


3. Nhận xét cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích

a. Chất liệu văn hóa được Nguyền Khoa Điềm sử dụng hết sức quen thuộc đối với mỗi con người Việt Nam:

-  Đó là những phong tục, tập quán, những truyền thống từ ngàn đời (...)

-  Những câu ca dao, tục ngữ; những câu chuyện cổ tích thần thoại,... đã gắn liền cuộc sống thường ngày của nhân dân Việt Nam. 

b. Chất liệu văn hóa được Nguyền Khoa Điềm sử dụng hết sức mới lạ: 

- Mới lạ trong cách sử dụng sáng tạo:  Tác giả chỉ gợi lên bằng một vài chi tiết, từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu chọn lọc (riêng câu dân ca Bình - Trị - Thiên gần như là nguyên văn) qua đó dẫn dắt người đọc vào thế giới của những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc:

+ Cách dẫn dắt vào những câu chuyện cổ tích đem đến một không gian vừa xa xôi, vừa gần gũi (ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể).

+ Sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng (miếng trầu bà ăn, trồng tre đánh giặc, tóc búi sau đầu, nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm...).

-  Mới lạ vì mỗi câu ca dao, tục ngữ, mỗi câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết... đều gắn với chiều sâu của lịch sử, chiều sâu văn hóa, tâm hồn nhân dân.

* Đánh giá chung:  Qua chất liệu văn hóa dân gian ta thấy Đất Nước vừa trở nên gần gũi, bình dị vừa lớn lao, kỳ vĩ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã suy luận, lý giải về Đất Nước trên nhiều bình diện khác nhau: Từ không gian địa lý, thời gian lịch sử và đặc biệt là bề dày văn hóa. Đất Nước gắn liền với truyền thống văn hóa trong lịch sử bốn ngàn năm của Nhân dân. Dù ở phương diện không gian địa lý, thời gian lịch sử, Đất Nước đều được suy luận, lý giải gắn liền với truyền thống văn hóa của Nhân dân.


4. Nhận xét về sức hấp dẫn  của thơ Nguyễn Khoa Điềm

+ Thơ ông có sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước , con người Việt Nam. Ông đã có những khám phá mới mẻ và sâu sắc khi thể hiện về hình tượng đất nước trên nhiều bình diện : địa lý, lịch sử , văn hóa …

+ Thơ ông có giọng điệu riêng , vừa tâm tình sâu lắng thiết tha vừa đầy suy tư triết lý. Màu sắc văn hóa dân gian mà ông đem vào thơ cũng tạo nên một không gian vừa gần gũi thân thuộc với tâm hồn mỗi người Việt Nam lại vừa bay bổng lãng mạn . 

+ Ngôn ngữ thơ vừa giản dị tự nhiên theo kiểu “thơ trữ tình điệu nói” lại vừa uyển chuyển đầy sáng tạo. Ẩn sâu trong đó là chiều sâu trí tuệ, văn hóa và một tình yêu đối với đất nước .

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question