image hoi dap
image hoi dap

Chia sẻ cảm xúc về bài thơ Nhớ mùa thu Hà Nội

icon-time7/5/2024

Những hình ảnh về "cây cơm nguội vàng", "cây bàng lá đỏ", "phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu" đều gắn bó với mỗi người dân Hà Nội tạo nên một bức tranh vô cùng cổ kính và thơ mộng về khung cảnh mùa thu thủ đô. Và những hình ảnh được gói gọn trong bài thơ Nhớ mùa thu Hà Nội của tác giả Trịnh Công Sơn.


Dàn ý Chia sẻ cảm xúc về bài thơ Nhớ mùa thu Hà Nội

I. Mở bài

- Giới thiệu về bài thơ "Nhớ mùa thu Hà Nội"

- Khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của bài thơ trong việc gợi lên những cảm xúc sâu sắc về mùa thu Hà Nội

II. Thân bài

1. Cảm xúc về không gian mùa thu Hà Nội trong bài thơ

a. Sự gợi mở sinh động, đưa người đọc vào không gian mùa thu đầy màu sắc và hương vị

- Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ

- Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu

b. Những hình ảnh, cảm giác về mùa thu đẹp đẽ, lãng mạn

- Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió

- Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ

- Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi

c. Sự yên bình, lắng đọng của mùa thu

- Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời

- Lòng thầm hỏi "tôi đang nhớ ai"

2. Cảm xúc về tình cảm của tác giả với Hà Nội

a. Sự gắn bó, liên kết giữa tác giả và mùa thu Hà Nội

- "Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội"

- Nỗi nhớ, khao khát được trở về Hà Nội mùa thu

b. Sự trân trọng, yêu thương Hà Nội

- Những con đường nhỏ trả lời

- "Nhớ đến một người... Để nhớ mọi người"

III. Kết bài

- Tổng kết những cảm xúc chính mà bài thơ gợi lên

-  Khẳng định giá trị nghệ thuật và tình cảm sâu sắc của bài thơ

- Nhấn mạnh ý nghĩa của bài thơ với người đọc


Chia sẻ cảm xúc về bài thơ Nhớ mùa thu Hà Nội

Đề tài mùa thu đã đi vào rất nhiều bài thơ ca, nhạc họa. Mỗi tác giả đều mang cho mình một cảm nhận riêng về mùa thu khác nhau. Và mùa thu ở Hà Nội cũng mang cho mình những nét đặc biệt riêng vô cùng cổ kính nên thơ. Để ghi lại dấu ấn của mùa thu Hà Nội, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một tác phẩm về mùa thu của thủ đô, bài thơ “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Chúng ta hãy cùng thả hồn mình vào từng dòng thơ, nét chữ của bài thơ để được hoà mình vào mùa thu Hà Nội qua lăng kính chủ quan của Trịnh Công Sơn nhé!

Ngay từ câu mở đầu bài thơ đã như một lời mời gọi người đọc bước vào không gian của mùa thu Hà Nội: 

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.”

Những hình ảnh về "cây cơm nguội vàng", "cây bàng lá đỏ", "phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu" đều gắn bó với mỗi người dân Hà Nội tạo nên một bức tranh vô cùng cổ kính và thơ mộng về khung cảnh mùa thu thủ đô. Chúng như những dấu ấn, những đặc trưng riêng của mùa thu Hà Nội, gợi lên trong tâm trí người đọc những kỷ niệm, những hoài niệm về quê hương. Những hình ảnh ấy như vẽ nên một bức tranh yên bình, trầm lắng, tất cả như hòa mình vào bức tranh thiên nhiên của đất trời để đón chào mùa thu.

Tiếp đó, tác giả còn cho cảm nhận được mùi vị đặc trưng của mùa thu Hà Nội:

“Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội,
mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,
mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,
cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.”

Mùi “hoa sữa” bay trong gió, mùi “cốm xanh” qua bàn tay nhỏ cứ theo mỗi đụ thu về mà lại tụ họp ở nơi đây. Những hương vị quen thuộc ấy luôn gắn liền với mỗi người dân Hà Nội được tác giả gợi lên một cách gần gũi, thân thuộc. Hình ảnh “cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua” rất gần gũi lại mang đến một nét đẹp lãng mạn về mùa thu Hà Nội. Những hình ảnh về hoa sữa, cốm xanh, cốm sữa vỉa hè, gợi lên những ký ức thân thương, những khoảnh khắc ấm áp và đầy ắp hương thơm của mùa thu Hà Nội.

Chia sẻ cảm xúc về bài thơ Nhớ mùa thu Hà Nội

Trong câu thơ tiếp theo, bức tranh mùa thu lại được tô điểm thêm bằng dáng vẻ của Hồ Tây thơ mộng:

“Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.”

Những hình ảnh "Hồ Tây chiều thu", "màu sương thương nhớ", "bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời" như khắc họa lại một Hà Nội yên bình, thanh tĩnh, với sắc vàng và màu sương mờ ảo. Hình ảnh Hồ Tây bao la với mặt nước lấp lánh dưới ánh hoàng hôn, cùng với những con sâm cầm nhỏ bé đang bay lượn tất cả như tạo nên một bức tranh thơ mộng. Và trong không gian ấy, tâm hồn của người thơ lại chìm đắm trong nỗi nhớ, sự hoài niệm về quê hương, về Hà Nội thân yêu.

Trong đoạn thơ tiếp theo, tác giả đã dành những câu thơ để thể hiện sự lưu luyến, khao khát trở về với Hà Nội:

“Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người,
lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai,
sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi,
sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.”

Dòng suy tư "Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai" như chứa đựng một nỗi lòng dai dẳng, da diết. Đây cũng chính là tâm tình của bao người con xa xứ, luôn nhớ về mùa thu quê hương, nhớ từng con phố, những nẻo đường quen thuộc, những người thân yêu. Câu hỏi: “tôi đang nhớ ai” chính là câu hỏi mà tác giả hỏi bản thân để luôn nhớ về nguồn cội, gốc rễ quê hương dấu yêu. Tiếp đó là những câu trả lời của tác giả như hoài niệm, nhớ nhung tha thiết về mùa thu Hà Nội: “Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi/Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.". Những câu thơ này như khơi gợi những suy tư, hoài niệm về một ai đó đã từng gắn bó với tác giả giữa khung cảnh mùa thu Hà Nội mang đến một cảm giác chân thành, da diết, làm rung động tâm hồn người đọc.

Những dòng thơ cuối để lại cho trong tâm hồn độc giả một cảm xúc vô cùng khó tả của một nỗi nhớ da diết về mùa thu Hà Nội:

“Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người...
Để nhớ mọi người.”

Câu kết "Để nhớ mọi người" càng khiến ta cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc của tác giả với quê hương, với Hà Nội, và cả những người thân yêu. Đó là nỗi nhớ và sự trân trọng dành cho những con người yêu dấu của Hà Nội.

Bài thơ "Nhớ mùa thu Hà Nội" của Trịnh Công Sơn là một tác phẩm chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật và tình cảm sâu sắc. Từ những hình ảnh giàu chất thơ, đến những dòng thơ trữ tình, bài thơ như một lời nhạc du dương, gợi lên trong lòng người đọc những cảm xúc ấm áp, lãng mạn về mùa thu Hà Nội. Qua từng câu thơ, tác giả đã khắc họa nên một Hà Nội mùa thu vô cùng đẹp đẽ và lãng mạn, đồng thời cũng gợi lên những xúc cảm da diết về quê hương, về những kỷ niệm đẹp đẽ. Đây quả thực là một tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn mỗi người yêu mến Hà Nội.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question