image hoi dap
image hoi dap

Chứng minh Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc

icon-time23/4/2024

Đề bài: Bằng trải nghiệm văn học, chứng minh Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc. Nó giúp con người sống “ra người”, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và con người.


Dàn ý chứng minh Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc

1. Mở bài 

- Giới thiệu vấn đề

- Dẫn lại câu nhận định

2. Thân bài

a. Giải thích khái niệm

- Văn chương là loại hình nghệ thuật sáng tác ngôn từ nhằm truyền tải những thông điệp của tác giả.

- Những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc là khám phá được những điều tác giả muốn gửi gắm, những đạo lý làm người, nhân sinh quan của người cầm bút thông qua tác phẩm. 

- Nó giúp con người sống “ra người”, sống tốt hơn là giúp ta biết cảm thông, đồng cảm và thấu hiểu nhau hơn. 

- Những vật sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và con người là những vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong thế giới tâm hồn của con người. 

b. Bàn luận

- Văn học phản ánh thế giới hiện thực khách quan về bề rộng lẫn bề sâu. 

- Văn chương làm cho con người biết đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu nhau hơn. 

- Văn học gắn liền với cuộc sống con người, tác động đến mặt nhận thức của con người. 

c. Chứng minh

- Tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao thể hiện được những nét đẹp của người nông dân đồng thời phê phán xã hội lúc bấy giờ. 

- Tác phẩm “Tát đèn” của Ngô Tất Tố làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Bên cạnh đó, còn phê phán xã hội bất công, tàn nhẫn đương thời. 

d. Bình luận 

- Văn chương hướng đến những giá trị đạo đức của con người. 

- Khi tiếp cận tác phẩm, cần khám phá cả chiều sâu lẫn chiều rộng của tác phẩm. 

3. Kết bài

- Khẳng định lại nhận định 


Chứng minh Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc

Từ bao đời nay, văn chương là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Văn chương khiến cho tâm hồn ta trở nên phong phú, nó mở ra nhiều cánh cửa, nhiều góc nhìn giúp ta khám phá cuộc sống. Và có lẽ vì thế mà khi bàn về văn chương, đã có ý kiến cho rằng: “Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc. Nó giúp con người sống “ra người”, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và con người. 

Văn chương chính là loại hình nghệ thuật sáng tác ngôn từ của con người. Những người cầm bút gửi gắm những tâm tư, tình cảm cũng như nguyện vọng của mình vào trong những trang văn ấy. Làm sao con người có thể sống mà không có văn chương? Nó không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần của con người mà văn chương còn mở ra cho ta những góc nhìn đa chiều, hay nó cũng có thể mang đến cho ta những trải nghiệm khác nhau về cuộc sống. Tuy nhiên văn chương không chỉ giúp ta khám phá cuộc sống một cách sáo rỗng mà là ở “những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc”. Thông qua một tác phẩm, ta không chỉ nhìn thấy về cuộc đời của nhân vật đó mà còn có thể nhìn thấy cả một tầng lớp, một xã hội lúc bấy giờ. Những giá trị mà văn chương mang đến là vô hạn, thông qua những giá trị ấy, bản thân ta tự nhận thức về mình, từ đó có thể “sống “ra người”, sống tốt hơn, nếu ta biết tìm trong mỗi quyển sách những vệt sáng, những nguồn sáng soi rọi vào những góc khuất của cuộc đời và của con người”. Bởi lẽ “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu). Vì thế, nhiệm vụ của mỗi người chính là tìm ra những “vệt sáng”, “những nguồn sáng” ở bên trong những góc khuất của cuộc đời. Đó chính là những nét đẹp tiềm ẩn được ẩn sâu bên trong tâm hồn của mỗi người.  Như M.L.Kalinine đã từng nói: “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn”. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua hai chức năng đặc trưng của văn học chính là giáo dục và thẩm mỹ. Và hơn hết văn chương lấy cái đẹp làm trung tâm và hướng con người đến những cái đẹp ở đời. 

Chứng minh Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc

Văn học chính là lăng kính phản ánh thế giới hiện thực khách quan. Thông qua quá trình trải nghiệm và tích lũy của bản thân, tác giả đưa ra những góc nhìn của bản thân biến chúng thành những thông điệp để gửi gắm vào những tác phẩm. Cùng một vấn đề nhưng qua những góc nhìn khác nhau sẽ cho ta những cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, nhà văn không phải là người “chụp ảnh sao chép hiện thực một cách hời hợt nông cạn” (Lí luận văn học). Văn chương luôn biết cách đào sâu để có thể khám phá được chiều rộng lẫn chiều sâu của một vấn đề. Văn học làm cho con người biết đồng cảm, thấu hiểu hơn với mọi người xung quanh. Vì mục đích văn chương hướng tới chính là cái đẹp ở đời, hướng con người đến những điều lẽ phải. Văn học tác động đến mặt nhận thức của con người, làm cho tâm hồn mỗi người trở nên trong sáng hơn. Văn học gắn liền với cuộc sống con người, từ đó làm nổi bật lên những vẻ đẹp ẩn sâu bên trong tâm hồn con người. Những cái đẹp tưởng chừng như đơn giản, không ai chú ý đến nhưng thông qua các tác phẩm văn học thì vẻ đẹp ấy lại nổi bật lên góp phần đem đến những giá trị nhất định cho kho tàng văn học Việt Nam.

Khi bàn về văn học, Ai-ma-tốp cho rằng: “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác, cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp”. Và có lẽ Nam Cao đã thành công “khơi lên ở con người niềm trắc ẩn” thông qua hình tượng nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên. Vẻ đẹp ẩn sâu đằng người nông dân ấy chính là tình yêu dành cho con vô bờ bến. lão chấp nhận sống tiết kiệm từng đồng, bệnh cũng không dám uống thuốc chỉ hy vọng bảo vệ được mảnh đất để giành cho con trai của mình. Tiếc thay cho lão lại sống trong một xã hội vô cùng bất công, tàn nhẫn. Cái xã hội ấy bóp chết những con người không có tiếng nói. Nhưng Lão Hạc lại giữ được cho mình sự tự trọng và một tâm hồn thanh cao. Thông qua việc xây dựng hình tượng nhân vật Lão Hạc, Nam Cao đã phản ánh được cái xã hội thối nát đương thời, đồng thời còn làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân mà đại diện là Lão Hạc. Nhà văn đã thành công khai thác được chiều rộng chính là những vẻ đẹp của con người nhưng cũng đồng thời đưa ta khám phá ra chiều sâu của tác phẩm thông qua việc phê phán, lên án những cái bất công trong xã hội lúc bấy giờ.

Những vẻ đẹp hiện ngay trong đời sống thường ngày nhưng thường bị con người lãng quên. Và nhà văn chính là người tìm ra những vẻ đẹp ẩn khuất ấy. Ngô Tất Tố đã làm tròn trách nhiệm của mình chính là tìm ra được những vẻ đẹp ẩn giấu đằng sau người phụ nữ thông qua tác phẩm “Tắt đèn”. Chị Dậu với những đức tính tốt đẹp của một người phụ nữ như: thương chồng thương con, chịu thương chịu khó,… Tuy vậy, dẫu cho con người có tốt đẹp ra sao thì cũng không thể tránh khỏi những số phận của cuộc sống. Chị cũng sống trong một xã hội bất công, nơi “đồng tiền” chính là tiếng nói. Cuối cùng, người phụ nữ ấy cũng mạnh mẽ đứng lên chống lại sự bất công ấy. Qua việc xây dựng nên tác phẩm, nhà văn còn muốn gửi gắm đến mỗi người phải biết đâu là cái đẹp, đâu là cái ác để có thể học hỏi những cái tốt cũng như bác bỏ những cái xấu. 

Thông qua nhận định trên, ta thấy rõ được chức năng của văn chương chính là giáo dục con người. Bên cạnh đó, nó còn hướng chúng ta đến những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, giúp ta nhận biết được đúng sai trong cuộc sống. Tuy nhiên để một tác phẩm có thể ghi dấu ấn trong lòng độc giả thì tác giả cũng cần phải trau chuốt về mặt hình thức. Nghệ thuật cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sự hoàn thiện của một tác phẩm. Mỗi khi tiếp cận với bất kì tác phẩm nào, ta cũng nên khám phá về chiều sâu lẫn chiều rộng để có thể hiểu về nó một cách bao quát nhất. Và mỗi tác phẩm chính là “đứa con tinh thần” của tác giả nên mỗi người cần phải biết trân trọng những giá trị đó. 

Tóm lại, ý kiến trên là vô cùng đúng đắn. Văn học với chức năng cao cả của mình chính là giáo dục về mặt nhận thức và thẩm mỹ của con người. Với ý kiến trên đã thành công khẳng định được tầm quan trọng của văn học trong đời sống tinh thần của con người. Văn học phải khám phá được vẻ đẹp của cuộc sống một cách toàn diện và có chiều sâu. Chỉ khi thực hiện được những nhiệm vụ ấy, văn chương mới có thể giúp con người sống tốt hơn cũng như khám phá được những vẻ đẹp sâu rộng được ẩn giấu đằng sau tâm hồn của con người.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question