image hoi dap
image hoi dap

Đặc trưng của Kịch

icon-time28/5/2024

Đặc trưng của kịch


1. Xung đột kịch

- Xung đột kịch là thành phần cấu thành tình tiết kịch, là quá trình và kết quả tác động tương hỗ giữa các lực lượng đối kháng, là hình thức thể hiện cao nhất, sắc nhọn nhất và tập trung nhất của kịch tính, là đặc trưng thẩm mĩ cơ bản nhất của văn học kịch. Có 2 loại xung đột: Xung đột bên ngoài (nhân vật này với nhân vật khác, nhân vật với gia đình, dòng họ..), xung đột bên trong (xung đột trong nội tâm nhân vật).

- Xung đột kịch có liên hệ với tình cảnh kịch. Hegel nói: “Tình cảnh là tình huống thế giới phổ biến chưa vận động và là giai đoạn trung gian của hai đầu mối hành động cụ thể và hành động tương ứng”, “một phương diện của tình cảnh là tổng thể tình huống thế giới nhờ trải qua quá trình đặc thù hóa mà có được tính cố định; mặt khác, tính cố định đặc thù này lại chính là động lực khiến cho nội dung có được sự  biểu hiện một cách ổn định… Phương diện quan trọng nhất của nghệ thuật chính là tìm được tình cảnh hấp dẫn, là tìm được tình cảnh thể hiện sâu sắc thế giới tâm linh, thể hiện hàm nghĩa chân chính và tôn chỉ quan trọng”; “tình cảnh của xung đột gay gắt đặc biệt phù hợp với đối tượng dùng để sáng tạo kịch, nghệ thuật kịch vốn là có thể biểu hiện ra sự phát triển sâu sắc nhất, viên mãn nhất”. Tình cảnh kịch là cơ sở để xung đột kịch xuất hiện, bộc phát và phát triển, là điều kiện khách quan để nhân vật kịch thực hiện những hành động riêng, để những tính cách hoàn thành tự mình biểu hiện ra, là cơ sở của tình tiết kịch. Tình cảnh kịch bao gồm hoàn cảnh cụ thể của hoạt động nhân vật, sự kiện đột phát và quan hệ nhân vật riêng biệt. Bất luận là xung đột kịch hay là tình cảnh kịch đều nhằm tăng cường kịch tính của văn học kịch. Kịch tính thông thường là chỉ quan hệ giữa các nhân vật làm ta cảm động, cảm thấy có ý nghĩa. Kịch tính thể hiện rõ nét tính cách nhân vật hoặc cảnh ngộ có vấn đề. Kịch tính có thể nói chính là quan hệ nhân vật chân thật, tính cách nhân vật chân thật và mâu thuẫn xung đột chân thật.


2. Hành động kịch

- Hành động kịch là toàn bộ hành động của các nhân vật trong một dây chuyền liên tục được tổ chức lại thành một thể thống nhất tạo nên nội dung của tác phẩm kịch. Hành động là đặc trưng của kịch và là thứ ngôn ngữ nghệ thuật duy nhất tạo nên sức sống cho tác phẩm kịch. Hình thức biểu hiện của hành động kịch được thông qua các hoạt động ngôn ngữ (đối thoại, độc thoại) và các hoạt động sân khấu (hình thể, điệu bộ, cử chỉ). Trên sân khấu, hành động hình thể luôn luôn quan hệ với hành động tâm lí của nhân vật. Hành động kịch được tổ chức theo một quy luật thống nhất, phù hợp với lô gích phát triển của cốt truyện, của tính cách nhân vật. Trong đó, mọi hành động lớn nhỏ đều dẫn tới xung đột và giải quyết xung đột. Qua đó, chủ đề tư tưởng sẽ được gợi mở, giá trị nghệ thuật sẽ được khẳng định.

Hành động kịch còn được biểu hiện qua quy luật nhân quả, hành động trước sẽ là nguyên nhân của hành động sau, hành động sau vừa là kết quả của hành động trước vừa là nguyên nhân dẫn đến một hành động kế tiếp,…

- Xây dựng hành động kịch phải xuất phát từ những đặc điểm và những quy luật của hành động trong đời sống hàng ngày, có như vậy tác phẩm kịch mới mang tính hiện thực và mới có sức thuyết phục cao.


3. Nhân vật kịch

- Nhân vật kịch là nhân vật của hành động. Một vở kịch được diễn trên sân khấu, chỉ có nhân vật đi lại, nói năng, hoạt động. Trong kịch bản văn học, ngoài nhân vật, còn có những lời chỉ dẫn về cảnh vật, con người thường được in nghiêng được tác giả viết nhằm gợi ý cho sự dàn dựng của nhà đạo diễn chứ không phải cho người xem. Vì vậy, có thể nói trên sân khấu chỉ có nhân vật hành động. Tất cả mọi sự việc đều được bộc lộ thông qua nhân vật.

 - Tác phẩm  kịch được viết ra chủ yếu là để diễn trên sân khấu, bị hạn chế bởi không gian và thời gian nên số lượng nhân vật không thể quá nhiều như trong các tác phẩm  tự sự và cũng không được khắc họa tỉ mỉ, nhiều măt. Do đó, tính cách nhân vật trong kịch tập trung, nổi bật và xác định nhằm gây ấn tượng mãnh liệt và sâu sắc cho khán giả. Hiển nhiên sự nổi bật, tập trung đó không có nghĩa là đơn giản, một chiều. Xoay quanh một nét tính cách khác, vừa liên đới, vừa biến thái làm cho gương măt của nhân vật sinh động và đa dạng.

- Nhân vật của kịch thường chứa đựng những cuộc đấu tranh nội tâm. Do đặc trưng của kịch là xung đột nên khi đứng trước những xung đột đó, con người bắt buộc phải hành động và vì vậy, con người không thể không đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc, băn khoăn, dằn vặt, ... Dĩ nhiên đặc trưng này cũng được thể hiện trong các loại văn học khác nhưng rõ ràng được thể hiện tập trung và phổ biến nhất trong kịch. Chính từ đặc điểm này, nhiều tác giả kịch đã dùng biện pháp lưỡng hóa nhân vật nhằm biểu hiện cuộc đấu tranh nội tâm của chính nhân vật đó.


4. Kết cấu kịch

- Văn học kịch có kết cấu phân màn phân cảnh hết sức đặc thù. Đối với văn học kịch, kết cấu ngoài hàm nghĩa và nguyên tắc thông thường của văn học còn có hàm nghĩa và nguyên tắc đặc thù. Thực chất, hình thức kết cấu của văn học kịch là độc nhất, nó phải sắp xếp tổ chức hành động kịch, tình tiết kịch trong không gian, thời gian sân khấu hạn chế, đồng thời phải làm cho kết cấu hiện lên vô cùng chặt chẽ, phát huy hiệu quả lớn nhất.

-  Hình thức kết cấu của kịch là phân màn phân cảnh. Kịch do bị giới hạn không gian và thời gian nên nội dung của nó không thể chuyển toàn bộ lên sân khấu biểu diễn, tồn tại mâu thuẫn giữa không gian vô hạn của bối cảnh cuộc sống mà nó phản ánh với sự hữu hạn của sân khấu, giữa thời gian vô hạn liên tục của tình huống kịch với thời gian hữu hạn của thực tế diễn xuất. Biện pháp giải quyết mâu thuẫn này là phân màn phân cảnh. “Màn” là một giai đoạn lớn trong sự phát triển của tình tiết kịch, “cảnh” là một giai đoạn nhỏ của tình tiết kịch, có màn một cảnh, có màn nhiều cảnh. Phân màn phân cảnh một mặt có thể làm nổi bật điểm quan trọng khiến cho tình tiết kịch càng tập trung chặt chẽ, mặt khác có thể giảm thiểu đầu mối và chi tiết vụn vặt, rất có lợi cho sự nắm bắt của khán giả.

Phân màn phân cảnh có hai loại cụ thể không giống nhau. Một là lấy sân khấu làm không gian cố định tương đối, chọn lấy biện pháp phân màn phân cảnh, cắt lấy mặt ngang của cuộc sống, lấy xung đột kịch đặt trong bối cảnh riêng để biểu hiện, thời gian phát sinh của tình tiết trong một màn hoặc cảnh và thời gian biểu diễn tình tiết đó đại thể hợp thành một. Một là, giữa màn và cảnh hoặc giữa cảnh và cảnh tất yếu có không gian và thời gian tương đương. Kịch nói phần lớn đều chọn cách làm này. Hai là, cách làm của ca kịch Trung Quốc, lấy sân khấu làm nơi biểu diễn mang tính giả định, chọn thái độ siêu nhiên đối với thời gian, không gian sân khấu, thời gian và không gian sân khấu hoàn toàn do hành động hư cấu của diên viên giả định, có thể chuyển từ không gian này sang không gian khác, có thể có bố trí cảnh, cũng có thể không bố trí cảnh, có thể hạ màn, cũng có thể không hạ màn, ba, năm người trên sân khấu có thể thay cho đám đông hàng nghìn người, chạy ba bước có thể thay cho việc vượt trăm sông nghìn núi. Thủ pháp 1 thuộc về tả thực, thủ pháp 2 thuộc về tả ý.


5. Ngôn ngữ kịch

- Ngôn ngữ kịch rất giàu tính hành động, được cá tính hóa và giàu ẩn ý. Ngôn ngữ kịch chủ yếu là ngôn ngữ nhân vật, rất ít ngôn ngữ của người trần thuật, toàn bộ nội dung cơ bản của kịch đều dựa trên sự hoàn thành ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật đảm nhiệm nhiệm vụ thúc đẩy xung đột kịch, triển khai tình cảnh kịch, hiển thị tính cánh nhân vật. Vì thế yêu cầu ngôn ngữ kịch phải có tính hành động, cá tính hóa và giàu ẩn ý.

Tính hành động của ngôn ngữ kịch một mặt chỉ hiện tượng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại của nhân vật luôn kết hợp với hình dáng, điệu bộ, cử chỉ, thổ lộ tình cảm, động tác hình thể, khiến cho diễn viên vừa thốt ra lời kịch vừa diễn những động tác, hành vi tương ứng; mặt khác chỉ hiện tượng ngôn ngữ đối thoại có sức ảnh hưởng, sức tác động mạnh mẽ đến người khác, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tình huống kịch, biểu hiện sâu sắc tư tưởng, ý chí, dục vọng, tình cảm. Laosun nói: “Đối thoại thể hiện cách nghĩ, cách cảm thông thường như nói chuyện hoặc mang tính trừu tượng thì không có kịch tính. Lời đối thoại phải miêu tả hoặc biểu hiện ra hành động thì mới có giá trị”. Nếu như đối thoại giữa các nhân vật, mặc dù mỗi bên đều biểu hiện ra tư tưởng, tình cảm của mình, nhưng lời nói của bên này không ảnh hưởng đến lời nói của bên kia, tâm tình hai bên từ đầu đến cuối không biến đổi, nội dung đối thoại trực tiếp được chú ý thì cũng không tạo được hứng thú kịch. Tính hành động trong ngôn ngữ kịch chỉ việc nhân vật trong khi đối thoại đã ảnh hưởng lẫn nhau về cách kiến giải, tình cảm, tư tưởng, quyết định mối quan hệ tương hỗ giữa cách nhân vật. 

Tính cá thể hóa của ngôn ngữ văn học kịch là chỉ đối thoại, độc thoại của nhân vật vừa phải phù hợp với thân phận, tuổi tác, số phận, nghề nghiệp, địa vị xã hội, trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, sở thích hứng thú, vừa biểu hiện được tư tưởng, tình cảm, đặc trưng cá tính của nhân vật, đây chính là người thế nào thì nói thế ấy, nói như thế nào sẽ biểu hiện tính cách như thế ấy.

-  Ngôn ngữ kịch chứa nhiều ẩn ý là chỉ ngôn ngữ nhân vật phải ý ở ngoài lời, là nhân vật không trực tiếp nói ra, mà tác giả ngụ ở trong ngôn ngữ, khán giả căn cứ vào tình cảnh trong kịch và lời thoại có thể lĩnh hội được ý tứ. Văn bản kịch chính là kịch bản gốc dùng để diễn trên sân khấu cho khán giả có thể xem và nghe hiểu được kịch, cho nên, ngôn ngữ kịch trước hết phải rõ ràng, dễ hiểu, khẩu ngữ hóa, tránh trống rỗng, tối nghĩa, đọc lên có thể hiểu ngay, nghe xong có thể dễ lọt lỗ tai, đồng thời lại phải hàm súc khiến cho trong lời có lời, ý ở ngoài lời, từ đó mà có thể tìm thấy ý vị. 

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question