image hoi dap
image hoi dap

Dàn ý nghị luận về đức tính Trung thực

icon-time30/1/2024

Đức tính trung thực là luôn ngay thẳng, thật thà, không gian xảo, dối trá, không lừa mình dối người. Trung thực là thước đo quan trọng đánh giá nhân cách của con người. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dàn ý nghị luận về đức tính Trung thực dưới đây của Topbee để ngày càng học tốt môn nhé !


Dàn ý nghị luận về đức tính Trung thực – Mẫu 1

a. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận

b. Thân bài

- Giải thích Trung thực là gì?

- Biểu hiện của tính trung thực

- Ý nghĩa của tình trung thực

- Chứng minh

- Phản đề: trong cuộc sống vẫn có rất nhiều cá nhân sống không trung thực, lừa lọc, dối trá vì lợi ích cá nhan

c. Kết bài

- Trình bày quan điểm cá nhân về tính trung thực

- Bài học nhận thức


Dàn ý nghị luận về đức tính Trung thực – Mẫu 2

a. Mở bài

- Có thể mở bài theo hai cách: trực tiếp và gián tiếp

- Giới thiệu vấn đề nghị luận

b. Thân bài

- Giải thích: Trung thực là một khía cạnh của nhân cách đạo đức con người được hiểu với nghĩa là sự ngay thẳng, thật thà, luôn nói lên sự thật. Trung thực chính là tôn trọng lẽ phải, không dối trá từ lời nói đến hành vi. Có thể hiểu đơn giản người trung thực là người không biết nói dối, họ sẵn sàng dũng cảm nói lên sự thật và sẵn sàng nhận lỗi khi phạm sai lầm

- Biểu hiện: 

+ Sống thật với chính mình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế

+ Biết thẳng thắn nhận lỗi, không làm những việc trái với lương tâm, pháp luật.

+ Ăn nói ngay thẳng trong giao tiếp, chân thành trong các mối quan hệ xã hội, không lợi dụng người khác.

+ Thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ trong công việc.

- Ý nghĩa: Trung thực là một đức tính tốt, vì thế, khi giữ được lòng trung thực, sống trung thực, ngay thẳng sẽ giúp con người nâng cao được phẩm giá của chính mình. Trong xã hội nếu ai ai cũng sống trung thực thì sẽ giúp cho các mối quan hệ xã hội lành mạnh hơn, hòa đồng và cởi mở hơn. Những người sống trung thực, thật thà cũng sẽ nhận được sự tôn trọng của mọi người, được mọi người yêu mến, kính trọng.

- Tại sao phải sống trung thực?

+ Nhận được sự kính trọng: Người có đức tính trung thực sẽ không bao giờ làm những việc trái với đạo đức lương tâm. Thế nên, họ sẽ nhận được sự kính trọng của mọi người dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

+ Nuôi dưỡng các giá trị đạo đức tốt đẹp: Trung thực là đức tính mà ông cha ta đã truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó nuôi dưỡng giá trị tinh thần của con người trong suốt bao năm qua. Nếu bạn vẫn duy trì được đức tính tốt này tức bạn đang nuôi dưỡng các giá trị đạo đức tốt đẹp mà ông cha ta đã để lại.

+ Được mọi người yêu quý: Trung thực sẽ giúp bạn nâng cao được giá trị của bản thân. Từ đó, sẽ được nhiều người yêu mến và lấy đó làm gương để họ có thể noi theo và học hỏi.

- Chứng minh: Chàng sinh viên Lê Doãn Ý (23 tuổi, Đại học Mở Hà Nội tại Đà Nẵng), nhặt được và trả lại hơn 1,3 tỷ đồng cho người mất. Ý tâm sự: “Nhặt được tài sản thì trả lại người đánh mất chứ có chi mô. Nhưng được nhiều người khen, em rất vui và lấy đó làm động lực để sống tốt hơn”.

- Phê phán: những kẻ sống dối trá, giả tạo, đua đòi, lừa bịp người khác.

- Phản đề

c. Kết bài

- Nêu một số suy nghĩ của bản thân và đưa ra một số lời khuyên về đức tính trung thực

- Rút ra bài học cho bản thân.

Dàn ý nghị luận về đức tính Trung thực

Nghị luận về tính Trung thực – Mẫu 1

“Trung thực là “chương đầu tiên” trong cuốn sách về sự khôn ngoan” – Thomas Jefferson. Quả đúng như vậy, trung thực là một đức tính quý báu mà bất cứ ai trong cuộc đời cũng đều mong muốn có cho mình. Vậy trung thực là gì?
Đó là lối sống ngay thẳng, không bao giờ nói sai sự thật, luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ công bằng; trung thực là không dối trá, sống đúng lương tâm mình. Trung thực được thể hiện ở rất nhiều mặt của đời sống. Đó là lúc bạn sai lầm và mạnh dạn nhận lỗi về mình. Trong thi cử chấp nhận điểm kém còn hơn gian lận, quay cóp. Trung thực còn giúp cho chúng ta rất nhiều điều khác trong cuộc sống nữa. Nó giúp ta có được sự tin tưởng, tin yêu của người khác.

Trong công việc làm ăn, nếu chúng ta làm ăn trung thực với nhau, không gian dối thì cả hai bên đều có lợi. Nếu mỗi con người là một tấm gương sáng về trung thực thì sẽ tạo nên một xã hội văn minh, công bằng, xã hội ổn định, phát triển. Ta cũng cần phê phán những kẻ gian dối, thiếu trung thực. Những kẻ không trung thực là những kẻ xấu, dễ gây mất niềm tin đối với người xung quanh, khiến ai cũng phải dè chừng.

Trong cuộc sống hằng ngày, khi vi phạm lỗi lầm gì thì cố gắng kiếm cớ, nói dối sao cho mình thoát khỏi tội. Đó là những hành vi đê hèn của kẻ không trung thực. Người không trung thực là người không tốt. Vậy nên chúng ta cần đấu tranh loại bỏ thói xấu này ra khỏi xã hội.

Tóm lại, trung thực là một đức tính tốt, cao quý rất đáng để cho chúng ta noi theo. Vì thế, ngay từ giờ phút này, hãy chung tay loại bỏ thói dối trá ra khỏi đời sống xã hội, hãy cùng nhau tạo nên một thế giới nơi con người tin tưởng và sống với nhau bình đẳng và bác ái.


Nghị luận về tính Trung thực - Mẫu 2

Trung thực có thể hiểu là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật. Người có đức tính trung thực là người luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải. Đức tính trung thực của con người được thể hiện qua cách sống ngay thẳng, thật thà, dám nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.

Trong cuộc sống, đức tính trung thực trước tiên là trung thực với chính mình, dám đối diện thẳng thắn, nhận lỗi khi phạm sai lầm, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối, lấy của người khác làm của mình. Có thể thấy, trung thực là đức tính cần thiết, quý báu của mỗi người. Nếu có tính trung thực, nhân cách của mỗi người sẽ dần được hoàn thiện. Bản thân mỗi người sẽ được người khác kính trọng, yêu mến. Điều quan trọng hơn cả là bản thân người có tính trung thực sẽ tự gây dựng cho mình một hình ảnh, một chữ “tín” trong lòng mỗi người.

Những người sống chân thật luôn được mọi người yêu thương, quý mến. Còn khi chúng ta sống giả tạo, tạm bợ, sống phụ thuộc vào người khác sẽ bị người ta chi phối, sai khiến, phải làm những việc không muốn, khiến mình trở nên xa lạ, đơn độc. Thực tế ngày nay, vì danh và lợi mà có rất nhiều người chọn cách sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”, họ nghĩ thế này nhưng họ lại làm trái ngược, dần dần họ đánh mất chính bản thân mình.

Với cách sống sai lệch đáng phê phán như thế, ngày qua ngày họ dần xa cách người thân bạn bè. Vì vậy, chúng ta phải dũng cảm đấu tranh để được sống trung thực, được là chính mình một cách “toàn vẹn”.


Nghị luận về tính Trung thực - Mẫu 3

Trung thực là một trong những đức tính rất đáng được ca ngợi của mỗi con người. Bất kể trong xã hội nào giai cấp nào thì tính trung thực, thật thà luôn luôn được đề cao. Và nó chính là thước đo để đánh giá nhân cách của một con người.
Trung thực đầu tiên được hiểu là ngay đó là sự thật thà ngay thẳng. Người có đức tính trung thực thì luôn luôn nói đúng sự thật không bao giờ biết làm sai lệch và vì thế nên được rất nhiều người tin tưởng. Bất cứ ở xã hội nào thì cũng luôn đề cao tính trung thực vì nó chính là thước đo đạo đức của mỗi người.

Trong thời phong kiến trung thực được thể hiện ở khía cạnh trung với vua, hiếu với nước. Còn trong thời chiến tranh thì trung thực là một lòng với cách mạng, với Cụ Hồ và kiên trung với đường lối của Đảng. Ngày nay, thì trung thực thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi công việc ngành nghề khác nhau sẽ có đặc trưng riêng về tính trung thực. Những người có tính trung thực luôn luôn nhận được sự yêu thương, sự tin tưởng của người khác. Dù bạn có làm sai nhưng biết dũng cảm nhận lỗi và nhận khuyết điểm về mình sẽ được bỏ qua và cảm thông hơn là việc giấu diếm và dối trá.

Đối với những người đang là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường thì trung thực thể hiện ở việc không bao giờ quay cóp trong thi cử, không dối lừa thầy cô, học hành chăm chỉ bằng chính năng lực của bản thân. Còn đối với những người làm kinh doanh đó là việc dám làm dám chịu. Không bao giờ lừa dối khách hàng sản xuất ra những mặt hàng kém chất lượng, bất hợp pháp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như nền kinh tế quốc gia. Những thương nhân làm ăn đứng đắn hợp pháp sẽ nhận được niềm tin tưởng sự bảo vệ của nhà nước cũng như khách hàng. Nó cũng là động lực khiến đất nước trở nên văn minh và giàu đẹp hơn.

Thế nhưng bên cạnh những tấm gương tổ chức, cá nhân trung thực thì vẫn còn đó những tồn tại bởi những người sống sai trái đáng bị lên án. Điều đó có thể dễ dàng nhận ra trong môi trường giáo dục rất nhiều học sinh vẫn còn quay cóp trong các lần thi cử, kiểm tra, tình trạng bằng cấp giả mạo trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với xã hội. Trong kinh doanh ngày nay rất nhiều những doanh nghiệp công ty núp bóng làm ăn chân chính để tạo nên những hậu quả khôn lường cho xã hội, cho sức khỏe người dân. Có thể kể đến như những vụ hàng nông sản tiêm thuốc bảo quản, những công ty xả nước thải trực tiếp ra môi trường làm chết cá hàng loạt. Thay vì cách nhận lỗi khắc phục hậu quả thì lại vòng vo và chối tội. Đây thực sự là điều khiến cho toàn xã hội phải đặt dấu hỏi lớn.

Chính vì thế để giảm thiểu việc thiếu trung thực trong xã hội mỗi con người cần tự ý thức xây dựng cho mình tính ngay thẳng từ những việc làm nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày. Ngoài ra bạn cũng nên dũng cảm đẩy lùi những hành vi thiếu trung thực trong đời sống để tạo một môi trường sống văn minh trong sạch.

Là một con người hiện đại trong một xã hội phát triển bạn càng cần phải rèn luyện cho mình đức tính trung thực. Bởi nó chính là con đường ngắn nhất để bạn có thể chinh phục được thiện cảm của người khác. Đồng thời nó cũng là động lực khiến cho xã hội loài người trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn.

Hoàng Khánh Nhi
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question