image hoi dap
image hoi dap

Dàn ý nghị luận về Thói ích kỉ

icon-time30/1/2024

Con người sinh ra, không có ai là hoàn hảo, mà đều mang trong mình cả những đức tính đẹp và cả những thói xấu. Một trong những tính xấu nhất của con người đó chính là tính ích kỷ. Hãy cùng Topbee bàn luận về vấn đề này qua bài viết Dàn ý nghị luận về Thói ích kỉ nhé !


Dàn ý nghị luận về Thói ích kỉ - Mẫu 1

a. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận

b. Thân bài

- Khái niệm thói ích kỉ

- Thực trạng thói ích kỉ hiện nay 

- Chứng minh

- Nguyên nhân gây nên thói ích kỉ

- Các giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu thói ích kỉ

- Nêu phản đề

c. Kết bài

- Trình bày quan điểm cá nhân về vấn nạn trên

- Đưa ra các lời kêu gọi và lời khuyên để hạn chế thói ích kỉ


Dàn ý nghị luận về Thói ích kỉ - Mẫu 2

a. Mở bài

- Có thể mở bài theo hai cách: Trực tiếp hoặc gián tiếp

- giới thiệu vấn đề nghị luận

b. Thân bài

- Khái niệm thói ích kỉ: Sống ích kỷ được hiểu là cuộc sống chỉ quan tâm đến chính bản thân mình, vì lợi ích cá nhân mà không bận tâm đến những người xung quanh. Người ích kỷ luôn nghĩ rằng bản thân mình là trung tâm, chỉ biết vun vén cho bản thân và muốn những người khác dành mọi thứ tốt đẹp cho họ.

- Biểu hiện: 

+ Không biết chia sẻ khó khăn với người xung quanh dù bản thân hoàn toàn có khả năng (ví dụ: bạn mượn vở ghi chép lại bài trên lớp do nghỉ học vì bệnh nhưng không cho vì không thích, mẹ nhờ quét sân giúp vì đang bận chăm em nhưng không giúp vì ngại mệt mỏi,...).

+ Làm ngơ trước nhu cầu được trợ giúp của người khác mặc kệ hậu quả có thể xảy đến với họ (ví dụ: được người già nhờ dắt qua đường nhưng không thèm giúp, gặp người bị tai nạn giao thông và được nhờ gọi cấp cứu giúp nhưng không làm vì sắp trễ học,...)

+ Sẵn sàng làm hại đến lợi ích của người khác miễn bản thân có lợi (ví dụ: sử dụng chất độc hại trong sản xuất thực phẩm, vật dụng cá nhân để tăng lợi nhuận; vu khống, đổ lỗi cho người khác khi bản thân gây ra sai lầm để không bị trách phạt,...).

- Hậu quả: 

+ Người ích kỷ thường bị xã hội xa lánh, bị cô lập.

+ Thói ích kỷ làm con người ngày càng trở nên lạnh lùng, vô cảm.

+ Khiến các mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trở nên căn thẳng, gay gắt hơn.

+ Ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của xã hội.

- Lời khuyên dành cho người có thói ich kỉ: 

+ Mỗi người biết nhận ra và từ bỏ thói ích kỷ.

+ Biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ những người xung quanh.

c. Kết bài

- Trình bày quan điểm cá nhân về vấn nạn trên

- Đưa ra các lời kêu gọi và lời khuyên để hạn chế thói ích kỉ


Bài văn nghị luận về Thói ích kỉ - Mẫu 1

Ích là lợi ích. Kỉ là bản thân. Ích kỉ suy cho cùng là thói sống không đẹp, khi mà con người ta đặt mọi quyền lợi cá nhân lên hàng đầu, không quan tâm đến hoàn cảnh của người khác, chỉ biết so sánh thiệt hơn để rồi thậm chí nảy sinh ra sự đố kị và tàn ác. Người ích kỉ thường suy tính và chỉ thật sự quan tâm đến những thứ đem lại những giá trị họ cần. Ngược lại, sự ích kỉ khiến họ có thái độ thờ ơ vô cảm với cuộc sống, với mọi người xung quanh, sống hẹp hòi, sống đa đoan, sống không có vị tha và đặc biệt họ coi lợi ích của mình là cốt lõi của mọi giá trị.

Đứng trước dòng chảy không ngừng của cuộc sống, xã hội phát triển và luôn đổi mới kéo theo một hiện thực ngầm ẩn sâu trong vỏ bọc đẹp đẽ của những con người yếu đuối, thiếu bản lĩnh không loại bỏ được cám dỗ của bản thân, đó là sự nảy sinh mạnh mẽ của con vi rút kí sinh mang tên “ích kỉ”.́ Con vi rút độc hại ấy hiện hình khi người ta lột tẩy được thứ “thuốc độc chết người” trong thực phẩm ăn uống hàng ngày mà những kẻ vô nhân tính vì chút lợi lộc tầm thường mà không màng đến sức khỏe người mua. Con vi rút độc hại ấy hiện hình khi bạn nhìn thấy chính bản thân mình đang ghen tỵ, coi thường trước sự thành công của người khác. Rốt cục, sự ích kỉ có ở khắp mọi nơi và đang trở thành mối nguy hại lớn đẩy lùi sự văn minh của xã hội.

Ích kỉ là nguyên nhân của mọi tệ nạn, của sự hao mòn bản chất, tác động và làm tha hóa con người. Mỗi chúng ta ai cũng đã, đang và sẽ đối mặt với một cuộc đấu tranh tâm lý khi phải lựa chọn giữa một bên là lợi ích cá nhân, một bên là lợi ích tập thể. Và khi bạn quyết định bước vào con đường, nơi bạn thấy quyền lợi của mình được ưu tiên hàng đầu về vật chất lẫn tinh thần, phần “con” trong tâm thức sẽ trỗi dậy điều khiển con người ta sa đọa vào hố sâu của cái ác, cái bất chính, cái bất lương. Ta sẽ đánh mất chính mình, có thể vì bản thân mà chà đạp lên thành quả chân chính của người khác, có thể bị con rắn “ghen tị” làm cho mờ con mắt, có thể trở thành kẻ trốn tránh trách nghiệm đẩy khó khăn cho người ngoài.

Hơn thế, sự ích kỉ còn giết chết tình thương. Chúng ta không thể sống mà chỉ nhận giống như tình cảm, sự quan tâm mà người khác dành cho ta là lẽ đương nhiên. Cũng giống như một mối quan hệ không thể bền lâu nếu không có sự cố gắng của cả hai bên. Liệu rằng người ta có sẵn lòng giúp đỡ một kẻ không để tâm đến người khác bao giờ? Liệu rằng một kẻ ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân có xứng đáng với những tấm lòng chân thành kia không? Suy cho cùng, đằng sau tất cả những cố gắng đẩy quyền lợi của bản thân lên trên hết chính là sự trả giá đau đớn nhất, ta sẽ mất đi những người mà chúng ta yêu thương, ta mất đi sự tin tưởng, sự tín nhiệm của tất cả mọi người, trở thành kẻ cô độc trước những tập thể đoàn kết và đau đớn hơn là đánh mất chính bản thân mình.

Ích kỉ không phải là một bản tính có sẵn. Nó là căn bệnh dễ dàng xâm nhập trong môi trường mà con người không có bản lĩnh, không có ý chí và sự lương thiện, nhanh chóng ăn sâu và bào mòn tinh thần con người. Vì vậy trước khi bước vào xã hội, mỗi chúng ta cần phải trang bị những kĩ năng, biết đâu là tốt, đâu là xấu để rồi có thể thực sự tự tin không bị lung lay bởi những lợi ích tầm thường của bản thân, thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn. Chúng ta đang sống trong một xã hội với đầy những hy vọng, nơi cô bé Hải An, không quan tâm đến sự lành lặn thân xác mà sẵn lòng cho đi cặp giác mạc, trao đi ánh sáng cho người khác. Chúng ta đang sống trên mảnh đất mà những người anh hùng Việt Nam đã không màng đến mạng sống của bản thân mà đổ biết bao mồ hôi xương máu bảo vệ tổ quốc. Vậy mà hiện nay vẫn đang tồn tại những con người chưa thực sự thức tỉnh, những kẻ yếu đuối mang trong mình căn bệnh ích kỉ làm mất đi những giá trị cao đẹp. Tuy nhiên, mỗi chúng ta phải biết cân bằng, giữ cho mình một chút ích kỉ, đừng cho đi mù quáng nếu không sẽ bị lợi dụng bởi kẻ khác.

Hãy sống như mặt trời, ngày ngày chiếu rọi ánh sáng và hơi ấm cho muôn loài. Hãy sống như đóa hoa, sống hết mình trao hương sắc cho cuộc đời. Có như vậy con người ta mới có thể rũ bỏ được chất “con” trong tâm thức để tiến gần hơn tới con người.

Dàn ý nghị luận về Thói ích kỉ

Bài văn nghị luận về Thói ích kỉ - Mẫu 2

Con người sinh ra, không có ai là hoàn hảo, mà đều mang trong mình cả những đức tính đẹp và cả những thói xấu. Một trong những tính xấu nhất của con người đó chính là tính ích kỷ.

Ích kỷ, chính là chỉ biết lo lắng, suy nghĩ đến bản thân mình, mà không quan tâm đến những người khác. Kẻ ích kỷ là kẻ chỉ biết vun vén cho bản thân mình, luôn muốn giành những thứ tốt nhất cho bản thân mình. Họ không biết suy nghĩ, quan tâm hay hy sinh cho người khác dù chỉ là một chút.

Thậm chí, những kẻ ích kỷ còn luôn tính toán, tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình, bất chấp việc chà đạp hay làm tổn thương người khác. Không chỉ vậy, đây còn là những người chỉ biết nhận lại mà không biết cho đi. Họ có thể vô tư nhận sự giúp đỡ hay tình yêu thương của người khác nhưng lại không biết giúp đỡ hay yêu thương mọi người vì lo sợ mình sẽ bị thiệt thòi.

Trong đời sống hằng ngày, tính ích kỷ của mỗi người được thể hiện rõ nét thông qua hành động, lối sống của họ. Trong lớp học, kẻ ích kỷ là kẻ luôn muốn mình hơn người khác. Những học sinh ích kỷ sẽ không biết giúp đỡ bạn bè trong học tập, hay chia sẻ những tài liệu quý báu với bạn bè vì sợ bạn sẽ giỏi hơn mình. Trong môi trường công sở, một người nhân viên ích kỷ sẽ chỉ biết tranh nhận những việc dễ, nhẹ nhàng về mình và đùn đẩy những việc khó cho người khác. Đáng sợ hơn, có những kẻ còn tìm cách để cướp công lao của người khác và trốn tránh trách nhiệm khi mình làm sai. Trong đời sống xã hội, những người ích kỷ sẽ không biết giúp đỡ bạn bè, người thân hay hàng xóm láng giềng của mình mà chỉ biết nhận sự giúp đỡ từ họ.

Tính ích kỷ là một thói xấu đáng lên án bởi nó khiến cho con người sống thu hẹp bản thân, trở thành một cá thể tách biệt trong cộng đồng. Có thể nói rằng, tính ích kỷ sẽ giết chết con người theo một cách dần dần và từ từ. Bởi lẽ, khi cá nhân tự tách mình ra khỏi tập thể, một con người tự tách mình ra khỏi cộng đồng đồng nghĩa với họ đã tự tay cắt đứt cơ hội phát triển của mình. Những người ích kỷ sẽ dần thu hẹp bản thân vào trong cái kén của riêng họ. Đến một ngày, họ sẽ tự chết đi trong chính cái kén của bản thân vì khi đó họ đã mất đi bạn bè, người thân. Những người xung quanh sẽ xa lánh và không ai còn muốn quan tâm, giúp đỡ họ nữa.

Tố Hữu đã từng nói: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Quả thật vậy, chỉ khi còn người sống biết sẻ chia, giúp đỡ, yêu thương người khác thì cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa và ta mới có thể nhận lại được sự giúp đỡ và sẻ chia từ mọi người. Còn nếu khư khư giữ bản tính ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình thì sẽ sớm bị loại trừ khỏi xã hội.


Bài văn nghị luận về Thói ích kỉ - Mẫu 3

Có ai đó đã từng nói: “Khi cuối cùng khoa học cũng tìm ra trung tâm của vũ trụ, sẽ có người ngạc nhiên vì biết rằng mình không phải là nó.” Sống với tư tưởng rằng mình là trung tâm của vũ trụ là cách nói khác của sự ích kỷ.

Thế nào là sự ích kỷ? Ích kỷ là lối sống chỉ biết nghĩ cho mình, luôn suy tính thiệt hơn, lúc nào cũng chăm chăm vun vén cho lợi ích của cá nhân mà thờ ơ, vô cảm, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên hạnh phúc của người khác để đạt được mục đích của mình.

Từ những biểu hiện nhỏ, ích kỷ là khi ta không muốn, từ chối hướng dẫn giải bài tập cho bạn bè trong lớp vì sợ mất thời gian, sợ rằng bạn sẽ giỏi hơn, là thái độ ganh ghét, đố kị khi thấy hàng xóm “ăn nên làm ra” hơn nhà mình … Lớn lao hơn, ích kỷ là khi ta tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự vì sợ khó, sợ khổ, sợ công việc dang dở mà không nghĩ rằng nếu đất nước lâm nguy, ai sẽ là người cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, là khi bạn sẵn sàng ăn cắp ý tưởng của đồng nghiệp để đem lại lợi lộc, thành tích cho mình, …

Ích kỷ là một lối sống tiêu cực mà bất cứ ai cũng dễ dàng mắc phải. “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó” (Hồ Chí Minh). Ích kỷ khiến con người trở nên xấu xa, hẹp hòi. Họ không còn biết vui cho niềm vui của người khác, buồn cho nỗi buồn của người khác, luôn mong muốn mình được hơn người khác. Và rồi họ sẽ tự cô lập bản thân mình với phần còn lại từng ngày, từng ngày, để rồi chính họ sẽ trở thành những người cô đơn, bị bạn bè xa lánh. Sự ích kỷ cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vô cảm, bởi khi quá đề cao lợi ích, ham muốn của bản thân cũng là lúc con người thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống của những người xung quanh. Trong một xã hội có quá nhiều người ích kỷ thì thật là nguy hại. Ai cũng chăm chăm cho lợi lộc của bản thân sẽ khiến hoạt động nhóm mất hiệu quả, xã hội không còn sự hòa nhập và không thể phát triển. Chẳng phải chính bởi sự ích kỷ, bởi lòng tham vô đáy của một số người mà họ có thể tham ô hàng chục tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, chà đạp lên cuộc sống của người dân để hưởng lợi cho mình? Bởi xã hội còn những con người như thế, nên đời sống của nhân dân vẫn cứ khó khăn, mà chúng ta mãi không thể vươn lên sánh vai với bạn bè quốc tế…

Nhà văn Trung Quốc Cố Tây Tước trong cuốn tiểu thuyết “Nơi nào đông ấm” đã viết: “Ai mà không ích kỉ nghĩ cho mình, đó là chuyện thường tình, không ích kỉ, có mà là thánh nhân, mà thánh nhân thì không tồn tại ở thế giới này.” Đúng vậy, chúng ta không thể phủ nhận sự ích kỷ là một thứ cảm xúc vẫn luôn tồn tại trong bản thân mỗi con người. Nhưng để cùng tồn tại và phát triển, con người phải biết hạn chế tối đa những điều đó để cùng chung sống và cùng dựng xây tương lai tốt đẹp. “Tuổi trẻ chấm dứt khi tính vị kỷ kết thúc; sự trưởng thành bắt đầu khi ta sống vì người khác.” (Hermann Hesse). Ngay từ lúc này, hãy dành thời gian quan sát và để tâm đến những người xung quanh, biết gỡ bỏ cái tôi của mình khi cần thiết, biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, hãy giao lưu hòa nhập với bạn bè, sẵn sàng tham gia các hoạt động đoàn thể để phá vỡ lớp băng bao phủ quanh mỗi người, không ngừng rèn luyện bản thân bằng cách giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Hạn chế và dẹp bỏ sự ích kỷ không phải điều đơn giản, nhưng đó là một quá trình xứng đáng! Thật đáng xấu hổ thay cho những con người vị kỷ, hám danh hám lợi mà bỏ quên, dẫm đạp lên quyền lợi của người khác. Đó là những con người đáng phê phán, làm chậm sự phát triển chung của toàn xã hội.

“Con người hay phạm một ít sai lầm, ví như lúc mất đi rồi mới phát hiện người luôn bên cạnh làm bạn với mình đã không còn nữa. Lúc bàn tay trống rỗng mới ý thức được thứ còn lại mà bản thân mình có chỉ là tham lam cùng ích kỉ vô cùng tận” (Thiên Hạ Vô Bệnh). Bạn ơi, chúng ta đừng cứ mãi ích kỷ nhé, để rồi sau này chính chúng ta sẽ là người hối hận…

Hoàng Khánh Nhi
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question