image hoi dap
image hoi dap

Đáp án đề thi vào 10 môn Văn tỉnh Nghệ An

icon-time31/5/2024

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và THPT Chuyên Phan Bội Châu năm học 2024 – 2025.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào 2 ngày 5,6/6/2024 với ba bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp).

Trong đó, thi viết đối với môn Toán và Ngữ văn (120 phút); môn Ngoại ngữ tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; kết quả làm bài của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Theo cấu trúc đề thi năm nay, đề thi phải yêu cầu có đủ bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, mức độ nhận biết và thông hiểu: 50 - 60% tổng số điểm; mức độ vận dụng và vận dụng cao: 40 - 50% tổng số điểm.


Đáp án đề thi vào 10 môn Văn tỉnh Nghệ An 2024-2025

Cập nhật ngay khi thi xong


Đáp án đề thi vào 10 môn Văn tỉnh Nghệ An 2023-2024

Câu 1:

a. Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

b. "Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy".

"Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy".

c. Với ốc sên con cái vỏ là một thứ nặng nề, cồng kềnh và không có giá trị

Với ốc sên mẹ vỏ là phương tiện để bảo vệ cơ thể của chúng. Đồng thời ốc sên mẹ cũng cho thấy, chúng không cần dựa vào ai mà chỉ cần dựa vào chính bản thân mình không ngừng nỗ lực, cố gắng để bảo vệ bản thân, sống và phát triển.

d. Học sinh nêu thông điệp có ý nghĩa với mình.

Cuộc sống không hề hoàn hảo, hãy trân trọng và nâng niu những gì mình đang có.

Dựa vào chính bản thân mình và nỗ lực, cố gắng không ngừng.

Câu 2:

1. Giới thiệu vấn đề: dù bạn là ai thì bạn vẫn luôn có sẵn trong mình những giá trị nhất định.

Mỗi chúng ta đều có giá trị của riêng mình bởi vậy việc cần thiết đó chính là phải biết phát huy giá trị của bản thân.

2. Giải thích
- Giá trị của bản thân: Giá trị của bản thân là ý nghĩa của sự tồn tại của mỗi con người, là nội lực riêng trong mỗi con người. Giá trị của bản thân là ưu điểm, điểm mạnh vượt trội của mỗi người so với những người khác khiến mình có một cá tính riêng, dấu ấn riêng không trộn lẫn với đám đông.

=> Mỗi người hãy phát huy giá trị của chính mình.

3. Bàn luận

- Sự cần thiết phát huy giá trị bản thân:

+ Phát huy giá trị bản thân sẽ giúp chúng ta tự tin hơn với chính mình.

+ Phát huy được giá trị bản thân ta sẽ góp phần giúp cho xã hội ngày càng phát triển.

+ Phát huy giá trị của bản thân cũng là một cách giúp ta không ngừng nỗ lực, cố gắng vươn lên.

+....

- Giá trị bản thân không đơn thuần chỉ là tiền tài, vật chất bên ngoài mà còn là giá trị bên trong tâm hồn.

- Phê phán những người thiếu tự tin về bản thân, luôn sống rụt rõ e sợ.

4. Tổng kết vấn đề.

Câu 3:

Dàn ý tham khảo

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ

- Huy Cận là một trong số những gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại.
- Đoàn thuyền đánh cá là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Huy Cận

- Bài thơ không chỉ là khúc ca về vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn thể hiện vẻ đẹp của con người lao động trên biển. Đặc biệt là trong đoạn trích:


Ta hát bài ca gọi cá vào

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

2. Phân tích

Lời ca không chi xuất hiện khi đoàn thuyền đánh cá ra khơi mà còn xuất hiện khi đoàn thuyền đánh cá trên biển:

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

- Lời ca gọi cá vào gợi lên nhịp sống lao động đầy niềm vui, tâm hồn phóng khoáng yêu lao động.

- Người dân làng chài lao động trên biển không chỉ bằng sức lao động, niềm vui lao động phơi phới mà còn có thiên nhiên đồng hành.

- Hình ảnh so sánh “Biển cho ta cá như lòng mẹ”: biển là cội nguồn của sự sống; gợi lên sự ấm áp bao dung của lòng mẹ, sự gần gũi, yêu thương con người.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

- Hình ảnh “ta kéo xoăn tay” gợi vẻ đẹp khỏe khoắn của người dân chài lưới. Đồng thời cho thấy đó là một mẻ lưới bội thu với những khoang thuyền đầy ắp cá.

- Từ khung cảnh hăng say trên biển tác giả gợi ra hàng loạt biểu tượng: cuộc chạy đua với thời gian của con người để bình lên là có kết quả của lao động (qua từ kịp); con người chiến thắng với bao thành quả lao động quý giá; gợi vẻ đẹp của người lao động miền biển.

=> Tác giả vẻ lên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ; sự giàu có, hào phóng của biển; hình tượng người lao động bình dị mà lớn lao phi thường.

- Nếu đoàn thuyền đánh cá ra đi trong câu hát thì đoàn thuyền đánh cá trở về cũng trong câu hát.
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

- Khi trở về khúc ca lại là “với gió khơi” gợi niềm vui phơi phới khi họ trở về trên con thuyền đầy ắp cá.

- Phép nhân hóa – đoàn thuyền trở thành một sinh thể sống. Tác giả tái hiện cuộc chạy đua cùng thời gian để tôn lên tầm vóc con người. Gợi lên niêm hân hoan của cả thiên nhiên và con người khi đón chào ngày mới.

- Đoàn thuyền trở về trong ánh sáng rực rỡ huy hoàng. Trước hết là ánh sáng của mặt trời lúc bình minh. Muôn vàn mắt cá đang lấp lánh ánh mặt trời – nó là ánh sáng của lao động.

=> Khổ thơ mang âm hưởng của bản anh hùng ca lao động, thể hiện niềm vui phơi phới khi làm chủ đất trời của con người.

3. Đánh giá

- Huy Cận đã khắc họa thành công nhiều hình ảnh đẹp, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động.

- Âm hưởng vừa khỏe khoắn, sôi nổi vừa phơi phới, bay bổng; cách gieo vần biến hóa linh và bút pháp lãng mạn.

- Đoạn thơ khắc hoạ thành công hình ảnh con người lao động mới với tâm hồn phóng khoáng, yêu lao động.

- Bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của tác giả trước đất nước và cuộc sống.


Đáp án đề thi vào 10 môn Văn tỉnh Nghệ An 2022-2023

Câu 1. Đọc hiểu

a. Từ chỉ màu sắc được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất là: “xanh biếc”.

b. Những âm thanh của thiên nhiên được miêu tả trong đoạn trích: “tiếng chim reo”, “tiếng dế thức”, “tiếng cuốc dồn”.

c. Câu hỏi tu từ có tác dụng thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ trước mùa hạ: 

- Trước hết là sự ngỡ ngàng, vội vàng và tha thiết của tác giả khi không biết mùa hạ của mình đã kết thúc hay chưa, tuổi trẻ với những khao khát cháy bỏng trong tim mình còn hay là hết? 

- Đồng thời nhà thơ cũng cho thấy tình yêu và khát vọng thiết tha muốn níu giữ mùa hạ, níu giữ những khát khao thanh xuân của bản thân, muốn được sống hết mình với những ước mơ xanh tươi của tuổi trẻ. 

d. Đây là câu hỏi mở, từ sự khơi gợi cảm xúc của sau khi đọc ngữ liệu, học sinh viết lại cảm nghĩ của bản thân mình về mùa hạ đã đi qua trong tuổi thơ của mình. Đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) cần thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ chân thật của mỗi cá nhân, sau đây là một vài gợi ý:

- Đoạn trích trong bài thơ “Mùa hạ” của nhà thơ Xuân Quỳnh đã gợi ra trong em kí ức về những mùa hạ đã đi qua của tuổi thơ.

+ Mùa hạ trong kí ức tuổi thơ gắn liền với khoảng thời gian đáng nhớ nào của bản thân em? (Mùa hạ với học sinh chính là mùa thi, kì nghỉ hè và cảm xúc của em trong những quãng thời gian đó là gì? Em có ấn tượng với ai? Những câu chuyện nào xuất hiện trong khoảng thời gian đó?)

+ Mùa hạ trong kí ức tuổi thơ của em gắn liền với những khung cảnh thiên nhiên nào? (Màu sắc, âm thanh, hương vị của những sự vật trong khung cảnh thiên nhiên đó, cảm xúc của em khi được đắm chìm trong không khí của những mùa hạ đó ra sao?).

+ Cảm xúc, suy nghĩ của em về những mùa hạ đã đi qua trong tuổi thơ (nhớ nhung, lưu luyến tha thiết, yêu hơn những mùa hạ mà em sẽ trải qua trong đời...).

Lưu ý: Học sinh có thể trình bày câu trả lời dưới dạng một đoạn văn ngắn. 

Câu 2. Nghị luận xã hội

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Sự cần thiết phải nuôi dưỡng những niềm đam mê đẹp đẽ của mỗi người trong cuộc sống.

b. Triển khai vấn đề

* Giải thích

- Đam mê: niềm yêu thích, khát khao theo đuổi một lĩnh vực, công việc, nguyện vọng,... đam mê không chỉ dừng lại ở sở thích, và sự khao khát trong tâm tưởng, đam mê thúc đẩy con người hành động và đạt được thành tựu. 

- Đam mê đẹp đẽ: Phụ thuộc vào cách hiểu của mỗi người - thể hiện được bản sắc cá nhân, cống hiến cho cộng đồng, mang lại giá trị tích cực cho xã hội…

- Việc nuôi dưỡng đam mê: Không chỉ dừng lại ở tìm kiếm mà cần phải chăm chút, trau dồi, biến lòng yêu thích của mình thành những hành động thực tiễn, thoả mãn được khát khao của mình và đem lại giá trị tích cực cho cuộc sống.

→ Mỗi con người cần xác định cho mình những đam mê đẹp đẽ, những đam mê ấy là sự cần thiết trong cuộc sống, thúc đẩy con người hành động, như ngọn đèn soi đường dẫn ta đến đỉnh vinh quang, bến bờ thành công của cuộc đời.  

* Bàn luận

Học sinh đưa ra quan điểm cá nhân và lí giải phù hợp. Có thể tham khảo gợi ý sau: 

- Khi có “đam mê đẹp đẽ” sẽ khiến con người kiên trì theo đuổi đam mê của mình, “cháy hết mình với đam mê”, dù gặp phải những khó khăn cũng không nản lòng, lùi bước, đạt được thành tựu, giá trị tốt đẹp.  

- Sự đa dạng về thế mạnh và trải nghiệm cá nhân sẽ hình thành ở mỗi người sở thích và ước vọng khác nhau, đam mê phần nào giúp hình thành bản sắc, cá tính riêng.

- Đam mê định hình cho mỗi người con đường để phát triển và gặt hái những thành tựu trong cuộc sống. Đặc biệt, quãng thời gian tuổi trẻ → khát khao được thể hiện bản thân, sống và suy nghĩ hết mình, can đảm để thực hiện ý tưởng mới, đồng thời là lí tưởng sống tốt đẹp: cống hiến cho xã hội. 

- Làm việc với đam mê sẽ giúp con người tự do, thoải mái về tinh thần, làm việc sáng tạo và hiệu quả, từ đó cúng đạt được những giá trị và thành tựu tốt đẹp trong lĩnh vực mà mình theo đuổi, góp phần tạo ra thành quả vật chất, đồng thời lan tỏa cảm hứng sống cho những người xung quanh. 

Một số dẫn chứng về người “nuôi dưỡng những đam mê mạnh mẽ":

- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - người sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên Việt Nam với khát khao đưa Việt Nam vào bản đồ cà phê thế giới.

- Trần Bảo Khánh - Tổng giám đốc và Đồng sáng lập Rens Original - phát triển sản phẩm thời trang từ vật liệu tái chế để giảm thiểu các tác hại của ô nhiễm môi trường.

- Học sinh Vũ Đức Vinh, trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu, Nghệ An đạt Huy chương Bạc trong kì thi Olympic Toán Quốc tế. 

* Mở rộng vấn đề

- Theo đuổi đam mê cần dựa trên nhận thức về năng lực, điều kiện của cá nhân, phân biệt đam mê và những ham mê, suy nghĩ viển vông, hão huyền.  

- Tránh nhầm lẫn giữa đam mê và sở thích, thú vui nhất thời → đam mê đủ lớn. 

* Bài học nhận thức và hành động

- Tự tin và có tinh thần “dấn thân”, chấp nhận thử thách. 

- Xác định những sở thích cá nhân, thử nghiệm và bước vào hành trình tìm kiếm đam mê của chính mình. 

- Nuôi dưỡng đam mê: chia nhỏ mục tiêu, lập kế hoạch hành động để từng bước đạt được mục tiêu của mình. 

Câu 3. Nghị luận văn học

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Phân tích vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích (được trích từ tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa)

b. Triển khai vấn đề

b.1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu vị trí, nội dung đoạn trích cần phân tích.

b.2. Thân bài

b.2.1. Giới thiệu chung về nhân vật

- Nghề nghiệp: Anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu → Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của tác phẩm. 

- Anh sống và làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, “xung quanh anh chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, công việc của anh là “làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu” nhằm dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.

- Cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.

Từ việc miêu tả hoàn cảnh sống ấy, tác giả đã làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật.

b.2.2. Vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích

* Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc vốn có nhiều gian khổ

- Công việc có nhiều gian khổ: 

+ “Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng”.

+ “Ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào cũng thấy không đủ sáng”.

+ “Gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”.

+ “Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung”... 

- Thành thạo trong công việc mình đang làm:

+ “Cái thùng này đo mưa này…mưa xong đổ nước ra cái cốc li phân mà đo”.

+ “Cái này là máy nhật quang kí…đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy mà định nắng”.

+ “Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất”...

- Lòng yêu nghề, yêu lao động, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc:

+ “Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi”.

+ “Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng”.

→ Nhận thức được vai trò công việc mình đang làm, trách nhiệm của bản thân, vượt qua khó khăn ngoại cảnh để hoàn thành công việc.

* Khiêm tốn, tỉ mỉ; có nếp sống gọn gàng, giản dị

- Khiêm tốn, tỉ mỉ: 

+ Anh thành thực nhận thấy công việc và sự cống hiến, đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé: “Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác”. 

+ Tỉ mỉ trong công việc đòi hỏi độ chính xác cao.

- Gọn gàng, giản dị: 

+ “Căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ,...”.

+ “Cuộc đời riêng của anh thanh niên gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách.”

→ Tính cách phù hợp với công việc anh đang làm.

* Cởi mở, chân thành, có lòng hiếu khách và quan tâm đến mọi người

- Tiếp đón khách chân thành, nồng hậu, chu đáo: 

+ Mời họa sĩ và cô gái vào nhà, chia sẻ không gian sinh hoạt của bản thân.

+ “Rót nước chè mời bác già”, “bưng cái chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô”.

- Thoải mái chia sẻ với mọi người tính chất, nhiệm vụ công việc, suy nghĩ của bản thân.

b.2.3. Tổng kết

* Nội dung

- Dù anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc, nhưng bằng cách đặt nhân vật vào tình huống gặp gỡ tình cờ, qua cảm xúc và đánh giá của mọi người xung quanh, những chi tiết tiêu biểu... tác giả đã phác họa chân dung nhân vật với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa công việc.

- Trong cái “lặng lẽ” của Sa Pa, trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ, có những chàng trai trẻ như anh thanh niên đang sống và âm thầm dâng hiến tuổi xuân của mình cho hạnh phúc con người, cho Tổ quốc thân yêu. Anh thanh niên là hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, là một mẫu người lý tưởng cho tuổi trẻ Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ, hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ.

- Vẻ đẹp tâm hồn và những suy nghĩ nghĩ của nhân vật anh thanh niên trong truyện đã gieo vào lòng người đọc niềm khâm phục, ngưỡng mộ và định hướng cho ta cách sống đẹp, thôi thúc ta khát khao được sống và làm những việc có ích cho cuộc đời.

* Nghệ thuật

- Cách gọi tên nhân vật: Tác giả không đặt tên riêng cho nhân vật mà chỉ gọi bằng “anh thanh niên” làm cho ý nghĩa của truyện có sức khái quát hơn: con người tiêu biểu cho thế hệ trẻ, cho người lao động mới đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc.

- Cách xây dựng nhân vật chân thực, khách quan qua điểm nhìn trần thuật từ nhân vật ông họa sĩ (một người làm nghệ thuật và có sự từng trải) và qua lời thoại của nhân vật.

b.3. Kết bài: Khẳng định lại vẻ đẹp của nhân vật và giá trị của tác phẩm.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question