image hoi dap
image hoi dap

Đoạn văn phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc

icon-time14/2/2024

Lão Hạc của Nam Cao là một trong những truyện ngắn đặc sắc trong kho tàng văn học Việt Nam. Điểm làm nên hấp dẫn của truyện không thể bỏ qua kết thúc đau lòng khiến người đọc thổn thức. Mời các em tìm hiểu rõ hơn qua đoạn văn phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc.


Phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc - Mẫu số 1

Cách kết thúc truyện Lão Hạc của Nam Cao mang đậm tính bi kịch, với hình ảnh lão Hạc vật vã, quằn quại trong đau đớn khi ăn bả chó để tự kết liễu cuộc đời mình. Cái chết dữ dội và đầy ám ảnh ấy đã để lại nhiều dư âm sâu sắc trong lòng người đọc, đồng thời khiến truyện ngắn Lão Hạc trở thành một tượng đài không thể lay đổ. Vì so với những cái kết trong truyện nói về người nông dân trong xã hội cũ, khó kiếm được truyện nào nhân vật có cái kết hậu, cũng khó tìm được truyện nhân vật có cái kết đau đớn như Lão Hạc. Hình ảnh lão Hạc vật vã trong cái chết đầy đau đớn khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm cho số phận bi đát của lão. Đó không chỉ là một con người, mà còn là một tầng lớp với biết bao con người đang ngày đêm bị áp bức bất công. Cái chết là minh chứng cho sự bế tắc, tuyệt vọng cùng cực của lão trước cuộc sống bần cùng, không lối thoát. Qua cái chết của Lão Hạc, tác giả đã phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công, thối nát đã đẩy con người vào cảnh cùng cực. Đồng thời, tác giả cũng thể hiện niềm thương cảm sâu sắc cho số phận bi thảm của người nông dân nghèo khổ. 


Phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc - Mẫu số 2

Có người từng nói, “Dù viết về đề tài nào, truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung: nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới.” Sau khi đọc xong cái kết của Lão Hạc, ta mới ngẫm ra nhận xét trên là chính xác. Trong muôn vàn cái kết, Nam Cao để cho Lão kết thúc phần đời bi thảm của mình, đơn độc và đau đớn. Cũng trong muôn vàn cái chết, Nam Cao để lão chết bởi bả chó, một cái chết đau đớn và dằn vặt nhất. Nhưng chính cái chết đó lại khiến cho những nhân cách tốt của lão Hạc được phơi bày: Lão không trộm chó, không muốn bán cậu Vàng, để lại đất cho đứa con không trở lại, không phiền làng xóm làm ma chay. Cả cuộc đời lão vật vã, như loài côn trùng sống thoi thóp dưới đáy xã hội để chờ người con trở về. Nhưng từ khi bán cậu Vàng, dường như sức sống của lão đã cạn. Lão không cam chịu chết đói, chết nhục, mà chọn cách tự kết liễu cuộc đời mình để giữ gìn phẩm giá và lòng tự trọng. Dù trong hoàn cảnh bần cùng, cùng cực, Lão Hạc vẫn luôn giữ gìn tình yêu thương con sâu sắc, sự trung thực và lòng tự trọng. Cái chết của Lão Hạc là lời tố cáo đanh thép xã hội phong kiến bất công, vô nhân đạo đã đẩy con người vào bước đường cùng. Không chỉ mình lão, còn hàng trăm ngàn người khác đang bị đày đọa, như chị Dậu, như Chí Phèo,... Kết thúc bi kịch của truyện Lão Hạc đã góp phần tạo nên sức lay động mạnh mẽ cho tác phẩm, khiến người đọc không thể nào quên. Cái chết của Lão Hạc là lời cảnh tỉnh cho xã hội, đồng thời là tiếng nói thương cảm cho số phận bi thảm của người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến.

Đoạn văn phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc

Phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc - Mẫu số 3

Ở cuối chuyện ” Lão Hạc” con người hiền lành lương thiện như Lão Hạc đã phải chết đau đớn và dữ dội. Nam Cao đã rất khéo léo trong việc chọn cách kết thúc truyện không có hậu để Lão Hạc phải chết trong sự đau đớn, dằn vặt, nhưng qua cái chết của Lão Hạc giúp cho mọi người hiểu về con người , quý trọng và thương xót lão hơn. Lão Hạc vốn là người nông dân nghèo phải sống khổ sở, tằn tiện để dành dụm tiền và luôn lo lắng cho tương lai của đứa con mình. Đến lúc bị dồn đến đường cùng, đói kém mất mùa liên miên, ốm đau, lão phải đứng trước hai sự lựa chọn: cái sống và cái chết, nếu lão sống thì lão sẽ ăn vào tiền bòn vườn, phải bán vườn hoặc tha hóa như Binh Tư, còn nếu lão chết thì lão sẽ giữ lại được mảnh vườn giữ được tương lai cho con trai. Và cuối cùng lão đã chọn cái chết, lão tự xóa đi sự sống của mình để bảo toàn căn nhà, mảnh vườn với niềm hi vọng con lão sẽ trở về. Đặc biệt hơn lão đã chọn cái chết như cái chết của một con vật, vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc, giật mạnh, vật vã đến 2h rồi mới chết. Qua đó, ta thấy xuất phát trong con người lão là tình yêu thương âm thầm tha thiết, mãnh liệt, lớn lao, một tình thương đầy lòng vị tha và đức tính hi sinh cao cả. Lão là một con người sống có tình có nghĩa, có tấm lòng nhân hậu, thủy chung, trung thực mà thẳng thắn, giàu lòng tự trọng đáng kính. Cái chết của Lão Hạc tuy đau đớn về thể xác nhưng chắc chắn sẽ thanh thản về tâm hồn.


Phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc - Mẫu số 4

Kết thúc truyện Lão Hạc gây ấn tượng và sự liên tưởng sâu xa tạo cho tác phẩm có sức vang lớn. Lão đã kết liễu cuộc đời mình bằng bả chó, có thể nói đó là một cái chết dữ dội và đau đớn nhất, “Lão vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi … chốc chốc lại giật nảy lên, lão tru tréo, bọt mép sùi ra”, bấy nhiêu cụm từ đó đã khiến cho ta ấn tượng cái chết của lão Hạc. Tác giả đã liên tiếp sử dụng các từ láy gợi hình, gợi cảm, nó khiến cho ta hình dung được một lão Hạc sắp chết. Đó là cái chết của người do bị trúng độc bả chó. Bất giác, em có cảm tưởng như không phải cách chết của một con người bình thường mà là cách chết như của một con chó. Có lẽ, cái chết đau đớn mà dữ dội như muốn liên tưởng sâu sắc đến lời thanh minh, chuộc tội với cậu Vàng. Lão không chọn cách chết nào khác mà chết như cách chết của một con chó ăn phải bả, bởi với lão đến tận lúc chết, ám ảnh về cậu Vàng, về việc mình đã trót lừa một con chó vẫn day dứt lương tâm lão. Lão đã chọn một cách giải thoát đáng sợ nhưng lại như một cách để tạ lỗi cùng cậu Vàng chăng? Lão Hạc yêu thương con chó như con trai nhưng lại nỡ lừa bán nó đổ cho thằng Mục giết thịt, thì lão cũng phải tự trừng phạt mình, tự chịu hình phạt như một con chó. Lão Hạc chết trong đau đớn, vật vã ghê gớm về thể xác nhưng chắc chắn lão lại thanh thản về tâm hồn vì đã hoàn thành nốt công việc cuối cùng với đứa con trai vẫn “bặt vô âm tín” với hàng xóm láng giềng về tang ma của mình. Lão chết để giữ phần ấm cho con, để giữ lại hi vọng cho người con duy nhất đang ở nơi xa của mình. Cái chết của lão là biểu hiện cao nhất của tình phụ tử thiêng liêng, của đức hi sinh cao cả. Đó là âm vang của lòng tự trọng, âm vang của tình thương yêu và cả nhân cách cao đẹp. Tiếng vang về cái chết của lão Hạc như một lời tố cao đanh thép về xã hội bất công tàn bạo.


Phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc - Mẫu số 5

Kết thúc của văn bản Lão Hạc là cái chết đột ngột và bất ngờ của lão, và ít ai biết được lí do. Lão dùng bã chó để chết bởi vì lão thấy có lỗi với cậu Vàng _ con chó của lão. Vì quá túng thiếu, và không muốn đụng vào tài sản ( lão muốn để lại cho người con trai ) nên lão buộc phải bán con chó, con vật thân thiết với lão từ khi người con trai ra đi. Lão luôn để dành tiền để con lão cưới vợ vì lão rất yêu con của mình, lão sợ mỗi khi lão đau ốm bệnh tật phải tốn tiền mua thuốc, tốn tiền ăn uống mỗi ngày. Quyết định dữ dội tìm đến cái chết bằng bả chó là giải pháp duy nhất đối với lão Hạc, để lão đứng vững trên bờ lương thiện trước vực sâu tha hoá. Kết thúc bi kịch cũng là thật sự chấm dứt những dằn vặt riêng tư của lão Hạc, nhưng để lại bao suy ngẫm về số phận những con người nghèo khổ lương thiện trong xã hội cũ. Lão Hạc vẫn còn cách để duy trì sự sống. Nhưng nếu làm thế nghĩa là ăn vào vốn liếng để dành cho con. Lão đã tự chọn cái chết để bảo toàn căn nhà, mảnh vườn ấy. Lão lại còn lo mình gây phiền hà cho hàng xóm. Như thế, cái chết tự nguyện này xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao, từ lòng tự trọng đáng kính.


Phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc - Mẫu số 6

Đóa sen hồng sống giữa bùn lầy tăm tối vẫn vươn lên tìm nguồn ánh sáng và tỏa ngát hương thơm. Nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao cũng vậy, hoàn cảnh sống đã đẩy lão đến cùng quẫn nhưng lão vẫn chọn cho mình cách sống, cốt cách thanh cao và trong sạch. Ở cuối truyện, lão Hạc đã chọn cho mình cái chết như một hành đồng tự giải thoát. Việc lão Hạc tự chọn lấy cái chết để giữ trọn mảnh vườn cho con, cái chết tự nguyện của lão xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao, từ lòng tự trọng thật đáng kính. Qua đó ta thêm trân trọng tấm lòng, đức hi sinh cho con của một người cha nghèo. Vậy nhưng, tại sao lão lại chọn cái chết bi thảm là ăn bả chó? Lão hoàn toàn có thể lựa chọn một cái chết êm dịu, nhẹ nhàng và ít đau đớn hơn. Bởi lẽ lão sống cả đời chân thực, chưa biết lừa dối một ai. Vậy mà cậu Vàng – người bạn tâm tình, trung thành với lão mà lão lỡ lừa dối nó. Lão đã lừa để cậu Vàng phải chết thì giờ đây lão cũng phải chết theo kiểu một con chó bị lừa. Đó như một sự tự trừng phạt của lão dành cho mình. Người đọc không khỏi xót xa, thương cảm cho một tấm lòng nhân hậu,  trung thực đáng quý ở con người nghèo khổ nhưng thanh cao ấy. Có thể nói, cách kết thúc truyện mang màu sắc bi kịch của Nam Cao đã gây ra sự bất ngờ không chỉ với thế giới nhân vật trong truyện mà còn gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Chi tiết cái chết của lão Hạc đã góp phần tạo nên đặc sắc nghệ thuật cho truyện. Đó là cái chết khiến người đọc thêm xót xa trước thân phận của con người, kính trọng những nhân cách cao đẹp như lão Hạc.

Tô Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question