image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Chạy đi Sông ơi

icon-time9/3/2024

"Chạy đi Sông ơi" là một trong những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Huy Thiệp. Hãy cùng Topbee trả lời những câu hỏi đề Đọc hiểu Chạy đi Sông ơi nhé!

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: 
(Tóm tắt: Một câu bé từ nhỏ đã bị mê hoặc bởi huyền thoại nhiệm màu về con trâu đen. Con trâu có phép nhiệm màu ban sức mạnh thần kì cho con người. Và như lời chị Thắm nói, những người tốt sẽ được gặp con trâu kì diệu ấy. Thế rồi cậu bé đã quyết tâm theo đuổi, tìm kiếm. Nhưng kết quả thì sao? Giấc mộng ngọt ngào ấy đã không thể đến với một cậu bé đang sống trong cuộc đời trần tục, phũ phàng này. Người ta mải mê tranh giành luồng cá mà bỏ mặc cậu rơi xuống sông, suýt chết đuối nếu như không có chị Thắm cứu giúp)

Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên con đò ngang. Ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ khăn trùm kín mặt. Đôi mắt to đen nhìn tôi mừng rỡ: – Thế là tỉnh rồi….Em ăn một tí cháo nhé?

Tôi cố nhỏm dậy, bụng dạ trống rỗng và đau cồn cào, chân tay tôi run bần bật. Tôi đón bát cháo cá nóng mà cầm không vững.

– Để chị bón cho – Người phụ nữ nói dịu dàng- Chị tưởng em chết. Chân tay em cứng đờ ra..Lão Tảo dốc trong bụng em đến nửa vại nước. Em là liều lắm! đi đánh cá đêm với lão trùm Thịnh có ngày chết toi mất xác!

– Chị cứu em à?- Tôi hỏi. – ừ…chị nghe thấy em kêu cứu


– Bọn đánh cá đêm ác lắm chị ạ – Tôi buồn rầu nói- Họ nghe thấy em kêu cứu mà cứ lờ đi….

– Đừng trách họ thế- Người phụ nữ an ủi tôi, giọng nói ngân nga như hát- có ai yêu thương họ đâu…Họ đói mà ngu muội lắm…..

Thế là từ đấy tôi quen chị Thắm. Chị Thắm nhà trong bến Cốc. Nhà chị nghèo lắm. Suốt ngày ở trên con đò ngang, một tấm khăn vuông đen trùm kín mặt.Có lần tôi hỏi chị Thắm về chuyện trâu đen. Chị bảo: – Trâu đen có thực! Nó ở dưới nước. Khi nó lên bờ là nó mang cho người ta sức mạnh….Nhưng nhìn thấy nó, được nó ban điều kỳ diệu phải là người tốt. Tôi tin lời chị. Lòng tôi vẫn hằng ấp ủ trông thấy điều kỳ diệu ấy. Con người ta tối tăm lắm…Chị nói với tôi khi hai chị em ngồi trên mũi đò chờ khách sang sông. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường.

Mùa hè năm ấy nhà tôi chuyển về thành phố. Thế là tôi xa bến Cốc, xa chị Thắm. Khi tôi ra đi, chị Thắm gọi tôi xuống đò cho ăn cháo cá. Tôi cũng không ngờ đó là bát cháo cá mòi cuối cùng tôi ăn trong thời trai trẻ. Một cuộc sống mới mở oà trước mặt tôi. Thành phố cũng bán cá mòi nhưng là thứ cá đã được ướp khô, rút ruột….

Năm ngoái, bỗng nhiên tôi có dịp trở về bến Cốc. Bây giờ tôi đã trưởng thành. Tôi làm công chức ở sở, lấy vợ, đẻ một đàn con đông đúc. Cuộc sống trưởng giả no đủ bao bọc lấy tôi. Có lẽ tôi cũng chẳng có gì phàn nàn cuộc sống. Ước mơ tuổi trẻ nhường chỗ cho bao nhu cầu thiết thực. Bến Cốc vẫn hệt như xưa. Cá mòi phơi trắng trên bờ. Bến đò rất ít những người qua lại. Cây gạo vẫn đứng cô đơn chốn cũ, màu hoa rực đỏ xao xuyến bồn chồn. Tôi bước xuống đò mà lòng bồi hồi khôn tả. Trên đò, một bà cụ già đang ngồi tư lự. Tôi bước lại gần khẽ hỏi: – Cụ ơi, chị Thắm lái đò còn ở đây không?

– Thắm ư?- Bà cụ thoáng nỗi ngạc nhiên. Tôi đứng lặng người khi nhận ra con đò cũ. Kỷ niệm ấu thơ bồng vụt hiện về. – ông quen nhà Thắm ư ông?- Bà cụ hỏi tôi, giọng nói nghẹn ngào- Bao nhiêu năm nay chẳng hề có ai hỏi thăm nhà Thắm….Nhà Thắm chết đuối hai chục năm rồi!

Tôi oà lên khóc nức nở. Xung quanh sông nước nhoà đi. Bà cụ lái đò vẫn đang rầu rầu kể lể: – Khốn nạn! nhà Thắm cứu được không biết bao người ở khúc sông này…Thế mà cuối cùng nó lại chết đuối mà không ai cứu…

Bên sông lại vẳng tiếng hát thuở nào tê tái:

Chảy đi sông ơi

Băn khoăn làm gì

Rồi sông đãi hết

Anh hùng còn chi?

Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?

Bên sông có tiếng gọi đến là ráo riết: – Đò ơi….ơi đò! Đò ơi! Ơi đò!

Đọc hiểu Chạy đi Sông ơi

Đọc hiểu Chạy đi Sông ơi

Câu 1. Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ ba
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ nhất
D. Ngôi thứ nhất và thứ ba

Đáp án: C

Giải thích: Khi người kể xưng “tôi” là cách chọn ngôi kề thứ nhất

Câu 2. Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của nhân vật nào?

A. Nhân vật chị Thắm
B. Nhân vật xưng “tôi”
C. Nhân vật cụ già chèo đò
D. D.Nhân vật người dân chài lưới.

Đáp án: B

Giải thích: Kể theo ngôi thứ nhất nhân vật xưng tôi, người kể không chỉ kể chuyện mà còn kể tâm trạng

Câu 3. Chi tiết nào sau đây khiến nhân vật tôi “òa lên khóc nức nở” ?

A. Sau 20 năm mới trở về bến quê xưa.
B. Lâu lắm không có ai nhắc đến nhà Thắm.
C. Chị Thắm chết đuối 20 năm rồi.
D. Nhớ về kỉ niệm đẹp tuổi ấu thơ.

Đáp án: C

Giải thích: Dựa vào đoạn trích: sau khi nhân vật tôi hỏi bà cụ về chị Thắm lái đò và nhận được câu trả lời “Nhà Thắm chết đuối hai chục năm rồi!" đã kiến nhân vật tôi oà lên khóc nức nở
Câu 4. Hình tượng “con trâu đen” là biểu tượng cho:

A. Những con người chài lưới ban đêm trên sông.
B. Những con người chịu khó sẽ luôn được giúp đỡ..
C. Những con người nghèo khó nhưng sống nghĩa tình.
D. Niềm tin vào điều kì diệu sẽ đến với người tốt.

Đáp án: D

Giải thích: Dựa vào đoạn trích: “Một câu bé từ nhỏ đã bị mê hoặc bởi huyền thoại nhiệm màu về con trâu đen. Con trâu có phép nhiệm màu ban sức mạnh thần kì cho con người. Và như lời chị Thắm nói, những người tốt sẽ được gặp con trâu kì diệu ấy.”

Câu 5. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu sau:

“…Cây gạo vẫn đứng cô đơn chốn cũ, màu hoa rực đỏ xao xuyến bồn chồn...”

A. So sánh.
B. Nhân hóa.
C. Ẩn dụ.
D. Hoán dụ.

Đáp án: B

Giải thích: Nhân hoá là một phép tu từ gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,... bằng những từ ngữ vốn dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người. Nhân hoá cây gạo cũng biết cô đơn như con người

Câu 6: Từ “ngu muội” trong đoạn văn bản có nghĩa nào sau đây?

A. Đầu óc thiếu minh mẫn.
B. Suy nghĩ tiêu cực.
C. Làm những điều bốc đồng, cảm tính.
D. Ngu dốt, tối tăm, không hiểu biết gì.

Đáp án: D

Giải thích: Dựa vào đoạn trích: Người phụ nữ an ủi nhân vật tôi, giọng nói ngân nga như hát- có ai yêu thương họ đâu…Họ đói mà ngu muội lắm….. ngu muội ở đây là sự thiếu hiểu biết do không được đi học, k được đồng cảm trước khó khăn của cuộc sống, những con người ngu muội ấy chỉ biết làm việc để có thể trang trải cuộc đời
Câu 7: Thái độ nào được nhắc đến trong câu văn: “Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường”?

A. Chán nản trước sự bất công.
B. Tiêu cực về cuộc sống.
C. Chán nản trước sự vô tâm đầy rẫy.
D. Bất lực về sự bất công đầy rẫy.

Đáp án: C

Giải thích: Dựa vào đoạn trích cho thấy những người đánh cá khi nghe nhân vật tôi kêu cứu và họ cứ lờ đi cho thấy sự vô cảm của những người nhìn thấy cái chết trước mắt nhưng không giúp đỡ, sự chán nản trước những vô tâm đầy rẫy giữa biên người


Đọc hiểu Chạy đi Sông ơi (Tự luận)

Câu 8: Nêu nội dung của đoạn trích?

Trả lời: Đoạn trích kể câu chuyện về nhân vật tôi và chị Thắm. Chị Thắm có ơn cứu nhân vật tôi khỏi chết đuối và cứu được rất nhiều người trên quãng sông ấy nhưng về sau chính chị lại bị chết đuối mà không có ai cứu.

Câu 9: Hãy nhận xét về kết thúc của truyện?

Trả lời: Kết thúc của truyện phản ánh một thực tế đau xót và buồn bã, không phải cứ cho đi là sẽ được nhận lại. Chị Thắm đã cứu được rất nhiều người khỏi chết đuối, chị là một người tốt, nhưng khi chị gặp chuyện không may lại chẳng có ai cứu chị.

Câu 10: Nêu bài học nhân sinh cốt lõi mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi gắm đến bạn đọc qua câu chuyện trên?

Trả lời: Hãy nuôi dưỡng tâm hồn lương thiện trong mình và luôn giúp đỡ những người xung quanh, không nên thờ ơ vô cảm khi gặp những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Hoàng Thu Hà
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question