image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu cô hàng xén trắc nghiệm

icon-time13/3/2024

"Cô hàng xén" là một trong những tác phẩm của tác giả Thạch Lam thể hiện sự cơ cực và mệt mỏi của một đời người. Hãy cùng Topbee trả lời những câu hỏi đề Đọc hiểu cô hàng xén trắc nghiệm nhé!

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Tóm tắt: Từ thời còn son trẻ theo bạn bè gánh hàng xén đi khắp chợ buôn bán cho đến lúc về làm vợ nhà người, cũng vẫn gánh hàng bé xíu ấy, Tâm chắt chiu từ đó để nuôi gia đình mình. Những đồng tiền cô kiếm được – trước là để lo cho em, sau lại thêm gia đình chồng – vốn đã ít ỏi, nay bị xẻ nhỏ lại càng ít ỏi hơn. Và cuộc đời cô cứ như một tấm vải, ngày qua ngày cần mẫn dệt đều những đường chỉ thô sơ, nối dài cơ cực và mệt mỏi cho một đời người.

Cô Tâm bớt mệt hẳn đi khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù. Cùng một lúc, dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két. Cô sắp về đến nhà rồi, gánh hàng trên vai nhẹ đi, và những cái uốn cong của đòn gánh bây giờ nhịp với chân cô bước mau. Cô thấy chắc dạ và ấm cúng trong lòng, bỏ hẳn nỗi lo sợ từ nãy vẫn quanh quẩn trong trí khi cô qua quãng đồng rộng, trơ gốc rạ dưới gió bấc vi vút từng cơn.

[…]

Bữa cơm ngon lành quá, Tâm ngồi ăn dưới con mắt hiền từ và thương mến của mẹ. Các em cô quây quần cả chung quanh, hỏi chuyện chợ búa của chị. Tâm ngắm nghía các nét mặt xinh xẻo, những con mắt ngây thơ lóng lánh dưới mái tóc tơ của các em: cô thấy lòng đầm ấm và tự kiêu, lòng người chị chịu khó nhọc để kiếm tiền nuôi các em ăn học. Cô hỏi han sách vở của thằng Lân và thằng Ái, học lớp ba ở trường làng. Ngày trước, thời còn sung túc, cô cũng đã cắp sách đi học và về nhà lại được ông Tú dạy thêm chữ nho. Nhưng đã lâu, cô rời bỏ quyển sách, để bước chân vào cuộc đời rộng rãi hơn, khó khăn và chặt chẽ. Buôn bán bây giờ mỗi ngày một chật vật, bởi cô vốn ít. Tất cả gánh hàng của Tâm chỉ đáng giá hai chục bạc. Giá nàng có nhiều tiền để buôn vải bán các chợ như Liên.

– Thôi, các em đi ngủ đi, mai còn dậy sớm mà đi học chứ.

Lân cười, trả lời chị:

– Mai chủ nhật cơ mà, chị quên rồi à? Tối nay em thức rõ khuya để nói chuyện với chị.

Nhưng một lát sau, trong căn nhà yên tĩnh, chỉ còn Tâm và bà Tú ngồi trên phản: cô kiểm điểm và xếp đặt lại các thức hàng để mai đi phiên chợ Bằng chính. Những thứ hàng nho nhỏ, khác nhau và xinh xắn: cuộn chỉ, bao kim, hộp bút, cúc áo, giấy lơ, một trăm thức lặt vặt qua lại trên ngón tay nhỏ của thiếu nữ, vừa quý báu lại vừa ít ỏi. Mỗi thứ đối với Tâm có một linh hồn riêng, và cô hàng lờ mờ đoán hiểu trong thâm tâm những khó nhọc và công của đã làm thành chúng.

– Ðộ này, hàng có bán được không con?

– Thưa u, cũng khá ạ.

Chị Liên bán vải cũng chẳng đẹp bằng. Tâm biết mình xinh nhất chợ. Bọn con trai cứ hay quanh quẩn chỗ cô ngồi và buông lời chòng ghẹo. Nhưng cô không để ý: Tâm thấy vững vàng ở giá trị và lòng cao quý của mình. Nàng đã đảm đang nuôi cả một nhà, với lại, trừ phi là cô gái hư không kể, còn ai ở địa vị nàng cũng phải tảo tần buôn bán như thế. Làm việc, đối với Tâm, là lệ chung của người ta. Cô thấy chung quanh toàn những đàn bà chịu khó làm ăn vất vả để nuôi chồng, nuôi con. Không bao giờ Tâm nghĩ cho mình, cho cuộc đời riêng của cô.

Đọc hiểu cô hàng xén trắc nghiệm

[…] Trong nhà đã ngủ yên tĩnh cả rồi. Trên án thư, bên ngọn đèn hoa kỳ, chồng sách và cái ống bút của Lân, Ái che khuất ánh sán quá! Các em nàng! Những đứa em thông minh và ngoan ngoãn quá! Không biết nàng có tảo tần mãi được để kiếm tiền mua giấy bút cho chúng ăn học không? Tâm mơ màng nghĩ đến sự thành công của các em sau này: đỗ đạt rồi làm trên tỉnh giúp thầy mẹ. Nhà nàng lại sung túc và mát mặt như xưa.

Người chị mộc mạc và âu yếm ấy nghĩ ngợi trong đêm yên lặng. Tiếng trống cầm canh đã qua nửa đêm, nàng mới khẽ thở dài, nhắm mắt ngủ.

Tất cả những nỗi lo lắng lui đi và tâm hồn giản dị của thiếu nữ được nghỉ yên tĩnh.

Sáng sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng; mùi rơm rác và cỏ ướt thoang thoảng bốc lên, mùi quen của quê hương và của đất mầu khiến Tâm thấy dễ chịu và thêm can đảm. Nàng rảo bước cho mau chóng đến chợ.

Cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi. Chịu khó, chịu khó từng tí một, hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi. Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa; tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều nhau. Có phải đâu chỉ một mình cô; trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em. Tâm không chán nản cũng không tự kiêu, chỉ thấy yên tâm chắc chắn, như nhiều người khác cũng làm việc, cũng sống như nàng.

Lược một đoạn: Rồi Tâm lấy chồng. Nhà chồng nàng cũng nghèo, nhà cửa không có gì. Cậu Bài dạy học trong làng được dăm bảy bồng bạc lương. Bao nhiêu việc chi tiêu trong nhà lại trông cả vào mình nàng. Bây giờ gánh hàng trở nên nặng quá trên đôi vai nhỏ bé. Chiếc đòn gánh càng cong xuống và rên rỉ. Ngoài giang sơn nhà chồng nàng phải gánh vác, Tâm lại còn lo sao kiếm được đủ tiền để thêm cho các em ăn học.

[…] Lúc Tâm ra về, trời đã tối. Nàng vội vã bước mau để về cho con bú. Sương mù xuống phủ cả cánh đồng, và gió lạnh nổi lên: Tâm thu vạt áo lại cho đỡ rét, lần theo bờ cỏ đi. Lòng nàng mệt nhọc và e ngại: lấy đâu mà bù vào chỗ tiền đưa cho em? Tâm nhớ lại những lời dằn của mẹ chồng và những câu giận dữ của Bài mỗi khi hỏi nàng không có tiền. Nàng nghĩ đến những ngày buôn bán được, ngày không, Tâm dấn bước. Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dầy đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối.

(Trích Cô hàng xén, Thạch Lam, Gió lạnh đầu mùa, NXB Văn học, 2014, tr.171-187)


Đọc hiểu cô hàng xén trắc nghiệm

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên là:

A. Biểu cảm 

B. Chính luận 

C. Tự sự

D. Miêu tả

Đáp án: C

Giải thích: 

Khi sử dụng phương thức biểu đạt tự sự thì trong nội dung thường sẽ phải có một cốt truyện, mạch truyện và chủ đề rõ ràng. Trong mạch truyện có các nhân vật, sự việc, sự kiện theo từng diễn biến, mạch cốt truyện.

Văn bản trên có cốt truyện về cuộc đời cô gái tâm, tầm tảo làm lụng cả đời để lo cho gia đình ==> Phương thức biểu đạt chính là Tự sự.

Câu 2. Điều gì xảy ra khi “Tâm ngắm nghía các nét mặt xinh xẻo, những con mắt ngây thơ lóng lánh dưới mái tóc tơ của các em” ?

A. Cô thấy lòng đầm ấm và tự kiêu, lòng người chị chịu khó nhọc để kiếm tiền nuôi các em ăn học.

B. Tâm thấy vững vàng ở giá trị và lòng cao quý của mình.

C. Cô kiểm điểm và xếp đặt lại các thức hàng để mai đi phiên chợ Bằng chính. Những thứ hàng nho nhỏ, khác nhau và xinh xắn: cuộn chỉ, bao kim, hộp bút, cúc áo, giấy lơ, một trăm thức lặt vặt qua lại trên ngón tay nhỏ của thiếu nữ, vừa quý báu lại vừa ít ỏi.

D. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ.

Đáp án: A

Giải thích: 

Dựa vào nội dung văn bản để thấy được điều xảy ra khi “Tâm ngắm nghía các nét mặt xinh xẻo, những con mắt ngây thơ lóng lánh dưới mái tóc tơ của các em”: Tâm ngắm nghía các nét mặt xinh xẻo, những con mắt ngây thơ lóng lánh dưới mái tóc tơ của các em: cô thấy lòng đầm ấm và tự kiêu, lòng người chị chịu khó nhọc để kiếm tiền nuôi các em ăn học. 

Câu 3. Dòng nào dưới đây gọi tên đúng biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Tiếng trống cầm canh đã qua nửa đêm, nàng mới khẽ thở dài, nhắm mắt ngủ.”?

A. Liệt kê

B. So sánh

C. Nhân hóa

D. Ẩn dụ

Đáp án: A

Giải thích: 

Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay tư tưởng, tình cảm.

Đoạn văn trên dùng hàng loạt từ để diễn tả sâu sắc hơn về thời gian nửa đêm trước khi ngủ của chị Tâm ==> Biện pháp tu từ Liệt kê

Câu 4. Truyện ngắn trên viết về đề tài gì?

A. Người nông dân Việt Nam

B. Người trí thức Việt Nam 

C. Người phụ nữ Việt Nam

D. Tiểu tư sản Việt Nam

Đáp án: C

Giải thích:

Đoạn văn trên viết về cuộc sống tần tảo sớm hôm của chị Tâm để lo cho chồng, cho các em và cho cuộc sống, mang những vẻ đẹp chịu thương chịu khó của người phụ nự Việt Nam ==> viết về đề tài người phụ nữ Việt Nam.

Câu 5. Hình ảnh “cái đòn gánh” trong câu văn “cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi” có ý nghĩa gì?

A. "Cái đòn gánh” là những nỗ lực, cố gắng của cô hàng xén khi cố gắng chống lại hiện thực xã hội tối tăm, nghèo đói. Thể hiện thái độ xót thương, sự trân trọng của nhà văn với người nông dân Việt Nam.

B. “Cái đòn gánh” là sự chán nản, buồn bã của Tâm khi ý thức về số phận đầy trớ trêu của mình. Thể hiện thái độ bất bình của nhà văn về xã hội Việt Nam lúc bấy giờ: trọng nam khinh nữ, chà đạp số phận con người.

C. “Cái đòn gánh” là gánh nặng mưu sinh, nỗi nhọc nhằn thân phận cùng bước chân bền bỉ, lặng lẽ của Tâm. Qua đây, Thạch Lam đã thể hiện niềm xót xa, sự trân trọng dành cho vẻ đẹp tần tảo, chắt chiu, đức hi sinh ân thầm, kiên nhẫn của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.

D. Cái đòn gánh” là sự phản kháng, đấu tranh đầy bền bỉ, kiên cường của Tâm với mẹ chồng và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Thể hiện sự thương cảm của nhà văn với giai cấp tiểu tư sản Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Đáp án: C

Giải thích:

Dựa vào văn bản trên ta thấy được tâm là một người phụ nữ tần tảo chịu thương chịu khó làm việc vất vả để lo cho gia đình chồng và lo cho em ==> “Cái đòn gánh” là gánh nặng mưu sinh, nỗi nhọc nhằn thân phận cùng bước chân bền bỉ, lặng lẽ của Tâm. Qua đây, Thạch Lam đã thể hiện niềm xót xa, sự trân trọng dành cho vẻ đẹp tần tảo, chắt chiu, đức hi sinh ân thầm, kiên nhẫn của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.

Câu 6. Văn bản được kể theo ngôi kể thứ 3, điểm nhìn nhân vật Tâm. Điều này có tác dụng:

A. Giúp người đọc vừa có một cái nhìn chủ quan, chân thực, tin tưởng về cuộc đời của nhân vật; từ đó có cơ sở đi sâu khám phá những suy nghĩ, nội tâm nhân vật cô hàng xén.

B. Giúp người đọc vừa có một cái nhìn khách quan, soi chiếu, đánh giá về cuộc đời của nhân vật; vừa có thể đi sâu khám phá những suy nghĩ, nội tâm nhân vật cô hàng xén.

C. Giúp hình tượng nhân vật cô hàng xén trở nên chân thực, sinh động và hấp dẫn; từ đó dễ dàng phát hiện những bài học ý nghĩa, sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm.

D. Giúp hình tượng nhân vật Tâm thể hiện được cái tôi của bản thân; từ đó, tác giả khắc họa rõ nét vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.

Đáp án: B

Câu 7. Vì sao giữa những bộn bề, lo toan lại có những giây phút Tâm cảm thấy “tất cả những nỗi lo lắng lui đi và tâm hồn giản dị của thiếu nữ được nghỉ yên tĩnh”?

A. Vì Tâm luôn lo cho các em và những người xung quanh, cô không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết.

B. Vì cô nhận được sự công nhận của mọi người đối với những cố gắng, hi sinh của bản thân.

C. Vì Tâm biết ngoài kia xã hội cũng có nhiều người phụ nữ giống mình, cũng tần tảo, miệt mài và chịu đựng.

D. Vì giữa những nỗi lo toan của cuộc sống, cô vẫn không ngừng hi vọng “trái ngọt” sẽ đến với các em và gia đình mình.

Đáp án: D

Giải thích: Các em nàng! Những đứa em thông minh và ngoan ngoãn kiến nàng cảm thấy rất vui, nàng nghĩ đến sự thành công của các em sau này: đỗ đạt rồi làm trên tỉnh giúp thầy mẹ ==> Vì giữa những nỗi lo toan của cuộc sống, cô vẫn không ngừng hi vọng “trái ngọt” sẽ đến với các em và gia đình mình.

Hoàng Thu Hà
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question