image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Dấu chân trên đường (2 đề)

icon-time21/3/2024

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Dấu chân trên đường trắc nghiệm và tự luận chính xác nhất, bám sát cấu trúc chấm điểm của các Đề thi Ngữ văn phần Đọc hiểu.


Nội dung bài thơ Dấu chân trên đường

(1) Ai biết đường kia dậm mấy lần?
    Gió vừa thổi lạc dấu muôn chân.
    Làm sao góp lại nâng xem thử
    Những bước vu vơ xa lại gần.

(2) Thôi đã tan rồi vạn gót hương
    Của người đẹp tới tự trăm phương.
    Tan rồi những bước không hò hẹn
    Đã bước trùng nhau một ngả đường.

(3) Cây mở cành xanh, nghiêng lá phơi;
    Bụi gieo trên lá, dội nên lời
    Bâng khuâng kể lại bao câu chuyện
    Của những bàn chân rỗ dấu đời.

(4) Đã vậy bao lần rồi thế nhỉ?
   Và sau này nữa, dấu chân ai
   Sẽ ghi rồi xoá trên đường bạc
   Mỗi lúc trời đau gió thở dài.

 (Nguồn: Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, 1940)

 


Đọc hiểu Dấu chân trên đường (Trắc nghiệm)

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ trên là gì?

A. Nghệ thuật

B. Sinh hoạt

C. Khoa học

D. Báo chí

Câu 2. Bài thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?

A. Biểu cảm

B. Tự sự

C. Miêu tả

D. Nghị luận

Câu 3. Từ “Bước” trong tác phẩm được lặp đến mấy lần?

A. 1

B. 2

C. 3

D. 4

Câu 4. Câu thơ nào có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa?

A. Gió vừa thổi lạc dấu muôn chân

B. Của người đẹp tới tự trăm phương

C. Cây mở cành xanh, nghiêng lá phơi

D. Mỗi lúc trời đau gió thở dài

Trả lời đọc hiểu Dấu chân trên đường (Trắc nghiệm)

Câu 1. Đáp án A => Phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ trên là nghệ thuật

Câu 2. Đáp án A => Bài thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt biểu cảm.

Câu 3. Đáp án C => Từ “Bước” trong tác phẩm được lặp đến 3 lần.

Câu 4. Đáp án D => Câu thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa là “Mỗi lúc trời đau gió thở dài”.

Đọc hiểu Dấu chân trên đường

Đọc hiểu Dấu chân trên đường (Tự luận)

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Khổ (1), (2) được gieo vần gì?

Câu 3. Câu thơ “Mỗi lúc trời đau gió thở dài” sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó.

Câu 4. Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là gì?

Câu 5. Anh (chị) có cảm nhận gì về hình ảnh “những bàn chân rỗ dấu đời” ? (Từ 3 - 5 câu)

Đáp án Đọc hiểu Dấu chân trên đường (Tự luận)

Câu 1.

- Bài thơ trên được viết theo thể thơ 7 chữ.

Câu 2.

- Khổ (1), (2) được gieo vần “ân” và vần “ương”.

Câu 3.

- Câu thơ “Mỗi lúc trời đau gió thở dài” sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa: “trời đau”, “gió thở dài”. Tác dụng của biện pháp nhân hóa biến trời và gió từ tự nhiên cũng có cảm nhận giống buồn, tiếc nuối giống con người, điều đó giúp ta nhận ra nhân hóa làm cho câu thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, có linh tính, đặc sắc, làm cho người đọc cảm nhận được cảm xúc thực sự trong tác phẩm.

Câu 4.

- Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn, sự tiếc nuối, day dứt.

Câu 5.

Hình ảnh “những bàn chân rỗ dấu đời" khắc họa hình ảnh con người phải bước qua những cửa ải khó khăn, thử thách trên đường đời. Mỗi khó khăn, thử thách ấy, họ gặp phải sẽ là một dấu rỗ in hằn trên đôi chân, điều đó giúp con người cảm nhận được công sức, bài học, sự kiên trì, cố gắng vượt qua từng ngày một của mình để có được kinh nghiệm, bài học quý giá, được sự thành công mà bản thân mình mong muốn đạt được. 

Hoàng Như Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question