image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Đền Ngọc Sơn

icon-time23/4/2024

Hướng dẫn trả lời Đọc hiểu Đền Ngọc Sơn của cuộc sống tự luận chi tiết giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao


Nội dung bài Đền Ngọc Sơn

Đọc văn bản sau và trử lời các câu hỏi

ĐỀN NGỌC SƠN

Trong cụm di tích hồ Gươm nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, người ta vẫn thường nhắc tới Đền Ngọc Sơn như một nơi liêng thiêng và luôn đồng hành cùng mọi sự thăng trầm của thủ đô Hà Nội. Chính vì lẽ đó, không có vị khách nào tới Hà Nội mà không ghé thăm quần thể kiến trúc độc đáo này

Đền nằm trên đảo Ngọc (còn gọi là Ngọc Sơn), một gò đất nổi giữa Hồ Gươm, cách Tháp Rùa một quãng không xa. Theo văn bia của đền ghi lại, đền Ngọc Sơn được khởi xây vào mùa thu năm 1841. Ngôi đền được tu sửa công phu nhất vào năm 1865, do Nguyễn Văn Siêu – nhà nho lỗi lạc của đất Thăng Long đứng ra lo liệu. Nhiều công trình ý nghĩa cũng được hình thành vào lần tu sửa này tạo nên bộ mặt hài hòa của kiến trúc đền Ngọc Sơn gồm: đền Ngọc Sơn – cầu Thê Húc – tháp Bút – đài Nghiên.

Tháp Bút được xây bằng đá, trên có tạc 3 chữ “tả thanh thiên” (viết lên trời xanh), trên đỉnh là hình ngọn bút lông vươn lên trời cao. Đài Nghiên là một nghiên mực bằng đá được đội lên bởi 3 con cóc. Nếu Văn Miếu – Quốc Tử Giám nổi tiếng với hình ảnh rùa đội bia thì kiến trúc cóc đội nghiên này mang lại một nét đặc sắc khá thú vị cho khu đền Ngọc Sơn. Tháp Bút – đài Nghiên từ xưa vẫn luôn được coi như biểu tượng linh thiêng gắn liền với văn chương, thi cử. Nhiều sĩ tử tìm đến đây cầu một chút may mắn để vững tâm hơn trong con đường học hành của mình.

Cầu Thê Húc, cây cầu với cái tên mang ý nghĩa là đón những ánh nắng ban mai đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của quần thể kiến trúc Hồ Gươm nói chung và đền Ngọc Sơn nói riêng. Cây cầu bằng gỗ sơn son với 15 nhịp, 32 chân cột tròn nổi bật trên nền nước xanh ngăn ngắt của Hồ Gươm, nối liền từ đường cái quan đến cổng đền. Cổng đền có tên là Đắc Nguyệt Lâu với lối kiến trúc hai tầng đẹp mắt vẫn còn giữ nguyên nét cổ kính cho tới ngày nay. Bên trong là đền chính gồm hai khu nối nhau. Khu thứ nhất hướng về phía Bắc thờ Đức Đại vương Trần Hưng Đạo và Đức Văn Xương Đế Quân. Phía Nam là đình Trấn Ba có kiến trúc thanh thoát và đậm chất thơ. Ngoài ra, trong đền Ngọc Sơn còn thờ cả đức Phật A Di Đà. Điều này vừa thể hiện đời sống tâm linh phong phú của người dân vừa là minh chứng rõ nét cho sự chung sống hòa hợp giữa các tôn giáo trên cùng một đất nước Việt Nam.

Cùng với quần thể Hồ Gươm, Tháp Rùa; đền Ngọc Sơn là một di tích văn hóa – lịch sử độc đáo, một điểm du lịch đặc sắc của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

(Trần Thanh Giang, theo Báo Điện tử)


Đọc hiểu Đền Ngọc Sơn 

Câu 1: Ngoài phương thức biểu đạt chính là thuyết minh, văn bản còn sử dụng những phương thức biểu đạt nào khác?

Câu 2: Văn bản viết về đề tài gì?

Câu 3: Phần in đậm ở đầu văn bản gọi là gì? Nêu tác dụng của phần in đậm đó.

Câu 4: Em ấn tượng nhất với chi tiết thuyết minh nào trong văn bản? Vì sao em ấn tượng với chi tiết đó?

Câu 5: Viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng, đánh giá về giá trị nổi bật của Đền Ngọc Sơn.

Đáp án

Câu 1:

- Ngoài phương thức biểu đạt chính là thuyết minh, người viết văn bản còn sử dụng thêm phương thức tự sự và miêu tả.

Câu 2:

- Văn bản viết về đề tài: một danh lam thắng cảnh ở Hà Nội đó chính là Đền Ngọc Sơn, giới thiệu về nguồn gốc khái quát - miêu tả về đền.

Câu 3:

- Phần in đậm ở đầu văn bản gọi là: Sapo 

- Tác dụng: nêu bật nội dung văn bản, mở đầu nội dung bên trong khái quát vấn đề, tạo sự lôi cuốn hứng thú cho người đọc khi được nghe về đền Ngọc Sơn tạo cho cảm giác thích thú hứng thú nghe.

Câu 4:

- Chi tiết: thuyết minh về tháp bút 

- Vì: sự ấn tượng về cách bày trí kiến trúc ngày xưa, sự tỉ mỉ và hợp tình hợp lí giữa cách bày trí tháp bút. Đồng thời là chốn tâm linh là sự may mắn về vấn đề học hành tri thức cho các sĩ tử đến đây cầu may.

Câu 5: 

- Đền Ngọc Sơn một khu văn hóa di tích xuất hiện lâu đời ở Việt Nam ta, là chốn địa điểm tâm linh lịch sử hình thành nên ngôi đền này gắn bó với nhiều thăng trầm lịch sử đất nước. Đền Ngọc Sơn có giá trị văn hóa tinh thần là biểu tượng văn hóa trí tuệ của người dân Hà Nội. Kiến trúc ngôi đền cũng tạo ra sự linh thiêng, một kiến trúc từ cổ sưa nhưng lại được bày trí một cách tỉ mỉ và tinh tế cuốn hút rất nhiều người. Một địa điểm tâm linh về lĩnh vực tri thức học hành độ mỗi mùa thi để cho học sinh và sinh viên đến cầu may học hành. Là sự gia thoa, hòa hợp giữa tâm linh về Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo.

Kim Nhung
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question