image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Dời bến Nguyễn Ngọc Tư (2 đề)

icon-time21/3/2024

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Dời bến Nguyễn Ngọc Tư trắc nghiệm và tự luận chính xác nhất, bám sát cấu trúc chấm điểm của các Đề thi Ngữ văn phần Đọc hiểu.


Nội dung truyện ngắn Dời bến 

Bà con của một người bà con dẫn cô lên giúp việc nhà họ vào một bữa trời mưa. Cô vắt đôi tà áo ướt đẫm nước, tròn con mắt phân trần, “Xứ gì ngộ quá, đâu cũng có nhà mà không có chỗ đụt mưa. Ở đâu cũng tường rào kín mít, kiếm đỏ con mắt mới gặp được mái hiên, tui mới đứng chút xíu đã bị kêu tránh ra cho người ta buôn bán. Phải ở dưới quê bà con còn đem ghế cho ngồi…”.

Ngay cái ngày đầu tiên đó cô đã mang một chuẩn mực mới đến với gia đình họ, tạm gọi là “phải ở dưới quê… ”. Ngó mấy con cá rô nằm cạnh rổ cải bắp, cô thẫn thờ, “Trời ơi, phải ở dưới quê, mình nấu cá rô với bông so đũa, ngọt nước dữ lắm”. Bông so đũa mùa này trổ trắng trên mấy bờ kinh, mật ơi là mật. Hàng xóm cãi nhau, cô ngó qua rào, “Phải ở dưới quê thể nào cũng có người chạy tới can, người ngoài nói tiếng ngọt tiếng lạt, cũng đỡ căng lắm…”. Sau mỗi bữa ăn, cô tần ngần, “Phải ở dưới quê, đồ ăn dư như vầy là nuôi được mấy con heo…”.

Mỗi ngày qua, cô lại đưa ra một vài kiểu so sánh mới, chi tiết và tinh tế đến mức cô đặt cả bụi và cỏ lên bàn cân. Cỏ ở thị thành cũng vô duyên, phải ở quê, cỏ phơi khô, đem đốt, lấy tro trồng đậu, trồng dưa. Chủ nhà quen dần, thấy mến cái cách nói thẳng thừng, gọn lỏn, ngỏn ngoẻn, tỉnh bơ như thể cái xóm nhỏ heo hút kia mới chính là thiên đường. Và cô, dù đã xa mảnh thiên đường đó mà lòng còn cắm sào ở bến sông, níu mãi bụi ô rô, đọt nhãn lồng, hàng lơn nước xanh rêu, con gà mái quýnh quáng gọi đàn con đến bên ổ mối. Cô hòa nhập chậm, bởi bước chân cô kéo theo hàng hàng ký ức, lớp lớp nỗi nhớ. Dễ gì…

Mỗi người có một chuẩn mực của riêng mình để vịn vào, đối chiếu, so sánh. Chủ nhà từng nghĩ cuộc sống hiện đại, sung túc là thiên đường. Nhưng bây giờ thì họ hoang mang, thế giới mơ ước của họ có nguy cơ đổ vỡ trước cô giúp việc ương bướng, bởi cô không nghĩ vậy, gì chớ, quê cô là nhất. Cô là người không dễ bị thuyết phục, kể cả lúc buộc phải đồng tình, ừ cái bếp này không khói, khỏi bị chảy nước mắt, nhưng không khói thì không thơm mùi củi ướt, mùi những con mối nhỏ, trứng kiến bị cháy vàng, mùi khoai lang vùi trong than. Mỗi khi cô “nhưng” nhà chủ thót tim, vì thấy mình thua là cái chắc. Nhiều lúc nằm nhìn cái máy điều hòa thấy mặc cảm dễ sợ, mặc cảm với những ngọn gió phóng khoáng thổi nước chảy tràn lên những bờ sông quê cô. Và việc có nhiều tiền cũng đôi khi làm nhà chủ bẽn lẽn, họ không bao giờ mua được cái chốn nhớ cho mình, với khói đốt đồng, bông khế rụng, mấy con ong bầu vo ve đục kèo nhà làm tổ.

Sáu tháng, cô chỉ có cái lý duy nhất “phải ở dưới quê…” mà xiêu lạc cả nhà chủ. Họ bắt đầu cảm thấy cái nơi mà họ chưa từng đặt chân đến mới là thiên đường. Bữa cô về quê dự đám giỗ, họ nôn nao như chính mình trở về, đám trẻ con dậy sớm, lăng xăng dặn, “Chị Hai về nhớ đi câu thác lác, bứt bông súng, hái chùm ruột đem lên cho tụi em ăn nghen”. Người lớn rảo qua rảo lại, ngó cô giúp việc nháo nhác bên cái giỏ, chỉ mấy hộp bánh tây, trà lài mà cô nhét vào, xổ ra, rồi lại nhét vào, mắc tức. Chút nữa thôi, chuyến tàu trưa sẽ đưa cô về lại thiên đường riêng mình. Nhà chủ ngó cái lưng cô giúp việc khuất dần và nghĩ thầm, mình đã từng có thiên đường, nhưng giờ nó không còn nữa.

Cô trở lại nhà chủ cũng một bữa mưa rào. Dường như mưa cuối mùa. Lui cui rửa đôi dép, cô cằn nhằn, “Rầu quá, dưới quê bước ra là gặp sình lầy, dơ muốn chết, phải ở thành phố…”.Chủ nhà hơi khựng lại, ngỡ ngàng. Cô vẫn hồn nhiên, “Đám giỗ làm bánh lủ khủ, phải ở thành phố, chạy ra chợ mua cho gọn…”. Lòng cô đã không còn buộc dây nơi bến cũ, thiên đường của cô cũng tan biến mất rồi. Rốt cuộc không có thiên đường nào hết. Chuyện bình thường thôi, cô đã được tiện nghi thành thị nuông chiều, nhận ra một chuẩn mực mới. Một trò chơi nhỏ của thời gian, nhưng mà chơi ác. Biết vậy, nhưng nhà chủ vẫn buồn, vì lòng họ đã neo vào một cô giúp việc quê mùa, hồn nhiên, chân chất của mưa xưa.

(Theo Nguyễn Ngọc Tư, Bánh trái mùa xưa)


Đọc hiểu Dời bến Nguyễn Ngọc Tư (Trắc nghiệm) 

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của tác phẩm qua đoạn trích trên.

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Biểm cảm 

D. Nghị luận

Câu 2. Nhân vật chính trong đoạn trích là ai?

A. Chí Phèo

B. Cô giúp việc

C. Chủ nhà

D. Chị Dậu

Câu 3. Cô giúp việc lên thành phố vào ngày trời như thế nào?

A. Trời mưa

B. Trời nắng

C. Trời se lạnh

Câu 4. Chủ nhà mến điều gì ở cô giúp việc?

A. Sự chăm chỉ

B. Sự thân thiện, trung thực

C. Cách nói chuyện thẳng thừng, gọn lỏn, ngỏn ngoẻn, tỉnh bơ

D. Tài năng nấu ăn

Câu 5. Cô giúp việc đã có sự thay đổi như thế nào trong đoạn trích?

A. Từ một người chăm chỉ trở nên lười biếng 

B. Từ người biết giữ ý tứ trở nên lắm chuyện, hay thích hóng hớt, càm ràm

C. Vẫn giữ được dáng vẻ quê mùa, chân chất, hồn nhiên

D. Từ người coi cái xóm nhỏ heo hút là thiên đường trở thành người hướng đến, coi thành thị mới là thiên đường của mình

Đáp án đọc hiểu Dời bến Nguyễn Ngọc Tư (Trắc nghiệm) 

Câu 1. Đáp án A => Phương thức biểu đạt của tác phẩm qua đoạn trích trên là tự sự.

Câu 2. Đáp án B => Nhân vật chính trong đoạn trích là cô giúp việc. 

Câu 3. Đáp án A => Cô giúp việc lên thành phố vào ngày trời mưa không có chỗ che.

Câu 4. Đáp án C => Chủ nhà mến cách nói chuyện thẳng thừng, gọn lỏn, ngỏn ngoẻn, tỉnh bơ ở cô giúp việc.

Câu 5. Đáp án D => Cô giúp việc đã có sự thay đổi rõ ràng từ người coi cái xóm nhỏ heo hút là thiên đường trở thành người hướng đến, coi thành thị mới là thiên đường của mình.

Đọc hiểu Dời bến Nguyễn Ngọc Tư

Đọc hiểu Dời bến Nguyễn Ngọc Tư (Tự luận) 

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.

Câu 2. Chỉ ra những điều rất đỗi bình dị của chốn quê nhưng người chủ nhà không thể mua được dù có nhiều tiền.

Câu 3. Điệp ngữ “phải ở dưới quê” được lặp lại nhằm có tác dụng gì?

Câu 4. Vì sao tác giả lại cho rằng tiện nghi thành thị lại là trò chơi ác với người miền quê?

Câu 5. Anh, chị có đồng cảm với nỗi buồn nhân vật người chủ nhà khi “lòng họ đã neo vào một cô giúp việc quê mùa, hồn nhiên, chân chất của mưa xưa” không? Vì sao?

Đáp án đọc hiểu Dời bến Nguyễn Ngọc Tư (Tự luận) 

Câu 1.

- Ngôi kể của người kể chuyện là ngôi thứ ba. 

Câu 2. 

- Những điều rất đỗi bình dị của chốn quê nhưng người chủ nhà không thể mua được dù có nhiều tiền: “Họ không bao giờ mua được cái chốn nhớ cho mình, với khói đốt đồng, bông khế rụng, mấy con ong bầu vo ve đục kèo nhà làm tổ.”

Câu 3.

- Điệp ngữ “phải ở dưới quê” được lặp lại trong lời cô giúp việc có tác dụng nhằm nhấn mạnh kí ức, sự tiện lợi ở chốn miền quê, nơi thiên đường của cô giúp việc. Và điệp ngữ tạo giọng điệu thiết tha, sâu lắng, bồi hồi, khát khao thương nhớ về thiên nhiên que hương cùng những người dân chân chất, thật thà. 

Câu 4.

- Tác giả cho rằng tiện nghi thành thị lại là trò chơi ác với người miền quê. Bởi thành thị có đầy đủ tiện nghi, có những công cụ, máy móc hiện đại giúp cuộc sống con người trở nên thuận tiện dễ dàng, tiết kiệm được nhiều thời gian công sức, còn ở miền quê thích không có những thứ đó, chỉ tồn tại mọi thứ đơn sơ, mộc mạc, giản dị. Chính vì thế mà sự tiện nghi của thành thị lại khiến cho những người miền quê say đắm, họ học cách mưu sinh, sử dụng chúng để phục vụ cho cuộc sống, công việc và vô hình chung lãng quên đi những thứ mộc mạc cùng ký ức miền quê xưa cũ, những giá trị truyền thống sinh hoạt của người dân quê. 

Câu 5.

Em đồng cảm với nỗi buồn nhân vật người chủ nhà khi “lòng họ đã neo vào một cô giúp việc quê mùa, hồn nhiên, chân chất của mưa xưa” bởi vì những người sống trong thành thị họ phải học cách sử dụng mọi thứ tiện lợi ở nơi đây để kịp chạy theo nhịp điệu của cuộc sống thành thị, họ bận rộn lo toan công việc và những công cụ hiện đại chính là những thứ đáp ứng nhu cầu một cách tiết kiệm, đơn giản, nhanh chóng của người dân nơi phố thị và hình ảnh về một cuộc sống thôn quê giản đơn bình dị, hạnh phúc, không phải bộn bề, áp lực với công việc, với những mối quan hệ xã hội giả tạo. Thế nên hình bóng mộc mạc, chân chất, ngay thẳng của cô giúp việc ở quê lên đã phủ lên tâm hồn mong được bình yên, sống trong bầu không khí đậm chất thôn quê của chủ nhà, khi cô giúp việc hòa mình với lối sống tiện nghi nơi phố thị những hành động, lời nói đã thay đổi hoàn toàn điều đó làm chủ nhà cảm thấy buồn thương, tiếc nuổi, tiếc cho bản chất hồn nhiên, quê mùa, thật thà đã không còn như ngày đầu. 

Hoàng Như Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question