image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Hành trình vào tâm trái đất (trắc nghiệm)

icon-time17/10/2023

“Hành trình vào tâm trái đất” là một câu truyện lí thú, đầy bổ ích. Hãy cùng Topbee trả lời những câu hỏi đề Đọc hiểu Hành trình vào tâm trái đất (tự luận, trắc nghiệm) nhé!

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

[…] Tôi không hề biết tên loại cây này. Có thể đây là một loại cây mà trên mặt đất không có chăng? Khi đi lại đến gần, tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú.
Giáo sư Lidenbrock gọi ngay tên chúng:
-À, đây chỉ là một rừng nấm!
Nhưng thực vật ở đây không phải chỉ có những loài nấm ấy mà xa xa, chúng tôi thấy rất nhiều loài cây cao lớn khác thường mọc thành từng nhóm. 
- Thật kì dị, nhưng huy hoàng và tráng lệ! – chú tôi kêu lên – Đây chính là toàn bộ hệ thực vật của thời kì chuyển tiếp của thế giới. Cháu hãy chiêm ngưỡng đi. Không một nhà thực vật học nào gặp một dịp may hiếm như vậy đâu!
- Hình như thượng đế muốn giữ trong cái nhà kính bao la này những loài cây trước thời hồng thuỷ.
- Nhà kính à? Nói đúng hơn thì đây cũng là một vườn thú! 
- Sao chú lại nói vậy?
- À, cháu hãy nhìn kĩ đám cát bụi và những mảnh xương rải rác trên mặt đất kia xem!
- Trời! Xương của những động vật trước thời hồng thuỷ!
Tôi vội lao tới những tàn tích cổ đại, những cái xương khổng lồ đã hoá thạch trông giống những thân cây khô và kêu lên:   - Đây đúng là một vườn thú bởi những hài cốt này không phải do một tai biến vận chuyển đến đây mà thuộc những động vật đã từng sinh sống dưới bóng cây kì dị trên bờ biển ngầm này. Nhưng cháu không hiểu tại sao trong một cái hang đá hoa cương này lại có những động vật bốn chân ấy? Bởi vì đời sống động vật chỉ có trên trái đất ở thời kì thứ hai, khi đất trầm tích đã được hình thành do phù sa và đã thay thế các loại đá nóng sáng của thời kì nguyên thuỷ.
- Thắc mắc của cháu dễ giải đáp thôi. Sở dĩ có như vậy là vì mảnh đất này là đất trầm tích. Sự việc này có thể giải thích bằng địa chất học. Ở một thời kì nào đó, trái đất được bao bọc bởi một lớp đàn hồi, chịu tác dụng của những sự vận động lên xuống liên tục theo định luật hấp dẫn. Có thể xảy ra những sự lún sụt đất đai và một phần đất trầm tích đã bị cuốn xuống đáy những vực thẳm bỗng nứt ra ấy.
- Có thể như thế lắm. Nhưng nếu những quái vật trước thời hồng thuỷ đã từng sinh sống ở những vùng đất ngầm này biết đâu chẳng có một vài con đang lang thang trong những khu rừng âm u kia?
Tôi bỗng kinh hãi nhìn quanh khắp chân trời, nhưng không bắt gặp một quái vật nào trên bờ biển hoang vắng.
Cảm thấy mệt mỏi, tôi liền ngồi xuống một mỏm đá nhô ra biển và phóng mắt nhìn rộng ra khắp vịnh. Nơi đây, lọt thỏm giữa hai gò đá lớn, có một cảng nhỏ khuất gió, mặt nước phẳng lặng. Tôi mong nhìn thấy một con tàu nào đó đang xuôi theo gió, giong buồm ra khơi.
[…]
 - Cứ thử xem, Axel ạ! Ta cần phải tìm hiểu thật cặn kẽ mọi bí mật của những vùng đất mới này.
- Nhưng hiện giờ chúng ta đang ở đâu?
- Ở cách Iceland ba trăm năm mươi dặm theo đường chim bay.
- Thế chúng ta đã xuống được bao sâu?
- Ba mươi lăm dặm.
- Vậy bây giờ chú định thế nào? Liệu chúng ta quay trở lại mặt đất không?
- Tại sao phải quay trở lại? Cho tới giờ phút này mọi việc vẫn trôi chảy cả, chúng ta không có lí do gì mà không tiếp tục lên đường.

(Trích Hành trình vào tâm trái đất, Jules Verne, Nhà xuất bản văn học, 2022, Hoàng Duy dịch)

 *Tóm tắt tác phẩm: Hành trình vào tâm Trái Đất (tiếng Pháp: Voyage au centre de la Terre) là một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Jules Verne xuất bản vào năm 1864. Câu chuyện kể về một giáo sư người Đức tin rằng có những miệng núi lửa có con đường đi thẳng xuống trung tâm Trái Đất. Ông, đứa cháu trai Axel, và người dẫn đường Hans của họ đã trải qua những chuyến phiêu lưu thú vị, gặp gỡ những con vật thời tiền sử cùng các thảm họa tự nhiên, cuối cùng đã quay lại được mặt đất ở miền nam nước Ý. Các sinh vật sống mà họ gặp phải phù hợp với từng thời kỳ địa chất, cũng như các lớp đá dần càng cổ hơn khi họ đi xuống càng sâu, những loài vật cũng xưa hơn khi các nhân vật tiến gần đến tâm Trái Đất.


Đọc hiểu Hành trình vào tâm trái đất (trắc nghiệm)

Câu 1. Đoạn trích trên thuộc thể loại văn học nào?

A. Cổ tích

B. Truyền thuyết           

C. Truyện ngắn

D. Truyện khoa học viễn tưởng 

Câu 2. Đoạn truyện kể về sự việc gì?

A. Nhân vật “tôi” chuẩn bị trở về nhà

B. Nhân vật “tôi” chứng kiến các tàn tích của thực vật và động vật trong lòng trái đất

C. Cuộc tranh luận của nhân vật “tôi” và giáo sư.

D. Nhân vật “tôi” đang chứng kiến đại dương ở trong lòng đất.

Câu 3. Người kể đoạn truyện trên kể ở ngôi thứ mấy?

A. Ngôi 1

B. Ngôi 2

C. Ngôi 3

D. Không xác định được.

Câu 4: Đoạn trích trên khắc họa nhân vật bằng cách nào?

A. Qua ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật

B. Qua ngôn ngữ độc thoại của các nhân vật

C. Qua hành động, cử chỉ, điệu bộ và lời nói của các nhân vật

D. Qua suy nghĩ của nhân vật

Câu 5: Nêu công dụng của dấu chấm lửng trong đoạn trích trên:

A. Biểu đạt ý còn nhiều sự việc chưa liệt kê hết

B. Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng

C. Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt

D. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở, ngập ngừng hay ngắt quãng

Câu 6: Theo nhận định của giáo sư, vì sao lại có sự xuất hiện của những động vật bốn chân trong một cái hang trong lòng đất, cách mặt đất vài chục dặm?

A. Vì trong lòng đất có sự sống giống như trên mặt đất

B. Vì những sự lún sụt đất đai và một phần đất trầm tích trên mặt đất đã bị cuốn xuống đáy những vực thẳm bỗng nứt ra trên mặt đất..

C. Vì đất trầm tích đã được hình thành do phù sa và đã thay thế các loại đá nóng sáng của thời kì nguyên thuỷ.

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 7: Trong đoạn trích, các nhân vật đang ở độ sâu nào?

A. Ba mươi lăm dặm

B. Cách Iceland ba trăm năm mươi dặm theo đường chim bay.

C. Sáu mươi lăm dặm

D. Đoạn trích không nhắc đến

Câu 8: Trạng ngữ trong câu: “Cảm thấy mệt mỏi, tôi liền ngồi xuống một mỏm đá nhô ra biển và phóng mắt nhìn rộng ra khắp vịnh.” có tác dụng:

A. Chỉ thời gian

B. Chỉ nơi chốn

C. Chỉ mục đích

D. Chỉ nguyên nhân

Câu 9. Câu trả lời của giáo sư ở cuối đoạn trích: “Tại sao phải quay trở lại? Cho tới giờ phút này mọi việc vẫn trôi chảy cả, chúng ta không có lí do gì mà không tiếp tục lên đường.” gợi cho em suy nghĩ gì về vị giáo sư này?

Câu 10. Dù không dựa trên cơ sở khoa học thực tế nhưng Hành trình vào tâm trái đất vẫn có những sự hấp dẫn đặc biệt của nó. Theo em điều gì đã làm nên sức hấp dẫn đó? Từ tác phẩm, gợi cho em suy nghĩ gì về ý nghĩa của việc khám phá bí ẩn của thế giới tự nhiên?

Đọc hiểu Hành trình vào tâm trái đất (trắc nghiệm)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu

Câu 1. D => tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Jules Verne xuất bản vào năm 1864

Câu 2. B => Tôi vội lao tới những tàn tích cổ đại, những cái xương khổng lồ đã hoá thạch trông giống những thân cây khô

Câu 3. A => Dựa vào góc nhìn của người kể truyện trong văn bản

Câu 4. A => Dựa trên những lời nói, đối thoại của các nhân vật trong văn bản với nhau

Câu 5. C => Bởi vì văn bản trên được trích từ tiểu thuyết “Hành trình vào tâm Trái Đất” và không nằm cạnh nhau

Câu 6. B => Bởi vì đời sống động vật chỉ có trên trái đất ở thời kì thứ hai, khi đất trầm tích đã được hình thành do phù sa và đã thay thế các loại đá nóng sáng của thời kì nguyên thuỷ

Câu 7. A => - Ba mươi lăm dặm.

Câu 8. D => Trạng từ “Cảm thấy mệt mỏi”: Nguyên nhân vì sao nhân vật “tôi” có những hành động tiếp theo

Câu 9.

- Câu trả lời của giáo sư ở cuối đoạn trích: “Tại sao phải quay trở lại? Cho tới giờ phút này mọi việc vẫn trôi chảy cả, chúng ta không có lí do gì mà không tiếp tục lên đường.” gợi cho em suy nghĩ:

+ Giáo sư là người kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu mà mình đang theo đuổi. Dù hành trình khám phá đầy mới mẻ, chưa biết điều gì sẽ đón nhận mình ở phía trước, dù cho người xung quanh đã có phần nao núng, muốn quay trở về nhưng giáo sư vẫn quyết tâm tiếp tục lên đường.

+ Giáo sư là người đam mê khoa học, thích tìm tòi, khám phá với những chuyến phiêu lưu mạo hiểm, quyết tâm chinh phục hành trình vào tâm trái đất của mình

Câu 10.

- Sức hấp dẫn của câu chuyện:

+ Sự tưởng tượng kì diệu, phong phú về thế giới bên trong lòng đất – nơi mà loài người chưa từng đặt chân đến.

+ Ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn, tạo thành nhiều tình huống li kì, thu hút sự chú ý của người đọc.

+ Câu chuyện có sức giáo dục người đọc: Bằng cách đưa các sinh vật đã tuyệt chủng vào đúng thời kỳ địa chất của chúng, ông đã cho người đọc một cách hình dung về thế giới cổ đại, từ kỷ băng hà cho đến thời kỳ khủng long.

- Ý nghĩa của việc khám phá bí ẩn của thế giới tự nhiên:

+ Cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về thế giới xung quanh chúng ta, những điều đã trải qua, những điều đang tồn tại, những điều sẽ xảy ra trong tương lai.

+ Giúp chúng ta có cách ứng xử đúng đắn với tự nhiên trong hiện tại

Hoàng Thùy Phương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question