image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Mẹ con Nguyễn Xuân Sanh (2 đề)

icon-time21/3/2024

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Mẹ con Nguyễn Xuân Sanh chính xác nhất, bám sát cấu trúc chấm điểm của các Đề thi Ngữ văn phần Đọc hiểu


Nội dung bài thơ Mẹ con Nguyễn Xuân Sanh

Thôn gần cho chí làng xa
Reo vui trǎm ngả, mừng ca khắp đồng
Thương con tay mẹ bế bồng
Con ơi, thương cháu, Bác lòng rộng sao.

Bác cho con má hồng đào
Cho con mắt sáng như sao cuối trời
Cho con phần đất phần đồi
Cho con cả một ngày mai thanh bình.

Ngủ đi con, mộng trong lành
Cha con chiến thắng Mường Thanh xong rồi
Lửa khu Hồng Cúm rực trời
Cha con chắc có đánh đồi Him Lam

Hai bờ Nậm Rốm nhiều cam
Chúng dồn từng khóm làng giam chật người
Các em bản Mị vui chơi
Giặc về đánh hiếp, tơi bời chim non.

Chiến hào bùn lạnh mưa trơn
Các chú, các bác, cha con đợi chờ
Vòng vây thắt chặt từng giờ
Điện Biên nay đã đỏ cờ Bác trao.

Cha con đi gặp đồng bào
Đứng nhìn lúa nếp lào rào đưa bông
Cha nhìn bát ngát con sông
Chắc cha sẽ nhớ cánh đồng quê hương

Đời cha mong đất, mong vườn
Cǎm thằng địa chủ, ghét phường giặc Tây
Cha đi chiến trận đêm ngày
Cũng mong mẹ có ruộng cày quanh nǎm.

Ngủ đi con, ngủ cho đằm
Mẹ nâng tay mẹ, con nằm con mơ
Đời con đã có Bác Hồ
Mẹ đang đi dưới bóng cờ Bác đây…

Việt Bắc, tháng 7-1954


Đọc hiểu Mẹ con Nguyễn Xuân Sanh (Trắc nghiệm) - Đề số 1

Câu 1: Bài thơ trên thuộc thể thơ gì?

A. Tự do

B. Lục bát

C. Sáu chữ

D. Tám chữ

Đáp án: B. Lục bát

Câu 2: Nhân vật trữ tình của bài thơ trên là ai?

A. Người mẹ

B. Các chú, các bác chiến khu

C. Người con

D. Người cha

Đáp án: C. Người con

Câu 3: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ dưới đây: “Cho con mắt sáng như sao cuối trời”.

A. So sánh

B. Nhân hóa

C. Liệt kê

D. Không sử dụng biện pháp tu từ nào

Đáp án: A. So sánh

Câu 4: Nhân vật “Bác” được nhắc đến trong câu thơ dưới đây là chỉ ai: “Bác cho con má hồng đào”

A. Anh trai của người mẹ

B. Người bác ở chiến khu với bố

C. Bác Hồ

D. Chỉ những người lính nói chung

Đáp án: C. Bác Hồ

Câu 5: Những từ ngữ nào dưới đây thể hiện được tâm trạng người cha trong cả bài thơ?

A. Nhớ, mong, căm, ghét

B. Nhớ, ghét

C. Thương, nhớ

D. Giận, căm, thù

Đáp án: A. Nhớ, mong, căm, ghét

Đọc hiểu Mẹ con Nguyễn Xuân Sanh

Đọc hiểu Mẹ con Nguyễn Xuân Sanh (Tự luận) - Đề số 2

Câu 1: Nêu tác dụng của những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ sau:

Bác cho con má hồng đào
Cho con mắt sáng như sao cuối trời
Cho con phần đất phần đồi
Cho con cả một ngày mai thanh bình

Trả lời:

Khổ thơ trên sử dụng 3 biện pháp tu từ:

- Biện pháp điệp ngữ: Câu hát ru “Cho con…” liên tục được lặp lại trong cả 4 câu của khổ thơ. Nhờ đó, câu thơ như biến thành một câu hát ru tha thiết có vần, có điệu của người mẹ ru con. Mẹ muốn nhấn mạnh những gì mà Bác đã cho con, qua đó cũng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến người lãnh tụ vĩ đại.

- Biện pháp liệt kê: Sau điệp ngữ “Cho con…” chính là pháp liệt kê những gì Bác đã mang đến cho đứa con bé nhỏ. Đó là má hồng đào tươi tắn, là ánh mắt sáng như sao cuối trời, là đất đồi của nước Việt, là cả ngày mai thanh bình được cụ thể hóa. Không còn là những lời hứa suông mà Bác đã thực sự làm được, cho con nhìn về quá khứ, cho con thấy một tương lai tươi sáng.

- Biện pháp so sánh: So sánh đôi mắt của con với những vì sao sáng lấp lánh trên bầu trời, là vẻ đẹp long lanh, rạng rỡ và đầy sức sống vô cùng sinh động, tăng sức biểu cảm cho câu thơ.

Câu 2: Thông điệp ý nghĩa mà anh/chị rút ra từ văn bản là gì? Lý giải ngắn gọn

Trả lời:

Thông qua bài thơ trên hay chính là lời ru của mẹ, em rút ra được thông điệp cực kỳ ý nghĩa, đó là phải biết trân trọng công lao to lớn, giữ nước và bảo vệ chủ quyền đất nước của Bác Hồ và các thế hệ cha anh đi trước. Họ đã dũng cảm hy sinh thân mình mà không từ nguy nan, cho chúng ta hiện nay học về lịch sử quá khứ, sống thanh bình trong hiện tại và có được cả tương lai tươi sáng hơn. Nếu không có xương máu của những người đi trước, chúng ta cũng không có đất nước và con người của hôm nay. Vậy nên, mỗi người đều phải khắc ghi công lao ấy. 

Ngoài ra, là học sinh, em phải trân trọng và nỗ lực vươn lên mỗi ngày để không phụ lòng cha ông.

Câu 3: Bài thơ trên đã sử dụng sự kiện lịch sử có thật nào? Tại sao tác giả lại sử dụng những chi tiết có thật?

Trả lời:

Bài thơ trên đã sử dụng sự kiện lịch sử có thật là chiến thắng Điện Biên Phủ. Những địa danh có thật mà tác giả nhắc đến là Him Lam, Hồng Cúm, Nậm Rốm, Mường Thanh.

Sở dĩ, tác giả sử dụng những sự kiện và địa danh có thật vì những sự kiện lịch sử có thể gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc, kết nối tác phẩm của mình với những câu chuyện chung của cộng đồng, dân tộc. Lời ru không chỉ là những thứ xa vời nữa mà trở nên chân vật hơn, tạo sự tin tưởng cho người đọc.

Câu 4: Từ lời thơ: Ngủ đi con, ngủ cho đằm/Mẹ nâng tay mẹ, con nằm con mơ, em có suy nghĩ gì về ý nghĩa lời ru của mẹ trong cuộc sống của con người ngày nay?

Trả lời:

Qua bao thời kỳ, bao năm ròng, muôn vật đổi thay nhưng chỉ có lời ru của mẹ là không đổi. Đến nay, dù công nghệ đã phát triển, nhưng trong giấc mơ con vẫn đượm lời ru tha thiết của mẹ. Mẹ dùng lời ru khiến con đi vào giấc ngủ, cùng con cò, con vạc nhẹ nhàng vỗ về con. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đứa bé đã được nghe tiếng ru ngọt ngào của mẹ. Lời ru như một lời chào mừng con đến với thế giới này. Khi con chào đời, lời ru tiếp tục là người bạn đồng hành thân thiết, đưa con vào giấc ngủ êm đềm và vỗ về tâm hồn con.
Lời ru còn chứa chan kỳ vọng của mẹ, là tình cảm mẫu tử mà chỉ thông qua đó, mẹ mới thể hiện được dễ nhất. Ngày qua ngày theo bước chân con, lời ru của mẹ cũng dần mang theo những ước mơ, những kỳ vọng mong con khôn lớn, bình an và thành công trên đường đời phía trước.

Câu 5: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày cảm nhận của em về nhân vật người cha trong bài thơ trên.

Trả lời: 

Người cha xuất hiện lần đầu tiên trong lời ru của mẹ là qua câu thơ: “Cha con chiến thắng Mường Thanh xong rồi”. Dễ dàng tưởng tượng được, cha là một người lính dũng cảm, là người chiến sĩ băng qua mưa bom bão đạn của trận đánh Điện Biên Phủ ác liệt, lừng lẫy năm châu. Người cha xuất hiện trong những trận chiến, để rồi đi đến chiến thắng cuối cùng. Hình ảnh ông như là đại diện cho hàng ngàn hàng vạn người lính khác lúc bấy giờ, đợi chờ thời cơ nơi chiến hào, rồi vươn mình trong mưa bom bão đạn để cắm xuống lá cờ đỏ chiến thắng. Hào hùng là thế, hình ảnh người cha lại bỗng trở nên thật giản dị khi đứng trước ruộng vườn, con sông, như thông qua đó để trông về quê hương. Ông cũng như bao người lính, vì lòng căm thù giặc Tây đến tận xương tủy, mới bỏ đi tấm áo nông dân, khoác lên chiếc áo xanh lá thề đánh lui quân thù. Tác giả đã khắc họa trọn vẹn nhất hình ảnh của một người cha, một người lính, một người nông dân và còn kết hợp những yếu tố ấy một cách hoàn hảo nhất trong bài thơ.

Tô Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question