image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Mẹ và quả (5 đề)

icon-time9/5/2024

Hướng dẫn trả lời 5 đề Đọc hiểu Mẹ và quả tự luận chi tiết giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.


Nội dung bài Mẹ và quả

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời, khi như mặt trăng

 

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

 

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

(Nguyễn Khoa Điềm)


Chú thích: Nguyễn Khoa Điểm là nhà thơ thuộc thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Thơ của Nguyễn Khoa Điểm giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, mang màu sắc chính luận. Bài thơ in trong tập Thơ Nguyễn Khoa Điểm, tuyển tập 40 năm do tác giả chọn, NXB Văn học, Hà Nội, 2012.


Đọc hiểu Mẹ và quả - Đề 1

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2: Nhân vật trữ tình (người bộc lộ cảm xúc) trong bài thơ là ai ?

Câu 3: Hình ảnh nào trong bài thơ cho thấy sự lo lắng, sợ hãi của nhân vật trữ tình khi phải rời xa vòng tay của mẹ khi chưa đủ trưởng thành?

Câu 4; Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ "Những mùa quả lặn rồi lại mọc/ Như mặt trời, khi như mặt trăng."

Câu 5: Nghĩa của "trông" ở dòng thơ "Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng" là gì?

Câu 6: Bài thơ đã thể hiện những tình cảm gì của nhân vật trữ tình đối với người mẹ của mình?

Câu 7: Thông điệp ý nghĩa nhất anh/chị rút ra từ văn bản trên là gi?

Câu 8: Qua bài thơ anh/ chị rút ra bài học gì cho bản thân ?

Đáp án

Câu 1.

- Thể thơ của văn bản là tự do.

Câu 2.

-  Nhân vật trữ tình (người bộc lộ cảm xúc) trong bài thơ là người con.

Câu 3.

- Hình ảnh ở đoạn cuối cùng của bài thơ, khi mà nhân vật trữ tình nói rằng mình là thứ quá nào đó trên đời, mẹ chờ được hái, nhưng khi mẹ mỏi rồi không chờ được nữa thì quả vẫn còn non xanh trong bài thơ cho thấy sự lo lắng, sợ hãi của nhân vật trữ tình khi phải rời xa vòng tay của mẹ khi chưa đủ trưởng thành

Câu 4.

- Câu thơ sử dụng biện pháp tu từ so sánh “mùa quả lặn rồi lại mọc - như mặt trời, như mặt trăng”, biện pháp so sánh có tác dụng giúp cho câu thơ trở nở sinh động, giàu sự liên tưởng, tưởng tượng, lời thơ trở nên bay bổng, đồng thời nhấn mạnh công lao to lớn của mẹ.

Câu 5.

- Nghĩa của "trông" ở dòng thơ "Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng" thể hiện sự trông chờ, mong ngóng, niềm tin và hi vọng của mẹ vào những gì mẹ đã cố gắng vất vả làm việc, chăm sóc con. Các con là điều mẹ trông chờ nhất, sự trưởng thành, đạt được thành công trong tương lai của các con là quả mà mẹ mong chờ nhất.

Câu 6.

- Văn bản thể hiện tình cảm yêu thương tha thiết, lòng biết ơn trân thành, môt thứ tình cảm sâu đậm, thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả, cực nhọc để chăm lo cho các con, hiểu niềm tin, hy vọng mong chờ vào thứ quả chín tức là sự trưởng thành, lớn lên của con trọn vẹn, trưởng thành cả bên trong lẫn bên ngoài, con hiểu mọi thứ mẹ trao cho con và con muốn đền đáp tình cảm ấy của mẹ. Song, tình cảm ủa con cũng ngập tràn lo lắng vì sợ khi mình chưa đủ trưởng thành, chưa đủ để báo hiếu thì sức khỏe mẹ đi xuống, mẹ dừng lại tay vun vén chăm lo cho “quả” mẹ trồng, nỗi bất an ấy thật tình dai dẳng. Tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả nhưng vẫn chứa đựng nhưng tâm tư lo lắng, sợ hãi. 

Câu 7. 

- Thông điệp ý nghĩa nhất mà em rút ra được từ đoạn trích chính là tình mẫu tử thiêng liêng cao cả, không có gì có thể sánh bằng bởi bài thơ cho em thấy được niềm tin yêu của mẹ dành cho con, và con cũng đáp lại tình yêu của mẹ, mong muốn lớn lên, trưởng thành để báo hiếu, chăm sóc lại cho mẹ.

Câu 8.

- Qua bài thơ, em rút ra được bài học cho chính mình rằng, hãy luôn yêu thương, chia sẻ với mẹ, quan tâm mẹ nhiều hơn, dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì hãy tìm cách phụ giúp mẹ, để mẹ đỡ vất vả cực nhọc, chăm sóc được cho bản thân nhiều hơn thay vì cứ mãi quan tâm đến con trong khi bản thân mình thì lại không để ý. 


Đọc hiểu Mẹ và quả - Đề 2

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ?

Câu 2: Nêu nội dung chính của bài thơ? (trả lời trong khoảng 5-7 dòng)

Câu 3: Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ở hai câu thơ:

“Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”

Câu 4: Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về hai câu thơ:

“Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”

Đáp án 

Câu 1: 

- Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm.

Câu 2: 

- Nội dung chính của bài thơ: 

+ Mẹ là hiện thân của sự vun trồng bồi đắp để con là một thứ quả ngọt ngào, giọt mồ hôi mẹ nhỏ xuống như một thứ suối nguồn bồi đắp để những mùa quả thêm ngọt thơm. 

+ Quả không còn là một thứ quả bình thường mà là “quả” của sự thành công, là kết quả của suối nguồn nuôi dưỡng. 

→ Những câu thơ trên không chỉ là ngợi ca công lao to lớn của mẹ, của thế hệ đi trước với thế hệ sau này mà còn lay thức tâm hồn con người về ý thức trách nhiệm, sự đền đáp công ơn sinh thành của mỗi con người chúng ta đối với mẹ.

Câu 3:

- Biện pháp tu từ hoán dụ: Bàn tay mẹ mỏi → ý chỉ sự già nua và sự ra đi của mẹ, mẹ không còn sức để có thể chăm lo cho con.

- Biện pháp tu từ ẩn dụ: quả xanh non → chỉ sự dại dột hay chưa trưởng thành, chín chắn của người con cùng với câu hỏi tu từ: Mình vẫn còn một thứ quả non xanh? để nhận thấy người con cho rằng bản thân mình chưa trưởng thành tới mức có thể đền đáp, chăm sóc lại cho mẹ. 

- Tác dụng: Tạo được điểm nhấn về lòng biết ơn và sự ân hận như một thứ “tự kiểm” về sự chậm trễ thành đạt của người con chưa làm thỏa được niềm tin yêu của mẹ, đồng thời giúp cho câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. 

Câu 4: 

Hai câu thơ khắc sâu vào trong trái tim em về sự hy sinh thầm lặng của mẹ và lòng biết ơn vô bờ của người con về công dưỡng dục sinh thành của mẹ hiền. Hình ảnh “chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn” là hình ảnh so sánh, ví von dáng bầu bí tựa như giọt mồ hôi mặn của mẹ. Đó chính là hình tượng giọt mồ hôi nhọc nhằn là kết tinh từ những vất vả, khó khăn hi sinh của mẹ. “Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi” gợi lên dáng vẻ âm thầm, kiên cường vất vả nhọc nhằn của mẹ mà không cần sự hồi đáp, khoe khoang để vun xới những mùa quả tốt tươi.

Đọc hiểu Mẹ và quả

Đọc hiểu Mẹ và quả - Đề 3

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

Câu 2: Bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng.

Câu 3: Hình ảnh “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?” gợi cho em suy nghĩ gì?

Câu 4: Nêu suy nghĩ của em về bài thơ trên.

Đáp án 

Câu 1:

-  Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là biểu cảm.

Câu 2:

- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích:

+ Ẩn dụ: “những mùa quả mẹ trồng”: ẩn dụ cho việc mẹ sinh ra, nuôi nấng, chăm sóc những đứa con thơ gian nan, vất vả nhưng mẹ luôn cố gắng đầy tâm huyết.

+ So sánh: “Những mùa quả lặn rồi lại mọc/ Như mặt trời, khi như mặt trăng.” Cứ hết mùa quả này mẹ lại trồng mùa quả khác cũng giống như vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại của mặt trời và mặt trăng; liên tưởng này giúp bạn đọc dễ dàng hình dung ra những công lao to lớn của mẹ.

+ Hoán dụ:"Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi". hoán dụ tay mẹ mỏi để nhằm nói đến sức khỏe của mẹ đã yếu, hoặc có thể ra đi, không còn sức để tiếp tục cho con.

→ Tất cả các biện pháp tu từ đều mang theo tác dụng thể hiện mặt ý nghĩa riêng trong việc biểu đạt và đồng thời chúng đều có điểm chung trong việc giúp cho câu văn thêm phần sinh động, diễn đạt hấp hẫn, thu hút người đọc, giàu sức liên tưởng, tưởng tượng.

Câu 3:

Hình ảnh “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?” gợi suy nghĩ đó là một nỗi sợ nếu phải rời xa vòng tay của mẹ khi chưa đủ trưởng thành, chín chắn để có thể đối diện với phong ba bão táp trong cuộc sống, lúc ấy ta sẽ không còn bến đỗ bình yên để có thể quay về sau những lúc làm việc mệt mỏi.

Câu 4:

Bài thơ “Mẹ và quả” đã gợi cho em nhiều ấn tượng sâu sắc: 

+ Những đứa con giống như những loại quả mẹ vun trồng, một lòng chăm sóc chờ ngày đơm hoa kết trái nhận quả ngọt.

+ Mẹ đã bỏ ra biết bao công sức, tâm huyết, tình yêu thương chỉ mong các con nên người. 

+ Bài thơ không chỉ nói về công lao to lớn của mẹ mà còn thể hiện sự biết ơn, tình yêu thương, trân trọng mà người con dành cho mẹ.


Đọc hiểu Mẹ và quả - Đề 4

Câu 1. Từ "quả" trong những câu thơ nào được dùng với ý nghĩa tả thực? Từ "quả" trong những câu thơ nào được dùng với ý nghĩa tượng trưng?

Câu 2. Tìm và chỉ ra ý nghĩa của các biện pháp tu từ được dùng trong hai câu thơ sau:

"Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh"

Câu 3. Ở khổ thơ thứ 2, hình ảnh mẹ hiện lên như thế nào? Qua đó, anh/chị hiểu gì về tình cảm của nhà thơ đối với mẹ?

Đáp án

Câu 1.

- Từ "quả" có ý nghĩa tả thực trong các câu thơ 1, 3.

- Từ "quả" có ý nghĩa tượng trưng trong các câu thơ 9 và 12, chỉ những đứa con lớn lên bằng tình yêu thương và sự săn sóc, ân cần của mẹ.

Câu 2.

- Các biện pháp tu từ trong 2 câu thơ là:

+ Hoán dụ "bàn tay mẹ mỏi": lấy bộ phận trên cơ thể người tức là bàn tay khi mỏi, để nói đến sự già yếu, có thể là ra đi của mẹ.

+ Ẩn dụ "một thứ quả non xanh" - để chỉ người con vẫn chưa trưởng thành, đủ chín chắn.

- Tác dụng:

+ Tăng sức gợi hình và biểu cảm cho câu thơ.

+ Bộc lộ tâm tư sâu kín: Khi tác giả tự kiểm điểm chính bản thân mình chậm trưởng thành, lo sợ ngày mẹ già yếu đi mà vẫn chưa thể nở một nụ cười mãn nguyện với "vườn người" mẹ đã vun trông suốt cả cuộc đời, lòng mẹ sẽ buồn đau. Tác giả sợ rằng mình chưa thể báo đáp công ơn to lớn của mẹ cho trọn đạo hiếu. Qua đó, ta thấy tấm lòng yêu thương và biết ơn mẹ chân thành và vô cùng sâu sắc của nhà thơ. 

Câu 3.

- Khổ thơ thứ hai, với các hình ảnh "giọt mồ hôi mặn" "lòng thầm lặng mẹ tôi", tác giả đã khắc họa hình ảnh nên một người mẹ tảo tần, lam lũ, nhọc nhằn nhưng giàu đức hi sinh. Mẹ luôn âm thầm chăm sóc, vun trồng cho những bầu, những bí như chăm sóc chính những đứa con của mẹ, dẫu cuộc sống có khó khăn, vất vả tới đâu thì mẹ vẫn không một chút phàn nàn. Nhà thơ còn sáng tạo nên hình ảnh so sánh độc đáo - dáng hình của bầu bí như dáng giọt mồ hôi, hay giọt mồ hôi mẹ cứ dài theo năm tháng, như những bí những bầu. Qua đó, hình ảnh mẹ hiện lên bình dị mà đẹp đẽ biết bao!. Những điều đó cho thấy được nhà thơ đã thấu hiểu những vất vả, sự hi sinh thầm lặng của mẹ đều vì con. Câu thơ "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên" chứa đựng giọng ngậm ngùi chất chứa biết bao thương cảm, thành kính, biết ơn của người con đối với sự hi sinh thầm lặng của mẹ. 


Đọc hiểu Mẹ và quả - Đề 5

Câu 1: Nêu chủ đề của bài thơ?

Câu 2: Trong nhan đề và bài thơ, chữ “quả” xuất hiện nhiều lần. Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa tả thực? Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa biểu tượng?

Câu 3: Nghĩa của “trông” ở dòng thơ Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng là gì?

Câu 4: Trong hai dòng thơ Những mùa quả lặn rồi lại mọc - Như mặt trời, khi như mặt trăng, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Hãy nêu tác dụng của biện pháp so sánh đó.

Đáp án

Câu 1: 

- Chủ đề bài thơ: viết về hình ảnh người mẹ, về tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả.

Câu 2: 

- Trong nhan đề và bài thơ, chữ “quả” xuất hiện 5 lần.

-  Chữ “quả” trong các dòng sau mang ý nghĩa tả thực: 

  + “Những mùa quả mẹ tôi hái được…Những mùa quả lặn rồi lại mọc”. Đó là thứ “quả” mà mẹ vẫn chăm sóc trong khu vườn của mẹ.

- Chữ “quả” trong dòng sau có ý nghĩa biểu tượng: 

  + “Và chúng tôi, một thứ quả trên đời…Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”. Các con tựa như một thứ quả lớn lên từ sự chăm sóc ân cần, chu đáo của mẹ.

Câu 3: 

- Ý nghĩa từ “trông” trong dòng thơ ấy thể hiện sự trông chờ, mong mỏi, niềm tin, hi vọng của mẹ vào những gì mà mẹ đã nhọc nhằn, lam lũ, vất vả để chăm sóc. Và sự trưởng thành, lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc của con là quả từ sự trông chờ nhất của mẹ.

Câu 4: 

- Tác dụng của phép tu từ so sánh: mọc rồi lại lặn như mặt trời, mặt trăng là quy luật của tự nhiên. Mặt trăng, mặt trời gợi lên hình ảnh của thời gian, đó là thời gian tuần hoàn, chuyển động theo quỹ đạo, điều đó gợi lên hình ảnh mẹ vẫn bao năm tần tảo sớm chiều, đều đặn chăm sóc cho vườn quả, cho các con mà không quản nhọc nhằn, vất vả, cực nhọc, mẹ lấy thời gian của mẹ để vun vén thời gian trưởng thành của con.

Hoàng Như Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question