Đọc hiểu Rau càng cua
Hãy cùng với Topbee đến với bài Đọc hiểu Rau càng cua để nghe về câu chuyện chứa đựng những ký ức ngọt ngào, sâu lắng của tác giả Bùi Quang Minh nhé!
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
(…) Hồi nhỏ xíu. Tôi là một cậu bé con tròn ỉn với đôi gò má phúm phím đầu chẻ bảy ba cổ điển và thích ngắm mưa rơi. Sau mỗi trận mưa nhìn ra chậu kiểng sẽ thấy từng đụm từng đụm rau càng cua con lúm phúm nhô lên. Thoạt đầu chỉ nhỏ li ti với hai lá mầm hình trái tim. Vậy mà chỉ độ tuần sau là chúng đã tầm 5cm và cứng cáp thấy rõ. Phần đầu có một cái vòi nhỏ vươn mình ra và bao bọc là những chiếc hạt nhỏ xinh.
Bố tôi nói chính những cái hạt nhỏ đó khi rớt xuống đất sẽ là xuất phát điểm của những cây con mới. Mà cũng lạ đời ! Hễ thấy bụi cây nào um tùm xum xuê một chút ta tách ra mấy góc mang ghim đi trồng ở chỗ khác thì cứ xìu xìu không có sức sống. Vậy mà cứ để “cây dại sống đời cây dại” thì cây sống mãnh liệt lắm ! Không những mọc từ đất thịt mà còn mọc ra từ đít chậu kẹt tường hay chỗ nào ẩm ướt một chút thì sức sống bỗng rạo rực. Cây bung bung từng đọt từng thân mập ú. Làm gì thì làm đến chừng ngó bộ thấy chúng đã xum xuê ngoài vườn tôi thường lon ton cắp rổ ra thu hoạch. Bố nói khi thu hoạch không nên nhổ cả gốc cây lẫn chùm rễ vì sẽ làm chết cây những lần sau không còn để hái. Thu hoạch thì nên dùng dao bén hay ngón tay bấm ngang thân, chỉ lấy phần non phần già giữ lại gầy tiếp cho những đợt sau. Tận hưởng thiên nhiên nhưng không tận diệt nó!.
Bài học từ loài cây bình dị nghĩ nó đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được. Đó chính là cây nào thì chỉ nên sống môi trường đó. Có chăm bón có kỳ công đưa (vào chậu – vào phân) thì sức sống cũng không bằng cứ thả sống lây lất ngoài tự nhiên. Con người cũng vậy! Mình phải biết mình thuộc về tầng lớp nào để an nhiên mà sống. Mưu cầu không phải là xấu nhưng trước khi mình mưu cầu… mình phải biết mình đang có được những gì trong tay !!! Phải biết tự lượng sức tránh trèo quá cao rồi té quá đau. Biết mình không chưa đủ còn phải biết người – biết tình cảnh – biết biểu hiện cuộc được sống xung quanh. Đó mới là người có tri thức ! (…)
Những năm bao cấp khốn khổ hầu như nhà nào cũng thiếu đói. Rau Xà Lách người ta cũng bán đầy ngoài chợ chứng tỏ nó không quá đắt vậy mà có bữa nhà tôi còn không có tiền để mua. Vậy là nhà lại chọn rau Càng Cua để thay cho Xà Lách. Lấy rau này trộn giấm chua ngọt rắc tí đậu phộng rang lên trên. Vậy là cả nhà đã quây quần cùng nhau trong buổi chiều mưa rả rít. Nồi cơm nóng, tộ cá rô kho tiêu cay nồng và thau càng cua trộn chua ngọt. Đời còn gì sung sướng bằng … Thời thế nổi trôi – cuộc đời có những bước ngoặc đến ngỡ ngàng. Giờ mấy món cùn cùn lại nối đuôi nhau vào nhà hàng. Đi cùng con trai đi dự một đám cưới sang trọng. Bé nó chỉ vào menu trên bàn ý hỏi sao lại có món Càng Cua dầu giấm thịt bò “Bố ! Cái cây xanh lè xanh lét này nhà mình mọc đầy … có ăn bao giờ đâu Bố ?”. Thiệt tình thì tôi cũng không biết cắt nghĩa như thế nào cho bé hiểu. Có lẻ đến một lúc nào đó cái gu ẩm thực của người đã thay đổi. Có lúc thèm đến quay quắt những món bình dân như thế này!.
Mấy bữa nay nắng rát cả mặt thèm lắm một cơn mưa dại để thổi mát lòng người cùng cảnh vật. Ngó ra ngoài vườn thấy mấy nhúm Rau Càng Cua cũng thiếu nước dẫn đến héo queo. Tôi lại lăng xa lăng xăng xách vài gàu nước ra tưới. Con trai nhìn theo ngơ ngác hỏi : Bố ơi ! Bố trồng rau xanh lè xanh lét này để bán lại cho nhà hàng ạ ? Tự nhiên thấy cổ họng đắng chát. Ôi ! Cuộc sống có những điều gần gũi mà mãi chúng mình đã lãng quên …
(Trích “Rau càng cua”- Bùi Quang Minh)

Đọc hiểu Rau càng cua
Câu 1(0,5 điểm): Xác định thể loại của văn bản trên.
Câu 2(0,5 điểm): Nhân vật tôi “có lúc thèm đến quay quắt những món bình dân” là những món nào?
Câu 3(1,0 điểm): Tìm những câu văn có yếu tố tự sự, trữ tình, nghị luận và nêu tác dụng của chúng.
Câu 4(1,0 điểm): Giải thích nghĩa của từ in đậm trong câu văn sau “Tận hưởng thiên nhiên nhưng không tận diện nó!” và cho biết bạn đã chọn cách giải thích nào?
Câu 5(1,0 điểm): Theo bạn, cảm hứng chủ đạo của văn bản trên là gì?
Câu 6(1,5điểm): Dựa vào văn bản, những câu văn nào mà bạn tâm đắc nhất? Những câu văn đó gợi cho bạn những suy nghĩ gì? (Trình bày bằng đoạn văn 7-10 dòng)
Câu 7(0,5 điểm): Câu “Ôi ! Cuộc sống có những điều gần gũi mà mãi chúng mình đã lãng quên …” Làm bạn nhớ đến tác phẩm nào đã học ở THCS. Giống nhau ở điểm nào?
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1:
- Thể loại của văn bản trên: Tự sự
Câu 2:
- Nhân vật tôi “có lúc thèm đến quay quắt những món bình dân” là những món: cơm nóng, tộ cá rô kho tiêu cay nồng và thau càng cua trộn chua ngọt
Câu 3:
* Câu văn có yếu tố tự sự:
"Những năm bao cấp khốn khổ hầu như nhà nào cũng thiếu đói. Rau Xà Lách người ta cũng bán đầy ngoài chợ chứng tỏ nó không quá đắt vậy mà có bữa nhà tôi còn không có tiền để mua."
- Tác dụng : Kể lại quá khứ giúp người đọc hình dung về hoàn cảnh sống của tác giả để thấy được lúc khó khăn thì những món rau đơn giản cũng thật giá trị
* Câu văn có yếu tố trữ tình :
"Tự nhiên thấy cổ họng đắng chát. Ôi ! Cuộc sống có những điều gần gũi mà mãi chúng mình đã lãng quên …"
- Tác dụng: Thể hiện những câu từ trữ tình giúp người đọc thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của tác giả
*Những câu văn có yếu tố nghị luận:
"Mình phải biết mình thuộc về tầng lớp nào để an nhiên mà sống."
"Phải biết tự lượng sức tránh trèo quá cao rồi té quá đau. "
-Tác dụng: Bày tỏ quan điểm cá nhân của tác giả trước những vấn đề trong cuộc sống. Qua đó truyền đạt những thông điệp của tác giả đến người đọc.
Câu 4:
- Nghĩa của từ in đậm “Tận diệt” trong câu “Tận hưởng thiên nhiên nhưng không tận diện nó!” :
+ ”Tận” chỉ sự việc đến đấy là hết, là giới hạn cuối cùng
+ “Diệt” là làm cho nó không còn tồn tại, không tác động được
=> “Tận diệt” là diệt sạch, diệt cho bằng hết.
+ Trong câu văn ý nghĩa của từ "tận diệt" có nghĩa là sử dụng, khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên quá mức và không đúng cách khiến cho nó bị cạn kiệt, không còn lại gì cho những đợt thu hoạch sau
Câu 5:
- Theo tôi cảm hứng chủ đạo của văn bản trên: ký ức của tác giả về những ngày xưa cũ, là những bài học nhân văn rút ra câu chuyện ngày bé về và sự yêu mến, thương nhớ đến rau càng cua giản dị trong những tháng ngày nghèo khổ.
Câu 6:
Trong văn bản trên, những câu văn khiến tôi tâm đắc nhất “Mưu cầu không phải là xấu nhưng trước khi mình mưu cầu… mình phải biết mình đang có được những gì trong tay !!! Phải biết tự lượng sức tránh trèo quá cao rồi té quá đau. Biết mình không chưa đủ còn phải biết người – biết tình cảnh – biết biểu hiện cuộc được sống xung quanh” khi mà con người ai cũng muốn bản thân có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng để bắt đầu với thành công đó mình phải biết bản thân có những thứ có ích gì, giá trị ra sao, để tận dụng nó một cách tốt nhất. Nhưng cũng phải tự lượng sức mình, càng tham lam thì khi nhân quả đến, từ vị trí cao nhất sẽ rơi tõm xuống vực sâu một cách đau đớn. Thế nên câu văn chỉ ta cần phải học cách kiềm chế, không tham lam ương ngạch, không tỏ vẻ mình với bất kì ai, phải chăm chỉ học hỏi những người xung quanh để biết thêm kiến thức.
Câu 7:
- Câu văn “Ôi ! Cuộc sống có những điều gần gũi mà mãi chúng mình đã lãng quên …” tôi nhớ đến tác phẩm " Ông Đồ" đã từng học ở THCS
- Những điểm giống nhau:
+ Câu văn bày tỏ cảm xúc của tác giả, đó là sự tiếc nuối, nhớ về những điều giản dị gần gũi mà bấy lâu bản thân đã lãng quên do dòng chảy thời gian.
+ Bài thơ "Ông Đồ" thì được nhà thơ Vũ Đình Liêm bày tỏ cảm xúc trước việc biểu tượng ông đồ và câu đối đỏ đang dần bị lãng quên trong khi đó là 2 hình ảnh gần gũi gắn liền với Tết truyền thống. Qua đó nhà thơ cũng muốn nhắc nhở người đọc cần phải biết trân trọng và gìn giữ những giá trị tốt đẹp trong quá khứ, trong nền văn hoá để không phải nuối tiếc.