image hoi dap
image hoi dap

Đọc hiểu Xó bếp của Nguyễn Duy

icon-time23/10/2023

Trả lời những câu hỏi đề Đọc hiểu Xó bếp của Nguyễn Duy do Topbee biên soạn sẽ giúp các bạn thêm nhiều sự thấm thía và trân quý từ những giá trị nhỏ bé luôn tồn tại xung quanh cuộc sống của mỗi chúng ta. 

Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:

Nơi ấy
mẹ ta nhễ nhại mồ hôi
đàn con lóc nhóc khóc cười
buổi nhá nhem len lén mò cơm nguội
bảy sắc cầu vồng trong xó xỉnh lọ lem

Nơi ấy
ta nướng khoai lùi sắn
xoa xít hít hà... thơm bùi cháy họng
lấm tấm đầy đầu bụi bồ hóng
lép bép lửa tàu cau
râu tôm nấu với ruột bầu
húp suông

Nơi ấy vùng ta còn đun rạ đun rơm
cơm nếp cứ thơm canh cua cứ ngọt
con cá kho dưa quả cà kho tép
việc vặt giúp bà ta từng quen tay
gạo chiêm ghế ngô gạo mùa độn khoai
bà dạy ta chữa khê chữa nhão
ngọn lửa giữ qua đêm dai trong trấu
âm ỉ lòng ta đến bao giờ

Nơi ấy
nhá nhem giữa quên và nhớ
đỉnh núi hiện lên bóng bà và mẹ
mây chiều hôm gánh gạo đưa ta
tất tưởi đường xa cầu vồng ráng đỏ

Mặt trận dời vào sâu
ngày mai ta dừng chân nơi nào
khoảng trống phía trước vẫn bỏ ngỏ
đâu biết những gì chờ ta đằng kia
chỉ biết đời ta khởi đầu từ nơi ấy...


Mặt trận đường 9 - Nam Lào, 1971

*Chú thích: Nguyễn Duy là một gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước. Năm 1973, ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ẩm ố rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt Nam. Thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng trữ tình với chất thể sự đậm đặc, nhiều bài là tiếng nói khảng khái, bộc trực, đầy ngang tàng mà trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm và mang tinh thần công dân sâu sắc.

*Bài thơ “Xó bếp” được Nguyễn Duy viết tại Mặt trận đường 9 - Nam Lào, năm 1971. Về sau được in trong tập thơ Mẹ và Em, xuất bản năm 1987.


Đọc hiểu Xó bếp của Nguyễn Duy - Đề 1

Câu 1. Bài thơ trên thuộc thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra ít nhất 02 biện pháp nghệ thuật sử dụng trong bài thơ trên.

Câu 3. Bài thơ Xó bếp nói lên nội dung gì?

Câu 4. Từ bài thơ Xó bếp gợi cho em những suy nghĩ gì? 

Đọc hiểu Xó bếp của Nguyễn Duy

Trả lời đọc hiểu Xó bếp của Nguyễn Duy - Đề 1

Câu 1. 

- Thể thơ tự do

Câu 2. 

- Sử dụng nghệ thuật điệp: Nơi ấy

- Đối lập: Quên - nhớ

Câu 3. 

Bài thơ nói đến “Nơi ấy”, nơi vô cùng thân thương mà quen thuộc của tác giả, đó là một góc “Xó bếp” gắn bó và nuôi dưỡng với tuổi thơ. Đặc biệt nơi xó bếp đó gắn liền với những bữa ăn đơn thuần mà mà chan chứa những tình cảm thiêng liêng khi mà cả gia đình ngồi lại quanh xó bếp. Đồng thời bài thơ “Xó bếp" cũng được coi như một lời tri ân khi xó bếp là nơi khởi đầu cho cuộc đời của tác giả.

Câu 4.

Từ hình ảnh “Xó bếp” của bài thơ trên cho em thấy giá trị của cuộc sống sẽ là những giá trị xuất phát từ những điều gần gũi bên cạnh chúng ta. Cũng như hình ảnh một xó bếp vô cùng giản dị, tưởng chừng như đó chỉ là một phương diện trong đời sống, nhưng đối với Nguyễn Duy đó được coi là nguồn cảm hứng vi diệu để sáng tác thi ca, là một hình ảnh nhưng mang đến vô vàn ý nghĩa trong trái tim tác giả. Vì vậy bài thơ “Xó bếp” cũng được coi như một thông điệp trân quý và sâu sắc của thi sĩ muốn gửi gắm đến tất cả những độc giả về sự trân trọng những điều nhỏ bé xung quanh mỗi chúng ta. 


Đọc hiểu Mẹ và em của Nguyễn Duy - Đề 2

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2: Xác định nhân vật trữ tình của đoạn thơ.

Câu 3: Liệt kê một số chi tiết miêu tả kỉ niệm tuổi thơ của nhân vật trữ tình gắn với "Nơi ấy".

Câu 4: Đoạn trích thể hiện cảm xúc gì của nhân vật trữ tình ?

Trả lời Đọc hiểu Mẹ và em của Nguyễn Duy - Đề 2

Câu 1:

- Thể thơ của văn bản trên: Thể thơ Tự do.

Câu 2:

- Nhân vật trữ tình trong văn bản là “ta”.

Câu 3:

- Một số chi tiết miêu tả kỉ niệm tuổi thơ của nhân vật trữ tình gắn với "Nơi ấy" là:

+ mẹ ta nhễ nhại mồ hôi

+ đàn con lóc nhóc khóc cười

+ buổi nhá nhem len lén mò cơm nguội

+ ta nướng khoai lùi sắn

+ râu tôm nấu với ruột bầu

+ vùng ta còn đun rạ đun rơm

Câu 4:

- Đoạn trích thể hiện sự nhung nhớ, đầy cảm xúc thân yêu đối với quê hương, cũng như với gia đình qua những kỉ niệm thời thơ ấu khi vẫn còn ở nơi quê nhà.


Đọc hiểu Mẹ và em của Nguyễn Duy - Đề 3

Câu 1: Hình ảnh "mẹ ta nhễ nhại mồ hôi" giúp anh/chị hiểu gì về người mẹ trong kí ức của nhân vật trữ tình?

Câu 2: Chỉ ra một câu thơ có yếu tố tượng trưng trong đoạn trích và nêu vai trò của yếu tố ấy.

Câu 3: Theo anh/chị, hình ảnh "xó bếp" có ý nghĩa như thế nào đối với nhân vật trữ tình ?

Câu 4: Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy liên hệ với bài thơ “Bếp lửa" của Bằng Việt và chỉ ra điểm gặp gỡ và nét khác biệt về chủ đề tư tưởng của hai bài thơ.

Trả lời Đọc hiểu Mẹ và em của Nguyễn Duy - Đề 3

Câu 1:

- Hình ảnh “mẹ ta nhễ nhại mồ hôi” giúp em hiểu người mẹ trong kí ức của nhân vật trữ tình là một người vất vả, luôn luôn lo lắng cho các con của mình. Lúc nào mẹ cũng phải làm việc để suy nghĩ cho các con có được một cuộc sống hạnh phúc, no đủ.

Câu 2:

- Câu thơ có yếu tố tượng trưng:

bảy sắc cầu vồng trong xó xỉnh lọ lem

- Vai trò: Đó là những khoảnh khắc tươi đẹp, lấp lánh hiếm hoi giữa cuộc sống đời thường đầy khó khăn và ảm đạm trong kí ức tuổi thơ của tác giả.

Câu 3:

- Hình ảnh “Xó bếp” là một hình ảnh có ý nghĩa quan trọng đối với tuổi thơ của tác giả. Đó là nơi mà gần như tuổi thơ của tác giả đã gắn liền. Cũng như là nơi mà hình ảnh của bà, của mẹ hiện lên trong tâm tưởng của tác giả. Là nơi mà những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc hiếm hoi nở rộ giữa cuộc sống đời thường đầy khó khăn và ảm đạm trong kí ức tuổi thơ của tác giả.

Câu 4:

- Điểm chung: Đều nói về những kí ức tuổi thơ của tác giả gắn liền với ngọn lửa ấm nơi bếp lửa thân thương.

- Điểm khác:

+ Bếp lửa là những kỉ niệm của tác giả gợi nhớ về người bà của mình.

+ Xó bếp là những kỉ niệm của tác giả gợi nhớ về những món ăn tuổi thơ của mình.

Hoàng Dung
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question