image hoi dap
image hoi dap

Giải thích vì sao chúng ta hãy biết chấp nhận khiếm khuyết của mình để hòa nhập với cộng đồng

icon-time4/1/2024

Con người không ai là hoàn hảo. Sự khiếm khuyết của bản thân chính là động lực giúp mỗi người hoàn thiện hơn. Hãy cùng Topbee tìm hiểu bài viết sau để biết vì sao chúng ta hãy biết chấp nhận khiếm khuyết của mình để hòa nhập với cộng đồng nhé !


Dàn ý: Giải thích vì sao chúng ta hãy biết chấp nhận khiếm khuyết của mình để hòa nhập với cộng đồng

Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận

- Mỗi người trên thế giới này không có ai là hoàn hảo về mọi mặt, phải biết chấp nhận khiếm khuyết để hòa nhập với cộng đồng

Thân bài

- Trình bày được khái niệm khiếm khuyết : là những thiếu sót, khuyết điểm trong nhận thức, suy nghĩ và hành động.

- Lí giải được vì sao khi biết chấp nhận khiếm khuyết của mình thì việc hòa nhập với cộng đồng sẽ dễ dàng hơn :

+ Con người không ai là hoàn hảo. Sự khiếm khuyết của bản thân chính là động lực giúp mỗi người hoàn thiện hơn.

+ Mỗi người cần phải làm chủ bản thân, dám đối mặt và khắc phục khiếm khuyết để hòa nhập với cộng đồng và thành công trong cuộc sống.

- Ý nghĩa của việc chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân

- Lấy ví dụ về những tấm gương nghị lực trong cuộc sống

Kết bài

- Khái quát lại nội dung nghị luận

- Nêu cảm nhận của bản thân


Giải thích vì sao chúng ta hãy biết chấp nhận khiếm khuyết của mình để hòa nhập với cộng đồng

Có ai đó đã từng nói rằng “Đúng là thật tồi tệ khi đầy khuyết điểm; nhưng còn tồi tệ hơn khi đầy khuyết điểm mà không sẵn lòng nhận thức chúng.” Mỗi chúng ta ai cũng có những điểm chưa hoàn thiện, đó luôn là điều khiến bản thân bận lòng, suy nghĩ và không có dũng khí đối diện. Vậy thử hỏi khiếm khuyết là gì và tại sao chúng ta phải biết chấp nhận khiếm khuyết của bản thân để hòa nhập với cộng đồng ?

Giải thích vì sao chúng ta hãy biết chấp nhận khiếm khuyết của mình để hòa nhập với cộng đồng

Khiếm khuyết là những điều thiếu sót, chưa hoàn thiện hoặc chưa được đúng đắn trong suy nghĩ, hành động và nhân cách của mỗi người. Khi nhận ra bản thân không xuất sắc giống như mình tưởng tượng, chúng ta thường có xu hướng sẽ cảm thấy thất vọng, tự ti và không đặt niềm tin vào chính mình. Chúng ta cứ mãi cúi đầu như thế mà không hề biết rằng những khiếm khuyết ấy cũng chính là yếu tố giúp ta cố gắng thay đổi chính mình theo hướng tích cực hơn. Hãy tha thứ cho những khuyết điểm và sai lầm của mình và tiến bước.

Tôi từng đọc được một câu thế này “Khuyết điểm bám chặt vào con người, nếu người ta cứ đợi cho tới khi phủi được hết chúng đi, người ta sẽ quay mãi quanh trục quay của chính mình, chẳng đi tới đâu cả”.Trong cuộc sống của chúng ta, không có ai là hoàn hảo cả, mỗi người đều có những ưu điểm và khuyết điểm của riêng mình. Thế nhưng, có những người sẵn sàng chấp nhận thiếu sót, chưa hoàn hảo của bản thân để tiếp tục phát triển và hòa nhập với cuộc sống. Còn ngược lại, có những người cứ mãi chìm sâu và bị ám ảnh bởi khiếm khuyết của chính mình. Họ cứ mãi nghĩ về một điểm yếu mà quên đi mình còn những khía cạnh vô cùng xuất sắc khác. Từ đó họ vô tình khiến cho sự u tối của khiếm khuyết bao trùm lên tài năng và hào quang của chính họ, để bản thân họ tự tạo ra một lớp tường ngăn cách bản thân với xã hội.

Chính chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói rằng: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn bè ta. Đồng thời viết để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết về cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì có chừng mực, chớ có phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy.

Thế giới vốn không hoàn hảo nhưng cũng có thật nhiều điều tốt đẹp xung quanh chúng ta. Quá trình sống, học tập, lao động, hoà nhập với cộng đồng của con người là một quá trình học hỏi, đấu tranh, vươn đến sự hoàn thiện. Đó chính là ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa tồn tại của mỗi con người. Con người bao giờ cũng có phần Con và phần Người, phần ưu điểm và hạn chế, tích cực và tiêu cực. Xét từ góc độ triết học, sự tồn tại của hai mặt đối lập và thống nhất trong cùng một cá thể là một tất yếu.

Chính vì thế chúng ta phải biết học cách chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân . Thay vì cứ mãi che giấu, né tránh hay không chấp nhận những điều thiếu sót ấy, chúng ta nên dũng cảm đối diện với chính mình. Học cách nhìn nhận bản thân xem mình đã sai lầm ở đâu, thiếu sót ở khía cạnh nào để từ đó tìm cách thay đổi, sửa chữa lỗi lầm. Đôi khi sự khiếm khuyết thiếu hụt chính là biểu hiện chứng tỏ con người là con người với ý nghĩa đúng đắn, nhân bản nhất. Đây chính là triết lí về con người bất toàn. Chính sự bất toàn là động cơ để con người hoà nhập cùng cộng đồng và vươn tới những giá trị tốt đẹp và ngày một hoàn thiện.

Trong cuộc sống, mỗi con người cần biết rõ những hạn chế, khiếm khuyết của mình để khắc phục vươn lên, học hỏi mọi người, hoàn thiện bản thân; mặt khác, trong hành trình đó, con người không nên cầu toàn, không nên đòi hỏi bản thân sự hoàn hảo tuyệt đối, vì đó là điều không thể. Con người sao có thể sống một cuộc đời hoàn hảo trong thế giới rộng lớn vốn dĩ không hoàn hảo.  Nên hãy biết chấp nhận mình để hoà nhập với cộng đồng. Cần có cách nhìn nhận đánh giá con người và ứng xử theo quan điểm nhân bản: đó là biết đề cao những mặt tích cực, độ lượng, chấp nhận và chia sẻ những mặt hạn chế; giúp đỡ nhau cùng hoàn thiện.

Ngày nay khi xã hội đang trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự hoàn hảo lại là giá trị mà con người luôn hướng đến. Đôi khi chúng ta cứ tìm kiếm sự hoàn hảo như một cuộc chạy đua mà khiến cho bản thân kiệt sức. Vậy nên việc chấp nhận khiếm khuyết của bản thân lại là một trong số những yếu tố quan trọng giúp chúng ta thoát khỏi những mộng tưởng về sự hoàn hảo và quay trở về thực tại. Nhắc nhở chúng ta rằng thế giới và con người luôn tồn tại những ưu và khuyết điểm. Để chúng ta nhận thức được rằng mình phải cố gắng hoàn thiện những thiếu sót của bản thân chứ không phải tránh né hay gạt bỏ chúng. Mỗi chúng ta phải biết làm chủ bản thân, chủ động nhìn nhận những sai lầm , đối diện với khiếm khuyết của chính mình và thay đổi bản thân để hòa nhập với cộng đồng.

 

Hứa Ngọc Khánh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question