image hoi dap
image hoi dap

Giới thiệu phân tích và đánh giá 1 tác phẩm văn học dân gian ở Tuyên Quang

icon-time19/10/2023

Tuyên Quang là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc vì thế mà nền văn hóa của Tuyên Quang vô cùng phong phú và đa dạng, điều đó còn thể hiện trong văn học với các tác phẩm văn học dân gian. Hãy cùng Topbee tìm hiểu bài phân tích và đánh giá 1 tác phẩm văn học dân gian ở Tuyên Quang để thấy rõ hơn những nét đặc sắc ấy nhé !


Dàn ý bài giới thiệu phân tích và đánh giá 1 tác phẩm văn học dân gian ở Tuyên Quang

A.Mở bài

- Giới thiệu khái quát tỉnh Tuyên Quang

+ Vị trí 

+ Văn hóa, nền văn học dân gian

- Giới thiệu 1 tác phẩm văn học

+ Truyện cổ tích : Thần Cuống

B.Thân bài

- Giới thiệu khái quát nội dung truyện Thần Cuống.

- Tóm tắt nội dung truyện

- Phân tích 

+ Giá trị nội dung : giải đáp cho nguồn gốc của mộ Thần Cuống cũng như phong tục cúng lễ thần của người dân Chiêm Hóa.

+ Giá trị nghệ thuật: Ngôn từ gần gũi, mộc mạc, giản dị và gắn liền với đời sống của người dân. Mang lại sự phong phú cho nền văn học dân gian tỉnh Tuyên Quang.

- Đánh giá tác phẩm

- Liên hệ mở rộng

C.Kết bài:

- Khẳng định giá trị, ý nghĩa câu truyện đối với nền văn học dân gian.


Giới thiệu phân tích và đánh giá 1 tác phẩm văn học dân gian ở Tuyên Quang.

Tuyên Quang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam, là nơi tập trung sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc nên nền văn hóa truyền thống của Tuyên quang vô cùng phong phú và đa dạng. Nét đẹp truyền thống ấy không chỉ thể hiện trong đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán mà còn được tái hiện qua các tác phẩm văn học dân gian. Đa số các câu truyện truyền thuyết, cổ tích, ca dao tục ngữ… của Tuyên Quang đều mang đậm màu sắc văn hóa của nơi đây, đó cũng là cách người dân Tuyên Quang lí giải và lưu giữ các phong tục ý nghĩa của dân tộc mình. Một trong số những tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang là câu truyện cổ tích “Thần Cuống”- một câu truyện kể về nguồn gốc của ngôi mộ thần Cuống được người dân cúng lễ mỗi năm.

Giới thiệu phân tích và đánh giá 1 tác phẩm văn học dân gian ở Tuyên Quang

Câu truyện kể rằng, ngày xưa, tại xã Khúc Phụ, tổng Thổ Bình, châu Chiêm Hóa, thuộc tỉnh Tuyên Quang, có một bà lão góa không con, ở thôn Mô Cuống, bà bắt gặp một quả trứng màu trắng bên thác nên nhặt về cho gà ấp. Một tháng sau, quả trứng nở ra một con vật giống hình con lươn, bà lão đem bỏ vào một chĩnh nước. Con vật chóng lớn, bà lão đưa qua một cái vại, rồi nó lớn lên chật vại, bà đem thả nó xuống suối Mô Cuống, mới hay nó là con Giao Long. Con vật thuộc loài thủy tộc lâu lâu lại hóa thành người và nhận bà lão làm mẹ nuôi và bắt tôm cá về nuôi bà. Về sau, có một con Giao Long khác, sắc đen, ở dòng thác lớn Sa Hương thuộc xã Miên Hương, cách đó mấy dặm, ngược dòng thác Cuống đến đánh nhau với Giao Long trắng để rồi chiếm lấy nơi này. Cuộc giao chiến kéo dài đã ba ngày, thấy con Giao Long trắng chạy về nhà cầu cứu bà lão đến dòng thác để giúp nó một tay, nó dặn: “Lúc nào thấy thân hình đen (tức là Giao Long đen) trồi lên mặt nước thì mẹ lấy dao mà chém”. Bà lão nghe lời con nuôi mang theo một con dao dài mài sắc, đến hôm sau, ra bờ thác, trông thấy hai con Giao Long đang đánh nhau, quấy đục cả mặt nước. bà cầm con dao chờ sẵn khi thấy thân hình đen nổi lên mặt nước, liền chém xuống thật mạnh, chẳng may lại trúng nhầm con Giao Long trắng. Con vật hiện lên với bà lão, nói: “Mẹ ơi, mẹ đã chém lầm vào bụng con rồi. Số mệnh con phải chịu như vậy, xin mẹ đừng tiếc thương con”. Nói xong rồi nó biến mất. Ba ngày sau xác nó nổi lên ngay chỗ ấy, dân trong vùng trông thấy vớt đem về chôn ở cánh đồng trước nhà bà lão. Ngày nay mộ con Giao Long vẫn còn, người ta gọi là mộ Thần Cuống, được sùng bái coi như một vị thần, mỗi năm vào dịp tháng hai, dân ở bốn xã vùng này đều kéo nhau đến cúng lễ.

“Thần Cuống” là một câu truyện dân gian ý nghĩa với mục đích giải đáp cho phong tục cúng bái thần linh của người dân Chiêm Hóa- Tuyên Quang. Với ngôn từ mộc mạc, giản dị, thêm vào đó những yếu tố kì ảo để lí giải cho nguồn gốc của những sự vật hiện tượng cũng như phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Câu truyện không chỉ gần gũi với đời sống của người dân mà còn đề cao những phẩm chất tốt đẹp qua sự nhân hậu của bà lão và hành động trả ơn của Giao Long dành cho mẹ nuôi.

Bằng cốt truyện được xây dựng với những yếu tố kì ảo, những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, tác phẩm đã phản ánh cách nghĩ, cách giải thích của người xưa về tên gọi và sự hình thành của các địa danh, nguồn gốc của sông và núi. Văn học dân gian là cách mà người dân lưu giữ và truyền đạt cho các thế hệ sau các nét đặc trưng của dân tộc, nét đẹp văn hóa của quê hương đất nước.

Ngày nay, nhờ việc lưu giữ các giá trị truyền thống mà nền văn hóa của tỉnh Tuyên Quang ngày càng đặc sắc, một trong số đó là giá trị của các tác phẩm văn học dân gian. Truyện cổ tích “ Thần Cuống” nói riêng và các tác phẩm khác nói chung đã tạo nên một màu sắc dân tộc đặc trưng, góp phần tạo nên tính chất phong phú đa dạng cho nền văn học dân gian của tỉnh Tuyên Quang.

Hứa Ngọc Khánh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question