Giới thiệu phân tích và đánh giá một tác phẩm văn học dân gian ở Cần Thơ
Kho tàng văn học dân gian ở Việt Nam ta vô cùng phong phú và đa dạng, văn học dân gian chính là thể loại văn học truyền miệng từ đời này sang đời khác, được hình thành và phát triển bởi tầng lớp nhân dân, khác hẳn với thể loại văn học viết. Ở Cần Thơ cũng có những tác phẩm văn học dân gian độc đáo. Sau đây, mời các em tìm hiểu bài viết giới thiệu, phân tích và đánh giá một tác phẩm văn học dân gian ở Cần Thơ.
Giới thiệu, phân tích và đánh giá một tác phẩm văn học dân gian ở Cần Thơ – Chuyện cá sấu nghe hát bội
Văn học dân gian có thể hiểu là thể loại văn học đặc biệt, được hình thành và phát triển bởi các tầng lớp nhân dân, được truyền miệng qua rất nhiều thế hệ, khác hẳn với thể loại văn học viết. Trong văn học dân gian gồm có nhiều thể loại khác nhau như: thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố,…. Cần Thơ nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm văn học dân gian độc đáo và hấp dẫn, một trong số đó chính là truyền thuyết về tên gọi Cái Răng – Chuyện cá sấu nghe hát bội.
Ta biết rằng Cần Thơ nổi tiếng vô cùng xinh đẹp và thu hút rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là chợ nổi Cái Răng. Từ xa xưa, ở Vàm sông Cần Thơ tương truyền rằng nơi đây có một con cá sấu rất to lớn và hung dữ. Thân hình nó to và đồ sộ, dài hơn 5-6 thước, hàm răng nanh sắc nhọn, đôi mắt dữ tợn, nhiều truyền thuyết nói rằng khi người dân đi qua đây mà không cẩn thận rơi khỏi ghe thì sẽ bị con cá sấu này quật cho chìm xuống nước và ăn thịt.
Nhưng có một điều đặc biệt rằng chú cá sấu này rất thích xem hát bội, mỗi lần dân làng tổ chức múa hát làm lễ thì cá sấu luôn ngoi lên và xem hát. Mỗi lần xem hát bội thì nó nằm trườn lên bờ để nghe chứ không làm hại đến bất kì ai, thấy vậy dân làng lập ra một lễ cúng cho nó và ông trưởng làng thỉnh thoảng còn đem đồ cúng xuống cho con cá sấu ăn.
Trong làng đợt ấy có một đám cưới nhỏ diễn ra giữa anh nông dân và cô gái làng bên, dân chúng tỏ ra vui mừng tham dự tiệc vui, kèn trống khắp nơi vô cùng hạnh phúc. Khi đội nhà trai đang vui vẻ rước cô dâu về nhà khi đi qua nhánh sông thì bị con cá sấu hung dữ quật cho chìm ghe, mọi người đều hết sức bất ngờ và chạy tán loạn. Chú rể ra sức cứu cô dâu nhưng không thành, chính vì vậy mà anh ấy quyết tâm giết cho bằng được con cá sấu.

Chú rể thuê ba đội hát bội nổi tiếng về hát suốt ngày đêm để dụ con cá sấu lên bờ và nghe hát, cho nó nghe liên tục không nghỉ. Cùng lúc đó, chú rể cùng các anh thanh niên trong làng đào những cái hố to và mai phục bắt con cá sấu. Cá sấu sau những đêm thức trắng nghe hát thì nhanh chóng trở nên mệt mỏi, cuối cùng bị sập bẫy và bị giết bởi dân làng. Người ta truyền miệng kể rằng từng phần cơ thể cá sấu trôi dạt đi khắp nơi, phần đầu trôi dạt vào thì được dân chúng gọi nơi đó là Đầu Sấu, phần da thì được gọi là Cái Da và phần răng của cá sấu rơi vãi trôi đến chợ nổi nên được gọi là Cái Răng….
Những câu truyện văn học dân gian độc đáo đã mang đến những cảm xúc đặc biệt cho bạn đọc, khiến người đọc cảm thấy vô cùng thích thú và câu chuyện truyền thuyết Cá sấu nghe hát bội đã lí giải những địa danh có cái tên độc đáo của vùng sông nước Cần Thơ.
-----------------------------------
Trên đây là bài viết giới thiệu, phân tích và đánh giá một tác phẩm văn học dân gian ở Cần Thơ. Hi vọng bài viết trên của Topbee sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn văn!