image hoi dap
image hoi dap

Mở bài Tây Tiến (khổ, trực tiếp, gián tiếp, lý luận văn học)

icon-time16/1/2024

“Tây Tiến” là một trong những bài thơ đặc sắc của nhà thơ Quang Dũng. Hãy cùng Topbee cùng viết những Mở bài Tây Tiến thật ấn tượng để dẫn vào bài phân tích nhé!


Mở bài khổ 1 Tây Tiến


Mẫu 1

Được mệnh danh là “nhà thơ của một thời binh lửa” - Quang Dũng đã gây ấn tượng với bạn đọc bởi những vần thơ tuy nhẹ nhàng nhưng lại không kém phần mạnh mẽ, đầy tinh thần quyết tâm chiến đấu cho sự hòa bình, hạnh phúc của Tổ quốc thân yêu. “Tây Tiến” chính là một trong những tác phẩm thể hiện tinh thần quyết tâm ấy của nhà thơ xứ Đoài mây trắng năm nào. Ngay từ khi bắt đầu bài thơ, tiếng lòng của những chàng tuổi vừa đôi mươi đã thốt lên bởi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Dấu ấn, kỷ niệm của một thời chiến đấu, sinh hoạt cùng với non nước miền Tây đã in sâu vào tâm trí của người lính Tây Tiến năm ấy.


Mẫu 2

Đâu là một tình yêu cho tổ quốc thiêng liêng, giữa hàng trăm thứ cảm xúc đang làm dao động trái tim mỗi con người? Có lẽ, lời hồi đáp ấy nên để mọi người chúng ta tự cảm nhận, tự hiểu và tự trả lời. Hơn ai hết, càng nghĩ ta lại càng thấu cho tình yêu đất nước của những người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Chính chàng trai xứ Đoài mây trắng năm ấy cũng là một thành viên trong đoàn quân. Hiểu cho sự mất mát, hy sinh của đồng đội, bài thơ ra đời như phần nào nói lên nỗi lòng tác giả và các chiến sĩ Tây Tiến. Ngay tại đoạn mở đầu bài thơ, tiếng lòng của những chàng tuổi vừa đôi mươi đã thốt lên bởi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, dấu ấn kỷ niệm đọng lại qua câu chuyện đời bao tâm hồn yêu nước thầm lặng.


Mẫu 3

“Có một bài ca không bao giờ quên….”

Và cũng có một bài thơ như thế, những năm tháng như thế, khắc sâu vào tiềm thức bao nhiêu thế hệ người Việt ngày hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Đó là những ngày tháng kháng chiến chống Pháp, điểm hội tụ của muôn triệu tấm lòng yêu nước và cả sự chiến đấu và hy sinh cao cả, trong đó đẹp nhất là hình ảnh người lính. Có rất nhiều bài thơ khai thác đề tài này, và bài “Tây Tiến” của Quang Dũng được coi là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất. Bài thơ là nỗi nhớ về một thời chiến đấu gian khổ nhưng anh hùng của chính nhà thơ bên cạnh đoàn quân Tây Tiến.


Mẫu 4

Đâu là một tình yêu cho tổ quốc thiêng liêng, giữa hàng trăm thứ cảm xúc đang làm dao động trái tim mỗi con người? Có lẽ, lời hồi đáp ấy nên để mọi người chúng ta tự cảm nhận, tự hiểu và tự trả lời. Hơn ai hết, càng nghĩ ta lại càng thấu cho tình yêu đất nước của những người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Chính chàng trai xứ Đoài mây trắng năm ấy cũng là một thành viên trong đoàn quân. Hiểu cho sự mất mát, hy sinh của đồng đội, bài thơ ra đời như phần nào nói lên nỗi lòng tác giả và các chiến sĩ Tây Tiến.

Mở bài Tây Tiến

Mở bài khổ 2 Tây Tiến


Mẫu 1

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng thốt lên khi ông cảm nhận được vẻ đẹp của đất nước ta. Vẻ đẹp ở đây không chỉ ở những cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát hay những bờ biển rì rào cát trắng mà nó còn ở trong chính con người Việt Nam ta. Cùng đề tài ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người, Quang Dũng đã khắc họa tài tình vẻ đẹp vùng núi Tây Bắc và phẩm chất của những người lính qua tác phẩm “Tây Tiến”. Ông sáng tác bài thơ vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh sau khi ông rời đơn vị cũ. Quang Dũng gửi gắm mọi tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ da diết của mình vào Tây Tiến, nổi bật hơn hết là những kỉ niệm đẹp cùng với hình ảnh đêm hội liên hoan và buổi chiều sương được thể hiện tinh tế qua đoạn thơ thứ 2.


Mẫu 2

Trong tác phẩm “Tây Tiến”, Quang Dũng đã thể hiện những nỗi niềm, tình cảm của mình về vùng đất Tây Bắc – nơi mà đoàn binh Tây Tiến của ông đã có rất nhiều những kỉ niệm tươi đẹp với đất, với người. Ngay từ khi đọc những dòng thơ đầu của tác phẩm có lẽ người đọc đã thấy ấn tượng về thiên nhiên Tây Tiến với sự hùng vĩ, hoang sơ và có lúc thật dữ dội, nguy hiểm khiến bước chân của người lính cũng trở nên mỏi mệt, rã rời. Thế nhưng, đến khổ thơ thứ hai, những mỏi mệt, rã rời ấy như lùi ra xa nhường chỗ cho không khí tươi mới của một đêm liên hoan ấm tình quân dân nhưng cũng chất chứa những suy tư chính ở nơi doanh trại.


Mẫu 3

Trong vườn hoa của thơ ca kháng chiến chống Pháp, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng – nở ra từ một tâm hồn phóng khoáng, hồn hậu, hào hoa, một ngòi bút tinh tế và lãng mạn – được coi là bông hoa đầu mùa vừa đẹp vừa lạ. Bài thơ không chỉ khắc họa thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở hay những gian khó trập trùng nơi núi cao vực sâu mà bên cạnh đó, ta cũng có cơ hội được cảm nhận bức tranh thiên nhiên gợi cảm, nên thơ cùng những giờ phút liên hoan tưng bừng, lãng mạn giữa những tháng năm khói lửa hào hùng. Và 8 câu thơ ở khổ thơ thứ hai là những vần thơ đã khắc họa rõ nhất vẻ đẹp lãng mạn ấy.


Mẫu 4

Quang Dũng tên khai sinh là Bùi Đình Diệm (1921-1988). Là nhà thơ với một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu và tài hoa. Trong thơ Quang Dũng thường kết hợp hiện thực và chất men say lãng mạn tại nên nét độc đáo trong thơ ông. Chính vì vậy ông được mệnh danh là nhà thơ của “xứ Đoài mây trắng”. Trong sự nghiệp sáng tác của mình Quang Dũng để lại nhiều bài thơ có giá trị trong đó phải kể đến “Tây Tiến”. Bài thơ không chỉ khắc họa thành công bức chân dung người lính Tây Tiến mà còn là vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi vùng núi Tây Bắc được thể hiện rõ nét qua đoạn thơ thứ 2.


Mở bài khổ 3 Tây Tiến


Mẫu 1

Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử. Ở trong thơ Quang Dũng cũng đã dựng lên một bức tượng đài bất tử như vậy về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đó là bức tượng đài đã làm cho những người chiến sĩ yêu nước từng ngã xuống trong những tháng năm gian khổ ấy bất tử cùng thời gian.


Mẫu 2

Quang Dũng là một trong những nghệ sĩ rất đa tài. Ông có thể vẽ tranh, làm thơ, ông còn biết sáng tác nhạc. Thơ ca của Quang Dũng nổi bật với một hồn thơ lãng mạn, hào hoa, thấm đượm nghĩa tình và tinh thần dân tộc. Bài thơ Tây Tiến là một trong những bài thơ thể hiện cái tình đó của Quang Dũng. Lúc đầu bài thơ có tên “Nhớ Tây Tiến”. Sau bỏ “nhớ” giữ lại “Tây Tiến” vì Quang Dũng cho rằng bài thơ vốn đã tràn đầy nỗi nhớ, người đọc sẽ cảm thấy. Bài thơ được nảy sinh trong những năm tháng không thể nào quên, từ một môi trường sống và chiến đấu không thể nào quên của cuộc đời người lính. Bài thơ được viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh (Hà Tây), khi ông đã chuyển sang đơn vị khác và nhớ về đơn vị cũ là đoàn quân Tây Tiến. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ của tác giả về kỉ niệm với thiên nhiên Tây Bắc và đơn vị cũ của mình. Trong tác phẩm, hình tượng những người lính Tây Tiến được thể hiện rất rõ trong đoạn thơ thứ 3 của bài thơ.


Mẫu 3

Những bài thơ hay thường tạo nên nhiều kiểu rung cảm thẩm mĩ nơi người đọc, thậm chí còn gây nên nhiều tranh luận xung quanh các câu chữ, hình ảnh, cảm xúc… Tây Tiến của Quang Dũng là một trong những bài thơ như thế. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, Tây Tiến không chỉ đứng vững mà còn có sức sống kì diệu. Trong tâm hồn thi nhân, Tây Tiến là một thời để thương, để nhớ, nhớ những kỉ niệm của người chiến binh trong những ngày tháng sống và chiến đấu cùng binh đoàn, nhớ cảnh rừng núi Tây Bắc vừa hiểm trở vừa hùng vĩ vừa không kém phần thơ mộng, nhớ những tháng ngày hành quân gian khổ, nhớ những kỉ niệm đẹp đẽ, những thời khắc nghỉ lại bản làng đầm ấm, thắm thiết tình quân dân…


Mẫu 4

“Tây Tiến” là bài thơ hay nhất của Quang Dũng cũng là một trong những bài thơ tuyệt bút viết về “anh bộ đội Cụ Hồ” trong kháng chiến chống Pháp. Quang Dũng là nhà thơ – chiến sĩ, vừa cầm súng đánh giặc, vừa làm thơ. Ông viết về đồng đội, về đoàn binh Tây Tiến thân yêu của mình. Thơ của Quang Dũng nóng bỏng hào khí chiến trường. Sau một thời gian xa đơn vị và đồng đội, ông viết bài thơ Tây Tiến này vào năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, một địa điểm bên bờ sông Đáy hiền hòa. Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ và niềm tự hào đối với đoàn binh Tây Tiến, đối với con sông Mã và núi rừng miền Tây xa xôi. Đó là nỗi nhớ “chơi vơi” bao kỉ niệm đẹp và cảm động một thời trận mạc đầy gian khổ, hi sinh. Đây là đoạn thơ thứ ba trong bài “Tây Tiến”, đã khắc hoạ khí phách anh hùng và tâm hồn lãng mạn của người chiến sĩ trong máu lửa.


Mở bài 14 câu đầu Tây Tiến


Mẫu 1

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Ông là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thơ Quang Dũng chiếm lĩnh tâm hồn người đọc bởi tâm hồn lịch lãm, lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng và rất đỗi hồn hậu. Bài thơ Tây Tiến là một trong những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến của ông. Với 14 câu thơ đầu, cùng sự kết hợp hiện thực với lãng mạn, Quang Dũng dựng lại cảnh núi rừng Tây Bắc hung vĩ, dữ dội trong nỗi nhớ miên man đầy ắp của người lính Tây Tiến.


Mẫu 2

Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc… nhưng thành công nhất vẫn là thơ. Thơ Quang Dũng là tình yêu bất diệt với “xứ Đoài mây trắng”, quê hương của nhà thơ; là cảm hứng lãng mạn, hào hoa về cuộc sống kháng chiến và con người kháng chiến. Ông có nhiều vần thơ hay viết về lính, trong đó tiêu biểu có bài Tây Tiến. 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến mở ra một khung trời thương nhớ vừa thơ mộng, vừa dư dội đến kinh ngạc.


Mẫu 3

Ra đời trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Đồng Chí” của Chính Hữu, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Tình sông núi” của Trần Mai Ninh, “Tây Tiến” của Quang Dũng đã làm nên bộ “Ngũ tư bất tử’ trong thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. “Tây Tiến” là bài thơ của người lính nói về người lính - anh Vệ quốc quân thời chín năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, hào hùng. Những kỉ niệm thời cầm súng chiến đấu, những tình cảm dành cho mảnh đất miền Tây, cho đồng đội cùng dầm mưa dãi nắng biết bao tháng ngày đã  được Quang Dũng gửi qua nỗi nhớ mênh mang, da diết. Men theo nỗi nhớ đong đầy ấy, bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội đã được khắc họa thật đậm nét qua 14 câu đầu bài thơ.


Mẫu 4

Tây Tiến được xem là đứa con đầu lòng tráng kiện và tài hoa của Quang Dũng và của cả nền thơ kháng chiến của văn học Việt Nam, đặc biệt là của những năm đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ. Những chàng thư sinh áo trắng, rời bỏ bút mực xanh lên đường đi chiến đấu vì lòng yêu Tổ quốc, quê hương tha thiết, vì nền hòa bình của dân tộc, họ đi với trái tim kiêu hùng, anh dũng nhưng vẫn mang những nét lãng mạn, hào hoa của lớp trẻ tri thức Hà Nội. Điều ấy đã được nhà thơ Quang Dũng tái hiện một các xuất sắc trong bài thơ Tây Tiến bằng ngòi bút phóng khoáng, hồn hậu và rất mực tài hoa lãng mạng. Với 14 câu đầu tác phẩm, nhà thơ đã hướng về nội tâm của người lính chiến, cũng chính là bản thân tác giả với những nỗi nhớ tha thiết miền đất Tây Bắc và vẻ đẹp vượt vượt lên khó khăn gian khổ của người lính Tây Tiến.


Mẫu 5

Quang Dũng là nghệ sĩ đa tài, ông có thể viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc… nhưng thành công nhất vẫn là thơ ca. Tuy nhiên, độ phổ biến trong công chúng của nhà thơ được nhắc nhiều hơn cả là từ bài thơ Tây Tiến. Bài thơ ra đời vào năm 1948 in trong tập “Mây đầu ô” là bài thơ tiêu biểu nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc mà tiêu biểu là 14 câu đầu bài thơ.


Mở bài trực tiếp Tây Tiến


Mẫu 1

Quang Dũng – người nghệ sĩ đa tài – một nhà thơ với tâm hồn hào hoa, lãng mạn. Thơ ca của ông thường viết về những nét hào hùng cùng vẻ bi tráng trong thời kỳ kháng chiến với sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên và con người, đặc biệt là vẻ đẹp của những người lính cụ Hồ. Bài thơ “Tây Tiến” chính là một trong những tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu nhất của ông. Bài thơ được sáng tác năm 1948 lấy cảm hứng từ nỗi nhớ da diết về thiên nhiên và những người đồng đội cũ trong binh đoàn Tây Tiến. Với ngòi bút tài tình của Quang Dũng, bài thơ đã toát lên hết vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc và hình tượng người lính anh dũng bất khuất lại rất hào hoa lãng mạn.


Mẫu 2

Bài thơ “Tây Tiến” của cố nhà thơ Quang Dũng có thể xem như là một hiện tượng “xuất thần” trong thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiện đầy khí phách của cả một thời đại ùa vào, chắp cánh để cho cái chất bi tráng được bay lên như một nét đẹp hiếm có của một thời thơ. Bài thơ Tây Tiến quả là một bản hùng ca viết về vẻ đẹp anh dũng, kiên cường vượt qua bao gian khổ trong chiến tranh của người lính cụ Hồ. Qua đó thể hiện nỗi nhớ nhung da diết của nhà thơ với đồng đội, với đơn vị cũ và nhớ vẻ đẹp hùng vĩ của núi non Tây Bắc.


Mẫu 3

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài trưởng thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã từng tham gia hoạt động và chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến, chính vì những trải nghiệm cùng sống, cùng chiến đấu gắn bó với nhau trong những ngày tháng gian khổ ấy đã để lại những miền kí ức không thể phai mờ trong tâm hồn của nhà thơ. Hơn nữa, những trải nghiệm về chiến tranh, cuộc sống gian khổ của người lính cũng chính là chất liệu, là nguồn cảm hứng quan trọng trong sáng tác thơ ca của Quang Dũng. Ông đã để lại cho nền văn học rất nhiều bài thơ hay viết về đề tài chiến tranh, người lính, nhưng trong đó Tây Tiến chính là tác phẩm tiêu biểu nhất kết tinh mọi tài năng, phong cách và con người của Quang Dũng.


Mẫu 4

Quang Dũng không chỉ là một nhà thơ tài ba mà ông còn là một nhà soạn nhạc, một họa sĩ nổi tiếng. Ông đã để lại một kho tàng tác phẩm tuyệt đỉnh, và trong số đó không thể không nhắc đến bài thơ Tây Tiến – tác phẩm làm lên tên tuổi của ông.  Với hồn thơ lãng mạn có nét phóng khoáng Quang Dũng đã thổi vào thơ văn kháng chiến một luồng gió mới, mang màu sắc mới mẻ, độc đáo, đặc biệt là khi viết về người lính – những người lính vừa kiên cường dũng cảm vừa hào hoa phong nhã.  Và những nét mới mẻ này được thể hiện trong Tây Tiến một cách rõ nét nhất và vì vậy bài thơ cũng được coi là kiệt tác thơ văn của Quang Dũng. Tây Tiến được viết vào năm 1947 khi Quang Dũng chuyển công tác tại một đơn vị mới, khi quá nhớ đơn vị cũ cùng đồng đội ông đã viết lên bài thơ này. Qua bài thơ, Quang Dũng đã không dừng lại ở việc thể hiện nỗi nhớ đồng đội, tình cảm quân dân gắn bó và vùng đất Tây Bắc mà còn dựng lên chân dung những người lính Tây Tiến kiêu dũng, ngoan cường mà rất tài hoa lãng mạn một cách sống động.


Mở bài gián tiếp Tây Tiến


Mẫu 1

Chiến tranh dù đã lùi xa, nhưng những dư vang dư hình của nó thì vẫn luôn ở đó, sống mãi bên đời. Người ta sẽ chẳng bao giờ quên “có cái chết đã hóa thành bất tử” khi gặp ở những dòng  thơ của Tố Hữu, càng không thể quên được  hình ảnh những người chiến sĩ  “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” đã in sâu trong thơ của Chính Hữu. Từ bao giờ, người lính cụ Hồ đã trở thành những tượng đài bất tử trong thơ ca. Đi qua bao gian khón để bước tới đài vinh quang, những người lính Tây Tiến cũng đã trở thành những hình tượng “đẹp còn sống mãi” trong lòng mỗi người. Ta gặp lại họ trong những vần thơ trong bài thơ Tây tiến, nơi thấm đẫm cảm xúc mà nhà thơ Quang Dũng đã gửi lại đoàn quân, cùng theo đó là bao nỗi nhớ tha thiết, đậm sâu.


Mẫu 2

Chiến tranh và người lính là 2 đề tài lớn trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Văn học là nơi đã ghi dấu từng chặng đường, từng bước chuyển mình sáng chói của lịch sử, nó đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình, không chỉ dừng lại ở việc tái hiện lại bầu không khí chiến đấu ác liệt cam go của cuộc chiến mà còn khắc họa lại những bức chân dung sống động, đẹp đẽ nhất về hình tượng người lính cụ Hồ. Đó là hình tượng của những người lính có cùng xuất thân từ những người nông dân nghèo nhưng cùng mang lí tưởng cứu nước lớn lao và thiêng liêng trong “Đồng chí” của Chính Hữu, hay là những người lính lái xe luôn mang vẻ lạc quan, yêu đời coi thường gian khổ trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Ghi dấu ấn sâu sắc trong mảng đề tài ngỡ như đã quá quen thuộc ấy, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã mang đến một bức tượng đài vô cùng tráng lệ mà đầy mới mẻ về những hình tượng người lính: kiên cường, quả cảm, anh dũng trong chiến đấu nhưng lại cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa trong tâm hồn cũng như đời sống tinh thần.


Mẫu 3

Có những tác phẩm văn học đi cùng năm tháng, đó là những tác phẩm thơ ca ghi lại những ngày tháng gian khổ, khốc liệt nhưng lại rất hào hùng của dân tộc, đó là những sáng tác về những con người hết sức bình dị, vô danh nhưng lại góp phần làm nên sự độc lập, tự do, làm nên cái hữu danh cho đất nước, dân tộc. Và với tôi, Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng cũng chính là một bài thơ như vậy. Qua Tây Tiến, ta không chỉ thấy được một bức tranh sinh động hùng vĩ của Tây Bắc, thấy được sự gian khổ trong chiến đấu mà ở đó có rất nhiều mất mát, hi sinh mà ta còn thấy được vẻ đẹp của tình đoàn kết, vẻ đẹp của những người lính cụ Hồ trong những năm tháng gian khổ nhất. Những người lính Tây Tiến hiện lên trong những trang thơ Quang Dũng là những người lính trẻ đầy gan dạ, mạnh mẽ, kiêu hùng nhất, và họ cũng là những chàng trai trẻ nhiệt huyết, ào hoa, yêu đời với tâm hồn lãng mạn nhất.


Mẫu 4

Chiến tranh, người lính luôn là đề tài không bao giờ cũ trong nghệ thuật thơ ca của những nghệ sỹ thời chiến. Chúng ta đã bắt gặp hình ảnh những người lính nghèo những mang ý tưởng lớn trong “Đồng chí” của Chính Hữu, hay những người lính luôn yêu đời trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Nhưng có lẽ mang lại ấn tượng sâu sắc và chân thực nhất đó là hình ảnh người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của cố nhà thơ Quang Dũng. Với cách khắc họa hình tượng người lính đầy gian khổ, bi tráng nhưng cũng rất hào hoa, đã khiến cho người đọc không thể quên được vẻ đẹp của những người lính cụ Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống pháp.


Mở bài Tây Tiến bằng lí luận văn học


Mẫu 1

“Thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.” Tôi nghĩ câu nói này của Sóng Hồng có lẽ là phù hợp nhất khi nhắc về “Tây Tiến”. “Tây Tiến” vẽ nên cho tôi những nốt thăng, nốt trầm của những ngày chiến chinh gian khổ, Tây Tiến vẽ nên cho tôi đôi mắt “gửi mộng qua biên giới” đầy thơ mộng, Tây Tiến vẽ nên cho tôi hình ảnh những chiến sĩ “quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh” với hi vọng đem về hòa bình cho đất nước, cho khúc khải hoàn ngân lên đến không gian tận cùng, cho những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên bầu trời Tổ quốc, cho những mẹ già, em thơ nụ cười không lo lắng ngày mai.


Mẫu 2

Văn chương đòi hỏi sự phản ánh hiện thực một cách chân thực, vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca cũng được hình thành từ sự trong sáng và chính xác. Đó chính là khả năng biểu hiện đúng điều thi nhân muốn nói, miêu tả đúng cái mà tác giả cần tái hiện. Đọc “Tây Tiến”, ta không chỉ thấy một bức tranh thời đại đầy tính hiện thực, mà còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật ngôn từ điêu luyện của Quang Dũng. Quang Dũng không chỉ hoàn thành bức phác thảo mà Tây Bắc trao tặng mà còn tiếp tục có những phát kiến mới, dùng hình ảnh con người Tây Bắc và hình ảnh người chiến sĩ cách mạng làm trung tâm, tâm điểm của bức tranh. Tây Bắc hiện lên với vẻ hùng vĩ, nhưng trong đó nổi bật lên là hình tượng người lính vừa dũng cảm, can trường nhưng không kém phần hào sảng, lãng mạn, đó vừa là cái uy, vừa là cái tình của một đời làm lính. Theo tôi, hồn thơ của Quang Dũng là tụ hội của những gì “chiến sĩ” nhất và “nghệ sĩ” nhất, bởi chỉ mỗi “Tây Tiến” thôi là quá đủ cho cả một đời người.


Mẫu 3

Người ta tìm đến thơ, là tìm đến một cái gì đó để giãi bày tâm sự. Khi cái cảm xúc lên đến tột trào, tưởng chừng như những gì chôn giấu trong lòng mãnh liệt ập tới, đó chính là lúc người ta hối hả muốn viết, hối hả muốn làm thơ. Tôi nghĩ rằng, trước cái cảnh rừng núi Tây Bắc gió lộng, trước cái man điệu hoang dại của người dân Tây Bắc, Quang Dũng đã không thể giấu được những gì cuộn dâng trong tâm hồn của một người nghệ sĩ. Tây Bắc chỉ là một chốn hành quân mà Quang Dũng đi qua, nhưng nó đã đóng đinh trong tâm tưởng của cả ông và những người đồng đội. Đó không chỉ là tình cảm thiết tha đối với những gì thuộc về quê hương xứ sở, mà còn là những hình ảnh rất đỗi thân thương, rất đỗi bi hùng của đoàn quân Tây Tiến. Tây Tiến ơi ! Nghìn năm nhớ thương một “đoàn binh không mọc tóc.”


Mẫu 4

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét và bài thơ Tây Tiến: “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”. Phải chăng cái mới, cái lạ, cái riêng biệt ấy chính là tượng đài những người chiến sĩ, những người anh hùng của dân tộc đã hy sinh vì dân tộc, được tạc dựng lại vừa mang vẻ đẹp của sự anh dũng, kiên cường vừa mang vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn.


Mở bài hình tượng người lính Tây Tiến


Mẫu 1

Hình ảnh người lính nói chung và những người lính thời kỳ chống Pháp nói riêng từ lâu đã đi vào văn chương như một nguồn thi cảm. Các nhà thơ viết về người lính với tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào. Giữa muôn vàn những tác phẩm như vậy, Tây Tiến là bài thơ có vị trí đặc biệt. Tây Tiến là một trong những bài thơ sớm nhất viết về người lính cách mạng, ra đời ngay trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trở thành thi phẩm xuất sắc của nền thơ Việt Nam từ sau năm 1945 cùng với hình tượng người lính Tây Tiến.


Mẫu 2

Quang Dũng một gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến Việt Nam. Tác phẩm ông để lại không nhiều, nhưng gây ấn tượng sâu sắc, đậm nét trong lòng bạn đọc, đặc biết là tác phẩm “Tây Tiến”. Người đọc ngoài ấn tượng về khung cảnh núi non hùng vĩ, vừa mơ mộng của nơi núi rừng còn ấn tượng bởi hình tượng người lính kiên cường, anh dũng, lí tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng hi sinh cho đất nước. Hình tượng người lính trong tác phẩm “Tây Tiến” mang một vẻ đẹp rất riêng, rất lạ, đặc trưng cho phong cách thơ Quang Dũng.


Mẫu 3

Nhắc đến kháng chiến chống Pháp, ta sẽ nhớ ngay những người lính nông dân trong “Đồng Chí” – Chính Hữu: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Và cũng không thể không nhắc đến người lính Tấy Tiến trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Quang Dũng. Bằng ngòi bút vừa hiện thực, vừa lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên bức tượng đài bất tử về những người lính vô danh mà anh dũng, kiên cường.


Mẫu 4

Bài thơ “Tây Tiến” có thể xem như một hiện tượng “xuất thần” của Quang Dũng trong thơ ca kháng chiến chống Pháp. Đó là “đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiện” (Phong Lê) được khí phách của cả một thời đại ùa vào, chắp cánh để cho cái chất bi tráng bay lên như một nét đẹp hiếm có của một thời thơ.


Mở bài Tây Tiến nâng cao


Mẫu 1

Quang Dũng là một người nghệ sĩ đa tài, ông có thể viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc, trong đó ông đặc biệt thành công trong lĩnh vực sáng tác thơ văn, với hồn thơ lãng mạn, phóng khoáng Quang Dũng đã mang đến cho thơ văn kháng chiến một màu sắc mới mẻ, độc đáo, đặc biệt là trong hình tượng người lính: vừa kiên cường dũng cảm vừa hào hoa phong nhã. Có thể thấy rõ những nét mới mẻ này qua bài thơ được coi là kiệt tác thơ văn của Quang Dũng- Tây Tiến. Tây Tiến được sáng tác năm 1947 khi Quang Dũng chia tay với đồng đội, binh đoàn Tây Tiến để chuyển đến đơn vị công tác mới. Qua bài thơ, Quang Dũng không chỉ thể hiện nỗi nhớ, tình cảm gắn bó với những người đồng đội và vùng đất Tây Bắc mà còn dựng lên đầy sống động chân dung những người lính Tây Tiến vừa kiêu dũng, ngoan cường vừa tài hoa lãng mạn.


Mẫu 2

Chiến tranh, người lính là nguồn đề tài lớn trong thơ ca cách mạng, ghi dấu từng chặng đường, bước chuyển mình của lịch sử, văn học đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh thiêng liêng của mình, không chỉ tái hiện bầu không khí chiến đấu ác liệt của cuộc chiến mà còn dựng lên những bức chân dung sống động, đẹp đẽ nhất về hình tượng người lính. Đó là hình tượng người lính xuất thân từ những người nông dân nghèo mang lí tưởng cứu nước thiêng liêng trong Đồng chí của Chính Hữu, là những người lính lái xe lạc quan, yêu đời coi thường gian khổ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Ghi dấu trong mảng đề tài ngỡ như đã vô cùng quen thuộc ấy, Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến đã mang đến một bức tượng đài tráng lệ mà đầy mới mẻ về những người lính: kiên cường, quả cảm trong chiến đấu nhưng cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa trong đời sống tinh thần.


Mẫu 3

Có những bài thơ đi cùng năm tháng, đó là những bài thơ ghi lại những ngày tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc, là những sáng tác về những con người bình dị, vô danh nhưng lại góp phần làm nên cái hữu danh cho đất nước, dân tộc. Và với tôi, Tây Tiến của Quang Dũng là một bài thơ như vậy, qua Tây Tiến, ta không chỉ thấy được bức tranh đầy hào hùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là cuộc chiến gian khổ, có nhiều mất mát, hi sinh nhưng đó cũng là nơi vẻ đẹp của tình đoàn kết, vẻ đẹp của những người lính được bừng sáng đẹp đẽ nhất. Những người lính Tây Tiến hiện lên trong trang thơ Quang Dũng là những người chiến sĩ trẻ gan dạ, mạnh mẽ, kiêu hùng nhất, cũng là những chàng trai trẻ nhiệt huyết, yêu đời với tâm hồn lãng mạn nhất.


Mẫu 4

Sự nghiệp của Quang Dũng không phong phú, đồ sộ như nhiều nhà thơ khác, nhưng mỗi tác phẩm ông để lại đều khắc dấu ấn đậm sâu trong lòng bạn đọc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nổi bật nhất là tác phẩm Tây Tiến. Qua những vần thơ đầy tinh tế mà cũng vô cùng chân thực, ông đã tái hiện thành công chân dung người lính, binh đoàn Tây Tiến. Tây Tiến được sáng tác năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, sau khi Quang Dũng đã rời binh đoàn Tây Tiến để nhận nhiệm vụ khác. Mặc dù đã rời binh đoàn, những nỗi nhớ, tình yêu với binh đoàn vẫn luôn tha thiết, nó đã giúp ông kết tinh nên tác phẩm nghệ thuật này. Bởi vậy, trong tác phẩm cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ tha thiết, sâu đậm.


Mở bài thiên nhiên Tây Tiến


Mẫu 1

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

(Chế Lan Viên)

Trong cuộc đời mỗi người đã từng gắn bó với nhiều mảnh đất. Mỗi mảnh đất ta qua đều trở thành những kỉ niệm những dấu ấn khó quên. Nhà thơ Quang Dũng cũng đã từng trải qua cảm xúc ấy. Thiên nhiên miền Tây Bắc đã để lại trong nhà thơ những cảm xúc riêng để rồi bức tranh ấy đã được tạc lại đầy hào hùng và thơ mộng trong bài thơ “Tây Tiến”.


Mẫu 2

Mỗi một vùng đất mà con người có cơ hội đặt chân đến ắt hẳn sẽ ít nhiều để lại trong lòng họ những ấn tượng khó phai. Với Quang Dũng thì Tây Bắc – nơi đoàn binh của ông đã từng sống và hoạt động không chỉ là một miền nhớ dạt dào bởi ở đó có bóng dáng của những người đồng đội thân thương mà nó còn để lại trong tâm trí nhà thơ những dấu ấn về hình ảnh thiên nhiên. Thiên nhiên ấy, tuy hoang sơ, xa xôi, hùng vĩ và dữ dội nhưng cũng rất thơ mộng và trữ tình. Những kí ức tươi đẹp về thiên nhiên của vùng đất Tây Bắc đầy kỉ niệm của một thời lính trẻ sẽ được Quang Dũng thể hiện trong những vần thơ của thi phẩm “Tây Tiến”.


Mẫu 3

“Đường lên Tây Bắc vút xa mờ. Đường lên Tây Bắc mây trắng bồng bềnh như mơ... Gặp lại dấu chân cha ông, gặp lại chín năm gian khổ”. Những giai điệu trong bài hát Hành quân lên Tây Bắc của nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên đã hơn một lần đưa ta ngược về thời gian, vượt qua khoảng cách không gian về với núi rừng Tây Bắc của một thời đạn lửa. Giữa rất nhiều tác phẩm văn chương nói chung và văn học thời kì kháng chiến chống Pháp nói riêng in đậm dấu ấn vùng cao Tây Bắc, Tây Tiến của Quang Dũng là bài thơ có vị trí đặc biệt. Đọc Tây Tiến người ta không chỉ thấy hiện lên sừng sững bức tượng đài người lính mà còn ấn tượng sâu sắc về bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ nhưng không kém phần thơ mộng, lãng mạn.

Hoàng Thùy Phương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question