image hoi dap
image hoi dap

Một số thuật ngữ thường xuất hiện trong Lí luận văn học

icon-time14/1/2024

Lý luận văn học là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó, có rất nhiều khái niệm đặc biệt thường xuyên xuất hiện mà chúng ta cần phải nắm rõ. Trong bài viết dưới đây, mời các em tìm hiểu một số thuật ngữ thường xuất hiện trong Lí luận văn học.


Văn chương

Văn chương là một hình thức nghệ thuật sử dụng ngôn từ, mà chất liệu chính là những con chữ “biết nói” để xây dựng nên một thế giới nghệ thuật. Người viết ký thác vào đó cảm xúc, tư tưởng của mình và thông qua đó truyền đến cho độc giả. Văn chương có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như thơ, truyện, kịch, tiểu thuyết,...


Tác phẩm văn học

Tác phẩm văn học là công trình sáng tạo của nhà văn, của một tập thể mà phương tiện chính là ngôn từ, hình tượng nghệ thuật. Thông qua đó, tác giả gửi gắm thông điệp về con người và cuộc đời, cũng thể hiện tâm tư, thái độ của mình về một sự việc, hiện tượng trong cuộc sống. Tác phẩm văn học có thể tồn tại dưới phương diện là ngôn bản truyền miệng hoặc hình thức văn bản được ghi lại bằng chữ viết. 

Một số thuật ngữ thường xuất hiện trong Lí luận văn học

Tiếp nhận văn học

Trong SGK Ngữ Văn lớp 12 có ghi lại rằng: “Tiếp nhận văn học là quá trình người đọc hoà mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm vào thế giới được dựng lên bằng ngôn ngữ, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của nghệ sĩ sáng tạo. Bằng kinh nghiệm sống, trí tưởng tượng, vốn văn hoá và bằng cả tâm hồn mình, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, nhân vật, dõi theo diễn biến của cốt truyện, làm cho tác phẩm từ văn bản khô khan biến thành thế giới nghệ thuật sinh động, cuốn hút bạn đọc. Như vậy, quá trình tiếp nhận văn học là quá trình tích cực của tâm trí, cảm giác người đọc, nhằm biến văn bản thành thế giới nghệ thuật theo tâm trí mình”.


Chi tiết nghệ thuật

Chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ tưởng chừng như không quan trọng, nhưng thực chất nó lại đóng góp vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” cũng đưa ra định nghĩa chính xác: “Chi tiết nghệ thuật là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”.


Phong cách nghệ thuật

Phong cách nghệ thuật là cái riêng của tác giả xuyên suốt trong các tác phẩm của mình. Đó có thể là một trường phái, một khuynh hướng nghệ thuật, thể hiện qua những phương tiện biểu hiện nghệ thuật nhất định, phù hợp với cái nhìn riêng biệt của họ về hiện thực. Phong cách nghệ thuật của mỗi người sẽ khác nhau, tạo nên những nét văn chương mang theo “phong cách cá nhân” độc đáo.


Thơ

Trong “Từ điển thuật ngữ văn học” có định nghĩa rằng thơ chính là một “hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”. Thơ có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú, thơ tự do,...


Truyện ngắn

Truyện ngắn là một dạng tự sự được kể như câu chuyện bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết. Truyện ngắn phản ánh hiện thực khách quan một cách sâu sắc và toàn diện thông qua con người, sự kiện, hành vi,... 


Tiểu thuyết

Tiểu thuyết là một thể loại văn bản có yếu tố hư cấu mà thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người. Những tác phẩm tiểu thuyết thường biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.

Một số thuật ngữ thường xuất hiện trong Lí luận văn học

Tình huống truyện

Tình huống truyện là sự kiện, hoàn cảnh, tình thế đặc biệt thường xuất hiện trong truyện ngắn. Đó là tình huống chứa đựng những mâu thuẫn, những điều “bất thường” éo le, nghịch lý trong cuộc sống thường ngày của nhân vật nhưng lại làm rõ bản chất thật của con người. Thông qua đó, tác giả giúp cho truyện có cao trào lên xuống, phát triển cốt truyện và cũng thể hiện được tư tưởng của người viết.


Tư tưởng

Tư tưởng là những suy nghĩ, nhận thức, quan điểm và cách nhìn của tác giả được hình thành sau những trải nghiệm xã hội. Đó là nơi gửi gắm và “nương tựa” của tâm hồn tác giả, quyết định được từ cách làm đến những phản ứng với xã hội. Tư tưởng trong những tác phẩm văn chương chính là quan điểm mà tác giả muốn thể hiện.


Đề tài

Đề tài là phạm vi hiện thực được phản ánh, thể hiện trực tiếp trong tác phẩm nghệ thuật. Khái quát hơn, đề tài thể hiện phạm vi miêu tả trực tiếp của tác phẩm nghệ thuật và thường là những hiện tượng thực tế mà tác giả muốn phản ánh trong cuộc sống.


Hình thức

Hình thức là cách thức thể hiện nội dung như ngôn ngữ, bố cục,... để người đọc dễ dàng theo dõi và hiểu được điều tác giả muốn truyền tải.


Ngôn từ

Ngôn từ là thành phần quan trọng của một bài văn, từ đó tạo nên những chi tiết, hình ảnh, nhân vật có chất riêng.

Tô Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question