image hoi dap
image hoi dap

Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ lục bát Về thăm mẹ

icon-time7/12/2023

Mẹ luôn là người quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi con người và là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca. Sau đây, mời các em cùng Topbee tìm hiểu bài viết nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát Về thăm mẹ. 

Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ lục bát Về thăm mẹ

Dàn ý nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát Về thăm mẹ

1. Mở bài: 

- Giới thiệu khái quát về bài thơ Về thăm mẹ

- Giới thiệu về tác giả Đinh Nam Khương

- Trích thơ

2. Thân bài: 

- Nêu những nét nổi bật của tác giả Đinh Nam Khương, phong cách sáng tác… Nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ của bài thơ.

- Tóm tắt nội dung chính của toàn bộ bài

- Nêu cảm nghĩ, phân tích lần lượt các câu thơ:

+ Hai câu thơ đầu: Người con về thăm mẹ trong một buổi chiều lạnh giá nhưng không tìm thấy bóng dáng người mẹ thân yêu của mình, đó là sự nhớ nhung, mong ngóng.

+ Hai câu thơ tiếp: Mưa rơi như những tâm sự, nỗi lòng chất chứa trong trái tim của người con khi nhớ về mẹ thân yêu.

+ Sáu câu thơ tiếp: Những công việc thường ngày mà mẹ thường hay làm giờ đây lại là những việc vô cùng đáng quý, gợi cho con những cảm giác trân trọng khó quên khi nhớ về mẹ.

+ Bốn câu thơ cuối cùng: Mẹ dành dụm và để phần trái na cho người con, dành tặng cho người con những điều quan trọng và đáng quý nhất. Người con lúc này cũng cảm nhận được tình yêu da diết mà mình dành cho mẹ.

- Khẳng định lại giá trị nghệ thuật và nội dung của tác phẩm.

3. Kết bài: 

- Nêu lại nội dung chính, giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

- Nêu cảm xúc của em sau khi đọc xong bài thơ, em rút ra được bài học gì riêng cho bản thân mình?


Cảm nghĩ bài thơ lục bát Về thăm mẹ (hay nhất)

Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ già.

Công lao của mẹ là điều đáng quý nhất trên đời, không điều gì có thể sánh bằng. Mẹ là người phụ nữ quan trọng, đặc biệt nhất đối với mỗi người. Viết về mẹ là nguồn cảm hứng bất tận của rất nhiều nhà văn, nhà thơ từ trước đến nay nhưng có lẽ một trong những tác phẩm để lại cảm xúc nhiều nhất cho bạn đọc chính là bài thơ Về thăm mẹ của tác giả Đinh Nam Khương.

Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà
Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi
Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm
Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con
Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ lục bát Về thăm mẹ

Tác giả Đinh Nam Khương là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam, những sáng tác của ông đều in đậm dấu ấn cá nhân đặc biệt của riêng mình. Đề tài tình mẫu tử là một đề tài quen thuộc và “Văn chương lại là lĩnh vực của sự sáng tạo”, điều đó đòi hỏi tác giả phải có góc nhìn mới lạ và độc đáo thì mới có thể viết nên một tác phẩm mới xuất sắc và gây ấn tượng.

Hai câu thơ đầu tiên vang lên gợi lên rất nhiều cảm xúc: 

Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà

Người con xa quê về thăm người mẹ mà mình thân yêu, đặc biệt tác giả đã đặc biệt viết rằng “chiều đông” chứ không phải là buổi sáng hay buổi trưa. Buổi chiều là lúc mọi vật dần rơi vào trạng thái tĩnh lặng khi trải qua một ngày mệt mỏi để chuẩn bị cho buổi tối, đó cũng là báo hiệu cho tuổi già của người mẹ. Khi có mẹ thì ngôi nhà luôn ấm áp, tràn ngập hương khói, nhưng giờ đây tác giả trở về nhưng mẹ không có nhà, ngôi nhà thân yêu giờ đây cũng trở nên lạnh lẽo.

Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi


Chính vì nhớ mẹ, thương mẹ, mà người con “thơ thẩn vào ra”, tính từ láy thơ thẩn đã bộc lộ rõ nhất những cảm xúc mà người con dành cho mẹ, vắng mẹ khiến trái tim mỗi người trở nên chơi vơi, vô định, không ai có thể thay thế vị trí của mẹ trong trái tim mỗi con người. Ngoài trời đang nắng cũng bỗng “oà mưa rơi”, những giọt mưa rơi không ngớt như tiếng khóc nhớ mẹ trong trái tim nhân vật trữ tình. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời, không tình cảm gì có thể sánh bằng.

Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm
Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành

Mẹ luôn là người lo toan mọi chuyện trong gia đình, là bờ vai vững chắc cho con có thể dựa vào và vượt qua mọi khó khăn. Dù đi xa đến đâu, khi trở về thì ngôi nhà vẫn gọn gàng, ngăn nắp, chum tương mẹ đã đậy lại gọn gàng, chiếc nón, cái cày, chiếc áo vẫn được sắp xếp trên người rơm. Mẹ còn chăm một đàn gà, bây giờ những chú gà con đã nở, lon ton chạy khắp khu vườn. Những hoạt động tưởng chừng như bình thường giờ đây lại vô cùng đặc biệt, tất cả đều tràn ngập hình bóng của mẹ, tràn ngập tình yêu thương mà mẹ dành cho con, cho gia đình.

Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con
Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

Mẹ luôn để dành những phần đẹp đẽ nhất, quý báu nhất cho con của mình, đó chính là tình yêu thương vô bờ bến. Kể cả trái na cuối vụ mẹ cũng để dành lại cho những đứa con mình thương yêu. Lúc này, tác giả nhận ra rằng bản thân mình đã “nghẹn ngào” từ lúc nào, tình yêu dành cho mẹ dạt dào và bao la, nó ẩn chứa trong từng hoạt động nhỏ, dù nó chỉ là những hành động giản đơn thường ngày.

Bài thơ đã vận dụng thành công thể thơ lục bát truyền thống quen thuộc của dân tộc kết hợp với liệt kê những hoạt động của người mẹ thế nhưng lại gợi lên những cảm xúc đặc biệt, tình cảm mà mẹ dành cho con là vô cùng đáng trân trọng và khắc ghi.

Bài thơ Về thăm mẹ đã khắc hoạ thành công tình mẫu tử thiêng liêng, tình cảm mà người con dành cho mẹ sau những nắm tháng xa nhà và trở về mái ấm thân yêu. Bài thơ sẽ mãi in đậm trong trái tim bạn đọc mặc kệ thời gian có qua đi. 

Phạm Kim Chi
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question