image hoi dap
image hoi dap

Nghị luận phân tích đánh giá nhân vật Sinh trong đoạn trích truyện Đói Thạch Lam

icon-time16/5/2023

Truyện ngắn “Đói” của Thạch Lam là một câu chuyện có phần giống với một số tác phẩm hiện thực của nhà văn Nam Cao. Những mẩu truyện hiện thực phê phán không phải là sở trường và thế mạnh của Thạch Lam tuy nhiên với tác phẩm này chúng ta vẫn thấy được ngòi bút hiện thực xuất sắc của ông cùng khả năng phân tích tâm lý bậc thầy. Cụ thể để thấy được tài năng của nhà văn Thạch Lam chúng ta cùng làm đề bài Nghị luận phân tích đánh giá nhân vật Sinh trong đoạn trích truyện ''Đói" Thạch Lam.


Dàn ý nghị luận phân tích đánh giá nhân vật Sinh trong đoạn trích truyện ''Đói" Thạch Lam

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật

- Đánh giá và nhận định ban đầu về nhân vật: kiểu trí thức bất đắc chí có những day dứt khốn khổ về cuộc đời trước cái đói, quyết giữ cho bản thân trong sạch trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc đời.

2, Thân bài

- Giới thiệu hoàn cảnh xuất hiện nhân vật.

- Đánh giá phân tích nhân vật trên các phương diện

+ Công việc quá khứ, hiện tại.

+ Ngoại hình, hoàn cảnh sống.

+ Tâm lý nhân vật trước hiện thực cuộc sống.

- Đánh giá nhận định về nhân vật.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật.

3, Kết bài

- Khẳng định về nhân vật.

- Đánh giá tài năng và tấm lòng của tác giả.


Nghị luận phân tích đánh giá nhân vật Sinh trong đoạn trích truyện ''Đói" Thạch Lam

      Người ta nhắc nhiều đến nhà văn Thạch Lam nhờ những trang văn đậm chất thơ, bàng bạc chất trữ tình trong trẻo đằm thắm như Dưới bóng hoàng lan, Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ… những tác phẩm dù có hiện thực nhưng không hề nghiệt ngã. Thế nhưng truyện ngắn Đói của ông lại là một câu chuyện ngắn đầy nghiệt ngã về cuộc sống hiện thực, về số phận của những tiểu tư sản, trí thức như chàng trai Sinh trong câu chuyện. Có thể nói truyện ngắn đã xây dựng thành công nhân vật Sinh và qua đó gửi gắm rất nhiều những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống này.

Nghị luận phân tích đánh giá nhân vật Sinh trong đoạn trích truyện ''Đói" Thạch Lam

      Sinh xuất hiện trong một hoàn cảnh vô cùng éo le, thất nghiệp, mất việc, với cái đói bủa vây cuộc đời mình. Trước đây anh cũng có một công việc rất ổn định ở Sở, một công việc phải nói là ao ước của biết bao nhiêu người. Chính vì công việc ổn định nên thu nhập của anh cũng rất khá, có thể nói là dư dả, nên cuộc sống khá sung túc, vợ của anh cũng sung sướng. Hai vợ chồng có cuộc sống phải nói là hạnh phúc. Nhưng tai hoạ ập đến với Sinh khi công việc mất, anh đang sung sướng ổn định bỗng chốc trở thành một kẻ thất nghiệp, túng quẫn khi cả hai vợ chồng đều không làm ra tiền. Cái đói ập đến với cuộc đời anh.

      Chính trong hoàn cảnh ấy Sinh bỗng chốc trở thành một kẻ tay trắng, cũng chẳng bao lâu mà phải đầu đường xó chợ. Hai vợ chồng túng quẫn khiến Sinh đâm ra u uất, đau khổ, không còn chỗ bấu víu vào đâu.

      Trước tiên Sinh xuất hiện vào buổi sáng khi bắt đầu tỉnh giấc, khi cái gió lạnh len lỏi vào làn chăn mỏng, khi cái lạnh khiến anh phải co quắp suốt đêm trên chiếc phản gỗ cứng. Sinh tỉnh dậy và lúc này một cảm giác chán nản bao trùm con người anh, cái nặng nề đè nén tâm hồn của anh.

      Lúc này là lúc Sinh nghĩ đến thực tại chua xót của cuộc đời mình “ thất nghiệp”, “ cảnh nghèo nàn” khốn khó của mình “một cái bàn con xiêu vẹo bên góc tường, một cái chõng tre đã gãy dăm ba nan, một cái ấm tích mất bông và mấy cái chén mẻ, nước màu vàng... Trong cùng, một cái hòm da, dấu vết còn lại, của cái đời phong lưu độ trước…” những chi tiết liệt kê, miêu tả đã cho thấy cuộc đời khốn khó đến bi đát của nhân vật khi lâm vào bước đường cùng.

      Cái đói ùa đến khiến Sinh đau khổ, chàng nhìn xuống dưới tầng nhà mùi thơm của thức ăn từ đâu bay đến những món ăn tầm thường, vài miếng đậu rán, con cá rán trên chảo, trước đây với Sinh là những đồ tầm thường sao giờ đây lại trở nên đáng giá đến thế. Bất giác Sinh nhớ lại khoảng thời gian trước kia khi mình vẫn còn cuộc sống trưởng giả, lúc này cái ăn, cái mặc với Sinh thật tầm thường “Chàng cho rằng miếng ăn là một sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao trong sạch của linh hồn mới là cần. Nhưng bây giờ, trong cái phút đói này, chàng mới thấy rõ cái cần mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào” chao ôi hiện thực cuộc đời mới nghiệt ngã với chàng làm sao.

Nghị luận phân tích đánh giá nhân vật Sinh trong đoạn trích truyện ''Đói" Thạch Lam ảnh 2

      Rồi vợ chàng xuất hiện một người phụ nữ vốn cũng rất vương giả nhưng cũng vì hoàn cảnh của chồng mà giờ đây phải lao đao, khốn khó chạy ngược xuôi để vay tiền. Sinh nhìn dáng vẻ gầy yếu, khốn khổ của vợ thấy thương vợ và cũng tự trách mình. Vợ chàng đang chạy khắp nơi để vay tiền đong gạo vì cái hũ gạo nhà chàng đã sạch từ bữa trước, rồi tiền nhà cũng sắp đến lúc phải đóng, buổi trưa khi bếp nhà ai cũng đỏ lửa thì bếp nhà chàng vẫn còn tro lạnh. Thế nhưng đói khổ là thế hai vợ chồng chàng vẫn chưa bao giờ cắn quẩn nhau mà vẫn dành cho nhau những tình cảm mặn nồng, đối xử tử tế với nhau bằng tất cả tình cảm chân thành nhất. Những lúc hoạn nạn thế này Sinh lại càng cảm thấy yêu thương vợ nhiều hơn. Thế nhưng tất cả đã thay đổi khi vợ chàng trót túng quá hoá liều. 

      Chàng đau khổ, dằn vặt, hận đời, trách mình và cũng trách đời vì miếng đói mà vợ chàng đã bán rẻ tấm thân của mình. Sinh xô ngã vợ, quăng đồ đạc trút tất cả nỗi căm giận, uất ức của mình vào đó. Cả bọc thịt, miếng giò thơm phức mà nãy chàng xuýt xoa cũng bị quăng vèo ra giữa nhà cùng với loảng xoảng bàn ghế, đồ đạc và người vợ của mình. Chàng chửi vợ, hận vợ đã bán rẻ nhân cách của mình vì cái đói. Trong lời chửi đó có cả những nỗi day dứt, oán hận chính bản thân mình. Chửi vợ và cũng là chửi đời, tất cả bao nhiêu nỗi đau khổ chàng dồn cả vào đó. Nhưng khi vợ đi rồi vì cái đói anh đã vứt hết liêm sỉ vơ miếng thịt mỡ vào mồm, ngấu nghiến nhai rồi lại ôm mặt khóc.

      Chúng ta thấy nhân vật Sinh được khai thác chủ yếu qua suy nghĩ, hành động và đặc biệt là nội tâm. Nhân vật có những suy nghĩ và trăn trở rất đời, rất người, rất giống với chúng ta những người ở vào hoàn cảnh giống như vậy. Chỉ khi trong cái đói, trong hoàn cảnh hoạn nạn con người mới nhận thấy những giá trị đích thực của cuộc sống, mới có dịp nhìn lại những gì mình đã qua và trân trọng nó. Miêu tả nhân vật Sinh Thạch Lam đã đạt đến độ đỉnh cao của nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật. Những giằng xé, day dứt của anh trước cái đói, trước sự hy sinh đến đáng ghét của vợ làm người đọc cũng như đau cùng với nỗi đau của nhân vật.

      Nhân vật Sinh đại diện cho những người trí thức tiểu tư sản những năm trước cách mạng tháng 8, những con người bị lâm vào cảnh khốn khổ, bước đường cùng vì cái đói và cái rét nhưng vẫn cố giữ cho mình phẩm chất trong sạch, cốt cách thanh cao. Thông qua nhân vật Sinh nhà văn Thạch Lam đã phơi bày hiện thực nghiệt ngã của xã hội, đã đẩy con người đi đến bước đường cùng như vợ Sinh phải bán mình để đổi lấy vài đồng bạc trụ qua cơn đói. 

      Khép lại trang văn nhưng những nỗi đau khổ uất ức của Sinh vẫn còn day dứt mãi, và ám ảnh mãi với người đọc. Với nhân vật Sinh Thạch Lam đã góp thêm hình tượng về nhân vật trí thức tiểu tư sản trước cách mạng bên cạnh các nhân vật nổi tiếng trên trang văn của Nam Cao. Cũng có thể khẳng định với truyện ngắn đói Thạch Lam đã chứng tỏ ngòi bút hiện thực xuất sắc cùng khả năng phân tích tâm lý nhân vật bậc thầy của mình. 

---------------------------------- 

Trên đây Topbee hướng dẫn cho đề bài "Nghị luận phân tích đánh giá nhân vật Sinh trong đoạn trích truyện ''Đói" Thạch Lam". Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.

Phạm Liên
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question