image hoi dap
image hoi dap

Nghị luận phân tích tâm trạng của Thị Kính trong đoạn trích Nỗi oan giết chồng

icon-time14/12/2023

Đề tài về số phận của người phụ nữ luôn là đề tài cho các nhà thơ, các nhà văn. Hãy cùng Topbee viết bài nghị luận phân tích tâm trạng của Thị Kính trong đoạn trích “Nỗi oan giết chồng" nhé!


Dàn bài nghị luận phân tích tâm trạng của Thị Kính trong đoạn trích “Nỗi oan giết chồng"

Mở bài:

- Giới thiệu khái quát vở chèo.

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. 

Thân bài:

- Tóm tắt tác phẩm.

- Lai lịch, ngoại hình nhân vật Thị Kính.

- Thị Kính là một người phụ nữ đảm đang, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó trong công việc may vá, thêu thùa mỗi ngày. Nàng chu đáo, luôn quan tâm, chăm sóc chồng. 

- Thị Kính - người phụ nữ ấy mang số phận bất hạnh, đầy khổ đau, bị nghi oan muốn giết chồng mình:

+ Hiểu lầm do có ý tốt nhổ râu mép cho người chồng, nhưng bị nghi oan là muốn giết chồng.

+ Sùng bà - mẹ chồng nàng dùng những lời lẽ cay nghiệt, tàn nhẫn chửi mắng, mặc định Thị Kính có ý định giết chồng mình, không chung thủy.

+ Tìm đến chồng với tia hi vọng chồng có thể cảm thông, minh oan.

+ Tìm đến cha đẻ nhưng cha cũng không thể có cách nào giải oan cho nàng.

- Không ai giải oan cho sự trong sạch nên Thị Kính quyết định giả trai, đi tu 

Kết bài:

- Tổng kết nội dung và nghệ thuật.

- Khái quát lại vấn đề nghị luận. Liên hệ bản thân.
 

Dàn bài nghị luận phân tích tâm trạng của Thị Kính trong đoạn trích “Nỗi oan giết chồng"

Bài văn nghị luận phân tích tâm trạng của Thị Kính trong đoạn trích “Nỗi oan giết chồng”

Chèo là loại kịch hát, kể chuyện, múa dân gian, diễn tích bằng hình thức sân khấu và trước kia được diễn ở sân đình nên được gọi là chèo sân đình. Bên cạnh việc cảm thông, thương xót với số phận bi kịch của người lao động, người phụ nữ, đề cao phẩm chất và tài năng của họ, chèo còn đả kích, châm biếm trực tiếp những điều bất công, xấu xa trong xã hội phong kiến đương thời. Trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính” ta thấy hình ảnh của nàng Thị Kính hiền thục, nết na nhưng chịu nhiều bất công, ngang trái.  Đoạn trích “Nỗi oan giết chồng” đã xây dựng  thành công hình tượng nhân vật Thị Kính, trong đó một trong những khía cạnh làm nên sự thành công của hình tượng nhân vật này là diễn biến tâm trạng của nàng.  

Nỗi oan hại chồng là trích đoạn mở đầu cho vở chèo Quan Âm Thị Kính kể về nỗi oan hại chồng của Thị Kính. Trong một đêm nọ, Thiện Sĩ vì học và làm quá mệt mà ngủ gục, Thị Kính ngồi khâu bên cạnh, nhìn thấy dưới cằm của chồng có một sợi dâu mọc ngược bèn cho là điều không lành nên đã dùng dao để cắt đi, vừa lúc đó Thiện Sĩ giật mình tỉnh giấc và hiểu lầm cho rằng Thị Kính có ý hại mình bèn hô hoán người nhà. Sùng Bà và Sùng Ông xông vào buông lời chửi mắng, vu oan cho Thị Kính tội giết chồng, bỏ qua hết lời giải thích của Thị Kính, cuối cùng Sùng Bà đã gọi Mãng Ông- bố Thị Kính sang để nhận Thị Kính về. Quá đau khổ với nỗi oan không thể tỏ tường, thương cha đã có tuổi nhưng vẫn phải nghe những lời nhục mạ, Thị Kính quyết định từ biệt cha đẻ của mình , giả nam nhi để tu hành.

Thị Kính là con gái của Mãng ông, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, có ngoại hình vô cùng xinh đẹp, nết na. Đến tuổi để lấy chồng, Thị Kính được gả cho Thiện Sĩ - con trai của Sùng ông, Sùng bà và là một người học trò dòng dõi kinh thi.  Là người phụ nữ dịu dàng, chu toàn, hết mực lo toan cho gia đình và yêu thương chồng. Có lẽ chính vì cảm mến phẩm hạnh, dung nhan của nàng nên Thiện Sĩ đã cưới nàng về làm vợ.

Trước hết, Thị Kính là một người phụ nữ đảm đang, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó trong công việc may vá, thuê thùa mỗi ngày. Cô chu đáo, luôn quan tâm, chăm sóc chồng, những khi vừa thay vá, vừa quạt cho chồng ngủ sau thời gian học hành, làm việc vất vả của chồng. Nàng yêu thương chồng, yêu thương khuôn mặt chồng như chính bản thân mình. Ngày ngày chăm sóc chồng từng li từng tí:

Đạo vợ chồng trăm năm kết tóc,

Trước đẹp mặt chồng sau đẹp mặt ta.

Râu làm sao một chiếc trồi ra?

Dị hình sắc dưới cằm mọc ngược

Khi chàng thức giấc biết làm sao được.

Nay đang cơn giấc ngủ mơ màng,

Dạ thương chồng, lòng thiếp sao an 

Âu dao bén, thiếp xén tày một mực.

Đáng lẽ, một người phụ nữ có đầy đủ phẩm chất như vậy phải nhận được cuộc sống đầy tiếng cười, êm ấm và hạnh phúc nhưng người phụ nữ ấy lại mang số phận bất hạnh, đầy khổ đau. Vì thấy râu mọc ngược của chồng, Thị Kính có ý tốt muốn lấy dao nhổ ra cho chồng, Thiện Sĩ  giật mình tỉnh giấc khi chưa hiểu rõ ngọn ngành đã hét lớn, cho rằng vợ muốn giết mình. Sùng bà nghe thấy con mình hét liền chạy vào, chưa rõ đầu đuôi câu chuyện đã chửi bới, xỉ nhục nàng. Với Sùng bà những lời giải thích của nàng như đổ thêm dầu vào lửa, bà ta không nghe bất cứ lời nào, bởi Sùng bà mặc định nàng là kẻ có tội, không chung thủy, muốn giết chồng hơn nữa là kẻ độc ác, bất nhân nên những lời giải thích của nàng chỉ như nước đổ lá khoai. Thị Kính tìm đến sự cảm thông của chồng nhưng cũng vô ích, vì Thiện Sĩ là kẻ nhu nhược, không bảo vệ được người vợ đầu ấp tay gối với mình, cũng là kẻ đớn hèn, thiếu hiểu biết khi chưa hỏi rõ nguồn cơn đã la lớn khiến vợ mình mang án oan giết chồng. Chỉ có duy nhất người cha yêu quý nàng là Mãng ông mới hiểu và thông cảm cho nàng nhưng ông cũng lực bất tòng tâm như vậy. Dù bị oan, nhưng đến cuối cùng, không một ai có thể đứng ra để bảo vệ, giúp đỡ hay minh oan cho Thị Kính, một mình nàng phải chịu sự đơn độc, trách móc vô cớ của mọi người với nỗi đau khổ và bất lực đến tột cùng. 

Thị Kính bị đuổi ra khỏi nhà không có một chút thương tiếc, cha đẻ của nàng bị đẩy ngã, vở kịch đến đây được đẩy lên đến cao trào. Thị Kính đau khổ vì hôn nhân tan vỡ, vì những hiểu lầm không thể nào hóa giải, vì bị đuổi ra khỏi nhà một cách tàn nhẫn, nàng càng đau khổ hơn khi chứng kiến cha mình bị làm nhục. Bởi vậy nàng đã lựa chọn ra đi. Trước khi rời khỏi nơi đã từng là tổ ấm của mình Thị Kính nhìn lại: thúng khâu, thúng sách, chiếc kỉ… những hình ảnh, vật dụng gắn bó hàng ngày, là niềm hạnh phúc với nàng thì giờ đây lại là nhân chứng cho một vụ án oan. Cái nhìn của nàng vừa nhớ thương, vừa luyến tiếc, vừa đau đớn, xót xa. 

Với sự việc đẩy cô đến đường cùng, Thị Kính đã lựa chọn xuống tóc đến nơi cửa chùa linh thiêng làm nơi nương tựa. Sự lựa chọn của nàng là tất yếu bởi không ai chịu cảm thông cho những lời giải thích của nàng, Sùng ông, Sùng bà và ngay cả chồng mình đều căm ghét nàng, đổ cho nàng tội giết chồng. Nàng cũng không có mặt mũi về nhà, để làm mất mặt cha mẹ, để cha mình phải chịu nhục nhã từ những lời cay nghiệt của xã hội. Bởi trong xã hội phong kiến, khi con bị đuổi khỏi nhà chồng là một nỗi nhục lớn cho mỗi gia đình. Lối thoát duy nhất của phụ nữ bất hạnh là giả trai đi tu. Thị Kính hi vọng rằng ở nơi cửa Phật nàng sẽ có cuộc sống thanh thản, bình yên, sẽ được Phật chứng giám cho tấm lòng trong sạch của mình. Sự lựa chọn này cho thấy nàng chưa có ý chí vượt lên hoàn cảnh mà bị thụ động, buộc chặt trước hoàn cảnh. Đồng thời nó cũng phản ánh số phận bế tắc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời xưa. Lên án xã hội vô nhân đạo với những con người, đặc biệt là phụ nữ tốt bụng, lương thiện. 

Bằng tình huống kịch xung đột kịch gay, nghệ thuật kịch đặc sắc đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Thị Kính thật đẹp đẽ nhưng chứa đầy đau khổ, bất hạnh. Tác giả dân gian đồng cảm, thương cảm trước số phận của người phụ nữ, ca ngợi những phẩm chất cao đẹp đáng có của phụ nữ xã hội cũ. Đòng thời lên án xã hội vô nhân đạo, đẩy con người ta đến đường cùng.

Vở chèo "Quan Âm Thị Kính" nói chung, trích đoạn "Nỗi thương mình" nói riêng đã xây dựng thành công nhân vật Thị Kính- một người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng phải chịu nỗi oan khuất bế tắc. Thị Kính chính là hình ảnh đại diện cho những người phụ nữ trong xã hội xưa.

Quan Diễm Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question