Nhà thơ Tố Hữu nhận định Nguyễn Du là "người xưa của ta nay". Em có suy nghĩ gì về nhận định đó
Được mệnh danh là đại thi hào dân tộc, tên tuổi của Nguyễn Du không chỉ lưu dấu ở phạm vi trong nước mà còn được bạn bè quốc tế biết đến bởi tài năng vượt thời gian của mình. Hơn tất cả, chính những quan điểm văn chương, những bứt rứt về đời người, về xã hội cũ đầy rẫy những bất công khiến ông “đứng ngồi không yên” mà viết thành tác phẩm để đời đến hôm nay. Sau đây, mời các bạn theo dõi bài viết Nhà thơ Tố Hữu nhận định Nguyễn Du là "người xưa của ta nay". Em có suy nghĩ gì về nhận định đó
Nhà thơ Tố Hữu nhận định Nguyễn Du là "người xưa của ta nay". Em có suy nghĩ gì về nhận định đó – Mẫu 01
“Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”, hai câu thơ mở đầu trong tác phẩm nổi tiếng “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã phần nào chứng minh được tài năng của thi sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Tố Hữu nhận định rằng, Nguyễn Du là “người xưa của ta nay”. Là tác giả của thời kì văn học trung đại, song quan điểm sống, quan điểm văn chương của ông đã vượt giá trị thời gian. Nguyễn Du quan tâm đến những con người nhỏ bé mang trong mình số phận hẩm hiu, bất hạnh. Các tác phẩm của ông hầu hết đều thể hiện sự thương cảm, đau xót trước những mảnh đời đau khổ, nghiệt ngã ấy. Chứng kiến nhiều sự thăng trầm trong cuộc sống, có lẽ đây là một trong những chất liệu để Nguyễn Du sáng tác. Nguyễn Du không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật mà lên án, tố cáo những kẻ xấu xa, bộ mặt của xã hội phong kiến, từ đó đề cao, trân trọng người phụ nữ nói riêng, người thấp cổ bé họng nói chung. Giá trị tư tưởng đó cho đến hôm nay, vẫn còn nguyên giá trị.

Nhà thơ Tố Hữu nhận định Nguyễn Du là "người xưa của ta nay". Em có suy nghĩ gì về nhận định đó – Mẫu 02
Vòng chuyển động của xã hội sẽ loại bỏ những cái xưa cũ, những điều không phù hợp. Có lẽ vì thế mà theo bánh quay của thời gian, điều còn giá trị sẽ ở lại. Nói điều này làm em nhớ đến nhận định của nhà thơ Tố Hữu khi đề cập đến Nguyễn Du là “người xưa của ta nay”. “Người xưa” là người sống ở thời kì trung đại. Ngược dòng lịch sử, đó là khoảng thời gian gần như đem tới nhiều đau khổ cho con người, nhất là những người nhỏ bé, địa vị thấp trong xã hội. Họ hứng chịu những bất công, những hủ tục lạc hậu, sự hà khắc của những người có địa vị luôn tìm cách chèn ép, lợi dụng… Nhận thức được những điều này, Nguyễn Du vô cùng đau buồn. Ông lên tiếng đồng cảm, đau xót những người bất hạnh. Ông quặn lòng trước sự hẩm hiu với thân phận người phụ nữ. Ông lên án mạnh mẽ bộ mặt xã hội cũ thuở bấy giờ. Và có thể nói, đó là những điều mà sau này, những người hoạt động trong giới văn chương đều mong muốn được “thay đổi con người, thay đổi xã hội” sang chiều hướng tích cực, tốt đẹp hơn. Mỗi người sống ở một thời đại riêng nhưng tất cả, tựu chung đều hướng đến giá trị đạo đức, quan điểm nhân sinh về đời sống. “Ta nay” ấy chính là sự gặp gỡ trong tư tưởng. Có thể, với Tố Hữu, ông đã tìm thấy sự tương giao ngay trong chính Nguyễn Du.

Nhà thơ Tố Hữu nhận định Nguyễn Du là "người xưa của ta nay". Em có suy nghĩ gì về nhận định đó – Mẫu 03
Mục đích cuối cùng của văn chương là gì? Đó chẳng phải là hướng con người tới những điều tốt đẹp và một xã hội văn minh hơn hay sao? Văn chương, suy cho cùng, hướng đến chân – thiện – mĩ mà đặc biệt là giáo dục đạo đức con người. Nhiều nhà văn, nhà thơ xưa từng đau đáu trước hiện thực đất nước phũ phàng với những hủ tục lạc hậu, tiếng nói của những người thấp cổ bé họng, nhất là người phụ nữ không có giá trị. Đại thi hào Nguyễn Du từng đau xót trước vô vàn những người nhỏ bé. Ông thương cảm, đồng cảm, xót xa cuộc đời của chính họ đồng thời lên án, phê phán bộ mặt xã hội phong kiến cũ. Khi tìm hiểu về “Truyện Kiều”, ta thấy một Nguyễn Du bộc bạch nỗi lòng về người con gái tài hoa bạc mệnh. Tìm hiểu về “Văn chiêu hồn”, ta thấy một Nguyễn Du với tấm lòng yêu thương chúng sinh khi chứng kiến sự khổ đau của xã hội “mang lại”… Mỗi một tác phẩm dù bằng chữ Hán hay chữ Nôm ít nhiều đều thể hiện tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Du ở đó. Những tư tưởng đấy, cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị. Đó không chỉ là điều mà Nguyên Du trải mình suy nghĩ, đó còn là điều mà nhiều tác giả khác hiện nay trằn trọc. Chính vì vậy mà nhà thơ Tố Hữu từng nhận định Nguyễn Du rằng, ông là “người xưa của ta nay”.
-----------------------------------------
Trên đây là bài viết Nhà thơ Tố Hữu nhận định Nguyễn Du là "người xưa của ta nay". Em có suy nghĩ gì về nhận định đó do Topbee biên soạn. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt môn Văn!