Phân tích 2 khổ đầu Đây thôn Vĩ Dạ học sinh giỏi

icon-time22/10/2023

Từ xưa, Hàn Mặc Tử đã được nhiều đọc giả và cả các nhà thơ khác đánh giá là một nhà thơ “điên”. Bởi trong thơ của ông, người ta thấy được tình cảm sâu nặng, thấy được những khát khao cháy bỏng trong tình yêu. Để thấy được nét dịu dàng hiếm hoi trong thơ Hàn Mặc Tử, mời các em đến với bài phân tích 2 khổ đầu Đây thôn Vĩ Dạ học sinh giỏi.


Dàn ý phân tích 2 khổ đầu Đây thôn Vĩ Dạ

Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và 2 khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

- Khái quát nội dung 2 khổ thơ đầu của bài thơ.

Thân bài:

- Tình người và cảnh vật của thôn Vĩ:

+ Câu hỏi tu từ "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" là lời mời gọi, gợi nhớ của người con gái thôn Vĩ Dạ dành cho người bạn tri âm, tri kỷ.

+ Vẻ thiên nhiên tươi đẹp, trong đó thấp thoáng hình bóng con người của một vùng quê nồng hậu.

- Cảnh chia ly được ẩn dụ trong khung cảnh thiên nhiên:

+ Sự ly biệt đến từ hai câu thơ đầu, mây gió chia ngang, đến dòng nước và bông hoa cũng như mang theo nét đượm buồn.

+ Hai câu thơ sau như mộng như thực, là khung cảnh trữ tình đẹp đẽ nhưng lại thấm nỗi buồn.

- Các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng trong 2 khổ thơ và tác dụng của chúng.

Kết bài: Khái quát lại nội dung của hai khổ thơ và cảm nhận của người đọc.

Phân tích 2 khổ đầu Đây thôn Vĩ Dạ học sinh giỏi

Phân tích 2 khổ đầu Đây thôn Vĩ Dạ học sinh giỏi

Khoảnh khắc chỉ là thứ thoáng qua, như hoa nở rồi tàn, khi nở thì đẹp đẽ mà khi lụi tàn lại tang thương. Nhưng những khoảnh khắc ấy được đưa vào thơ ca, trở thành những hình ảnh bất hủ. Và nếu có thích khung cảnh nông thôn, bạn sẽ sững người sau khi đọc hai khổ thơ đầu bài Đây thôn vĩ dạ của Hàn Mặc Tử. Một nhà thơ “điên cuồng” và phá cách bỗng nhiên lại dịu dàng đến lạ, lồng vào khung cảnh những cảm xúc thật nhẹ nhàng. 

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu đời và nỗi nhớ mong da diết của nhà thơ đối với người con gái thôn Vĩ. Tình cảm ấy vừa nặng nề, vừa đằm thắm, lại pha chút êm dịu đặc trưng của những người con gái xứ Huế yêu kiều. Nhưng xót xa thay, người mà nàng nhung nhớ lại đang mắc căn bệnh quái ác chẳng thể quay về. Vậy nên dù có nhớ, người con gái vẫn chỉ nhẹ nhàng trách móc "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?". Câu hỏi này cũng thể hiện sự mong ngóng, chờ đợi của người con gái đối với người bạn tri âm, tri kỷ của mình. Câu hỏi tu từ này còn được hiểu theo ý nghĩa là câu chất vấn chàng trai tự hỏi mình, nhớ nhung đến vậy, nhưng hà cớ gì anh lại không về thăm nơi mình mong nhớ? Dường như hiểu theo nghĩa nào đi nữa, chàng trai kia vẫn đang phụ một tấm chân tình chờ đợi nơi quê nhà.

Đằng sau câu hỏi da diết đó lại là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, tươi tốt, tràn đầy sức sống ở thôn Vĩ. Dường như đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người ở xa lưu luyến bao năm. Khung cảnh ấy được tác giả Hàn Mặc Tử khắc họa từ xa đến gần, từ cao xuống thấp. Hình ảnh "nắng hàng cau nắng mới lên" gợi lên một buổi sáng bình minh tươi đẹp, là một hình ảnh được ngắm nhìn từ xa. Hàng cau tắm mình dưới ánh nắng, từng chiếc lá được nhuộm lên một màu vàng dịu nhẹ, là một đặc trưng của xứ Huế mộng mơ. Đến gần hơn, chúng ta thấy được một mảnh vườn bát ngát chẳng biết của ai, nhưng từng chiếc lá đều xanh thắm như viên ngọc dưới nắng mai. Và sau đó ngẩng mặt nhìn lên, hình ảnh cô gái e thẹn đứng sau tán lá được gói gọn trong câu thơ "lá trúc che ngang mặt chữ điền". Hình ảnh mặt chữ điền là đặc trưng của người con gái vùng thôn dã, gợi lên vẻ đẹp phúc hậu, thanh tao và kín đáo của người con gái thôn Vĩ.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Phân tích 2 khổ đầu Đây thôn Vĩ Dạ học sinh giỏi

Bằng một bước chuyển cảnh tinh tế, góc nhìn của người nghệ sĩ vẫn tiếp tục là những hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ của thôn Vĩ. Ấy vậy mà lại chẳng giống khổ đầu. Bức tranh phong cảnh vốn nhẹ nhàng với những gam màu rực rỡ kia đã biến mất, thay vào đó là nét gì đó buồn bã. Hình ảnh "gió theo lối gió, mây đường mây" gợi lên sự vô định, trôi nổi bất định của cảnh vật. Câu thơ như báo hiệu sự chia ly khi gió và mây vốn là cùng một thể, nay đường đi lại chia lìa. Dòng nước dường như cũng hiểu được nỗi buồn ly biệt, vậy nên mới buồn thiu. Tác giả sử dụng phép nhân hóa, biến dòng nước trở nên gần gũi và có cảm xúc của con người. Đi cùng với cảnh vật, tâm hồn con người cũng đầy nỗi lắng lo:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Tác giả lo âu, bồn chồn khi không biết “ánh trăng” có về kịp, mà cũng như đang đợi một người liệu có đến vào tối nay. Ánh trăng xuất hiện trong thơ ca rất nhiều, nhưng không đơn giản chỉ là một ánh sáng nhạt nhòa mỗi đêm, mà đó còn là hình tượng một người đón ánh trăng trở về. Liệu rằng người con gái thôn Vĩ đang đợi, có kịp xuôi theo dòng nước, rẽ cánh hoa mang ánh trăng trở lại?
Hàn Mặc Tử rất khéo léo khi sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, điệp từ,... để khắc họa hình ảnh thiên nhiên và tâm trạng của con người. Vậy nên trong bức tranh ấy, cảm xúc và hình ảnh hòa quyện lại với nhau chứ không riêng rẽ, tạo nên một nốt trầm đặc sắc. Bài thơ cũng không quá bi thương mà chạm đến trái tim người đọc một cách nhẹ nhàng, không còn cảm nhận được chút “điên” như thơ Hàn Mặc Tử vẫn làm.

Hai khổ thơ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đã thể hiện tài năng của Hàn Mặc Tử và một lần nữa khẳng định lại tài năng của ông với những dòng cảm xúc lắng đọng. Khi đọc xong, người đọc luôn đặt ra câu hỏi liệu cô gái thôn Vĩ và chàng trai kia có về được bên nhau sau bao mùa trăng ghé. Đó cũng là điểm day dứt, khiến người đọc luyến lưu sau hai khổ thơ đầu tiên.

Tô Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question