Phân tích bài thơ Xuân về của Chế Lan Viên
Mùa xuân là mùa tươi đẹp và tràn ngập sức sống nhất vậy nên đã có rất nhiều nhà thơ, nhà văn lựa chọn mùa xuân để sáng tác ra những tác phẩm ý nghĩa, một trong số đó là nhà thơ Chế Lan Viên với tác phẩm Xuân về. Để các bạn có thể hiểu hơn về tác phẩm, Topbee đã mang tới bài Phân tích bài thơ Xuân về của Chế Lan Viên, mời các bạn cùng tham khảo.
Dàn ý Phân tích bài thơ Xuân về của Chế Lan Viên
- Mở bài:
Khái quát tác phẩm
- Thân bài:
+ Khổ thơ thứ nhất: Mở ra khung cảnh bức tranh thiên nhiên mùa xuân vào đúng dịp tết đến
+ Ba khổ thơ tiếp: Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân tràn ngập sức sống và màu sắc
+ Ba khổ thơ tiếp: Nỗi lòng thương xót và biết ơn thế hệ đi trước đã để cho chúng ta được chào đón một mùa xuân tươi đẹp như vậy
+ Khổ thơ cuối: Lời bộc bạch nỗi tâm sự trực tiếp của nhà thơ
- Kết bài:
Khái quát lại tác phẩm

Phân tích bài thơ Xuân về của Chế Lan Viên
Mùa xuân là mùa đầu tiên trong một năm, mang tới sự khởi đầu mới tràn đầy sức sống và hi vọng cho chúng ta. Chính vì vậy, xuân khiến cho trái tim chúng ta rung động mỗi độ ghé về. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã không kìm lòng được trước vẻ đẹp của mùa xuân mà sáng tác ra những tác phẩm chạm tới trái tim độc giả. Một trong số đó là nhơ thơ nổi tiếng Chế Lan Viên với tác phẩm Xuân về. Bài thơ đã mang tới một bức tranh tươi đẹp đậm chất của mùa xuân. Cũng qua đó, nhà thơ thể hiện cả tình cảm, sự biết ơn thế hệ đi trước để chúng ta được đón mùa xuân trọn vẹn như giờ đây.
Mở đầu bài thơ là khung cảnh thật quen thuộc đối với chúng ta:
“Pháo đã nổ đưa xuân về vang động
Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong
Cỏ non biếc, giãi mình chờ nắng rụng
Bên lau già, theo gió uốn lưng cong”
Mùa xuân chắc chắn gắn liền với ngày lễ được chào đón nhất là ngày tết cổ truyền. Ngay từ khổ thơ đầu tiên, Chế Lan Viên đã gợi tả ra những điều đặc trưng chỉ xuất hiện mỗi dịp tết đến xuân về. Vào những ngày tết, khắp nơi đều là tiếng pháo giòn tan, vui tươi chào mừng năm mới, vang động đất trời để “đưa xuân về”. Mọi sự vật đều chung một niềm hân hoan với con người, vườn cây hoa đã trổ bông, những chú chim hót “ríu rít”. Còn có cỏ “non biếc”, đang tắm mình trong không khí xuân, đợi nắng đầu năm và những khóm “lau già” cuốn mình theo chiều gió như những cụ già cong lưng ngắm nhìn một cái tết nữa lại tới trong đời.
Nhà thơ Chế Lan Viên tiếp tục chuyển tầm mắt của mình tới những sự vật phía xa hơn:
“Đôi bướm lượn, cánh vương làn sương mỏng
Chập chờn bay đem phấn điểm muôn hoa
Cất tiếng hát ngây thơ trên cỏ rộng
Đàn chim khuyên đua nhặt ánh dương sa
Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô
Xoan vươn cành khều mặt trời rực rỡ
Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu
Đây tà áo chuối non bay phấp phới
Phơi màu xanh lấp loáng dưới sương mai
Đây, pháo đỏ lập loè trong nắng chói
Đây hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi”
Mùa xuân tươi đẹp với muôn hình vạn trạng của mọi sự vật, giống như khổ thơ thứ nhất, sự vật đang hòa chung niềm vui sướng với con người, khổ thơ tiếp theo, nhà thơ Chế Lan Viên tiếp tục đi sâu vào khắc họa chi tiết từng sự vật. Xuân về hoa khoe sắc không thể thiếu đi hình ảnh những chú bướm vui đùa, “đem phấn điểm muôn hoa”. Còn ngoài đồng cỏ rộng bát ngát, những chú chim khuyên góp vui bằng tiếng ca trong sáng, thơ ngây. Chế Lan Viên đã sử dụng hình ảnh thật độc đáo để miêu tả hoạt động của đàn chim khuyên đó là “đua nhau nhặt ánh dương sa”, dương sa chính là những hạt sương long lanh, được ánh mặt trời chiếu rọi, trở nên lấp lánh, như những hột kim sa, tạo nên một hình ảnh thật lộng lẫy làm sao! Nhìn lên những sự vật ở trên cao, nhà thơ lại thấy hàng dưa đang đứng lặng thinh như “ôm bóng ngủ”, có lẽ vì tiết trời mùa xuân quá dễ chịu, nên khiến cho dừa có thể ngủ ngon lành trong không khí nhộn nhịp như vậy. Những cây xoan cao cũng thể vắng mặt trong cuộc vui như vậy được, nó vươn cành trêu đùa cùng mặt trời và gió. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tiếp tục được nhà thơ Chế Lan Viên điểm thêm sắc xanh với “tà áo chuối non” bay phấp phới đón nhận sương sớm và cả sắc đỏ của vỏ pháo và hoa đào đặc trưng trong dịp tết. Tất cả những sự vật mùa xuân đã được khắc họa vô cùng chân thật và sinh động trước mắt độc giả qua bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc mà nhà thơ Chế Lan Viên mang tới.
Không khí xuân về tươi vui là vậy nhưng nhà thơ Chế Lan Viên vẫn còn canh cánh những suy nghĩ về thế hệ đi trước, khiến cho nhịp thơ chậm và lắng đọng dần ở những khổ thơ sau:

“Nhưng lòng ơi sao không lên tiếng hát
Nhớ làm chi cảnh cũ những nghìn xưa
Lòng hỡi lòng! Kìa trời xuân bát ngát
Muôn sắc màu rạng rỡ dưới hương đưa
Hãy bảo ta: cành hoa đào mơn mởn
Không phải là khối máu của dân Chàm
Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm
Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm!
Quả dừa xanh không phải đầu chiền sĩ
Xác pháo rơi không phải thịt muôn người
Hãy bảo ta: trời xuân luôn vui vẻ
Và bảo ta: muôn vật đợi ta cười”
Nhà thơ tự đặt câu hỏi cho chính bản thân mình, tại sao không cất tiếng hát cùng cỏ cây hoa lá và những đàn chim khuyên hay bướm lượn mà lại nhơ đến cảnh cũ người xưa trong dịp vui như vậy. Chế Lan Viên còn tự gọi tâm hồn của mình hãy thức tỉnh đi, để thưởng thức được trọn vẹn “trời xuân bát ngát”, muôn màu cùng hương hoa ngọt ngào. Nhưng cuối cùng, khi nhìn lại những sự vật, nhà thơ không thấy nó còn tươi đẹp như bức tranh thiên nhiên đầu tiên nữa, mà lại chỉ thấy biết ơn, thương xót cho những gì thế hệ đi trước đã trải qua, đánh đổi để cho mùa xuân nay được rạng ngời. Chế Lan Viên muốn ai đó hãy bảo với mình rằng, cành đào tết xinh đẹp kia không phải lớn lên từ máu của dân Chàm, những người dân vô tội của ta phải bị chết oan uổng. Khi nhìn cành cây thắm nghiêng mình, nhà thơ lại liên tưởng nó giống như hài cốt của vạn quân Chiêm, nhìn quả dừa xanh nằm im trong nắng xuân lại giống với đầu của những chiến sĩ anh dũng hi sinh vì độc lập của tổ quốc và xác pháo đỏ không còn tươi vui vì giờ nhà thơ thấy nó như thịt muôn người. Tất cả mọi sự vật trong không khí mùa xuân dường như đều mang trong mình bóng hình của đất nước, mang hình dáng của cha ông đi trước. Qua những câu thơ đó có thể thấy được nhà thơ Chế Lan Viên là một người vô cùng yêu đất nước và đồng bào, vậy nên trong những dịp vui như tết, nhà thơ không chỉ biết tận hưởng niềm vui cho riêng mình mà còn nhớ lại quá khứ, biết ơn thế hệ anh dũng gây dựng nên đất nước và mang tới mùa xuân này.
Cuối bài thơ, Chế Lan Viên bộc bạch tâm trạng của bản thân mình một cách trực tiếp:
"Ta những muốn vui cười, ta những muốn
Dẹp sầu tư, ca hát đón xuân tươi
Nhưng, than ôi, xuân về trong nắng sớm
Mà lòng ta, đóng lạnh giá băng thôi!”
Nhà thơ khao khát được vui cười, hát ca đón mùa xuân tươi đẹp nhưng với tâm hồn đa sầu, đa cảm và tình yêu quá lớn đối với quá khứ và nhạy bén với sự vật xung quanh khiến cho Chế Lan Viên lòng vẫn băng giá trong nắng xuân tràn hòa.
Bài thơ Xuân về của Chế Lan Viên là một bài thơ thật đặc biệt và ý nghĩa về mùa xuân. Nhà thơ qua đây không chỉ mang tới một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp với những sự vật và ngày tết đặt trưng chỉ có trong mùa xuân, mà còn khắc họa chính nội tâm của mình về quá khứ và những người đi trước. Có thể nói nhà thơ Chế Lan Viên quả là một nhà thơ nhạy bén với tài năng sáng tác nổi bật cùng tâm hồn nhạy cảm, thi sĩ.
---------------------------------
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn bài viết Phân tích bài thơ Xuân về của Chế Lan Viên. Đây là một bài thơ nổi bật trong những tác phẩm viết về chủ đề mùa xuân của nền văn học Việt Nam.