Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

icon-time25/10/2023

Thạch Lam là một nhà văn hiện thực, nhưng cái hiện thực của ông không đau lòng như Lam Cao. Thạch Lam sử dụng những hình ảnh giản dị mà quen thuộc để nói đến những vấn đề xã hội, những khát khao của con người trong không gian chật hẹp ấy. Để tìm hiểu về phong cách đặc biệt này của tác giả, mời các em đến với bài viết phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ.


Dàn ý phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Thạch Lam và truyện ngắn Hai đứa trẻ

- Giới thiệu khái quát về nhân vật và cảnh đợi tàu trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam.

Thân bài:

- Lý do tại sao hai chị em lại ngồi đợi đoàn tàu đến:

+ Mẹ dặn các em chờ tàu về để bán hàng.

+ Thay đổi không khí ngột ngạt của nơi sống, chứng kiến khung cảnh các em coi là điểm chấm hết một ngày.

- Cảnh hai chị em trước khi đoàn tàu đến:

+ Em trai buồn ngủ, dặn chị khi tàu qua phải gọi em dậy.

+ Sự háo hức mong đợi của Liên, cảnh những chấm sáng như “ma trơi” nhưng lại được mong ngóng của đứa trẻ.

+ Liên đánh thức em, An dậy dụi mắt. Hai chị em vẫn chỉ là hai đứa trẻ hồn nhiên, dễ thương.

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

- Cảnh hai chị em khi tàu đi ngang qua:

+ Đứng dậy để nhìn đoàn tàu chạy qua cho rõ, như một nghi thức trang nghiêm vô hình xuất hiện trong tiềm thức.

+ Cuộc sống trên tàu dường như đối lập với không khí của hai chị em, bởi đó là những người đến từ Hà Nội.

+ Thắc mắc của em trai: “Tàu hôm nay không đông nhỉ?”, hai chị em ngày nào cũng ra đợi tàu qua.

+ Một thế giới trong tưởng tượng của Liên và em trai, về một thành phố hoa lệ rực rỡ ánh đèn.

- Cảnh hai chị em khi tàu đi qua:

+ Không gian lại chìm trong bóng tối yên tĩnh.

+ Tâm trạng của hai chị em chán chường, đối lập rõ ràng.

- Ý nghĩa cảnh đợi tàu: Khát khao thoát ra khỏi phố huyện nghèo nàn, ngột ngạt, quanh năm chìm trong không khí âm u và tối tăm. Con người muốn hướng tới nơi có ánh sáng, muốn thoát khỏi gông xiềng để bay xa. 

Kết bài: Khái quát lại nội dung và ý nghĩa của cảnh đợi tàu. Đánh giá về giá trị nghệ thuật và nhân đạo của truyện ngắn của Thạch Lam.


Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

Khi nhắc về tác giả Thạch Lam, Nguyễn Tuân có nói thế này: “Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. Dưới cái hình thức không những thoát khỏi khuôn sáo cũ của cách hành văn đương thời mà lại có rất nhiều đức tính sáng tạo ấy, văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời. Thạch Lam có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hàng ngày.” Có lẽ không ai hiểu một nhà văn bằng những nhà văn khác, vậy nên Thạch Lam qua lời bình của Nguyễn Tuân mới sống động như vậy! Có người nói, bạn chỉ cần đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, bạn sẽ rõ hơn về phong cách viết của ông. Chỉ cần qua đoạn trích hai chị em Liên đợi tàu qua, bạn sẽ thấy được cuộc sống qua con mắt của trẻ thơ và những khao khát của cả thời đại.

Có thể khẳng định, cảnh đợi tàu cuối truyện Hai đứa trẻ chính là nét đặc sắc, là một nét mực đỏ trên tờ giấy trắng. Bởi sau này, dù có xóa thế nào đi nữa thì nét mực đó cũng không thể xóa được, vẫn đỏ son như ngày đầu. Không chỉ là những con chữ, khung cảnh hai đứa trẻ háo hức chờ đoàn tàu qua như một tiếng gọi từ quá khứ đến những tâm hồn đang lung lay. Mà tại đó, Thạch Lam đã cho người đọc thấy được một vùng trời tuy xám xịt, nhưng đâu đó vẫn cất lên tiếng chim lảnh lót yêu đời.

Cảnh đợi tàu được miêu tả trong bối cảnh phố huyện nghèo, tẻ nhạt, buồn tẻ trong đêm khuya. Sau cảnh khu chợ, dường như không khí của truyện hạ xuống rất thấp vì đã cuối ngày, đã tàn một ngày mệt mỏi. Ấy vậy mà trên đường ấy, có những con người vẫn tất bật lo cho cuộc sống, trong đó có hai đứa trẻ bán hàng cạnh đường tàu. Hai chị em ngồi trên chiếc ghế dài ở cửa hàng trông coi mấy bao phế liệu, chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua. Phố thị đã muộn, vì chuyến tàu cuối đi ngang qua lúc 9 giờ, mẹ dặn vào giờ ấy hẵng đóng cửa hàng để kiếm chút tiền. Nhưng Liên và An không chỉ đợi tàu để kiếm thêm chút tiền, mà còn là để mong chờ một chút gì đó tươi sáng, mới mẻ trong cuộc sống tẻ nhạt của mình. Đó là con tàu đi qua, chở những vị khách lạ nhưng ai cũng giàu có, toa tàu sáng đèn, cũng sáng lên những khao khát cháy bỏng trong lòng hai đứa trẻ.

An ríu mắt, đã nằm xuống gối đầu lên đùi chị nhưng vẫn còn cố dặn với chị một câu: “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. Chỉ qua đoạn đối thoại này thôi, ta đã thấy được hai đứa trẻ mong đợi chuyến tàu này như thế nào! Có lẽ chúng ta chẳng biết được, tại sao một đoàn tàu đi qua trong thoáng chốc lại khiến cho hai đứa bé đang trong giai đoạn lớn lên mong đợi như vậy? “Liên cũng trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất, như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo gió xa xôi.” Ngọn lửa xanh biếc trong truyện chính là đèn tàu, tiếng gọi của bác Siêu đã chứng thực cho điều đó. Dường như trong không gian yên bình tĩnh lặng ấy, tiếng nói và tiếng kêu của đoàn tàu như một chiếc đồng hồ báo thức. Thứ nó thúc giục chính là sức sống, là niềm sung sướng và chờ đợi đương nhen nhóm lên trong lòng hai đứa bé. Liên nhanh chóng lay em dậy, An dụi mắt cho tỉnh rồi hai đứa trẻ háo hức chạy ra đón, như một nghi thức trang nghiêm vô tình xuất hiện trong tiềm thức. Thạch Lam cẩn thận đến mức, chỉ một chi tiết nhỏ thôi ta cũng thấy được tính cách của nhân vật. Dù gì hai chị em vẫn còn nhỏ, vẫn còn tồn tại nét thơ ngây dễ thương không bị cuộc sống và xã hội mài mòn.

Tàu dừng lại, những hành khách xuống nhưng rất ít, nhà Liên cũng không bán được hàng hóa gì. Vậy nhưng, ánh mắt của hai đứa trẻ vẫn dán lên con tàu sáng đèn, vẫn đưa theo những hàng khách đi lại. Không lâu sau đó, đoàn tàu lại kéo còi lăn bánh, tiếp tục cuộc hành trình của mình. Chỉ một giây thoáng qua đó, Liên vẫn nhìn được trên khoang tàu hạng sang sáng sủa như chẳng có bóng đêm, không như nơi phố thị nghèo nàn này. Ánh sáng trên toa tàu chiếu xuống cả mặt đường, tuy chỉ là một ranh giới nhưng như hai không gian khác nhau. 

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

Không chỉ vậy, An cũng tinh ý mà cảm thán với chị rằng: “Tàu hôm nay không đông nhỉ?”. Một câu nói ấy cũng cho người đọc rất nhiều tin tức. Hai chị em hôm nào cũng đứng ở vị trí đó, trông ngóng nhìn đoàn tàu đi qua. Chuyến tàu đêm ấy trong mắt của người chị cũng vắng hơn mọi khi, đèn cũng ít sáng hơn. Vậy thì hai đứa bé này vừa quen thuộc, vừa tinh tế thế nào mới có thể chú ý được những chi tiết ấy trên đoàn tàu chỉ trong vài ba giây? Sau đó, ta mới biết được, những người trên toa là những người ở Hà Nội. Có lẽ trong nhận thức của hai đứa trẻ, Hà Nội là nơi phồn hoa đô thị, là nơi tràn ngập ánh sáng và tiếng cười. Đó là lý do tại sao chuyến tàu “từ Hà Nội” khác biệt như thế! 

Đoàn tàu vụt qua trong chớp nhoáng, mang theo ánh sáng và tiếng ồn ào của phố phường. Nơi phố thị bị “trả lại” vẻ vốn có, xung quanh yên tĩnh, im lìm và tối tắm. Đoàn tàu vừa đi đã mang hết ánh sáng rực rỡ, cũng mang đi tiếng nói cười mà nơi đồng quê hiếm khi thấy được. “Tiếng vang động của xe hỏa đã nhỏ dần, và mất dần trong bóng tối, lắng tai cũng không nghe thấy nữa.” Nhưng thứ đọng lại trong lòng hai chị em chính là sự khao khát, hướng tới nơi có ánh sáng, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. An cũng ủ rũ hơn, chẳng háo hức như khi chờ đợi nữa mà chỉ nói với chị: “Thôi đi ngủ đi chị.” Nhưng trong lòng Liên lại là những cảm xúc không tên chưa thể đè lại, cứ nhộn nhịp trong lồng ngực chị.

Cảnh đợi tàu trong "Hai đứa trẻ" không chỉ là một bức tranh sinh động về cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện, mà còn thể hiện tâm trạng khao khát, mong chờ của hai chị em Liên. Nó tượng trưng cho một thế giới khác, một thế giới giàu sang, rực rỡ và náo nhiệt. Đoàn tàu cũng tượng trưng cho khát vọng vươn lên, khát vọng đổi đời của những người dân nghèo nơi phố huyện. Qua cảnh đợi tàu, Thạch Lam đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc đối với những kiếp người nhỏ bé, nghèo khổ nơi phố huyện. Đồng thời, ông cũng thể hiện niềm tin vào khát vọng vươn lên của con người.

Bằng lời văn giản dị nhưng tinh tế, Thạch Lam đã khai thác triệt để cảm xúc của hai chị em Liên và hình ảnh con tàu. Chuyến tàu đêm chỉ đi qua nơi huyện nghèo một chốc, nhưng lại gieo vào lòng người cả một khoảng mơ mộng khát khao. Đó cũng chính là cái nhân văn của Thạch Lam, tài năng của một nhà văn sáng tạo và nhạy cảm. Cảnh đợi tàu của hai chị em được trích trong Hai đứa trẻ cũng để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm.

Tô Quỳnh
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question